Thổ Nhĩ Kỳ lên án Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

Thổ Nhĩ Kỳ lên án TQ đàn áp người Duy Ngô Nhĩ

.

\"\"
Ảnh tư liệu: Một người Duy Ngô Nhĩ tại Thổ Nhĩ Kỳ biểu tình ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), phản đối Trung Quốc trấn áp cộng đồng thiểu số theo Hồi Giáo, ngày 06/11/2018. REUTERS/Murad Sezer

(Thụy My / RFI) – Thổ Nhĩ Kỳ tối 09/02/2019 tố cáo việc Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ là « nỗi nhục nhã cho nhân loại » và đòi hỏi đóng cửa các trại cải tạo ở Tân Cương. Đây là phản ứng mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của một quốc gia Hồi Giáo lớn, trong khi lâu nay chỉ có các tổ chức phi chính phủ lên tiếng.

Phát ngôn viên Hami Aksoy của bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố : « Chính sách đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ một cách có kế hoạch của chính quyền Trung Quốc là nỗi nhục nhã cho nhân loại. Tình trạng trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giam tùy tiện, bị tra tấn và tẩy não trong các trại cải tạo và nhà tù không còn là điều bí mật đối với bất kỳ ai nữa ».

Ông Aksoy tố cáo thêm : « Những người Duy Ngô Nhĩ không bị giam giữ trong các trại cải tạo Trung Quốc cũng phải chịu áp lực rất lớn ». Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc « chấm dứt thảm kịch nhân loại đang diễn ra tại Tân Cương ».

Trong thông cáo, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết là Abdurehim Heyit, một nhà thơ Duy Ngô Nhĩ đã bị chết trong ngục tù Trung Quốc. Người phát ngôn khẳng định: « Sự kiện bi thảm này khiến công luận Thổ Nhĩ Kỳ càng phẫn nộ hơn trước những vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Tân Cương ».

Tuần trước, nhiều tổ chức phi chính phủ như Human Rights Watch và Amnesty International đòi hỏi lập ra một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc về các điều kiện giam giữ và việc « tẩy não chính trị » đối với hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi Giáo khác tại Tân Cương.

Trước đó vào tháng Giêng, Bắc Kinh nói rằng sẽ đón tiếp các viên chức Liên Hiệp Quốc nếu họ tránh « can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ».

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thiểu số theo đạo Hồi khác như người Kazakhstan – tức gần 10% dân số Tân Cương – đang bị nhốt trong các trại cải tạo, không có bất kỳ quyền tư pháp cơ bản nào, và bị đối xử tệ hại.

Cho đến nay, các quốc gia Hồi Giáo chủ chốt vẫn chưa lên tiếng về chủ đề này, sợ ảnh hưởng đến quan hệ với đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment