Quốc Gia Nghĩa Tử đại hội kỳ thứ 11, vinh danh mẹ Việt Nam

Quốc Gia Nghĩa Tử đại hội kỳ thứ 11, vinh danh mẹ Việt Nam

.

\"\"
Đại kỳ VNCH được trân trọng gìn giữ gần 60 năm tại Hoa Kỳ, xuất hiện trong đại hội QGNT kỳ thứ 11 tại Little Saigon, Nam California.
(Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California – Nồng thắm tình mẹ Quốc Gia Nghĩa Tử (QGNT) vừa diễn ra tại miền Nam California, vào chiều Thứ Bảy, 29 Tháng Sáu tại nhà hàng Seafood World, thành phố Westminster, với hơn 200 cựu học sinh và các giáo sư tham dự.

Với chủ đề “Trường Cũ Thầy Bạn Xưa,” đại hội kỳ thứ 11 này tiếp nối truyền thống 2 năm một lần, luân phiên tổ chức tại 2 miền Bắc và Nam California.

Có nhiều vị giáo sư và cựu học sinh vượt ngàn trùng xa cách về tham dự, từ Anh Quốc, Úc, Bỉ, Canada, Việt Nam, cùng các tiểu bang Hoa Kỳ như Maryland, Minnesota, Florida, Virginia, Texas, và đông nhất vẫn là ở California.

Sau nghi thức chào cờ thật long trọng, mọi người cùng lắng lòng thắp 3 nén tâm hương, thành kính dâng lên Tổ Quốc Việt Nam, lên ngôi trường QGNT thân yêu, nơi đã cho bao nhiêu người con côi cút một tuổi thơ bình an, khi người cha đã vĩnh viễn ra đi vì lý tưởng bảo vệ tự do.

\"\"
Trong giây phút thiêng liêng nhất, ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Gia Đình QGNT, cùng mọi người tiếp nhận đại kỳ VNCH từ bà Nam Bùi, trong đại hội QGNT kỳ thứ 11. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nén tâm hương cũng kính dâng lên quý thầy cô đã bỏ bao nhiêu công sức, tâm trí để dạy dỗ yêu thương những người con côi cút ngày nào đã nên người, và dâng lên anh linh những bạn bè đồng môn QGNT đã rời xa.

Giây phút thật đặc biệt, long trọng diễn ra khi đại kỳ VNCH được rước lên sân khấu, cùng nghi thức trao và nhận bảo vật thiêng liêng của hai nền Cộng Hòa.

Không khí như ngừng đọng khi bà Nam Bùi, cựu học sinh QGNT, nói về lai lịch của đại kỳ VNCH: “Lá cờ này được ông G.T. Bernnet, cố vấn Mỹ, từng chiến đấu bên các quân nhân VNCH tại núi Bà Đen, Tây Ninh, mang về Mỹ năm 1968. Trên lá cờ có ghi rõ ngày tháng, ông đã giữ lá cờ này 10 năm làm kỷ vật trong thời gian chiến đấu cùng với những người bạn của mình đã hy sinh, và ông cũng chứng kiến cảnh đau thương tang tóc trận Mậu Thân 1968.”

“Cho tới năm 1978, ông đã tìm đến gia đình chúng tôi, ngỏ ý giao lại lá cờ này, là di sản của VNCH, sẽ là chứng tích lịch sử quân nhân Mỹ và chiến sĩ VNCH đã từng anh dũng chiến đấu bên nhau cho tự do miền của miền Nam Việt Nam. Gia đình chúng tôi trân quý gìn giữ lá cờ này hơn 40 năm nay, luôn bên cạnh hình ảnh cha tôi, tử sĩ Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù đã hy sinh trên chiến trường. Nay chúng tôi quyết định trao lại kỷ vật lịch sử này cho một tổ chức được quý mến, tin tưởng, sẽ trân trọng di tích lịch sử này, một đại kỳ từ chiến trận Việt Nam, mang về Mỹ và đã gìn giữ gần 60 năm nay.”

\"\"
Các giáo sư cùng ban biên tập, ban chấp hành, ban tổ chức cùng chụp ảnh lưu niệm trong đại hội QGNT kỳ thứ 11. (Hình: Văn Laqn/Người Việt)

“Lá cờ này đã phủ thân cha, mẹ là góa phụ, chúng con là cô nhi. Nay xin ban chấp hành Quốc Gia Nghĩa Tử giữ gìn lá cờ này. Chúng ta là QGNT, hãy luôn giữ lá cờ này để nhớ đến ông cha chúng ta đã hy sinh trên chiến trường để bảo vệ lý tưởng tự do.” Không gian như chùng xuống, toàn thể mọi người đều xúc động khi nghe cô Nam Bùi trình bày.

Đại kỳ VNCH được ông Nguyễn Xuân Hải, đại diện Gia Đình QGNT tiếp nhận, và ông cho biết sẽ được trình diện trong những lần đại hội QGNT sắp tới, để cùng nhau nhắc nhở về ý nghĩa của lá cờ.

Ông Trịnh Hoài Nam, trưởng ban tổ chức đại hội, cho biết: “Xin cảm ơn sự đóng góp lớn nhất là sự tham gia đông đủ kỳ đại hội này. Xin hãy bỏ qua những sơ sót trong đại hội và hãy cùng nhau trân quý những giây phút hiếm hoi khi gặp lại nhau, được hàn huyên tâm sự, hồi tưởng về trường cũ và thầy bạn xưa. Kính chúc quý quan khách tham dự đại hội nhiều kỷ niệm đẹp.”

Giây phút cảm động nhất là khi các vị giáo sư được mời lên sân khấu, để học trò trao gởi những vòng hoa đầy ắp nghĩa tình đến những vị thầy, đã bao năm rèn luyện những thế hệ nên người. Cùng lúc là các cựu học sinh trong ban tổ chức, ban chấp hành đại gia đình QGNT cùng chụp chung một bức ảnh lưu niệm với các giáo sư.

\"\"
Đấu giá vui nhộn 12 chiếc đĩa sứ đặc biệt với cảnh đặc sắc của nước Mỹ, để gây quỹ Mẹ QGNT tại đại hội kỳ thứ 11 QGNT. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cô Võ Kim Sơn, vị cựu giáo sư đã từng yêu thương, gắn bó với học sinh QGNT trong suốt bao năm qua, trong lời huấn từ đầy cảm xúc: “…Thầy cô đến trường không hẳn chỉ để giúp học sinh trao dồi kiến thức, học sinh đến trường không chỉ với mục tiêu ra trường để lãnh bằng. Khác với những trường công lập khác tuyển học sinh ưu tú qua hững kỳ thi khó khăn, trường QGNT nhận học sinh không qua kỳ thi tuyển nào, ngoại trừ đòi hỏi một tờ danh dự dành cho học sinh QGNT, xác minh người cha nằm xuống vì Tổ Quốc! Động lực chính để thầy cô nỗ lực dạy và trò cố gắng học, chính vì anh linh của những người đã nằm xuống cho tổ quốc!…”

Trong dịp này, quyển đặc san QGNT với chủ đề “Trường Cũ Thầy Bạn Xưa” dày gần 200 trang với nhiều bài vở công phu, giấy dày in ấn thật đẹp, được trình làng như món quà của ban biên tập gởi đến mọi người trong ngày đại hội.

Giáo Sư Nguyễn Lộc Thọ, rất xúc động khi nói: “Tôi về QGNT năm 1967, trong suốt 7 năm dạy của bao đời học sinh, là một thành phần của QGNT nên hôm nay mới hãnh diện mặc áo của QGNT. Tôi đã đọc quyển đặc san, rất cảm động, rất hay, đầy những bài viết nặng tình thầy trò!”

\"\"
Các giáo sư và học trò QGNT trong ngày vui hội ngộ kỳ thứ 11. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Lê Hồng Đa, một trong những cựu học sinh xuất sắc của QGNT, cho biết vào trường năm 1963, ngay từ đầu thành lập, ở đường Võ Tánh ngày xưa, gần Lăng Cha Cả, gần phi trường Tân Sân Nhất, và con của tử sĩ vào trường học ngày càng nhiều hơn.

Ông cho biết khi cha ông hy sinh, ông đang học tại trường trung học An Xuyên, tỉnh Cà Mau, sau đó theo học tại QGNT. Trường rất rộng, thiết kế và học theo chương trình của Mỹ, học sinh vào khoảng trên 2,000 người, học rất giỏi, không thua kém ai, có nhiều học sinh QGNT du học Mỹ theo chương trình USAID, trong gia đình ông có 4 anh chị em đều theo học tại trường.

“Dự đại hội là để gặp lại những thầy cô, và bạn học ngày xưa. Nhưng ở lứa tuổi bọn tôi ngày càng ít đi, năm nay chỉ còn dự khoảng vài người. Những lứa sau này thì không biết nhiều, nhất là những đàn em còn đang học dở dang, sau 1975 tất cả đều bị đuổi ra khỏi trường hết, vì vậy gặp nhau ở những dịp này thật xúc động lắm!”

\"\"
Hoạt cảnh “Em Tan Trường Về” trong đại hội QGNT kỳ thứ 11. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Giáo Sư Lữ Anh Tú, từ Bỉ bay về tham dự đại hội, cho biết, “Dạy môn Vật Lý lớp 12, từ năm 1972 đến ngày cuối. Học trò lớp tôi, thi tú tài 2 đậu hạng ưu và hạng bình nhiều lắm. Đây là lần đầu tiên tham dự đại hội này sau 40 năm. Thật cảm động khi gặp lại và được học trò ưu ái giúp đỡ nhiệt tình từ khi qua Mỹ hơn tuần nay, tình nghĩa thầy trò không bao giờ quên được!’

Bà Phạm Thúy Nga, cựu học sinh QGNT từ 1968, học từ lớp 6 đến lớp 12, bồi hồi nhớ lại những trò quậy phá ngày xưa thì nhiều, bây giờ nhớ lại mới thấy hết sức nghịch, khi thường cột 2 tà áo dài, leo lên cây trứng cá trước văn phòng của ban điều hành, nên thường bị thầy giám thị bắt quả tang, hoặc hay lấy xe của các bạn nội trú, đạp chạy vòng vòng xong đem trả ở bất cứ chỗ nào trong trường.

“Bởi những trò tinh nghịch ấy nên tôi thường xuyên bị phạt cấm túc trong trường, nhờ dịp này được gặp lại gặp lại bạn cũ rất đông và thầy cô ngày xưa, những kỷ niệm xưa quá nhiều kể hoài không hết, sau mấy mươi năm gặp lại xúc động lắm!”, bà Nga nói.

Và những màn đấu giá vui nhộn để gây quỹ cho những Mẹ QGNT tại quê nhà còn trong hoàn cảnh khó khăn, quỹ khuyến học, và văn nghệ cây nhà lá vườn, cùng sự dẫn dắt chương trình của MC Ánh Nguyệt, thầy và trò cùng cất cao tiếng hát trong ngày hạnh ngộ sau gần nửa thế kỷ với những kỷ niệm đẹp khó phai. (Văn Lan)

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment