Là cường quốc Hải Quân, liệu Mỹ còn có thể làm chủ đại dương ?

RFI

Là cường quốc Hải Quân, liệu Mỹ còn có thể làm chủ đại dương ?

.

\"\"
Là cường quốc Hải Quân, liệu Mỹ còn có thể làm chủ đại dương ? U.S. Navy/Erik Hildebrandt

Hoa Kỳ, siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, có mặt gần như khắp nơi trên địa cầu. Từ châu Á cho đến Nam Mỹ, đi qua cả châu Âu và châu Phi. Tầu chiến Mỹ thống lĩnh nhiều vùng biển lớn. Nhất là vào ngày 01/06/2019, « chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương » của Hoa Kỳ được công bố với câu mở đầu : « Ấn Độ – Thái Bình Dương là mặt trận ưu tiên của bộ Quốc Phòng ». Đối với Mỹ, vùng biển này được cho là tâm điểm địa chính trị và phải được bảo đảm an ninh, phát triển thịnh vượng, tự do lưu thông và mở rộng.

Đương nhiên, quân đội Mỹ được triển khai ở những nơi nào có các lợi ích của Mỹ, trên khắp năm châu và nhất là tại vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vậy đâu là những vùng lợi ích của Mỹ ? Là quốc gia có hạm đội tầu chiến và hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất hành tinh, liệu Hoa Kỳ có còn khả năng làm chủ biển cả nữa hay không ? Những thắc mắc này được ông Paul Tourret, giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế hàng hải giải thích trên tạp chí Đối Ngoại (Diplomatie). RFI Tiếng Việt xin giới thiệu tóm tắt.

Hoa Kỳ có vùng biển rộng lớn nhất thế giới với tổng diện tích là 11,35 triệu km2. Vậy đó là những vùng nào ?

Nét đặc thù của Mỹ là có được 3 bờ biển dài. Đó là các vùng duyên hải Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và vịnh Mêhicô. Hoa kỳ còn sở hữu một vùng lãnh thổ hải ngoại to lớn, bắt đầu từ Alaska và quần đảo Aleut, được mua lại từ Nga năm 1867, cho phép Hoa Kỳ mở rộng cánh cửa ra Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương.

Năm 1898, Washington còn thu được đảo Guam và Porto – Rico sau cuộc chiến với Tây Ban Nha. Cùng năm, Mỹ cho sáp nhập quần đảo Hawai, rồi năm kế tiếp quần đảo Samoa. Tại Thái Bình Dương, Hoa Kỳ còn có được quần đảo Bắc Mariana sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc, cũng như là một số lượng đảo nhỏ khác. Đây là những tiểu đảo nằm cách xa Hoa Kỳ – mà nước này chiếm được trong giai đoạn 1859 – 1899 rồi cho sáp nhập vào Mỹ bằng đạo luật có tên gọi là Đảo Phân Chim với mục đích là để khai thác phân chim (được cho là một nguồn phân bón tốt cho nông nghiệp vào thời kỳ đó).

Cuối cùng là tại vùng biển Caribe, ngoài Porto – Rico, Hoa Kỳ còn mua thêm các đảo hoang từ Đan Mạch năm 1917. Ngoài ra, một số vùng hải ngoại của Mỹ có quy chế đặc thù, như hai bang của Mỹ (Hawai và Alaska), bốn vùng lãnh thổ chưa hợp nhất và được tổ chức – áp dụng Hiến Pháp Hoa Kỳ – (Guam, quần đảo Bắc Mariana, Porto – Rico và quần đảo Virgin), phần còn lại vẫn là những vùng lãnh thổ chưa hợp nhất và chưa được tổ chức (không áp dụng Hiến Pháp).

Làm thế nào Hoa Kỳ bảo đảm chủ quyền lãnh thổ trên một diện tích lãnh hải rộng đến như thế ?

Việc kiểm soát chủ quyền khá thuận lợi bởi nét đặc thù của những vùng lãnh thổ mà Hoa Kỳ kiểm soát : Hawai nằm trơ trọi giữa Thái Bình Dương, Alaska ít dân cư ở miền nam và hầu như hoang vắng ở phía bắc… Hoa Kỳ gần giống như Pháp, có nhiều lãnh thổ nhưng giá trị kinh tế chủ yếu dựa vào lợi ích các vùng ngư trường – cho dù đó chưa phải là những ngư trường hấp dẫn nhất – và các mỏ dầu khí, đặc biệt là ở Alaska.

Hạm đội Mỹ vẫn là cường quốc hải quân hàng đầu thế giới, cả về mặt số lượng lẫn chất lượng. Liệu rằng Hải Quân Mỹ có thật sự làm chủ được các vùng đại dương, một dạng « cảnh sát biển » ?

Kể từ cuối Đệ Nhị Thế Chiến, quả thật Hoa Kỳ đóng một vai trò cân bằng quyền lực, nhất là với Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, thế giới dường như khởi đầu giai đoạn hòa hoãn. Ngày nay, tình hình lại trở nên phức tạp nhưng không còn khía cạnh « hai cực » nữa. Do vị thế của Mỹ trên thế giới, nước này lại phải trở về nắm giữ một vai trò đối với toàn bộ các vùng biển trên toàn cầu. Nhưng nhằm mục đích đóng vai trò cảnh sát biển hay là chỉ để có một vị thế đối với nước này và nước khác ?

Hiện giờ hải quân Mỹ phải đối mặt cùng lúc với nhiều tình huống phức tạp khác nhau. Tại Địa Trung Hải, tình hình còn tệ hơn trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh với sự hiện diện của Nga tại Syria, ở đây, Nga có một căn cứ hải quân. Ở Trung Đông, tình thế còn rối rắm hơn nữa với cuộc xung đột ở Yemen và tình hình ở Qatar hiện đang có những căng thẳng với các nước láng giềng cũng không mấy gì được yên ổn. Bởi vì, Qatar là quốc gia láng giềng của Bahrein, nơi neo đậu hạm đội V của Mỹ.

Tại Biển Đông, khu vực đang diễn ra cuộc chạy đua trang bị vũ khí hải quân giữa nhiều tác nhân, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh và Bắc Kinh ngày càng tỏ ra khó chịu đối với sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực. Ở Đông Á, các hành động gây rối của Bắc Triều Tiên buộc Hoa Kỳ phải gởi một hàng không mẫu hạm đến bán đảo Triều Tiên. Và cuối cùng, ở vùng bắc Đại Tây Dương, Hoa Kỳ thông báo cho điều trở lại hạm đội II trước mối đe dọa tầu ngầm Nga.

Hoa Kỳ giờ đây vừa phải đóng vai trò « sen đầm » của thế giới tự do vừa ở trong hoàn cảnh chiến tranh lạnh với Nga, thậm chí với Trung Quốc. Vấn đề an ninh hàng hải liên quan đến Mỹ ngày nay đã trở nên phức tạp và cấp thiết. Điều này đòi hỏi Hoa Kỳ phải có một nỗ lực hải quân mà mục tiêu đặt ra là gia tăng số lượng đội tầu chiến từ 280 lên 350 chiếc.

Tháng 7/2017, Donald Trump cho khánh thành chiếc USS Gerald Ford, một chiếc hàng không mẫu hạm đời mới tổng trị giá 12,9 tỷ đô la. Trong suốt chiến dịch tranh cử, tổng thống Mỹ hiện nay từng hứa phát triển mạnh hải quân như ông vừa nói, với mục tiêu là 350 tầu chiến và tầu ngầm trong những năm sắp tới. Vậy những mục tiêu này có thể đạt được hay không ?

Công nghệ mới và cách tân hàng hải cần thiết cho việc phát triển các đội tầu chiến mới sẽ cực kỳ tốn kém mà trường hợp của chiếc hàng không mẫu hạm là một ví dụ điển hình. Về chủ đề này, các cơ quan thuộc Quốc Hội Mỹ chuyên trách giám sát các khoản bội chi ngân sách đã bày tỏ quan ngại. Bởi vì nếu như Hoa Kỳ phải có mặt cùng lúc nhiều nơi trên toàn cầu, ngân sách sẽ bị bội chi quá mức và việc đặt câu hỏi làm thế nào tài trợ cho các chiến dịch này là điều cần thiết.

Để so sánh, chi phí để chế tạo và lắp ráp chiếc hàng không mẫu hạm USS Gerald Ford bằng với chi phí đóng 13 chiếc tàu du lịch cực lớn (đơn giá là một tỷ euro/chiếc). Để tìm ra nguồn tài chính, người ta có lẽ nên tìm câu trả lời ở học thuyết Donald Trump. Hiện đang trong cuộc chiến chống thâm hụt mậu dịch và kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ, ông Donald Trump có thể khai thông dễ dàng một nguồn ngân sách cho những khoản chi tốn kém như vậy. Nhưng liệu rằng điều này có sẽ đủ để tài trợ cho một đội tầu chiến 350 chiếc hay không – giả như chính sách của Donald Trump thực hiện được ?

Hơn nữa, Washington sẽ phải có một nỗ lực hải quân to lớn mà thật sự không thể trông cậy vào các đồng minh – vốn không mấy gì đông lắm – hiện cũng đang phải đối phó với những khó khăn kinh tế, chính trị hay an ninh. Có thể nói là Hoa Kỳ hiện chưa thích ứng với tình huống thế giới đa cực mới trên phương diện địa chính trị và địa kinh tế, một thế giới hoàn toàn khác xa với thế giới lưỡng cực và dường như ít có khả năng là Hoa Kỳ có năng lực đối phó với diện mạo mới này của thế giới.

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment