Công nghệ quân sự Trung Quốc và Đại Việt

\"\"

Cuộc viễn chinh của Đại Việt Tk XV

Nguồn BBC.co.uk/vietnam 

Tổng hợp: Lê Quỳnh

Thế kỷ 15 chứng kiến Việt Nam (Đại Việt – quốc hiệu có từ thời nhà Lý) mở rộng cương vực rộng lớn chưa từng có. Sự bành trướng này bao gồm sự kiện nổi tiếng năm 1471 khi kinh đô Vijaya của Chămpa thất thủ trước quân Lê Thánh Tông, và cuộc “trường chinh” ít người biết của Đại Việt đến sông Irawaddy của Miến Điện khoảng giữa 1479 và 1484. Trong chủ đề bài viết của Sun Laichen, câu hỏi chính đặt ra là vì sao, sau hàng trăm năm đối đầu với Chămpa, Đại Việt lại có thể đánh quỵ Chămpa vào thời điểm này?

Trong số ra tháng Mười 2003, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (Journal of Southeast Asian Studies) của Đại học quốc gia Singapore giới thiệu chuyên đề về sự chuyển giao quân sự từ bên ngoài vào Đông Nam Á.

Chùm ba bài tiểu luận đặt trong chủ đề chung “Foreign military transfers in mainland Southeast Asian wars: adaptations, rejections and change.”

Trong phần giới thiệu, giáo sư Christopher E. Goscha, đại học Lyon II, viết:

“Như tại châu Âu, việc chuyển giao, thích ứng và sử dụng kiến thức và kỹ thuật quân sự nước ngoài đã đóng góp nhiều vào sự phát triển của các nhà nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ để viết về những sự chuyển giao quân sự đó tại Đông Nam Á. Sau nhiều thập niên dưới chế độ thuộc địa phương Tây, chưa kể các cuộc chiến giải phóng dân tộc ở Đông Dương và Indonesia, các kiến trúc sư quá khứ, mang quan điểm dân tộc chủ nghĩa, muốn chọn cách nhấn mạnh yếu tố ‘bản địa’ và ‘chân thật’ thay vì ngoại lai.”

“Việc đưa các đóng góp ‘phương Tây’ và ‘Hoa kiều’ vào bức tranh chung có thể gây vấn đề cho các sử gia dân tộc chủ nghĩa, những người muốn nhấn mạnh vai trò của dân tộc họ trong việc xây dựng quốc gia và quá khứ của nó.”

“Mặc dù ba bài viết ở đây lưu ý các quan tâm ‘quốc gia’ và ‘khu vực’, nhưng chúng cũng dựa trên niềm tin rằng không quốc gia hay khu vực nào là một hòn đảo – cũng như quá khứ của quốc gia đó. Bản chất tương liên của Đông Nam Á, vị trí của nó ở giao lộ các tuyến thủy-bộ chính và sự đa dạng trong văn hóa-xã hội khiến các quan niệm về sự tự chủ quốc gia và khu vực khó đứng vững. Điều này đặc biệt đúng khi ta tìm hiểu dòng lưu chuyển kiến thức và kỹ thuật quân sự nước ngoài vào Đông Nam Á lục địa.”

Trong ba bài tiểu luận, một bài của Sun Laichen xem xét sự du nhập công nghệ từ nhà Minh vào Đông Nam Á lục địa thời kì từ 1390 đến 1527. Nhìn từ phía nam, Frédéric Mantienne tập trung vào chuyển giao quân sự của Pháp vào Việt Nam trong thế kỷ 18 và đầu 19. Bài của Christopher E. Goscha tìm hiểu dòng chảy vũ khí vào Việt Nam qua các ngả đường châu Á từ 1905 đến 1954.

Bài viết của Sun Laichen, giáo sư đại học bang California, Fullerton, bao quát cả khu vực Đông Nam Á, tuy vậy trong một bài tiểu luận khác (sẽ xuất bản trong tập Vietnam: Borderless Histories, Nhung Tuyết Trần & Anthony Reid biên tập, University of Wisconsin Press, 2004), ông tập trung hẳn cho chủ đề Đại Việt. Bài viết có tựa đề “Chinese Military Technology and Dai Viet: c. 1390-1497.” Nội dung nghiên cứu này sẽ mở đầu cho loạt bài về du nhập công nghệ quân sự giới thiệu lần này.

Xin lưu ý các bài viết trình bày ở đây chỉ mang tính giới thiệu, tóm tắt nội dung chính, chứ không phải là bản dịch lại trọn vẹn văn bản gốc. Người đọc quan tâm có thể tìm đọc nguyên bản trong Journal of Southeast Asian Studies (Đại học quốc gia Singapore, tháng Mười 2003)

Thế kỷ 15 chứng kiến Việt Nam (Đại Việt – quốc hiệu có từ thời nhà Lý) mở rộng cương vực rộng lớn chưa từng có. Sự bành trướng này bao gồm sự kiện nổi tiếng năm 1471 khi kinh đô Vijaya của Chămpa thất thủ trước quân Lê Thánh Tông, và cuộc “trường chinh” ít người biết của Đại Việt đến sông Irawaddy của Miến Điện khoảng giữa 1479 và 1484. Trong chủ đề bài viết của Sun Laichen, câu hỏi chính đặt ra là vì sao, sau hàng trăm năm đối đầu với Chămpa, Đại Việt lại có thể đánh quỵ Chămpa vào thời điểm này?

Việc chuyển giao công nghệ quân sự từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có từ lâu, nhưng một diễn biến quan trọng xảy ra đầu thời Minh. Năm 1390, vua Chế Bồng Nga của Chămpa bị giết khi trúng đạn của quân nhà Trần. Loại súng được dùng để bắn vào thuyền vị vua họ Chế trước nay thường được hiểu là thần công, nhưng có lẽ nên hiểu đó là súng cầm tay. Như Momoki Shiro – đại học Osaka, Nhật Bản – chỉ ra, đó là loại vũ khí mới.

Năm 1839, Việt Nam mua con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên, sau đó là ba thuyền khác – có tên Yên Phi, Vũ Phi và Hương Phi.

Nội chiến thế kỷ 18

Mặc dù các chúa Trịnh và Nguyễn rất nhiệt tình trong việc thu lượm các súng kiểu phương Tây trong thế kỷ 17, nhưng có vẻ họ ít quan tâm đến các công nghệ liên quan việc đắp đồn lũy và đóng tàu. Việc ‘nhập khẩu’ công nghệ quân sự phương Tây chỉ trở nên đặc biệt quan trọng trong cuộc chiến Tây Sơn. Sau một chiến thắng chủ chốt của Tây Sơn năm 1773, và cái chết sau đó của hầu hết các hoàng tử nhà Nguyễn, người cuối cùng còn lại – Nguyễn Ánh – bị buộc chạy sâu vào trong đồng bằng sông Cửu Long. Trong năm 1776 hoặc 1777, vị hoàng tử trẻ làm quen với một nhà truyền giáo Pháp, Pierre Pigneaux de Béhaine (tức Bá Đa Lộc), linh mục xứ Adran, lúc đó đang sống ở Hà Tiên. Pigneaux thuyết phục vị hoàng tử nhà Nguyễn là ông chỉ có thể là đối trọng với sức mạnh Tây Sơn bằng cách sử dụng thiết bị và chiến thuật của châu Âu.

Nghệ thuật xây thành đắp lũy đã có từ rất xưa ở Việt Nam. Ngôi thành lớn xưa nhất là thủ đô của An Dương Vương tại Cổ Loa, cách trung tâm Hà Nội 15 cây số. Đến cuối thế kỷ 14, Hồ Quý Ly cho xây thành Tây Đô ở tỉnh Thanh Hóa. Trong thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông lệnh cho xây nhiều thành ở Hà Nội, Thanh Hóa, Đồng Hới. Một số thành tại Hà Nội và Thanh Hóa được dựa trên mô hình thành Trung Hoa hình vuông, còn các thành trong khu vực rừng núi xây theo mô hình rừng núi, tương tự như Vạn Lý Trường Thành. Sang thế kỷ 17, các chúa Nguyễn xây một hệ thống phòng thủ phức tạp trên vùng ranh giới giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài để chống các đợt chinh phạt của nhà Trịnh từ Đàng Ngoài. Hệ thống này gồm nhiều lũy (Trương Dực và Đồng Hới), dài khoảng 10 cây số, với một pháo đài ở Dinh Muôi, nơi tập trung bản doanh, kho thóc và bộ máy hành chính tỉnh Quảng Bình. Lũy Đồng Hới đánh dấu biên giới giữa hai vương quốc đất Việt, hiệu quả đến mức sau nhiều cuộc tấn công không thành của nhà Trịnh, hai vùng ở trong tình trạng tạm yên ắng trong một trăm năm.

Trong những thế kỷ trước đó, cả Đàng Ngoài và Đàng Trong có điểm đáng chú ý là cả hai miền đều không có những đội thuyền buôn.

Trong thế kỷ thứ sáu, các lãnh đạo địa phương chống lại sự chiếm đóng của các triều đại Trung Quốc suy thoái, nhưng đến đầu thế kỷ thứ bảy họ không có sự chống đỡ hiệu quả nào trước sự hiện diện của các nhà Tùy và Đường. Trong hai thế kỷ bảy và tám, các quan nhà Đường thành lập An Nam Đô hộ phủ ở miền Bắc Việt Nam. Đô hộ phủ là một dạng khu vực có tổ chức ở vùng biên giới tạo ra cho các khu vực chiến lược xa xôi mà cư dân là những người không phải dân Trung Quốc. Việc thiết lập An Nam Đô hộ phủ đi kèm với việc thâu thập, sát nhập giai cấp thống trị địa phương vào hệ thống phân tầng quan chức của đế chế. Chừng nào thế lực nhà Đường còn mạnh, khu vực này vẫn tương đối bình yên. Nhưng cuối thế kỷ tám và thế kỷ chín là giai đoạn bất ổn chính trị, với những thế lực địa phương tranh giành quyền lãnh đạo với tư cách là người ủng hộ hoặc chống đối chế độ nhà Đường mà ngày càng trở nên yếu kém; đến cuối thế kỷ Chín, triều đình Trung Quốc đã suy giảm ảnh hưởng đến mức chỉ còn đưa quân tiến vào khu vực với mục đích duy trì sự toàn vẹn biên giới mà thôi.

Lý Phật Mã (Lý Thái Tông, trị vì 1028-54) sinh năm 1000 và đã được chuẩn bị cẩn thận để lên làm vua. Nhiều điềm báo được gán cho lúc ông sinh ra và trưởng thành, để nói ông có một định mệnh của riêng mình chứ không đơn thuần là người kế vị cha. Thành tựu của ông là tạo ra các định chế cho triều Lý, và ông được xem là vị vua vĩ đại nhất của triều Lý cũng như là một trong những vị vua giỏi nhất trong lịch sử Việt Nam. Nghiên cứu 26 năm cai trị của ông cũng có thể xem là nghiên cứu về tiến trình phát triển của một bộ óc thông minh, phức tạp. Hơn bất kì vị vua nào khác của Việt Nam thời kì đầu lịch sử, Lý Phật Mã được các nguồn sử liệu thể hiện như một nhân cách sống động tranh luận với các cố vấn, và quan hệ giữa họ là một quan hệ khuyế́n khích lẫn nhau. Nếu Lý Công Uẩn chỉ sử dụng một niên hiệu trong những năm trị vì, Lý Phật Mã sử dụng sáu niên hiệu, mỗi cái thể hiện một giai đoạn trong sự phát triển tri thức của ông và một phong cách lãnh đạo tương ứng.

Các nguồn tư liệu Trung Quốc thể hiện Lý Nhật Tôn (Lý Thánh Tông, trị vì 1054-72) như vị vua Việt dám xem mình là hoàng đế, một điều đối với người Trung Quốc là sự thách thức trực tiếp với cái nhìn về thế giới của họ. Quan điểm Trung Hoa này có thể chỉ là một cách viết sử xuất phát từ cuộc chiến Hoa-Việt thập niên 1070, một công thức biện minh cho quyết định sau đó gửi quân chống Đại Việt. Nhưng ngay cả nếu quả tình là thế, thì vẫn có nhiều bằng chứng từ sử Việt Nam cho thấy Lý Nhật Tôn áp dụng nhiều nghi thức hoàng đế của Trung Quốc, từ việc nêu quốc hiệu, quần áo các quan, cho đến phẩm trật của quan lại, thành viên hoàng tộc và miếu hiệu cho các vua đi trước. Ngoài ra, trong thời cai trị của Lý Nhật Tôn đã diễn ra việc biên giới Hoa-Việt trở thành địa điểm đối đầu.

Phe nhà Trần cuối cùng thành công trong việc đánh bại các đối thủ và lập vương triều mới năm 1225.

Để tránh nguy cơ gia đình nhà ngoại can thiệp triều chính, các vua Trần chỉ lấy hoàng hậu từ họ Trần. Vào lúc tột đỉnh sức mạnh, các vua Trần ra quyết định tham khảo ý kiến của các chú, anh em – tạo nên sự đoàn kết trong nội bộ hoàng gia. Triều Trần bắt đầu sụp đổ khi những quy tắc đó không còn được tuân theo.

Lê Lợi, một địa chủ giàu có từ Thanh Hóa, nơi đồng bằng sông Mã, đã lập nên nhà Lê. Ông chỉ tại vị trong năm năm. Những người kế tục sau đó là con trai và cháu của ông, tất cả đều lên ngôi khi còn nhỏ và triều đình nằm trong tay các tướng lĩnh từng theo Lê Lợi trong kháng chiến chống Minh. Năm 1460, một người cháu khác của Lê Lợi, Lê Thánh Tông, lên ngôi. Thời gian ông trị vì, từ 1460 đến 1497, được nhớ như là một trong những triều đại nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Mô hình chính quyền của ông đã trở thành khuôn mẫu cho các vị vua Việt Nam trong năm thế kỷ tiếp theo. Đây là thời đại của học thuật và văn chương: các tác phẩm quan trọng ra đời và còn lại đến nay. Đó cũng là thời đại của sức mạnh quân sự, khi các cuộc chinh phục Lào và Chămpa thập niên 1470 đã mở rộng lãnh thổ. Sự nghịch lý của triều đại Lê Thánh Tông nằm ở chỗ, mặc dù nó tạo nên bộ máy chính quyền hoàn chỉnh, nhưng chỉ mười năm sau khi ông mất, triều đình đã rơi vào cuộc khủng hoảng mà nó không bao giờ còn gượng dậy nổi.

Đại Việt thời Hậu Trần – Hồ

Các quan điểm giải thích chính trước nay có thể tóm tắt như sau:

Đầu tiên, luận điểm về nông nghiệp và dân số: quan điểm này cho rằng sự tăng dân số của Đại Việt vừa tạo động lực lại vừa đem lại lợi thế cho tiến trình Nam tiến của người Việt. Chiến thắng của người Việt, tóm gọn lại, là chiến thắng của biển người.

Thứ hai, luận điểm về sự chuyển hóa Khổng giáo cho rằng cuộc xâm lược của nhà Minh năm 1406-1407 dẫn tới việc người Việt áp dụng mô hình Trung Hoa kiểu nhà Minh, đặc biệt dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460-1497), khiến nhà nước Việt Nam được chuyển hóa. Cụ thể, Đại Việt bám lấy hệ tư tưởng của Trung Hoa “văn minh đối nghịch dị chủng” và áp dụng nó trong quan hệ với Chămpa. Như lời của John K. Whitmore, một trong những chuyên gia nổi tiếng về triều Lê: “Giờ đây câu hỏi về đạo đức chiếm vai trò trung tâm và đánh dấu sự khác biệt giữa người “văn minh” và người “man di”. Sự tương đối văn hóa không còn ngự trị , và các cuộc tấn công cũng thôi không còn là các cuộc cướp phá để sau đó một hoàng tử địa phương khác được đặt lên ngôi. Giờ đây mục tiêu là đem ‘văn minh’ cho các địch quốc dị chủng.” Nói cách khác, người Việt phải chiếm vĩnh viễn Chămpa để khai hóa cho dân tộc đó.

Thứ ba, luận điểm về định chế. Nếu lý thuyết về Khổng giáo giải thích sức mạnh thể chế của Đại Việt, sự diễn giải định chế giải thích yếu kém của Chămpa. Theo Kenneth R. Hall, Chămpa là “một hệ thống nhà nước được thể chế hóa yếu ớt phụ thuộc vào các mạng lưới liên minh cá nhân để liên kết một dân số tản mác.” Kết quả là sự yếu kém thể chế cố hữu của nhà nước Chăm cuối cùng đóng dấu số phận của nó.

Thế bài của Sun Laichen có gì khác? Nghiên cứu của ông tiếp cận vấn đề từ góc độ kỹ thuật bằng cách xem xét khía cạnh công nghệ quân sự. Nó cho rằng hỏa khí lấy từ gốc Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong tiến trình tiến về miền Tây, Nam của Đại Việt trong cuối thế kỷ 15.

Vũ khí Đại Việt thời kỳ đầu

Để hiểu tầm quan trọng của chiến thắng năm 1390 của Đại Việt, cần nhớ trong suốt nhiều năm trước đó, sức mạnh của vua Chế Bồng Nga là nỗi kinh hoàng cho nhà Trần. Trong ba thập niên (1361-1390), Chế Bồng Nga thực hiện khoảng mười cuộc xâm lăng vào Đại Việt, và thủ đô Thăng Long rơi vào tay quân Chàm ba lần. Khi tướng Trần Khát Chân được cử đi chống quân Chămpa, vua tôi nhà Trần cùng khóc giữa lúc quân tiến lên đường. Giữa lúc khủng hoảng đó, thì một đầy tớ của họ Chế vì bị tội, trốn sang quân Trần chỉ cho biết thuyền của vua Chế. Tướng Trần Khát Chân cho tập trung hỏa lực bắn vào thuyền Chế Bồng Nga, Chiêm vương trúng đạn chết, quân tướng bỏ chạy. Trong tác phẩm về lịch sử Chămpa, học giả Pháp Maspero cho rằng sự phản bội của người đầy tớ Chàm đã ngừng bước tiến của quân Chàm và cứu Đại Việt khỏi sụp đổ. Tuy vậy, nếu không có kỹ thuật thuốc súng mới thu lượm, chiến thắng thủy chiến của Đại Việt, cũng như số phận vương quốc, sẽ không chắc chắn. Vì thế, năm 1390 được nhiều người xem là đánh dấu sự thay đổi trong tương quan lực lượng giữa Đại Việt và Chămpa. Có vẻ như hiệu quả của công nghệ quân sự mới của Đại Việt đóng một vai trò trong thay đổi này.

Mặc dù nguồn gốc của loại súng cầm tay của Đại Việt không được nhắc rõ, có thể suy đoán nó được học hoặc từ các thương nhân hoặc từ những binh lính đào ngũ nhà Minh trước năm 1390. Dường như việc áp dụng súng tại Đại Việt đã tăng nhu cầu về thuốc súng, giống như vào năm 1396, nhà Hậu Trần dưới sự kiểm soát của Hồ Quý Ly phát hành tiền giấy và yêu cầu nhân dân đổi lại tiền đồng, có thể một phần với mục đích thu thêm đồng để sản xuất súng.

Sự xâm lăng và chiếm đóng của nhà Minh tại Đại Việt từ 1406 đến 1427 thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ quân sự từ Trung Quốc. Nhà Minh đã huy động các vị tướng và binh lính thiện chiến nhất cho chiến dịch tấn công Đại Việt. Để đối phó với hỏa khí của Đại Việt, vua Minh Thành Tổ ra lệnh sản xuất các khiên lớn và dày. Ông ra lệnh không được để lộ kỹ thuật làm súng cho đối phương, phải bảo đảm là khi rút quân, súng “phải được đếm theo số hiệu và không để một khẩu súng nào thất lạc.” Trong số 215.000 quân Minh tham gia chiến dịch viễn chinh, khoảng 21.000 lính thuộc khẩu đội được vũ trang bằng súng.

Ngày 19 tháng 11-1406, quân Minh do Trương Phụ dẫn đầu tiến vào từ Quảng Tây, còn đội quân của Mộc Thạnh tấn công từ Vân Nam. Sau các thắng lợi ban đầu, quân Minh tổ chức đánh thành Đa Bang, thuộc Sơn Tây, là tiền tuyến của quân Hồ. Việc chiếm thành Đa Bang bộc lộ vai trò quan trọng của súng ống của quân Minh. Đa Bang là vị trí chiến lược quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống phòng thủ khi ấy của Đại Việt, và nhà Hồ tập trung quân tướng và vũ khí tốt nhất để phòng thủ nơi này. Trận tấn công bắt đầu ngày 19 tháng Giêng, 1407. Khi quân Minh dùng thang ập vào thành mà leo lên, những người lính Việt chỉ có thể bắn vài mũi tên và đạn. Sau khi vào thành, quân Minh đối diện với các đoàn voi trận. Quân Minh vẽ hình sư tử trùm lên ngựa để làm voi sợ, và đặc biệt, nhóm quân súng thần cơ đóng vai trò quyết định cho thắng lợi của quân Minh. Các đoàn voi trận Đông Nam Á vốn vẫn là đối thủ đáng gờm trước quân Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, nhưng trước hỏa lực mạnh của đối phương, voi đành bỏ chạy. Khi Đa Bang vỡ, quân nhà Hồ không còn ngăn được đà tiến về miền đông và nam của quân Minh. Ngày 20 tháng Giêng, Đông Đô (Thăng Long) sụp đổ, và sáu ngày sau, Tây Đô (vùng Thanh Hóa) cũng rơi vào tay quân viễn chinh.

Trong các trận chiến sau đó, súng của quân Minh cũng chứng tỏ hiệu quả. Ngày 21 tháng Hai, trên Lục giang, quân Minh huy động thủy – lục quân với nhiều loại súng, tấn công 500 chiến thuyền của Hồ Nguyên Trừng, giết chết hơn 10.000 lính Việt. Một nguồn sử Trung Hoa mô tả trận chiến là “súng bắn ra như sao rơi, sét đánh.” Đầu tháng Năm 1407, một trận lớn diễn ra ở bến Hàm Tử, Hưng Yên. Nhà Hồ huy động lực lượng đáng kể (70.000 quân) và nhiều chiến thuyền kéo dài trên sông đến năm cây số. Mặc dù quân Hồ cũng sử dụng súng chống trả, nhưng hỏa lực quân Minh vẫn đủ sức tạo chiến thắng, với 10.000 lính Việt tử trận. Ngày 16-17 tháng Sáu 1407, quân Minh kết thúc chiến dịch với việc bắt sống Hồ Quý Ly và các con. Chiến thắng nhanh chóng khiến tướng Hoàng Phúc bình luận: “Thành công nhanh chóng thế này chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ.”

Đại Việt dưới thời Hồ Quý Ly đã chuẩn bị cho khả năng bị xâm lăng từ sớm, và huy động một lực lượng quân đội lớn chưa từng thấy. Tuy vậy, chế độ nhà Hồ sụp đổ nhanh chóng. Lý do, bên cạnh các yếu tố khác như bất mãn của tầng lớp quý tộc và dân chúng trong nước, sai lầm chiến lược, còn là ưu thế quân sự, bao gồm súng đạn, của nhà Minh.

Đại Việt áp dụng kỹ thuật súng

Tuy nhiên, quân Minh dần dần đánh mất ưu thế công nghệ này vì đối phương của họ, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, cướp ngày càng nhiều vũ khí của quân Minh trong các trận đánh năm 1418, 1420, 1421, 1424 và 1425. Ví dụ như trận Ninh Kiều cuối năm 1426. Trước đó, quân Minh ở Đông Quan (Thăng Long) đã sử dụng súng để chống đỡ đợt vây ráp của quân Lê Lợi. Người Việt rút lui, và quân Minh đuổi theo. Khoảng 100.000 quân Minh do Vương Thông và các tướng khác dẫn đầu bị phục kích và chịu thất bại thảm hại. Điều quan trọng cho chủ đề ta đang bàn ở đây là trong số quân Minh có 510 người lính thuộc đơn vị quân súng thần cơ. Vì thua trận, quân Minh mất gần hết vũ khí. Sau khi lui về Đông Quan, họ buộc phải tái sản xuất súng đạn, sử dụng chất liệu đồng từ việc phá hủy chuông Quy Điền và vạc Phổ Minh (được gọi là hai trong số bốn tứ bảo của Việt Nam).

Chiến thắng Ninh Kiều có hai tầm quan trọng cho quân Lê Lợi. Thứ nhất, đây là lần họ thu được nhiều nhất súng ống của quân Minh, khiến trang bị được tăng cường. Thứ hai, trận đánh là điểm bước ngoặt trong phong trào chống Minh của Đại Việt. Đến tháng 12-1426, Lê Lợi đã đưa quân ra vây Đông Quan.

Ngoài ra, những tù binh và hàng tướng quân Minh cũng dạy lại cho người Việt các kỹ thuật quân sự. Trong số hàng binh, có lẽ viên sĩ quan có tên Cai Fu là nhân vật cao cấp nhất. Ông ta đã đóng vai trò lớn giúp quân Minh chiếm thành Đa Bang năm 1407, nhưng đến đầu năm 1427, ông đầu hàng và dạy cho quân của Bình Định Vương Lê Lợi các kỹ thuật đánh thành mà sau đó sẽ dùng để lấy Xương Giang và Đông Quan.

Các loại vũ khí, thu được hay chế tạo mới, đã giúp quân Đại Việt đánh đuổi quân Minh. Điều này đặc biệt thể hiện trong việc vây thành Xương Giang, có lẽ là cứ điểm quan trọng nhất của quân Minh đầu năm 1427. Quân Minh dựa vào đây để hỗ trợ Đông Quan trong lúc chờ viện binh từ Trung Quốc. Vì thế, quân Đại Việt quyết chiếm lấy Xương Giang trước khi viện binh Trung Quốc đến từ Vân Nam. Lê Lợi đã vây thành này hơn sáu tháng, nhưng vẫn chưa đánh được. Khoảng hai ngàn lính Minh đã dùng súng và máy bắn đá để bảo vệ thành phố. Cuối cùng, khoảng 80.000 chiến binh Đại Việt đã cướp được thành bằng cách dùng những kỹ thuật học từ người Trung Quốc. Đại Việt sử ký toàn thư chép quân Lê Lợi “mở đường đánh nhau với giặc, dùng câu liêm, giáo dài, nỏ cứng, tên lửa, súng lửa, bốn mặt đánh vào, thành cuối cùng bị hạ.” Giống như việc quân Minh chiếm thành Đa Bang năm 1407 báo hiệu nhà Hồ sụp đổ, việc Xương Giang vỡ cũng báo hiệu ngày tàn của quân Minh. Nếu không có hỏa lực hạng nặng, gần như không thể có chiến thắng của quân Đại Việt. Hai mươi năm sau khi Đa Bang sụp đổ, quân Đại Việt giờ đây được vũ trang tốt hơn với các loại súng mà nhiều trong đó lấy của quân Minh.

Chiếm được Xương Giang, quân Đại Việt cướp thêm được nhiều vũ khí, và họ chiếm thêm được nhiều hơn nữa khi cuối năm 1427, quân Đại Việt đánh bại 150.000 viện binh nhà Minh. Đại Việt sử ký toàn thư chép là số vũ khí mà quân Lê Lợi lấy từ viện quân nhiều gấp đôi số lượng lấy được từ Xương Giang. Khi hơn 80.000 quân và thường dân nhà Minh cuối cùng rút khỏi Đại Việt tháng Giêng 1428, chắc chắn số binh lính Minh đã bi tước vũ khí. Số lượng vũ khí cũng như người Minh còn ở lại Đại Việt sau khi quân Minh rút lui đã gây lo ngại lớn cho triều đình phương Bắc. Nhà Minh liên tục đòi Đại Việt trao trả các quan binh, và vũ khí. Về vũ khí, mặc dù chính thức thì bảo đã trả hết, nhưng Đại Việt không trả lại món nào và cuối cùng triều Minh phải từ bỏ yêu sách.

Tuy vậy, cần nói rằng Đại Việt không chỉ du nhập công nghệ quân sự mà cũng xuất khẩu một số kỹ thuật ưu việt sang Trung Quốc.

Sau khi nhà Minh chiếm Đại Việt năm 1407, họ thu lấy một loại mũi tên của người Việt (shen qiang), có thể dịch ra là “thần tiễn”. Kỹ thuật này sau đó được Trung Quốc thu nhận cho loại súng ngắn vào năm 1415.

Đóng góp của người Việt

Ngoài ra, thiết bị gảy cò súng ngắn, làm ít nhất từ năm 1410 trở đi, được cải tiến ở chỗ, thay vì một lỗ nhỏ nơi chêm kíp nổ vào, thì bây giờ là một khe hình chữ nhật có nắp thêm vào phần đằng sau của nòng súng ngắn. Nhờ thế thuận tiện hơn khi kích hoạt thuốc súng trong khe và chiếc nắp thì che cho khỏi ướt thuốc súng trong những ngày mưa. Người ta đoán rằng thiết bị này có thể được người Việt sáng chế vì mô hình đầu tiên được làm năm 1410 sau khi nhà Minh xâm lược Đại Việt, và còn vì khí hậu nhiệt đới ở Đại Việt có lẽ đã khuyến khích tạo nên sáng chế này.

Theo lệnh của vua Minh, những tù binh Việt Nam giỏi làm súng được đưa về thủ đô Nam Kinh cùng với các thợ thủ công khác. Khoảng 17.000 người Việt được đưa về Trung Quốc, trong đó có Hồ Nguyên Trừng (tên tiếng Hoa là Li Cheng). Nguyên Trừng, con trưởng Hồ Quý Ly, là người phụ trách quân cơ dưới triều Hồ. Nhờ giỏi làm vũ khí, ông thoát cảnh tù tội, được vua Minh phong đến chức Công bộ Thị Lang. Khi Nguyên Trừng qua đời ở tuổi 73, con trai ông lại tiếp tục chế tạo vũ khí cho nhà Minh cho đến khi về hưu năm 1470. Cho mãi đến năm 1489, con cháu của những người này vẫn còn đang phục vụ trong triều Minh.

Trong bộ Minh Sử, hoàn thành năm 1739, có một đoạn văn nổi tiếng: “Đến thời Minh Thành Tổ, Giao Chỉ được bình định, kỹ thuật làm súng được học, một tiểu đoàn hỏa khí được đặc biệt thành lập để rèn luyện vũ khí.” Đoạn văn đã khiến nhiều người sau này tin rằng người Trung Quốc, sau khi xâm lăng Đại Việt năm 1406, đã học công nghệ hỏa khí từ người Việt. Theo tác giả Sun Laichen, vấn đề thực sự là Trung Quốc đã học thêm một số kỹ thuật mới, chứ không phải công nghệ thuốc súng, từ Đại Việt. Bộ Minh Sử có vẻ lấy thông tin từ quyển sách của Shen Defu. Theo Shen: “Triều đại chúng ta sử dụng hỏa khí để đánh rợ phương bắc, và hỏa khí này là vũ khí tốt nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, những kỹ thuật bản địa chỉ thu được khi Minh Thành Tổ bình định Giao Chỉ. Triều ta đã dùng viên tướng quốc Nguyên Trừng làm việc tại Công Bộ, phụ trách việc sản xuất các vũ khí của người Việt, và mọi kỹ thuật đều đã được nắm bắt.”

Đại Việt mở rộng về miền Tây, Nam

Dưới triều Lê Thánh Tông (1460-97), Đại Việt bước vào giai đoạn củng cố nội địa và bành trướng lãnh thổ nhanh chóng. Tháng Ba 1471, kinh đô Chà Bàn (Vijaya) của người Chàm thất thủ. Theo sử Việt Nam, hơn 30.000 người Chàm bị bắt, trong đó có vua Trà Toàn, trong lúc 40.000 người Chàm chết. Về phía người Chàm, không có bằng chứng cho thấy họ từng sử dụng hỏa khí. Một phái viên Trung Quốc đến Chămpa năm 1441 kể lại những người lính Chàm gác nơi tường thành chỉ mang theo giáo bằng tre. Một quyển từ điển Hoa-Chàm thế kỷ 15, trong phần từ vựng về vũ khí, chỉ cho người ta thấy các loại thông dụng như giáo mác. Cho mãi đến thập niên 1590, một quan sát của người Bồ Đào Nha còn viết là tuy người Chàm đã có súng, nhưng họ lại phải thuê nô lệ nước ngoài để sử dụng.

Sau khi Đại Việt đánh hạ Chămpa, nhiều láng giềng phía Tây bắt đầu gửi cống phẩm. Thế rồi năm 1479, Đại Việt tấn công thêm Ai Lao, Muong Phuan, Lan Sang. Năm 1480, quân nhà Lê lấn chiếm Nan, khu vực khi đó thuộc Lan Na. Cuối cùng, quân Đại Việt tiến xa lên đến sông Irrawaddy ở vương quốc Ava (thuộc Miến Điện ngày nay). Năm 1485, Đại Việt đưa thêm Melaka vào danh sách các nước nộp triều cống, cùng Chămpa, Lang Sang, Ayudhya và Java. Sự lớn mạnh của Đại Việt trong nửa đầu thế kỷ 15 có thể có một nguyên nhân quan trọng: đó là công nghệ vũ khí mà họ học được.

Sau triều vua Lê Thánh Tông, người Việt tiếp tục sử dụng hỏa khí với cường độ cao, tuy là kể từ đầu thế kỷ 16, các loại súng chủ yếu được sử dụng trong các cuộc tranh giành nội bộ, thay vì chống lại bên ngoài. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, các loại súng được dùng thường xuyên bởi cả hai lực lượng Mạc và Trịnh trong các năm 1530, 1555, 1557, 1578, 1589, 1591, 1592, 1593.

Từ nửa đầu thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 19, trong phân tranh Trịnh-Nguyễn, trận Tây Sơn đánh Thanh, phân tranh Nguyễn-Tây Sơn, mặc dù người Việt vẫn sử dụng các thuật ngữ gốc tiếng Hoa để chỉ các loại hỏa khí, nhưng các loại súng kiểu Trung Quốc dần dần nhường chỗ cho kỹ thuật Tây phương. Tuy vậy, chúng vẫn không biến mất hoàn toàn. Cần nói là kỹ thuật quân sự Tây phương sau này du nhập vào Việt Nam không phải trong một khoảng chân không, mà nó được hình thành từ lớp nền Hoa-Việt từ trước đó. Cũng đáng lưu ý là người Việt, khác với nhiều nước Đông Nam Á khác như Miến Điện, có khuynh hướng không dựa vào quân đánh thuê mà vào quân bản địa. Kỹ năng hỏa khí thuần thục của người Việt có lẽ đã khiến cho việc thuê mướn thành không cần thiết.

Kết luận

Hỏa khí Trung Quốc như vậy đã vào Đại Việt khoảng năm 1390, hơn 120 năm trước khi Melaka rơi vào tay người phương Tây (Bồ Đào Nha) năm 1511. Việc chuyển giao công nghệ lại được thúc đẩy với việc chiếm đóng của quân Minh thời kì 1406-1427. Quân Minh, nhờ một phần vào ưu thế hỏa khí, đã chinh phục Đại Việt – một thành tích mà sau này không còn triều đại Trung Quốc nào lặp lại được. Tuy vậy, ưu thế hỏa khí này sau đó đã bị người Việt học hỏi và góp phần vào cuộc đánh đuổi người Minh ra khỏi Đại Việt.

Trao đổi văn hóa diễn ra hai chiều và điều này cũng áp dụng cho sự lan truyền công nghệ quân sự giữa Trung Quốc và Đại Việt. Mặc dù Đại Việt ban đầu học công nghệ thuốc súng từ Trung Quốc, người Việt cũng xuất khẩu một số kỹ thuật sang vùng đất Bắc.

Các nhà nước và dân tộc phát triển và suy thoái vì nhiều lý do. Sự sụp đổ của Chămpa có nhiều nguyên nhân, và công nghệ thuốc súng có thể là một trong nhiều yếu tố đó. Nửa cuối thế kỷ 15 là thời đại vàng son của Đại Việt, đặc biệt về mặt bành trướng ra nước ngoài. Về phía nam, Đại Việt đè bẹp Chămpa sau mấy trăm năm đối đầu để rồi từ đó trở đi Chămpa không còn sức mạnh, khiến tính chất địa chính trị của khu vực Đông Nam Á lục địa thay đổi nhiều. Về hướng tây, Đại Việt không chỉ bình ổn vùng biên giới với các dân tộc Thái, mà còn tiến lên cả sông Irrawaddy ở Miến Điện cuối thập niên 1470. Kết quả là các vương quốc ở mạn bắc của Đông Nam Á lục địa gồm Lan Sang, Chiang Mai, Sipsong Panna và Miến Điện lo ngại, đến cả nhà Minh cũng thấy cần báo động.

Có thể cho là Đại Việt đã mượn, lĩnh hội và nội hóa công nghệ quân sự Trung Quốc và dùng nó cho mục đích của mình, trong lúc Chămpa, vì những lý do chưa rõ ràng, lại không học công nghệ này và hứng chịu hậu quả. Các vương quốc khác tại Đông Nam Á, mặc dù cũng thu lấy công nghệ thuốc súng, nhưng áp dụng nó không hiệu quả như Đại Việt thế kỷ 15.

Phụ lục 1 : Chuyển giao quân sự:Trường hợp nhà Nguyễn

Đáng lưu ý là ngay cả người Pháp, cho đến trước năm 1816-1818, còn chưa dùng tàu hơi nước cho các sứ mạng thương mại. Đến cuối thập niên 1820, các hạm đội Anh và Pháp mới đặt hàng các tàu hơi nước đầu tiên.

Trong khu vực, đến thập niên 1830, vua Rama III của Thái Lan mới quyết định chỉ dùng toàn mô hình châu Âu cho hạm đội nhà nước Thái. Tức là trong khi người Thái mới bắt đầu nói về tàu kiểu Tây phương, thì Việt Nam đã mua tàu chạy bằng hơi nước.

Đây là một trong vài ví dụ nêu ra trong bài viết của Frédéric Mantienne, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á (Đại học quốc gia Singapore, số tháng Mười 2003).

Frédéric Mantienne, làm việc tại Laboratoire Péninsule Indochinoise thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ, Paris, là tác giả quyển “Les relations politiques et commerciales entre La France et la Peninsule Indochinoise” (2001). Quyển sách nói về quan hệ trong thế kỷ 17-18 giữa Pháp và các nước thuộc bán đảo Đông Dương và các vùng phụ cận: Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Miến Điện.

Tiếp tục loạt bài giới thiệu các nghiên cứu mới về chuyển giao quân sự từ ngoài vào Việt Nam, chúng tôi xin tóm tắt nội dung chính bài viết của Frédéric Mantienne có tựa đề “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late 18th and early 19th centuries: The case of the Nguyễn.”

Bước ngoặt bắt đầu với chuyến đi của Pigneaux đến Pondicherry và sau đó là đến Pháp giữa năm 1785 và 1789. Ở đó vị cha xứ ký một hiệp ước quân sự với triều đình Pháp nhân danh Nguyễn Ánh. Nhưng cuối cùng ông không thuyết phục được triều đình Pháp thực thi hiệp ước. Dẫu vậy, ông linh mục cũng quyên đủ tiền và khiến người Pháp đủ quan tâm tới tương lai Nguyễn Ánh để tập hợp nhiều chuyến hàng vũ khí, đạn dược xuất xứ từ Pondicherry và Mauritius. Nhiều thuyền lớn cập cảng tại Đàng Trong và được Nguyễn Ánh thuê cùng với thủy thủ đoàn, cùng một số sĩ quan Pháp được giáo sĩ thuyết phục tham gia. Đa số những người Tây phương này là thủy thủ, nhưng có hai người là chuyên viên quân sự quen thuộc với đạn pháo và các kỹ thuật xây đồn lũy. Trước nay nhiều người thường khẳng định có tới khoảng 400 người Pháp phục vụ trong quân đội Nguyễn Ánh, nhưng con số này đã bị phóng đại nhiều. Dựa trên các nguồn tư liệu của Pháp đương thời, theo Frédéric Mantienne, ta có thể cho rằng có không quá 100 người Pháp tại Đàng Trong̣ trước năm 1792, và sau năm đó thì chỉ còn vài người ở lại – khoảng 12 sĩ quan và một số lính tráng. Trong những năm 1799-1802, khi chiến tranh ở giai đoạn ác liệt nhất, chỉ còn sáu sĩ quan hải quân còn ở lại Đàng Trong. Vì thế không thể nói tự thân những người Pháp một tay thay đổi chiến cuộc. Tuy nhiên, họ đã dạy lại cho quân đội Nguyễn Ánh các kỹ thuật mới và chia sẻ kỹ thuật tác chiến mà cho phép quân thủy bộ nhà Nguyễn trở thành đối trọng của quân Tây Sơn.

Các công nghệ châu Âu trong việc đắp đồn lũy và đóng tàu trong mấy thập niên cuối của thế kỷ 18 đã kéo dài trong thời gian sau đó trong lịch sử Việt Nam. Chúng tiếp tục được áp dụng và cải tiến trong thời Gia Long, Minh Mạng và Thiệu Trị. Bài viết của Frédéric Mantienne chủ yếu tập trung vào ba triều đại này.

Xây đồn lũy

Như thế nghệ thuật xây thành đắp lũy của người Việt khi ấy chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn của Trung Quốc, theo hình vuông hoặc chữ nhật. Sau khi chiến tranh Trịnh-Nguyễn chính thức chấm dứt năm 1672, có ít bằng chứng để nói có các đợt xây dựng mới nhằm mục đích quân sự. Tuy nhiên, đến thế kỷ 18, cuộc chiến Tây Sơn làm sống lại tầm quan trọng của việc xây thành, với các bên đối nghịch thực thi các cuộc vây thành và xây đồn lũy mới. Tây Sơn củng cố thành đô của họ ở Chà Bàn, gần cảng Thị Nại, phía bắc Quy Nhơn. Trong lúc đó, Nguyễn Ánh biến Sài Gòn thành thủ đô; thành phố và khu vực xung quanh nó được biết đến với tên Gia Định. Cứ mỗi mùa xuân, Tây Sơn đưa đại quân và thuyền chiến đánh tràn vào Gia Định. Lực lượng Nguyễn Ánh liên tục bị đánh bại, và vị lãnh đạo có lúc phải bôn tẩu cả ra nước ngoài.

Đến tháng Bảy 1789, Bá Đa Lộc trở về Sài Gòn từ Pháp. Một trong các bước đầu tiên của Nguyễn Ánh là yêu cầu các sĩ quan Pháp dựng đề án, và giám sát việc xây đắp, một tòa thành hiện đại theo kiểu châu Âu tại Sài Gòn. Đề án do Theodore Lebrun và Victor Olivier de Puymanel lập ra, và 30.000 người được huy động để xây thành. Thành này làm bằng đá; chu vi khoảng 4.176 mét. Sébastien Le Prestre (1633-1707), bá tước xứ Vauban, đã xây dựng, tái thiết hơn 300 thành lũy tại Pháp và các ý tưởng của ông về việc xây thành được châu Âu áp dụng trong hơn một thế kỷ. Và thành Sài Gòn được xây dựa trên mô hình Vauban. Tuy vậy, thành này lại thường được mô tả như có phong cách ‘Trung Quốc’, xây hình bát giác, với tám cổng thành. (Trong bài viết, Frédéric Mantienne sử dụng hai tấm bản đồ Sài Gòn làm năm 1799 và 1815, cộng thêm quan sát của người nước ngoài để chứng minh thành Sài Gòn được xây dựa trên mô hình châu Âu.)

Tòa thành Sài Gòn đóng vai trò quan trọng cho Nguyễn Ánh; khi nó hoàn thành năm 1790, ông có một cứ địa vững tại miền Nam, và từ thời điểm đó, quân Tây Sơn không còn có thêm nỗ lực chiếm Sài Gòn nữa. Việc xây thành cho phép Nguyễn Ánh bắt đầu không chỉ nghĩ đến việc phòng thủ mà cả tái chinh phục; vì như đoạn sau sẽ trình bày, việc phòng thủ dựa trên gạch đá, nhưng cũng dựa vào gió mùa, tức thủy quân. Ta cần nhớ mỗi năm thủy quân của Nguyễn Ánh thường rời Gia Định và hướng về bắc trong tháng Sáu-Bảy – khi gió mùa thổi từ mạn tây nam – để gia nhập lực lượng lục quân đóng trên lãnh địa Tây Sơn và tổ chức tấn công. Khi gió đổi hướng, thủy quân buộc phải quay về nam, sử dụng gió thổi từ mạn đông bắc.

Năm 1794, sau một chiến dịch thành công ở Nha Trang, thay vì quay về nam trước lúc gió mùa chuyển hướng, Nguyễn Ánh lại xây một thành ở Diên Khánh, gần Nha Trang. Được de Puymanel xây, tòa thành do hoàng tử Cảnh, con Nguyễn Ánh, trấn thủ với sự giúp đỡ của linh mục xứ Adran và de Puymanel. Quân Tây Sơn vây thành tháng Năm 1794, nhưng không chiếm được. Ngay sau khi cuộc bủa vây kết thúc, quân nhà Nguyễn từ Sài Gòn quay lại Nha Trang và tái tục hoạt động quân sự ở khu vực này. Lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh bắt đầu, quân Nguyễn Ánh có thể ở lại trong mùa thời tiết xấu tại một khu vực mà trước đó vẫn thuộc Tây Sơn. Vì thế các thành Sài Gòn và Diên Khánh đóng vai trò rất quan trọng trong thành công của Nguyễn Ánh. Tầm quan trọng không hẳn mang tính quân sự – mặc dù trận vây Diên Khánh là một trận lớn – mà chủ yếu mang tính tâm lý: Sài Gòn có vị trí như một đại bản doanh mạnh, còn Diên Khánh là cái gai ngay trong da thịt Tây Sơn.

Đến khi chiến tranh kết thúc và Gia Long thống nhất Việt Nam (theo nghĩa một Việt Nam về mặt địa lý mà ta biết hiện nay), chỉ mới có hai tòa thành được xây dưới sự giám sát của người Pháp. Nhưng rõ ràng Gia Long và Minh Mạng tin tưởng tính hiệu quả của chúng, vì thời kì hòa bình sẽ chứng kiến việc xây cất 32 tòa thành kiểu Vauban trong năm 1802 đến 1844: 11 thành dưới thời Gia Long, 20 dưới thời Minh Mạng và một khi Thiệu Trị lên ngôi. Các thành mới trải dài từ bắc đến nam, từ Cao Bằng đến Hà Tiên.

Tuy vậy, dưới thời Minh Mạng, hình thù các tòa thành mới xây được chuyển sang hình vuông hoặc chữ nhật, với bốn tòa tháp ở các góc mà thôi. Thành Sài Gòn là một ví dụ: Xây năm 1790 theo mô hình Vauban, nó bị phá bỏ năm 1835 sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi. Ngay sau đó, Minh Mạng cho xây thành mới, lần này có thiết kế giản dị hơn, hình vuông với chỉ bốn tháp canh.

Liệu có thể kết luận mô hình châu Âu đã bị từ bỏ để thay bằng hình mẫu Trung Hoa truyền thống? Có người đã khẳng định khi không còn sự trợ giúp của các cố vấn châu Âu, những kỹ sư Việt Nam không còn có thể xây theo các mô hình châu Âu và điều này giải thích cho sự trở lại của mô hình cổ điển Trung Hoa. Thế nhưng một điều thú vị ở đây: các thành mới xây dựng sau năm 1822 thực tế được thiết kế theo các cải tiến mới nhất trong việc xây thành đang diễn ra tại châu Âu vào lúc đó. Cũng lấy ví dụ từ thành Sài Gòn xây lại năm 1836: nó có hình thức chữ nhật, với các tháp canh lớn ở bốn góc. Các tháp canh bên ngoài, tiêu biểu cho mô hình Vauban từ thời các cỗ pháo có tầm bắn ngắn hơn, đã không còn được dùng. Vẻ ngoài của thành rất giống các pháo đài xây tại Pháp dưới thời Đệ nhất đế chế (1804-1814). Nó nhắc người ta về pháo đài Liédot trên bờ biển Thái Bình Dương và đa số các pháo đài được xây sau đó, gồm cả các pháo đài quanh Paris sau năm 1840. Trong thập niên 1830 và 1840, cũng các pháo đài, thành lũy kiểu tương tự được xây tại cả Việt Nam và châu Âu. Các kỹ sư Việt Nam, tưởng như phải đơn giản hóa cách xây kiểu Vauban vì nó phức tạp quá, hóa ra lại đi theo những kỹ thuật tân tiến nhất của châu Âu.

Một ví dụ khác của việc áp dụng kỹ thuật mới được Finlayson cung cấp. Ông này đến thăm Huế năm 1822 và ngạc nhiên về tòa thành, lúc đó đang xây dở dang. Ông viết: “Phần bờ tường này đã được xây xong, rất hoàn chỉnh. Nhưng vị vua đương thời Minh Mạng không hài lòng với các nguyên tắc Vauban. Ông xây các lỗ châu mai theo một đề án của riêng ông. Trật tự của chúng đổi ngược lại, tức là càng tiến về hào thì các lỗ châu mai càng hẹp hơn, và càng hướng về thành lũy thì chúng rộng ra.”

Cả hai ví dụ trên biểu lộ rằng các kỹ sư của Minh Mạng nắm vững các diễn biến mới nhất trong nghệ thuật xây thành ở châu Âu và áp dụng ngay vào Việt Nam. Chúng ta có thể nghĩ rằng thông tin mới đã được cung cấp bởi Jean-Baptiste Chaigneau, một trong hai sĩ quan hải quân ở lại Huế sau khi chiến tranh chấm dứt, vì ông quay lại Pháp năm 1819 và hai năm sau trở lại Việt Nam. Người ta biết ông mang về nhiều quyển sách do Gia Long đặt mua, gồm các nghiên cứu khoa học kỹ thuật mới nhất. Vai trò của Chaigneau trong việc cung cấp các sách mới nhất được thể hiện qua việc các tòa thành do Gia Long xây (trước lú Chaigneau đi Pháp năm 1819) được xây theo kiểu Vauban, nhưng khi ông quay lại Việt Nam dưới thời Minh Mạng, tất cả các tòa thành mà người ta còn giữ được bản vẽ đều theo kiểu hình vuông.

Tòa thành Sài Gòn được xây dưới sự hướng dẫn của Puymanel và Lebrun, còn Diên Khánh có sự chỉ đạo của Puymanel. Hai sĩ quan này rời Việt Nam ngay trước khi chiến tranh kết thúc. Khi Gia Long bắt đầu xây thêm thành sau năm 1802, chỉ còn bốn người Pháp có mặt ở Việt Nam – một bác sĩ và ba sĩ quan hải quân – và không có bằng chứng để nói họ liên quan việc xây các thành mới. Các tài liệu còn lại xác nhận các kĩ sư Việt Nam tự mình vẽ đồ án và giám sát việc thi công. Họ đã được Lebrun và Puymanel dạy nghệ thuật xây thành kiểu Vauban, và họ cũng có các quyển sách và bức tranh do cha xứ Adran dịch lại. Chắc chắn chúng được dùng để huấn luyện các kĩ sư người Việt. Một quân đoàn đặc biệt cũng được thành lập để xây cất và bảo dưỡng các thành mới; việc tạo ra ‘văn phòng’ Giám thành (coi sóc thành) chứng tỏ tầm quan trọng mà Gia Long dành cho vấn đề này.

Việc giới thiệu các nguyên tắc Vauban vào Việt Nam cuối thế kỷ 18 tạo nên thay đổi lớn trong nghệ thuật xây thành của người Việt. Mặc dù các kỹ sư Việt Nam được người Pháp truyền dạy, nhưng sau đó họ tự mình quản lý việc xây thành không cần nước ngoài giúp. Theo Frédéric Mantienne, lúc đó các tòa thành ở Việt Nam được xem là độc đáo tại châu Á, tính cả các thuộc địa của phương Tây. Các kỹ sư Việt Nam biến đổi kỹ thuật học được cho phù hợp môi trường địa phương và nắm bắt những diễn biến mới tại châu Âu. Từ cuối thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 19, họ áp dụng các kỹ thuật tiên tiến châu Âu vào lĩnh vực xây thành. Để so sánh, viên tùy viên Pháp tháp tùng đoàn quân Anh-Pháp tấn công Trung Quốc năm 1860 đã xem xét cách phòng thủ ở các thành lũy và các pháo đài bảo vệ Thiên Tân. Ông ghi lại rằng người Trung Quốc vẫn còn ở trình độ thô sơ trong việc xây thành, chưa chắc tương đương châu Âu thời Trung Cổ trong việc phòng thủ và tấn công các điểm dinh lũy.

Sau cuộc chiến Tây Sơn, các tòa thành kiểu châu Âu xây trong thời bình trở thành biểu tượng, và là dinh cơ, của quyền lực vương triều, vì đại diện cấp tỉnh của triều đình sống trong đó. Chắc chắn mạng lưới thành lũy khắp toàn quốc đã giúp nhà Nguyễn củng cố chế độ mới vì thành lũy là công cụ giúp đẩy lui các cuộc nổi loạn nổ ra. Nhà Nguyễn hiểu rõ công dụng của thành lũy trong việc xây dựng một nhà nước tập trung hùng mạnh – một điều mà các vương triều châu Âu từ lâu đã biết

Viết trong thế kỷ 17, Alexandre de Rhodes ghi nhận là người Việt tại Đông Kinh không bao giờ đi buôn ra ngoài địa phận vương quốc, vì nhiều lý do. Đầu tiên, họ không nắm vững nghệ thuật xác định phương hướng trên đại dương và chỉ tham dự các trao đổi dọc bờ biển. Thứ hai, thuyền của họ không đủ chắc để ra biển lớn.Cuối cùng, nhà cầm quyền không cho phép con dân được ra khỏi vương quốc.

Thủy quân và việc đóng thuyền

Ngoại trừ việc ra biển của các đoàn thuyền nhỏ, chúng ta có ít bằng chứng cho thấy các tàu Việt Nam đến các nước khác. Nếu có thuyền ra ngoài, thì cũng không rõ thuyền đó thuộc về người Hoa hay người Việt. Dù vậy cũng có các thuyền nhỏ đi từ Đàng Trong đến Xiêm trong thế kỷ 17, đưa thương nhân Việt Nam dưới lớp vỏ sứ thần đến triều đình vương quốc Ayudhya. Năm 1682, một cha xứ Pháp và hai thương nhân Anh thuê một tàu đánh cá nhỏ của người Việt và thuê một thủy thủ Bồ Đào Nha chở họ đi từ Đông Kinh đến Ayudhya. Dẫu vậy, việc một chiếc thuyền Việt Nam đến Xiêm được các cha xứ tường thuật như là một sự kiện ngoại lệ.

Hai thực thể Việt Nam – Đông Kinh và Đàng Trong – cùng chung một điểm là cả hai đều không trực tiếp tham dự vào mọi hình thức buôn bán ra ngoài nước: tất cả nhập khẩu các sản phẩm đưa đến các cảng Việt Nam bởi thương nhân nước ngoài trên các tàu nước ngoài. Hàng xuất khẩu được chở đi cùng một cách thức như vậy. Đa số ngoại thương vì thế phụ thuộc vào thiện chí và quyền lợi của các nhân tố nước ngoài, dù là người Hoa hay châu Âu.

Ngược lại, hạm đội quân sự của hai miền lại mạnh cả về kích thước lẫn chất lượng. Việc đánh bại một hạm đội do Công ty Đông Ấn Hà Lan gửi đi chống Đàng Trong năm 1643 là ví dụ thể hiện sức mạnh và tinh thần chiến đấu của hạm đội Việt Nam. Tuy vậy, tất cả các chiến thuyền của Đàng Trong đều là thuyền galê (sàn thấp, chạy bằng buồm và chèo). Các thuyền này tuy hiệu quả khi đánh dọc biển và cửa sông, nhưng không tốt lắm khi đi ra xa hơn.

Tình hình thay đổi hoàn toàn trong cuộc chiến Tây Sơn. Từ 1775 đến 1788, các hạm đội Tây Sơn thường xuyên hướng về nam để cướp lúa tại Gia Đinh và chở chúng về địa phương mình, nơi liên tục thiếu lương thực. Năm nào Tây Sơn cũng làm được như vậy vì hạm đội của họ nhiều hơn hạm đội Nguyễn Ánh. Đến năm 1781, linh mục xứ Adran thuyết phục Nguyễn Ánh thuê đoàn tàu Bồ Đào Nha cùng thủy thủ đoàn và súng. Nhưng kinh nghiệm đầu tiên lại là thảm họa. Vì những lý do chưa rõ ràng, hai trong các thuyền Bồ Đào Nha đã trốn khỏi chiến trường, còn thủy thủ đoàn trên chiếc thứ ba bị những người lính Việt Nam giận dữ giết hết.

Mấy năm sau, tình hình mới sáng sủa hơn cho Nguyễn Ánh. Vị linh mục quay về từ Pháp mang theo một số phương tiện, gồm hai chiếc tàu. Các tàu này mang theo thiết bị quân sự và ở lại Sài Gòn. Đầu tiên, thủy thủ đoàn là người Pháp và Ấn Độ, sau đó thì là người Việt dưới sự dẫn dắt của sĩ quan Pháp. Các con tàu này là nền tảng cho việc xây dựng một hạm đội mạnh. Trong những năm sau đó, Nguyễn Ánh đã mua hoặc thuê thêm tàu châu Âu, và khi chiến tranh gần chấm dứt thì hạm đội của ông đã trưởng thành. Đến năm 1792, hai chiếc tàu châu Âu đã hoạt động cùng hai trăm chiếc khác cùng loại tiến đánh Tây Sơn ở Quy Nhơn. Năm 1801, một sư đoàn trong hải đội của Nguyễn Ánh bao gồm chín tàu châu Âu trang bị 60 súng, 5 tàu lớn với 50 súng, 40 tàu với 16 súng, 100 thuyền mành, 119 thuyền galê và 365 thuyền nhỏ hơn.

Không phải con tàu kiểu châu Âu nào trong số này cũng được mua từ nước ngoài; thực tế, đa số chúng được làm trong một cơ xưởng tại Sài Gòn. Bản thân Nguyễn Ánh coi sóc việc xây dựng, mỗi ngày trải qua hàng giờ trong xưởng. Đến năm 1792, 15 tàu chiến đã hoàn thành, với mô hình nửa Trung Hoa, nửa Tây phương. Việc học hỏi kỹ thuật Tây phương được kể là thông qua một ý tưởng đơn giản: một con tàu cũ của châu Âu được tháo rời từng mảnh, rồi lắp lại để thợ mộc Việt Nam học từng chi tiết. Nguyễn Ánh cũng học nghề mộc. Ông học thêm lý thuyết hàng hải từ các cuốn sách do linh mục xứ Adran dịch lại.

Về con số sĩ quan và thủy thủ Pháp trong hải quân Nguyễn Ánh, trong khoảng từ 1790-1792, không đầy 80 sĩ quan và thủy thủ Pháp có mặt ở Việt Nam, và đa số họ rời khỏi trong năm 1792. Vì thế có thể cho rằng từ 1792 đến 1799, còn rất ít người Pháp tháp tùng trong hạm đội nhà Nguyễn. Điều đó có nghĩa thủy thủ trên các tàu đều là người Việt, được huấn luyện để điều khiển các tàu kiểu châu Âu.

Việc kết hợp các con tàu sử dụng sức gió của châu Âu (với ưu thế về đạn pháo) và các tàu kiểu cổ điển đã cho Nguyễn Ánh lợi thế trước quân Tây Sơn. Trong khoảng năm 1792-1793, hàng trăm tàu Tây Sơn bị chìm hoặc bị cướp trong các cuộc lâm chiến với các con tàu kiểu Tây phương. Hải quân mới của nhà Nguyễn cũng đóng vai trò quan trọng trong các trận quyết định như vào năm 1801-1802 (tại Thị Nại) khi cả hai bên huy động đại quân cả trên bộ lẫn dưới nước.

Thời kì 1790-1802 đánh dấu sự chuyển đổi trong thái độ của người Việt đối với đại dương và các nước khác. Trong vòng 12 năm, dân tộc Việt Nam, những người trước đó bị cho là không hợp với các chuyến hải hành đường dài, đã học được các kỹ thuật nước ngoài, áp dụng chúng trong hoàn cảnh địa phương để xây dựng một hạm đội mạnh. Một ví dụ mang tính biểu tượng cho sự mở cửa của Việt Nam ra với biển: đoàn sứ thần do nhà Nguyễn gửi đến Trung Quốc để xin hoàng đế nhà Thanh công nhận triều Nguyễn đã đi bằng đường biển thay vì đi qua biên giới phía bắc như hàng thế kỷ trước đó.

Trong thời hậu chiến, các con tàu kiểu châu Âu cũng được dùng cho việc buôn bán. Chúng không chỉ chở gạo từ miền nam ra miền trung Việt Nam, mà còn dùng cho các hành trình ra nước ngoài. Gia Long năm 1802 chấm dứt việc gửi phái đoàn thương mại ra nước ngoài để mua súng đạn, nhưng Minh Mạng sau đó lặp lại lề thói này. Các chuyến hải hành thương mại cũng đem lại cơ hội cho thủy thủ đoàn Việt Nam tập ra biển lớn, và sử dụng kỹ thuật phương Tây. Năm 1823, Minh Mạng ra lệnh cho thủy thủ đoàn học sử dụng các dụng cụ đi biển, học xác định phương hướng. Năm 1835, các chỉ thị tương tự ban hành xoay quay việc nhập khẩu các kỹ thuật hải trình; năm 1842, đến lượt người kế vị Minh Mạng, Thiệu Trị, ra các chỉ thị như vậy.

Ý chí chính trị học hỏi các kỹ thuật nước ngoài đạt đỉnh cao trong cuối thập niên 1830 khi Minh Mạng ra lệnh mua tàu chạy bằng hơi nước. Phan Huy Chú năm 1833 lần đầu tiên nhìn thấy tàu hơi nước ở Batavia, và Lý Văn Phức mô tả một tàu khác trong chuyến đi đến Calcutta. Năm 1839, Việt Nam mua con tàu hơi nước đầu tiên, sau đó là ba thuyền khác – có tên Yên Phi, Vũ Phi và Hương Phi. Năm 1844, một con tàu lớn hơn được mua, với tên Diễn Phi.

Đáng lưu ý là ngay cả người Pháp, cho đến trước năm 1816-1818, còn chưa dùng tàu hơi nước cho các sứ mạng thương mại. Đến cuối thập niên 1820, các hạm đội Anh và Pháp mới đặt hàng các tàu hơi nước đầu tiên. Tại châu Á, người Hà Lan đặt hàng con tàu hơi nước đầu tiên cho hạm đội của họ năm 1837, và một hai năm sau mới có con tàu thương mại đầu tiên.

Trong khi đó mãi đến thập niên 1830, vua Rama III của Thái Lan mới quyết định chỉ dùng toàn mô hình châu Âu cho hạm đội nhà nước Thái. Tức là trong khi người Thái mới bắt đầu nói về tàu kiểu Tây phương, thì Việt Nam đã mua tàu chạy bằng hơi nước. Có vẻ như trong nửa đầu thế kỷ 19, tại châu Á, Việt Nam thuộc một vài nước đầu tiên quan tâm kỹ thuật hàng hải châu Âu.

Năm 1839, mối quan tâm đạt đỉnh điểm khi người Việt định sao chép và tự đóng một con tàu hơi nước trong xưởng ở Huế. Nỗ lực này thất bại. Kỹ năng sao chép kỹ thuật phương Tây của người Việt đã đạt đến giới hạn khi họ đối diện sự phức tạp của một đầu máy hơi nước. Có vẻ không thể cứ học mót kiến thức về khoa học nước ngoài. Nỗ lực của người Việt muốn theo kịp kỹ thuật mới nhất của phương Tây không chỉ thể hiện ý chí của vua Minh Mạng muốn thu vén các kỹ thuật nước ngoài cho đất nước. Nỗ lực đó còn thể hiện giới hạn của chính sách này. Liệu Việt Nam có thể nhận hết các kỹ thuật mà không chịu học các nguyên tắc nền tảng mà đã giúp tạo ra các kỹ thuật chăng?

Mở cửa hay khép cửa?

Hai chủ đề, xây thành và đóng tàu, cho thấy việc học kỹ thuật nước ngoài đã không chỉ là chính sách thời chiến của nhà Nguyễn, mà tồn tại liên tục trong ba triều vua đầu tiên. Mối quan tâm học từ nước ngoài cũng không giới hạn trong các vấn đề quân sự. Bài của Frédéric Mantienne cho rằng chính sách của nhà Nguyễn không phải là bác bỏ các kỹ thuật nước ngoài, mà thực chất đã đón nhận rộng rãi chúng. Ngay cả thời Minh Mạng cũng không đi ngược lại chính sách của cha ông; ngược lại, người ta để ý một nỗ lực ra ngoài biên giới để mua hàng hóa và kỹ thuật nước ngoài, nhất là kỹ thuật. Gia Long và Minh Mạng nhận thức rõ về các đe dọa phương Tây, và làm hết sức để gạt bỏ ảnh hưởng chính trị phương Tây ra khỏi vương quốc. Việc họ từ chối các giao dịch chính thức với cả người Pháp và Anh, ý chí kiểm soát thương mại của người châu Âu, cũng như sự thù địch với Thiên chúa giáo – tất cả là kết quả của nỗi sợ về đe dọa của phương Tây. Nhưng mặt khác, các vua Nguyễn cũng rất cởi mở trước các khía cạnh khác của thế giới bên ngoài, trong đó có Tây phương. Không chịu nhắm mắt trước thế giới bên ngoài, họ muốn duy trì sự độc lập giữa một thế giới châu Á đang sắp sụp đổ dưới sức nặng của sự bành trướng châu Âu. Việc học hỏi và áp dụng các kỹ thuật phương Tây là bằng chứng cho điều này.

Ấn tượng sau khi đọc bài của Frédéric Mantienne có thể là: quyết tâm đổi mới đất nước thông qua việc du nhập các kỹ thuật tân tiến từ bên ngoài là một chuyện, còn mức độ khả thi lâu dài là ở đâu nếu không chấp nhận các nguyên tắc và môi trường đã nuôi dưỡng những kỹ thuật ấy?

Phụ lục 2 : Sự hình thành cơ cấu chính trị Đại Việt

Bộ hai quyển “The Cambridge History of Southeast Asia”, do đại học Cambridge xuất bản năm 1992, có bao gồm bài viết của Keith Taylor, giáo sư môn lịch sử Việt Nam ở ĐH Cornell, Hoa Kỳ.

Bài này nhan đề “The Early Kingdoms” (Các vương quốc thời kì đầu), nằm trong chương Ba của tập sách. Bài viết khái quát sự hình thành các vương quốc Chămpa, Angkor, Pagan, Ayutthaya, Srivijaya, Majapahit và Việt Nam.

Sự đáng chú ý trong tiểu luận của Keith Taylor không nằm ở các chi tiết niên đại hay các trận đánh (vốn chỉ được nói lướt qua), mà ở các nhận định về sự biến đổi trong cơ cấu chính trị cũng như nhận thức của người Việt về cách thức trị quốc.

Những ghi chép lịch sử về Đông Nam Á bắt đầu với sự xuất hiện của những người lính và quan lại Trung Quốc dọc đường biển Nam Trung Hoa vào khoảng cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên.

Khu vực mà các viên chức Trung Hoa có nhiệm vụ ghi chép tư liệu chạm trán trực tiếp nhiều nhất nằm ở đồng bằng sông Hồng, ở nơi ngày nay là miền bắc Việt Nam. Các đoàn quân nhà Hán chinh phục khu vực này vào thế kỷ thứ nhất và, đến cuối thế kỷ thứ ba, các cố gắng của những người điều hành biên giới Trung Quốc và các đại tộc địa phương đã tạo ra một thực thể cấp tỉnh tương đối ổn định, nhạy cảm trước quyền lợi đế quốc Trung Quốc đồng thời đại diện cho một hệ thống quyền lực địa phương có khả năng giành thế chủ động đại diện cho các quyền lợi của chính nó khi đế chế Trung Hoa rơi vào thế yếu hoặc đang trong quá trình chuyển tiếp.

Ban đầu

Một sự phát triển quan trọng trong giai đoạn nhà Đường là việc địa điểm mà ngày nay là Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của các vùng đất của người Việt. Trước đó, những trung tâm chính trị đầu tiên tại đồng bằng sông Hồng mà ta còn biết đến nằm dọc rìa tây bắc và phía bắc của đồng bằng; đến thế kỷ thứ Bảy, việc định cư ở đồng bằng đã đạt tới mức Hà Nội trở thành trung tâm quyền lực.

Trong thế kỷ Mười, sau sự sụp đổ của nhà Đường, các cố gắng của những người thuộc lớp cai trị ở Việt Nam muốn thành lập chế độ quân chủ đã thất bại, mặc dù có chiến thắng trước đoàn quân Nam Hán năm 939. Đến thập niên 960, đội quân nông dân do Đinh Bộ Lĩnh lãnh đạo, từ đại bản doanh ở Hoa Lư, áp đặt một trật tự tương đối tại khu vực.

Các vị vua người Việt trị vì tại Hoa Lưu từ thập niên 960 đến 1009 khẳng định sự lãnh đạo đối với các địa phương có người Việt và giành được sự công nhận của Trung Quốc đối với uy quyền khu vực của họ. Hai thành tựu này là những điều kiện căn bản để thành lập một thực thể chính trị của người Việt, tuy vậy, chúng chưa đủ, và sự lãnh đạo của Hoa Lư chỉ là chuyển tiếp. Trong thập niên 960, Đinh Bộ Lĩnh giành uy thế quân sự tại miền Bắc Việt Nam, đè bẹp tham vọng của nhiều đối thủ; năm 980-1, Lê Hoàn đánh bại đội quân viễn chinh nhà Tống, và vì thế giành được sự công nhận của Trung Quốc như một chư hầu. Tuy vậy tất cả chủ yếu là các thành tựu quân sự. Chính các nhà sư Phật giáo, phục vụ các chiến binh Hoa Lư, đã biến các thành tựu quân sự này thành những thành tựu ngoại giao lâu dài.

Các nhà sư hiểu rằng thành tựu của Hoa Lư là bấp bênh bởi vì các vị vua Hoa Lư cai trị chủ yếu qua sự đe dọa dùng bạo lực, và cứ mỗi vị vua qua đời lại kéo theo một cuộc chiến giành ngôi. Các nhà sư trở nên không thể thiếu với tư cách là những người có học có thể giao tiếp với Trung Quốc và là người huy động lao động, của cải, và dư luận có lợi tại các khu vực đông dân nhất ở đồng bằng sông Hồng. Họ thấy thành tích quân sự của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn sẽ không kéo dài nếu thiếu các thành tựu tương ứng trong tổ chức chính trị và phát triển văn hóa. Họ cũng thấy loại quyền lực ở Hoa Lư, hạn chế bởi tâm tính hiếu chiến, sẽ không thể đạt đến các mục tiêu này. Sử dụng khả năng thuyết phục, đưa các đồ đệ vào những vị trí quan trọng, và định hình dư luận, các vị sư cuối cùng đã thành công trong việc chuyển giao quyền lực tương đối êm ả sang cho một phe cánh mà có lẽ hoặc đã liên minh với các lãnh đạo Phật giáo hoặc đơn thuần là một cánh thế tục của Phật giáo.

Lý Công Uẩn sinh năm 974; được các vị sư nuôi dạy, ông có tiếng là một Phật tử sùng đạo, và là một người lính. Khi một vị vua mất lòng người qua đời ở Hoa Lư năm 1009, ông đang là chỉ huy cấm vệ quân. Được người bảo trợ, sư Vạn Hạnh, khuyên và giúp sức, cộng sự hỗ trợ của tầng lớp lãnh đạo Phật giáo, ông được đưa lên làm vua và vào năm 1010, chuyển thủ đô về nơi từng là trung tâm hành chính dưới thời Đường, đổi tên địa điểm là Thăng Long, vây quanh là các chùa chiền và đồng lúa của đồng bằng sông Hồng.

Trong 19 năm trị vì (1009-28), Lý Công Uẩn (Lý Thái Tổ) dường như ấp ủ ba mối quan tâm. Trong những năm đầu, ông xây thủ đô, tổ chức hệ thống thuế, và dẫn quân hướng về biên giới phía bắc và nam, dập tắt các phe phản loạn và người vùng núi. Sau khi đã thiết lập quan hệ phù hợp với các quyền lực trên mặt đất, ông tỏ ra quan tâm việc thiết lập quan hệ với các quyền lực siêu nhiên. Ông bảo trợ cho đạo Phật và các tục thờ địa phương, và như thế đã nuôi dưỡng nền tảng văn hóa cho sự cai trị của mình. Trong những năm cuối đời, ông có vẻ rút khỏi việc triều chính để tu tâm và chuẩn bị cho ngày qua đời. Ông giao quyền lực cho những người con có tài, đặc biệt là thái tử Lý Phật Mã.

Có nhiều bằng chứng cho thấy Lý Công Uẩn quan tâm ý niệm phục hồi quan hệ hòa hợp giữa người cai trị với con dân, và giữa người cai trị với quyền lực siêu nhiên. Ông chỉ trích các vị vua Hoa Lư đã bỏ qua “ý trời”, “làm khổ nhân dân”. Ông ưa thích thời đại vàng son của nhà Thương-Chu khi nhà vua vâng ý trời và ý dân, và ông quyết tái lập sự hòa hợp đó dưới triều đại mình. Ông được nhớ đến như một người vừa quan tâm tôn giáo lại vừa xót thương nhân dân. Ông liên tục bỏ qua các khoản nợ thuế hoặc miễn thuế.

Các nhà viết sử Việt Nam nhớ đến ông như người đã “đem hạnh phúc nhân dân” và “có viễn kiến cho một triều đại lâu dài”. Mặc dù ông hăng hái tiến quân dọc các đường biên giới, đánh dẹp “phản loạn” và thành lập quan hệ cống nạp, ông có vẻ đã dung thứ cho các đặc quyền của các phe nhóm địa phương miễn là họ trung thành. Điều này chắc chắn là một cải thiện ‘hạnh phúc’ cho những phe nhóm địa phương khi so với chính thể cứng rắn Hoa Lư. Có vẻ Lý Công Uẩn không phải là một cá tính thật mạnh mẽ, và ông chịu nhiều ảnh hưởng của người thấy Vạn Hạnh, người qua đời trước ông chỉ ba năm. Tuy vậy, ông thực thi vai trò được giao của mình với tài năng rõ rệt, và vị trí của ông trong lịch sử cũng tăng cùng với bước tiến của triều đại mà ông sáng lập.

Lý Phật Mã

Trong năm năm cai trị đầu tiên, Phật Mã tương đối phụ thuộc vào các cận thần có từ thời cha mình. Ông chứng kiến họ dập tắt cuộc nổi loạn của hai người anh muốn tranh ngôi, và dẫn đầu đoàn quân chống lại người anh phản loạn thứ ba tại Hoa Lư. Sau khi việc nối nghiệp đã chắc chắn, ông giám sát việc bổ nhiệm quan chức, tái tổ chức lực lượng cấm vệ quân, và cải tổ lực lượng sư sãi – đây là ba trong số bốn cột trụ chính tại thủ đô, cột trụ thứ tư là vai trò của các phụ nữ trong cung. Bên cạnh việc tham gia các lễ lạt phải có của một vị vua, ông còn dẫn quân bình định biên giới phía nam và bắc. Ông tỏ ra mình có khả năng, nhưng không thể hiện rõ cá tính của riêng mình.

Năm 1034, ông đổi niên hiệu và trong năm năm kế tiếp, thể hiện một phong cách cai trị đậm màu cá nhân mà đôi khi làm kinh ngạc và xúc phạm các cận thần. Ông sai các quan khi tâu việc trước mặt vua thì gọi vua bằng danh xưng tâng bốc hơn. Ông bỏ qua quy tắc và đưa một người thiếp lên làm hoàng hậu, vì vậy khơi nên một cuộc làm loạn mà bị ông dập tắt. Ông tổ chức lại việc quản lý vùng biên giới và xây thuyền vượt biển. Ông bỏ qua lời can gián của các quan mà tự mình cầm cày cày ruộng làm gương cho thiên hạ. Năm 1039, khi bày tôi khuyên ông đổi niên hiệu là Càn Phù Hữu Đạo, ông tranh luận gay gắt với họ và chỉ khi họ đã nài ép, ông mới nhượng bộ mà nghe theo. Trong những năm này, Phật Mã thường đi trước các cận thần, và không chịu thụ động chấp nhận lời khuyên của họ.

Cuộc tranh luận năm 1039 xoay quanh việc một chế độ tốt thì là kết quả của phẩm chất lãnh đạo cá nhân hay của sự tuân theo các quy tắc định sẵn. Phật Mã nhấn mạnh một triều đình tốt phụ thuộc nỗ lực của riêng ông với tư cách quân vương. Còn các cận thần có vẻ muốn hàn gắn sự khập khiễng giữa phong thái lãnh đạo sôi nổi của vị quân vương và bộ máy lộn xộn mà ông đang dẫn dắt. Việc họ nêu lên vấn đề thay niên hiệu là cách để thu hút sự chú ý của Phật Mã. Có vẻ Phật Mã dần hiểu ra ý này của các cận thần và tiếp sau đó là giai đoạn xây dựng thể chế, quan tâm đến luật pháp và tổ chức.

Thời kì cai trị dưới niên hiệu Minh Đạo, mặc dù ngắn ngủi (1042-4), nhưng lại quan trọng bởi vì vào lúc này khả năng lãnh đạo của Phật Mã đã đi cùng với bộ khung thể chế hỗ trợ cho ông. Các định chế được lập ra đủ khả năng chịu sức nặng của một ‘bàn tay sắt’. Hoạt động chính trong thời kì Minh Đạo là sự chuẩn bị cho cuộc hành quân dài 950 kilômét bằng đường biển hướng về thành phố của vua Chàm. Cuộc chinh phục Chămpa năm 1044 này, do Phật Mã đích thân dẫn dắt, là một thành công lớn. Phật Mã trở về với nhiều chiến lợi phẩm, mở đầu một thời kì thịnh trị.

Một niên hiệu mới đặt ra năm 1049, đánh dấu việc Phật Mã bắt đầu tuổi cao sức yếu và dựa nhiều hơn vào các lễ nghi nhà nước. Thời kì này chứng kiến cuộc nổi loạn của một chư hầu biên giới phía bắc và việc phát hiện âm mưu lật đổ trong triều. Những sự kiện này có vẻ khiến Phật Mã nghĩ nhiều hơn đến chuyện sinh tử và rằng, dù ông đã có thành tích gì, thì ông cũng không thể sống mãi, và cũng không tìm ra các giải pháp lâu dài giúp giải quyết vấn đề của chế độ. Ông bắt đầu tìm an ủi qua tôn giáo, xây chùa Một Cột với các khu vườn và hồ cá cầu kì. Những năm cuối cùng của ông chủ yếu thực hiện việc ban thưởng cho các quan, và vài tháng trước khi ông mất năm 1054, đã chuyển giao quyền lực cho người con Lý Nhật Tôn 31 tuổi.

Lý Phật Mã đã đặt triều Lý trên một căn bản thiết chế mà sẽ tồn tại hơn một thế kỷ. Phong thái lãnh đạo cá nhân của ông biểu trưng cho sự tách biệt khỏi những hạn chế mà sự vô chính phủ và chia rẽ đã gây ra trong thế kỷ thứ Mười với sự sụp đổ nền tảng nhà Đường. Con trai ông, Lý Nhật Tôn, là vị vua Việt Nam đầu tiên thời kì sau nhà Đường được nối nghiệp trong êm ả – dấu hiệu cho thấy Phật Mã đã thiết lập một định chế vương triều vững chắc.

Lý Nhật Tôn

Dưới thời Lý Công Uẩn, một vùng đệm với cư dân là người miền núi đã phân cách khu vực chịu sự kiểm soát của Thăng Long và khu vực nằm trong quyền hạn của nhà Tống. Lý Phật Mã mở rộng quyền kiểm soát đối với vùng đệm này thông qua hành động quân sự và tục kết hôn với các tù trưởng địa phương, khiến quyền lực của Thăng Long đối diện với tiền đồn biên giới nhà Tống. Nhà Tống bày tỏ thái độ tương đối thụ động trước việc Phật Mã loại bỏ vùng đệm này bởi vì họ quan tâm nhiều hơn đến biên giới mặt bắc của nhà Tống và không muốn khích động vùng phía nam. Nhưng một số quan chức biên giới nhà Tống có thái độ cứng rắn hơn và thảo luận hành động quân sự chống Thăng Long trong lúc bí mật rèn quân địa phương và nuôi dưỡng người tị nạn, gồm cả lính đào ngũ, từ phía biên giới với Việt Nam. Sự trái ngược giữa thái độ ôn hòa của triều Tống với chính sách bí mật của một số quan chức biên giới đã khiến Lý Nhật Tôn mở cuộc tấn công phủ đầu dọc biên giới năm 1059, nói rằng ông ghét “nhà Tống phản phúc.” Sau một năm gồm các cuộc đánh nhau qua lại, hòa đàm diễn ra và một số quan chức Tống hung hăng bị bãi nhiệm, nhà Tống chính thức chấp nhận giải thích của Thăng Long. Nhưng diễn biến mới nổ ra, khi các quan chức biên giới của Tống âm mưu cùng Chămpa để gây sức ép với Thăng Long. Tuy vậy, chính sách chính thức của nhà Tống vẫn loại bỏ hành động gây hấn tại miền nam. Kết quả trong thập niên 1060, các quan chức vùng biên giới của Tống chia rẽ: một số muốn chinh phạt, trong lúc một số khác xem hành động quân sự là thiếu khôn ngoan. Trong lúc đó, Nhật Tôn cho phép các cận thần duy trì sức ép nơi biên giới và có vẻ không nhận thức về mối nguy hiểm trong quan hệ Việt-Hoa. Tình hình biên giới bất ổn sẽ chỉ nổ ra sau khi Nhật Tôn qua đời; ông có vẻ không quan tâm nhiều đến nó vì ông dành chú ý về hướng khác.

Mối quan tâm chính của Lý Nhật Tôn trong 12 năm cai trị đầu tiên là làm sao có con trai. Mãi đến năm 1066, vương phi Ỷ Lan mới hạ sinh con trai Lý Càn Đức. Đây là sự kiện quan trọng dưới triều Nhật Tôn. Trước đó, ông cứ chờ đợi, dường như bị trói chân trói tay vì nỗi sợ mình chết đi mà chưa có người nối dõi. Với việc Lý Càn Đức hạ sinh, ông như tự do, và sáu năm cuối đời của ông thể hiện dư âm của phong thái lãnh đạo mạnh mẽ của người cha. Ông quyết định lập lại cuộc chinh phục Chămpa của cha mình. Cả về mặt chiến thuật lẫn tâm lý, cuộc chiến Chămpa của Lý Nhật Tôn năm 1069 là sự lặp lại của chiến dịch của Phật Mã năm 1044. Một sự khác biệt là nếu năm 1044 vua Chàm bị hạ sát, thì năm 1069, mạng sống người này được tha. Phật Mã trước đó đang muốn thể hiện quyền lực của Thăng Long và không thể dung thứ; còn Nhật Tôn chỉ tái khẳng định uy quyền và có chỗ dung thứ cho một vị vua chiến bại.

Đằng sau các cuộc viễn chinh Chămpa là cuộc tranh đua uy thế trên đường biển Nam Trung Hoa. Thăng Long nhận thức sự quan trọng của biển và việc chế ngự bờ biển miền nam. Mặc dù nông nghiệp định ra quyền lực, nhưng thương mại nuôi dưỡng nó, và biên niên sử Việt Nam ghi lại những sự giao tiếp với thương nhân thế kỷ 11 từ các vùng khác ở Đông Nam Á, đặc biệt là Java. Chămpa nằm ở vị trí ngăn trở Thăng Long tiếp cận thị trường biển miền nam và có vẻ quả thật họ muốn ngăn trở. Người Việt nhìn về biển với sự khao khát và không ngại các cuộc chinh phạt quân sự đường xa.

Sự trị vì của Lý Công Uẩn, Lý Phật Mã và Lý Nhật Tôn thể hiện một thời kì đặc thù không chỉ trong sự phát triển của cơ cấu chính trị Việt Nam mà cả trong sự phát triển của đời sống văn hóa và tri thức. Bắt đầu từ thập niên 1040, phong cách lãnh đạo mang nặng tính cá nhân của họ được trợ giúp bằng một định chế vương triều sơ đẳng. Các hội thề trung thành với vua diễn ra hàng năm, và vua tổ chức các lễ sinh nhật lớn để ban thưởng cho những người quan trọng trong vương quốc. Có lẽ quan trọng không kém những đe dọa, lời thề và ban thưởng là sự phát triển của một quan niệm văn hóa Việt chung, một tiến trình mà ba vị vua đầu triều Lý đóng vai trò lớn.

Các vị vua này đều quan tâm các tập tục thờ cúng và muốn đưa các vị thần linh về phục vụ dưới trướng hoàng gia và Phật giáo. Họ tạo hình ảnh về bản thân như những người tài giỏi có khả năng giao tiếp với các đấng siêu nhiên. Phẩm cách của các vị vua này được xem như yếu tố kêu gọi thàn linh mang đến thịnh trị và sức mạnh quân sự cho vương quốc. Sau nhiều thập niên chịu sự chi phối của các triều Trung Hoa, đây là lúc tự phát hiện bản thân, là lúc các truyền thống bản địa được huy đông để thành lập một truyền thống Việt Nam chung gắn với thành tựu vương triều Lý. Quá trình phát hiện các tính chất văn hóa Việt Nam thể hiện một thái độ tự tin gắn với sức mạnh quân sự mở rộng. Thời kì để hoàng gia tìm ra định nghĩa thế nào là một người Việt Nam chấm dứt vào thập niên 1070 với cuộc va chạm quân sự với Trung Quốc và việc nhận ra các giới hạn mà cuộc va chạm này áp đặt.

Biên giới

Khi Lý Nhật Tôn qua đời năm 1072, tại triều đình nhà Tống xuất hiện các chính sách mới của Vương An Thạch. Ông ủng hộ các hành động cứng rắn của các quan chức vùng biên giới ở phía Tây để ngăn chặn sức mạnh của các tù trưởng vùng núi; những hành động này đã thành công. Và ông có vẻ xem biên giới Việt Nam là trường hợp tương tự, và vì thế đồng ý việc chuẩn bị tiến binh tại đây.

Lý Càn Đức lên ngôi năm 1072 khi mới lên sáu. Khi người Tống đang chuẩn bị chinh phạt, chỉ huy nhà Lý, Lý Thường Kiệt, quyết định tấn công phủ đầu. Năm 1075, ông bất ngờ tấn công các tỉnh biên giới trên cả đường biển và bộ. Người Việt lúc đó cũng biết về các tranh chấp đang nổ ra nơi triều Tống, và đã để lại các biểu ngữ nhằm khơi gợi sự giúp đỡ của các đối thủ của Vương An Thạch trong triều đình.

Vương An Thạch, bị bất ngờ và giận dữ, ̣đã vội vã tổ chức cuộc chinh phạt, bỏ qua lời can ngăn của các đối thủ trong triều. Cuộc chinh phạt của nhà Tống 1076-7, không giống như các chiến dịch Trung Quốc trước thế kỷ 10, được dẫn dắt bởi các quan chức nhỏ thiếu sự chuẩn bị và cả uy quyền để giành phần chủ động. Thủy quân Tống không tiến sâu được vào mặt nước đất Việt; đoàn quân bị tắc ở đoạn sông cách Thăng Long nhiều dặm về mạn đông bắc, và rút lui sau ba tháng đánh nhau. Sau nhiều năm thương thảo, hai phía Hoa-Việt đồng ý về một biên giới chung – biên giới này về căn bản không thay đổi cho đến tận ngày nay.

Cuộc chiến đã buộc người Hoa thừa nhận Thăng Long như một dạng chư hầu đặc biệt không thể bị hủy diệt; nó buộc người Việt thừa nhận Trung Hoa như một quyền lực tốt nhất đừng chạm đến. Biên giới, được vẽ rõ ràng và được người Việt hiểu vừa là một giới hạn mà cũng là sự bảo vệ, là một khía cạnh bất thường trong việc tổ chức không gian chính trị ở Đông Nam Á, nơi mà các biên giới truyền thống chưa bao giờ cố định như thế. Bắt đầu từ đây, sự nhận thức về biên giới này, tầm quan trọng của việc bảo vệ nó và duy trì quan hệ với quyền lực bên kia biên giới trở thành một phần quan trọng trong nhận thức văn hóa người Việt.

Khi không có uy quyền cá nhân của một vị vua trưởng thành, các lãnh đạo Việt Nam, vào cao trào của khủng hoảng chiến tranh những năm 1075-7, hợp thức hóa các sự bổ nhiệm trong triều đình thông qua một loạt ‘kì thi’ để lựa chọn người thích hợp từ những ai biết đọc, viết. Những kì thi này có vẻ là hình thức bổ nhiệm trong thời nguy cấp, và không còn thấy bằng chứng về các kì thi như thế sau thập niên 1080. Những lãnh đạo trong triều thời kì này, Lý Đạo Thành (qua đời 1081), và đồ đệ Lê Văn Thịnh cố gắng nghi thức hóa định chế vương triều. Tuy nhiên cuối cùng Lý Càn Đức đã chấm dứt xu hướng đó, trục xuất Lê Văn Thịnh năm 1096 và tái lập phong cách lãnh đạo mang nặng chất cá nhân (vốn được mong chờ ở các vua Lý).

Lý Càn Đức qua đời năm 1127. Ông không có con, và trong những năm cuối đời, phe nhà ngoại của người kế vị (cháu ông) giành uy thế trong triều đình. Kể từ đó, các vua Lý chỉ còn là đại diện cho các phe đảng nhà ngoại và là người giữ gìn các thành tích của các vua triều trước. Lúc này, các nguồn tư liệu Việt Nam nhấn mạnh vai trò các cận thần trung thành hơn là các vị vua tài giỏi. Trong thế kỷ 12, Thăng Long chống lại được sự xâm lấn của người Khmer và gia tăng vị trí trong mắt triều Tống. Nhưng bên trong nội bộ, sự đồng thuận của nhà Lý, từng dựa trên uy tín cá nhân của vua, đã phai dần. Diến ra một loạt tranh chấp giữa các phe họ ngoại của vua, những người này trấn giữ các khu vực khác nhau trong vương quốc. Đến đầu thế kỷ 13, Đại Việt đã lâm vào cảnh nội chiến kinh niên.

Triều đại nhà Lý có ba đóng góp lớn cho văn hóa truyền thống Việt Nam. Phật giáo được xem là thước đo hành xử cho cả vua và dân quan. Thứ hai, một tập hợp các vị thần bản địa được xác định là người bảo vệ quyền lực hoàng gia. Và thứ ba, một phiên bản lý thuyết chính trị Trung Hoa đã được Việt hóa được phát triển để khẳng định Thăng Long là ngai vàng của ‘hoàng đế nước Nam’ người trị vì ‘vương quốc phía nam’ theo mệnh trời. Thiên mệnh của vua Trung Quốc chỉ kéo dài đến biên giới, và biên giới được trời và các vị thần bảo vệ. Quan hệ triều cống với Trung Quốc được coi là lựa chọn thay thế duy nhất cho đối đầu và chiến tranh.

Dòng họ này đến từ bờ biển đồng bằng sông Hồng, và một yếu tố quan trọng cho thành công quân sự của họ là uy thế thủy quân. Trần Thủ Độ, kiến trúc sư nhà Trân, đã cố gắng sửa chữa những yếu kém trong hệ thống nhà Lý và ông thiết lập sự kiểm soát tập trung hóa chưa từng có đối với hoàng gia, triều đình và nền kinh tế.

Nhà Trần củng cố

Để phá vỡ thế lực của các phe nhóm địa phương, thành viên họ Trần được cử làm thống lĩnh các khu vực chiến lược. Một loạt các điền trang hoàng gia phát triển, đẩy lùi thế lực địa phương ở đồng bằng sông Hồng, khiến nhà Trần kiểm soát nhiều thặng dư lúa hơn so với triều Lý. Trong việc tiêu diệt các đối thủ ở đồng bằng sông Hồng, nhà Trần đã thành công tới mức khi vương triều suy thoái vào cuối thế kỷ 14, một phe khác từ đồng bằng sông Mã, ở phía nam, mới xuất hiện để giành chính quyền.

Trong thập niên 1230. nhà Trần bắt đầu dùng hệ thống thi cử để tuyển lựa quan chức phục vụ một hệ thống hành chính kỷ luật hơn so với dưới triều Lý. Mặc dù nhà Trần sùng đạo Phật, từ đây cũng bắt đầu xuất hiện một tầng lớp sĩ phu, tuy còn ít, lấy cảm hứng tri thức từ Khổng giáo. Khi hoàng gia suy thoái trong thế kỷ 14, tầng lớp này tìm cách duy trì ổn định và cuối cùng xuất hiện lại trong thế kỷ 15 với tư cách là người phát ngôn cho quyền lực hoàng gia, và là người đưa ra các định nghĩa về đạo đức.

Kiểu chính sách tập trung hóa của Trần Thủ Độ đã là tài sản quý cho các thế hệ lãnh đạo sau đó khi Thăng Long đối diện quân Nguyên-Mông. Quân Mông Cổ chinh phục Vân Nam giữa thập niên 1250 và muốn xâm nhập Đại Việt để bao vây nhà Nam Tống. Nhà Trần chống lại trong mùa khô năm 1257-8 và buộc quân Mông lui về Vân Nam. Sau khi Khubilai Khan chinh phục Nam Tống cuối thập niên 1270, ông đòi Đại Việt quy phục. Lúc đó, vua Trần yêu cầu nhà viết sử viết bộ sử thể hiện rằng ông thừa hưởng vị trí vương quyền ngang với hoàng đế Trung Hoa và vì thế không buộc phải quy phục. Nhà Trần cũng quan tâm tới các vị thần bản địa được cho là có thể giúp chống quân xâm lược, và khi chiến tranh chấm dứt trong thập niên 1280, những vị thần này được phong tước của triều đình.

Trong những năm sau cuộc chiến chống Nguyên-Mông, nhà Trần mất dần khả năng lãnh đạo. Trần Minh Tông, người qua đời năm 1357, đã cưới một người họ Trần, nhưng cũng có con với hai phụ nữ của gia đình họ Hồ. Người đứng đầu họ này, Hồ Quý Ly, sau đó đã giành quyền lực và lên ngôi năm 1400. Hồ Quý Ly ngự trị trên sự sụp đổ của thế giới Phật giáo dưới hai triều Lý và Trần cùng sự xuất hiện chập chững của tầng lớp sĩ phu. Cố gắng chấm dứt sự bất ổn triền miên, ông được tiếng là nhà cai trị cứng rắn và độc đoán, và không lấy được lòng của các thành viên trong tầng lớp thống trị. Vua Minh Thánh Tổ không bỏ qua cơ hội can thiệp và vào năm 1406, quân Minh, lấy cớ giúp phục hưng nhà Trần, chiếm được Đại Việt. Trong hai thập niên sau đó, các quan chức Minh cố gắng biến Đại Việt thành một tỉnh Trung Hoa. Tuy vậy, chính sách của họ bị ngăn trở bởi ba sự mâu thuẫn mà rồi sẽ dẫn tới thất bại.

Thứ nhất, có một sự mâu thuẫn mang tính chiến lược trong chính sách Hán hóa của nhà Minh trong thời kì mở rộng biên giới; các cố gắng Hán hóa một dân số không tuân theo đã phá vỡ an ninh và trật tự – hai yếu tố vốn là mục tiêu của chính sách biên giới. Thứ hai, có sự mâu thuẫn hành chính giữa ý tưởng giáo hóa những người man di (ý tưởng này được sử dụng để biện minh cho việc chiếm đón) và việc bóc lột trong quá trình cai trị thực tế của người Minh; các quan chức nhà Minh được gửi sang Việt Nam có khả năng yếu kém đã phá hoại mục tiêu đề ra. Cuối cùng, là sự mâu thuẫn về tài chính giữa tài sản tham nhũng của các quan chức và sự thâm hụt ngân sách của chính quyền địa phương; quân viễn chinh tìm cơ hội ăn mảnh trong lúc thâm hụt ngân sách khiến cho trung ương phải liên tục bao cấp cho chính quyền ở Việt Nam. Những mâu thuẫn này, cộng thêm một cuộc kháng chiến mới của người Việt mà sẽ không thể vượt qua nếu không đầu tư thêm nhân lực, vật lực, đã khiến chính sách chiếm đóng bị buộc từ bỏ chỉ vài năm sau khi Minh Thánh Tổ qua đời năm 1424. Bài học cho người Trung Quốc là quan hệ triều cống tỏ ra khôn ngoan hơn chính sách chinh phục và đồng hóa.

Hoàn thiện chính quyền

Sự chiếm đóng của nhà Minh và sự thành lập nhà Lê thường được xem là các cột mốc thay đổi trong lịch sử Việt Nam. Hiệu ứng của sự chiếm đóng không phải nhỏ. Ngoài việc nhà Minh hủy diệt các chùa chiền Phật giáo và nhiều di sản văn học Lý-Trần, tầng lớp người Việt có học cũng trải qua sự thách thức về tâm lý, bị buộc phải tái định nghĩa thế nào là người Việt Nam. Trật tự Phật giáo của nhà Lý và Trần đã bị quét sạch. Tầng lớp thống trị mới là sự kết hợp giữa phe quân sự từ các tỉnh miền nam và phe sĩ phu đi theo Khổng giáo. Xã hội Việt Nam có vẻ đã mất phương hướng sau nhiều thập niên bạo lực vì sự sụp đổ của nhà Trần và sự chiếm đóng của quân Minh. Điều này thường được xem là lý do khiến các vua đầu triều Lê thực thi một loạt cải cách dẫn đến một quan niệm hoàn toàn khác về cách thức cai trị dưới thời Lê Thánh Tông.

Nhưng triều đại Lê Thánh Tông lại nối tiếp bằng cuộc khủng hoảng mà còn sâu sắc hơn khủng hoảng trước đó, bởi vì nó tạo ra một điều mới trong lịch sử Việt Nam: các cuộc nội chiến kéo dài, chia rẽ nội bộ, và một biên giới mở rộng về phương nam. Có nhiều lý do để xem sự suy sụp của nhà Lê đầu thế kỷ 16 là một chỉ dấu về sự gián đoạn – chỉ dấu này còn sâu sắc hơn các khó khăn sau khi nhà Trần sụp đổ. So với mọi vị vua sau này, Lê Thánh Tông có nhiều điểm chung nhất với các vua Việt Nam trước đó. Ông ngự trị trên một vương quốc mà về mặt địa lý và sự toàn vẹn vương triều tương tự như thời của các vua Lý, Trần. Sau này, các vị vua Việt Nam không còn bao giờ được̣ yên tâm về một không gian ổn định như thế, không còn tận hưởng sự trung thành tuyệt đối của mọi người dân Việt.

Tuy nhiên, sự so sánh Lê Thánh Tông với các vua Lý, Trần dễ làm người ta lầm lẫn, vì nó khiến ta phủ nhận khả năng xem các thành tựu hành chính của triều đại Lê Thánh Tông thật ra lại là dấu hiệu của sự yếu đuối thay vì mạnh mẽ: một dấu hiệu cho thấy nền tảng văn hóa phổ quát của các vua Việt Nam, phát triển dưới thời Lý, Trần, đã sụp đổ và kể từ đó, quyền lực nằm trong tay một tầng lớp thống trị thiếu nền tảng ủng hộ từ dân chúng. Việc xây dựng bộ máy chính quyền tập trung có thể là một cố gắng giành lấy sự kiểm soát lạnh lùng với một xã hội mà đã không còn tuyệt đối ủng hộ giai tầng thống trị. Một cách phân tích như thế sẽ khiến Lê Thánh Tông trở thành một nhân vật thời kì chuyển tiếp – một con người mà nguồn gốc quyền lực nằm ở sự thông minh và uy tín cá nhân, chứ không phải ở các thành tựu tạo dựng thể chế của ông.

Bài viết của Keith Taylor về sự phát triển cơ cấu và tổ chức chính trị của Việt Nam dừng lại ở thế kỷ 15. Trong đoạn kết, Keith Taylor viết lịch sử đóng vai trò quan trọng với người Việt Nam, có lẽ bởi vì họ buộc phải so sánh quan hệ giữa họ với Trung Quốc, một quan hệ đòi phải có sự chú tâm đến quá khứ. Khi xem xét những gì được ghi nhớ và viết về các vương quốc Đông Nam Á khác (Chămpa, Angkor, Pagan, các vương quốc Thái thời kì đầu, Srivijaya và Majapahit), ta thấy lịch sử như kiểu Việt Nam ít quan trọng hơn đối với các vương quốc này. Điều này không có nghĩa là lịch sử ít ý nghĩa trong cái nhìn văn hóa của các dân tộc khác, nhưng nó hàm ý lịch sử các dân tộc khác được nhìn theo cách khác với cách người Việt nhìn về lịch sử của mình. Lịch sử Việt Nam chủ yếu là cuộc tranh luận về quan hệ Hoa-Việt, một câu chuyện với mục đích rõ ràng và cấp bách. Việc chấp nhận một lịch sử được viết ra cũng là một phần quan trọng trong việc làm người Việt Nam.

Nguồn: nghiencuulichsu.com

Related posts

Leave a Comment