Ngày Di Sản Thế Giới, Google tôn vinh Lăng Tự Đức

Ngày Di Sản Thế Giới, Google tôn vinh Lăng Tự Đức

April 19, 2019

\"\"/
Lăng Tự Đức. (Hình: Google)

THỪA THIÊN-HUẾ, Việt Nam (NV) – Từ ngày 18 Tháng Tư, 2019, Lăng Tự Đức ở thành phố Huế cùng 30 di tích khác sẽ được Google Arts and Culture giới thiệu tới toàn thế giới.

Xác nhận với báo Người Lao Động, đại diện Google tại Việt Nam cho hay nhân Ngày Di Sản Thế Giới 18 Tháng Tư, Google Arts and Culture sẽ mở rộng dự án Di Sản Mở (Open Heritage) bằng việc bổ sung một bộ sưu tập những di tích đang có nguy cơ biến mất trên toàn thế giới.

Cùng với CyArk, Tổ Chức Lịch Sử Môi Trường Scotland và Đại Học Nam Florida, Hoa Kỳ, Google Arts and Culture sẽ giới thiệu 30 di tích mới từ 13 quốc gia, bao gồm Đài Tưởng Niệm Tổng Thống Thomas Jefferson, Hoa Kỳ; Nhà Thờ Chính Tòa Mexico City; Đền Thờ Thần Apollo Hy Lạp và Lăng Tự Đức Việt Nam.

Phiên bản số hóa 3-chiều (3D) Lăng Tự Đức sẽ là di sản Việt Nam đầu tiên có mặt trong dự án Di Sản Mở do Google phối hợp cùng CyArk thực hiện.

Đáng chú ý, tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có chiều cao 4 mét, bề ngang 2.1 mét trên một bệ đỡ 1 mét sau khu Bái Đình có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do nhà vua soạn thảo cũng đã được số hóa đồ họa 3D trong dự án Di Sản Mở do Google phối hợp CyArk thực hiện lần này.

Theo trang web di sản Huế, Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế).

\"\"
Khu đặt tấm bia bằng đá Thanh nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do vua Tự Đức soạn thảo được số hóa. (Hình: Người Lao Động)

Khi mới khởi công xây dựng, Vua Tự Đức (1848 -1883) lấy tên Vạn Niên Cơ đặt cho công trình, nhưng sau khởi nghĩa Chày Vôi do anh em Đoàn Hữu Trưng khởi xướng, vua cho đổi tên thành Khiêm Cung, sau khi vua mất gọi là Khiêm Lăng.

Trước đó, hồi Tháng Tám, 2017, Công An thành phố Huế đã nhận đơn của ông Nguyễn Phước Vĩnh Khánh (ở phường Vỹ Dạ, Huế) và ông Bảo Kỳ (ở quận Thủ Đức, Sài Gòn) đại diện cho Nguyễn Phước Tộc đã đứng đơn yêu cầu truy tố Trung Tâm Phát Triển Quỹ Đất Thành Phố Huế và Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thương Mại và Dịch Vụ Chuỗi Giá Trị vì tội “xâm phạm mồ mả” do trong lúc san ủi mặt bằng thực hiện dự án Bãi Đỗ Xe Khách Tham Quan Lăng Tự Đức-Đồng Khánh (phường Thủy Xuân, Huế) đã san phẳng ngôi mộ của bà Học Phi, một người vợ của Vua Tự Đức khiến dư luận bất bình.

Tuy nhiên, ông Võ Văn Sáu, phó trưởng Công An thành phố Huế, cho rằng “quá trình điều tra cho thấy ngôi mộ này không thể nhìn thấy, khi san ủi mới phát hiện.”

Trong khi đó, ông Trần Duy Quế (80 tuổi khu vực 3, phường Thủy Xuân), có trang trại tại khu vực thi công, khẳng định ngôi lăng mộ nằm trên phần đất của bà Lê Thị Tình. Lăng này trước khi bị san ủi khá lớn, tường bao quanh cao gần 2 mét, mộ ở giữa xây bằng vôi, rộng chừng 1.5 mét và dài khoảng 3 mét. Đặc biệt có cổng vòm khá cao; bia khá lớn và được làm bằng loại đá thanh Nghệ An; tường xây theo kiểu lăng các bà phi tần của vua triều Nguyễn.

Để xoa dịu dư luận, chính quyền thành phố Huế đã cho xây lại ngôi mộ nhỏ hơn nhưng không có hài cốt do đã bị san ủi mất và rồi nhấn “chìm xuồng” hành vi này cho đến nay. (Tr.N)

Bài Liên Quan

Leave a Comment