Thụy Điển lập tiền lệ chống dẫn độ về Trung Quốc

Thụy Điển lập tiền lệ chống dẫn độ về Trung Quốc

Trọng Nghĩa-Đăng ngày 10-07-2019 

\"media\"/

Ảnh minh họa.pxhere

Không hẹn mà gặp, đề tài Trung Quốc được báo chí Pháp hôm nay 10/07/2019 khai thác rộng rãi, từ báo Le Monde với ba bài dài đề cập đến các vấn đề Hồng Kông-Đài Loan, quan hệ Anh-Trung, sự hoành hành của tình báo Trung Quốc tại Pháp, cho đến tờ Le Figaro tiếp tục bình luận về thái độ không chịu khuất phục của người dân Hồng Kông, hay tờ Libération chú ý đến cách thức Trung Quốc thâm nhập phương Tây.

Bài nào cũng hay, nhưng đáng suy ngẫm là một phân tích trên tờ báo cánh tả Libération, nêu bật quyết định ngày 08/07 vừa qua của chính phủ Thụy Điển, từ chối không cho Trung Quốc dẫn độ về nước một công dân của họ bị Bắc Kinh cáo buộc vào tội danh tham nhũng. Đối với Libération, đây là một « bước ngoặt trong Liên Hiệp Châu Âu », có thể tạo tiền lệ cho những nước Châu Âu khác.

Tòa Án Tối Cao Thụy Điển “chính thức hóa” các thiếu sót của tư pháp Trung Quốc

Libération trước hết nhắc lại diễn biến vụ việc : Hôm thứ Ba 08/07 vừa qua, Tòa Án Tối Cao Thụy Điển đã ra phán quyết theo đó ông Kiều Kiến Quân (Qiao Jianjun), một cựu quan chức cao cấp của Trung Quốc, sẽ không bị dẫn độ về Trung Quốc, nơi ông bị buộc tội biển thủ khoảng 10 triệu euro.

Đối với tờ báo Pháp, đây quả là một quyết định chưa từng thấy, vì đây là lần đầu tiên một tòa án cấp cao nhất của một quốc gia có ký tên vào Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền đã từ chối yêu cầu dẫn độ mà Trung Quốc đưa ra.

Ý nghĩa quan trọng của hành động này là nó đã « chính thức hóa những thiếu sót nghiêm trọng » của nền tư pháp Trung Quốc, từng được các luật sư và các nhà bảo vệ nhân quyền nêu bật trong nhiều năm qua.

Peter Dahlin, giám đốc tổ chức phi chính phủ Safeguard Defenders chuyên bảo vệ nhân quyền đã gọi phán quyết của Tòa Án Tối Cao Thụy Điển là một « đòn tàn sát » đối với tư pháp Trung Quốc.

Hơn thế nữa, theo Clemence Witt, một luật sư chuyên về các vấn đề dẫn độ, điều quan trọng hơn cả là quyết định của Thụy Điển « có thể tạo tiền lệ thuận lợi cho các quốc gia châu Âu khác để không cho phép dẫn độ về Trung Quốc », cũng như làm chùn tay các nước như Pháp, có hiệp ước dẫn độ với Trung Quốc.

Bắc Kinh không đáp ứng cả 3 nguyên tắc chi phối việc cho dẫn độ

Theo Libération, trước khi đưa ra quyết định của mình, các thẩm phán Tòa Án Tối Cao Thụy Điển đã tập trung vào việc tôn trọng ba nguyên tắc chính của Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền. Ba nguyên tắc đó là được xét xử công bằng, không bị tra tấn và nghiêm cấm án tử hình.

Tòa Án Thụy Điển đã kết luận rằng không có cách nào để xác minh rằng ba nguyên tắc này sẽ được Trung Quốc tôn trọng, do đó việc « dẫn độ sẽ trái với các nguyên tắc của Công Ước Châu Âu về Nhân Quyền ».

Các thẩm phán cho rằng ông Kiều Kiến Quân « có nguy cơ bị một phiên tòa sai lệch rất xa so với các tiêu chuẩn của việc xét xử công bằng như được ghi trong Công Ước Châu Âu ». Đối với các thẩm phán này, nguy cơ bị tra tấn chưa được loại trừ vì ở Trung Quốc, mặc dù bị coi là bất hợp pháp, nhưng tra tấn vẫn được thực hiện và một một cách thường xuyên.

Cuối cùng, về vấn đề án tử hình, các thẩm phán Thụy Điển xác định rằng ông Kiều Kiến Quân « có nguy cơ thực sự sẽ bị kết án tử hình ».

Theo tờ báo Pháp, kết luận của các thẩm phán Thụy Điển có thể gây trở ngại cho Pháp trong việc thực thi hiệp ước dẫn độ Pháp-Trung, trong đó có điều 3 nêu rõ là việc dẫn độ không thể xảy ra nếu hành vi phạm tội có thể bị trừng phạt bằng án tử hình.

Libération kết luận : Kể từ nay, Pháp sẽ khó lòng chấp nhận dễ dàng những lời cam đoan của Trung Quốc vốn đã không thuyết phục được Tòa Án Tối Cao Thụy Điển.

Bài Liên Quan

Leave a Comment