Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam tăng theo trào lưu toàn cầu

Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam tăng theo trào lưu toàn cầu

.

\"\"
Binh lính của lực lượng đặc công Việt Nam tại một cuộc diễu binh quân sự hôm 30/4/2015. Thống kê mới nhất của SIPRI cho thấy Việt Nam tăng cường chi tiêu quân sự lên 5,5 tỷ USD trong năm 2018. REUTERS

Việt Nam chi tiêu nhiều hơn vào việc nâng cấp các khả năng phòng vệ trong năm qua trong bối cảnh nhiều cường quốc trên thế giới cũng tăng cường chi tiêu cho quân sự, dẫn đầu là Mỹ, theo thống kê mới nhất của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm.

Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam đạt 5,5 tỷ USD vào năm 2018, tăng hơn 500 triệu USD so với năm trước đó, trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI) cho thấy mức chi tiêu quân sự của Việt Nam năm 2018 chiếm 2,3% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Năm 2017, Việt Nam chi hơn 4,96 tỷ USD vào quân sự, thấp hơn một chút so với mức chi tiêu 5 tỷ vào năm 2016. Mức chi tiêu năm 2018 của Việt Nam tăng 76% so với năm 2009, theo SIPRI.

Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu toàn cầu với mức chi tiêu quốc phòng là 649 tỷ USD vào năm ngoái và có mức tăng lần đầu tiên trong 7 năm qua. Theo thống kê của viện nghiên cứu chuyên cung cấp các dữ liệu về xung đột, kiểm soát vũ khí, giải trừ vũ khí, các quốc gia trong nhóm 5 nước chi tiêu quân sự nhiều nhất sau Mỹ gồm Trung Quốc (250 tỷ USD), Ả Rập Saudi (67,6 tỷ USD), Ấn Độ (66,5 tỷ USD), và Pháp (63,8 tỷ USD).

Tổng mức chi tiêu của 5 cường quốc trên chiếm 60% chi tiêu cho quân sự trên toàn thế giới.

Việt Nam được SIPRI đồng xếp hạng thứ 35 toàn cầu về mức chi tiêu cho việc tăng cường khả năng quốc phòng.

SIPRI ước tính tổng chi tiêu quân sự trên toàn cầu năm 2018 đạt 1.822 tỷ USD và là mức tăng 2,6% so với năm 2017 và 5,4% cao hơn so với năm 2009.

Viện nghiên cứu này cho biết khu vực châu Á và châu Đại dương có mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trên thế giới, với mức tăng 46% trong khoảng thời gian từ 2009 và 2018.

Mức tăng này có nguyên nhân chính là từ mức tăng chi tiêu quân sự của Trung Quốc, theo SIPRI.

“Các căng thẳng giữa các nước ở châu Á cũng như giữa Trung Quốc và Mỹ là những nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng cao liên tiếp trong chi tiêu quân sự trong khu vực,” Siemon Wezeman, một nhà nghiên cứu cao cấp của chương trình SIPRI AMEX nói trong thông cáo báo chí đăng trên trang web của viện nghiên cứu này hôm 29/4.

Việt Nam đã gia tăng chi tiêu quân sự đáng kể trong những năm gần đây và theo dự báo của chuyên viên phân tích Công nghiệp Quốc phòng châu Á Thái Bình Dương tại HIS Jane’s, Jon Grevatt, chi tiêu quốc phòng của Việt Nam sẽ tăng lên 6,2 tỷ USD đến năm 2020.

Vào tháng 3 vừa qua, SIPRI cũng đưa ra một phúc trình về các giao dịch vũ khí quốc tế, trong đó nói Việt Nam nằm trong top 10 nước mua nhiều thiết bị quân sự nhất thế giới.

Trong những năm gần đây, khoảng hơn 80% đơn hàng quân sự của Việt Nam đặt mua của Nga, theo CNN. Việt Nam sử dụng các khoản chi để hiện đại hóa khả năng – đặc biệt là các đội tầu ngầm và chiến hạm.

Kể từ khi Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ lệnh cấm vận bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, Hà Nội đã có các hợp đồng mua các thiết bị quân sự với Mỹ trị giá tới 94,7 triệu USD, theo một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng năm ngoái nói rằng “chính sách quốc phòng của Việt Nam là để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc, hòa bình của đất nước và đóng góp vào hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới”.

Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment