Nối tiếp Nhật Bản, Singapore quyết mua F-35 để đề phòng TQ

Nối tiếp Nhật Bản, Singapore quyết mua F-35 để đề phòng TQ

Ngày đăng 12-07-2019

Hãng tin CNN cho biết, Singapore đã công khai kế hoạch mua 12 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ. Theo đó, Singapore sẽ trở thành quốc gia thứ 4 sở hữu F-35 ở gần khu vực Biển Đông.

\"\"/

Tiêm kích F-35 của Mỹ

F-35 là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ

F-35 Lightning II là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích bom phối hợp (JSF) một chỗ ngồi, có khả năng tàng hình, có thể thực hiện đa nhiệm vụ như: yểm trợ cận chiến (CAS), ném bom chiến thuật, và chiến đấu không đối không. Dự án JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất cho Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong khoảng thời gian tới năm 2035 lên tới hàng nghìn chiếc, trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm. Việc phát triển F-35 đã được đưa vào kế hoạch tài chính của Mỹ, Vương quốc Anh và các chính phủ liên minh khác. Nó được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác là Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman. Tổng kinh phí ước tính phục vụ nghiên cứu phát triển, thử nghiệm và chế tạo số lượng máy bay 2,456 chiếc (trong đó có 14 chiếc dùng để thử nghiệm) của cả ba biến thể lên tới 406.1 tỷ đô la Mỹ.

Singapore sẽ sỡ hữu F-35 trong tương lai gần

Phát biểu trước Quốc hội tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã công bố kế hoạch mua 12 máy bay chiến đấu F-35 từ Mỹ. Nếu thỏa thuận này được thực thi, Singapore sẽ trở thành đồng minh thứ 4 của Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương sở hữu máy bay F-35. Tuy nhiên, thương vụ này cần được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, song ông Eng Hen nói rằng cả chính quyền Tổng thống Donald Trump và Bộ Quốc phòng Mỹ đều ủng hộ. Trong bài phát biểu trước các nghị sỹ, Bộ trưởng Ng Eng Hen khẳng định: “Các lực lượng vũ trang thế hệ tiếp theo của Singapore sẽ trở nên lợi hại hơn trên mọi phương diện”. Bản thuyết trình cũng đưa ra hàng chục khí tài quân sự mà Singgapore có kế hoạch mua sắm trước năm 2030, trong bối cảnh quốc gia này tăng cường năng lực quốc phòng. Máy bay chiến đấu tàng hình của Mỹ đứng đầu trong danh sách. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, F-35 được tích hợp những vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử hiện đại nhất thế giới, là “dòng máy bay bền bỉ, hỗ trợ nhiều nhất, lợi hại nhất và giá cả hợp lý nhất từng được sử dụng”.

Hiện Singapore đang vận hành khoảng 60 chiếc F-16 Block 52. Biến thể này sau khi được nâng cấp đã mang đến cho chúng các tính năng cao cấp hơn như radar AESA. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Singapore (MINDEF) dự tính rằng những chiếc máy bay này sẽ lỗi thời vào năm 2030. Theo hoạt động của lực lượng Singapore, F-16 được sử dụng đa chức năng. Tuy nhiên, bản nâng cấp gần đây nhất dường như đã ưu tiên vai trò như một chiếc máy bay tấn công hơn là chiến đấu không đối không. Trong khi các tên lửa không đối không nằm trong diện phụ tải của chiếc máy bay này, chúng chủ yếu là tên lửa tầm ngắn AIM-9X. Phần lớn các trang thiết bị đi kèm là dành cho nhiệm vụ tấn công, từ bộ dụng cụ dẫn đường bằng laser cho các loại bom đến tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick. Đối với một nhiệm vụ không đối không thuần túy, Singapore có thể chủ yếu dựa vào F-15SG – loại máy bay được tối ưu hóa cho vai trò này với các hệ thống bổ sung như tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST).

Mục đích của Singapore khi tìm cách sở hữu F-35

Các nhà phân tích cho rằng, với vị trí nằm ở phía Tây Biển Đông, việc Singapore quyết định mua máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho thấy mối quan ngại ngày càng gia tăng của nước này về tình hình an ninh tại châu Á. Ông Carl Schuster, cựu chỉ huy Trung tâm Thông tin tình báo liên hợp thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ nhận xét: “Singapore có lẽ không tin tưởng sự đảm bảo của Trung Quốc rằng các yêu sách của nước này trên Biển Đông là “lành tính” và không có ý đồ quân sự cũng như không dẫn đến việc Trung Quốc kiểm soát các hoạt động thương mại hàng không và hàng hải trên vùng biển này”.

Sau khi mua báy bay chiến đấu F-35, Singapore sẽ gia nhập nhóm đồng minh của Mỹ gồm Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc vận hành loại máy bay này tại Thái Bình Dương. Mỹ đã triển khai máy bay F-35 tại Nhật Bản và chúng có thể hoạt động phối hợp với các tàu của hải quân Mỹ. Hồi đầu năm 2019, Anh cũng cho biết nước này sẽ điều một tàu sân bay mang theo máy bay F-35 đến khu vực vào năm 2020.

Tuy quyết tâm đầu tư quốc phòng, song Singapore vẫn giữ quan điểm trong vấn đề Biển Đông

Trong vấn đề Biển Đông, mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song nước này nhận thức rõ việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Vì vậy, Singapore đã tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này; đồng thời góp phần lên tiếng phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Có thể khái quát về sự tham gia của Singapore trong vấn đề Biển Đông như sau:

Thứ nhất, trong các tuyên bố, phát biểu của lãnh đạo cao của Singapore (Thủ tướng Lý Hiển Long, Ngoại trưởng Shanmugam, Ngoại trưởng Vivian BalaKrishnan…) đều thể hiện lập trường trung lập, không đứng về phía bên nào trong tranh chấp chủ quyền, song khẳng định Singapore có lợi ích và mong muốn các vụ tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Singapore cũng cho rằng ASEAN sẽ không phân định và giải quyết vấn đề cụ thể giữa các quốc gia yêu sách chủ quyền. Thay vào đó, ASEAN có thể thiết lập một khuôn khổ mang lại các điều kiện cần thiết để các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thương lượng một giải pháp hòa bình. Tờ The Straits Times dẫn tuyên bố của Ngoại trưởng Singapore Shanmugam khẳng định tự do hàng hải là vấn đề quan trọng đối với sự tồn tại của Singapore với tư cách một quốc gia có chủ quyền. Trước đó (5/2014), khi phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM) tại Myanmar, Ngoại trưởng Shanmugam cũng cho rằng, leo thang căng thẳng ở Biển Đông là vấn đề “gây quan ngại nghiêm trọng” cho ASEAN và cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Thứ hai, tại các diễn đàn song phương và đa phương, Singapore tiếp tục cho rằng ASEAN cần thể hiện tiếng nói thống nhất và trách nhiệm trước các vấn đề quan trọng ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông và cần sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình phức tạp hiện nay ở Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và DOC mà ASEAN và Trung Quốc cùng ký kết, trong đó có các nguyên tắc về thực hiện kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, nỗ lực để sớm đạt được COC. Phát biểu với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 tại Myanmar (5/2014), Ngoại trưởng Singapore Shanmugam chobiết: “Vì lợi ích của toàn khu vực, chúng ta cần có hòa bình chứ không phải biến cố. Những gì đang xảy ra tạo nên yêu cầu khẩn cấp hơn về việc phải có một bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông” giữa ASEAN và Trung Quốc. Singapore và ASEAN thể hiện “sự quan ngại nghiêm trọng” của các quốc gia thành viên ASEAN trước những diễn biến trên Biển Đông. Những diễn biến này “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực”; kêu gọi tôn trọng, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC mà Trung Quốc đã ký kết với Việt Nam năm 2002. Ngoại trưởng Singapore cũng nhấn mạnh rằng những gì đã xảy ra càng cho thấy tính cấp thiết của việc đưa ra COC. Tại phiên Tham khảo Chính trị lần thứ 9 và giao lưu hai Bộ Ngoại giao lần thứ 5 giữa Việt Nam – Singapore (8/2015), Singapore khẳng định, trong vai trò Điều phối viên (2015 – 2018), sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong chuyến thăm Mỹ của Bộ trưởng quốc phòng Singapore Ng Eng Hen (12/2015), Singapore đồng ý cho Mỹ triển khai máy bay P-8 Poseidon tới Singapore, theo MOU 1990 và SFA 2005. Hai bên lưu ý rằng việc triển khai máy bay này sẽ thúc đẩy sự phối hợp hoạt động giữa quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia một loạt cuộc diễn tập song phương và đa phương, đồng thời hỗ trợ kịp thời các nỗ lực cứu trợ nhân đạo và thảm họa (HADR) và an ninh biển trong khu vực.

Thứ ba, Singapore phản đối các hành động quân sự hóa và đe dọa hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp Biển Đông. Phát biểu trước Quốc hội Singapore (4/2016), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan kêu gọi tất cả các bên cam kết phi quân sự, tự kiềm chế và không sử dụng vũ lực; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC cũng như COC. Theo ông Balakrishnan, Singapore cũng ủng hộ đề xuất “không sử dụng vũ lực” trong giải quyết vấn đề Biển Đông của Việt Nam và các nước đưa ra. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng cho rằng những tranh chấp hàng hải ở Biển Đông hoàn toàn có thể xử lý và kiềm chế được và kết quả tốt nhất là các bên tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo chí, truyền thông và giới nghiên cứu tại Singapore cũng đóng góp tiếng nói tích cực,thường xuyên trong việc lên án những hành động quân sự hóa, mở rộng và bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông, ủng hộ những nỗ lực của các nước trong giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Thứ tư, Singapore đã tích cực đưa ra các sáng kiến, ủng hộ các nỗ lực giải quyết các tranh chấp của các nước. Trong chuyến thăm Trung Quốc (3/2016), với vai trò là Điều phối viên quan hệ ASEAN – Trung Quốc, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan cho biết Singapore đã đề xuất một khái niệm mới được gọi là Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển mở rộng (CUES) với các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông nhằm tránh xảy ra những tính toán sai có thể dẫn đến xung đột trên biển. Singapore sẽ đóng vai trò trung lập để tạo thuận lợi cho đối thoại mang tính xây dựng giữa các bên liên quan. Tại buổi thuyết trình do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ở Singapore (6/2014), Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nêu rõ Singapore mong muốn tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết theo cách không để các tàu đối đầu nhau và không để xảy ra nổ súng; khẳng định Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông là giải pháp tốt nhất mà Singapore hy vọng. Theo ông, bộ quy tắc này sẽ không bao giờ đạt được nếu các bên tranh chấp còn cáo buộc lẫn nhau về vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông bởi các bên tranh chấp cứ nghĩ rằng tại sao phải nhất trí thỏa thuận mới khi thỏa thuận cũ đã bị vi phạm.

Thứ năm, Singapore là nước ủng hộ phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (7/2016). Sau khi Tòa ra phán quyết bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc đối với Biển Đông, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã gọi bản án là “một tuyên bố mạnh mẽ” về luật pháp quốc tế trong tranh chấp hàng hải và khuyến các bên ủng hộ và thực thi. Đại sứ Singapore tại Bắc Kinh (9/2016) đã phản đối việc Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho rằng chính phủ Singapore đã lên tiếng ủng hộ phán quyết mà Tòa và cho rằng Trung Quốc không có chủ quyền pháp lý lẫn chủ quyền lịch sử ở Trường Sa.

Trung Quốc sẽ có phản ứng cứng rắn

Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc chắc chắn sẽ “không vui vẻ gì” với quyết định trên của Singapore và Bắc Kinh sẽ có những phản ứng tiêu cực đối với nước này. Ông Timothy Health, chuyên gia quốc phòng tại tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu RAND của Mỹ cho biết, mạng lưới không quân sử dụng F-35 mở rộng khả năng các lực lượng quân đội có thể phối hợp với nhau theo hình thức liên minh nếu cần thiết. Diễn biến này có thể gửi thông điệp răn đe cứng rắn với Trung Quốc liên quan đến các hành vi của nước này tại Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Bộ phận tác chiến điện tử hiện đại của F-35 có thể cho phép sự phối hợp không giới hạn giữa các phi công thuộc phe đồng minh và điều này sẽ khiến Bắc Kinh lo ngại. Ông Peter Layton, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Châu Á Griffith ở Australia cho biết, khả năng tác chiến điện tử và năng lực tàng hình của F-35 giúp chiến đấu cơ này trở thành loại vũ khí ưu việt trên chiến trường. F-35 có thể vượt qua các hệ thống phòng không và gửi thông tin chi tiết về mục tiêu cho các máy bay phía sau mang theo tên lửa tầm xa hay tới các hệ thống tên lửa chống hạm dưới đất.

“Quyết định của Singapore sẽ khiến Trung Quốc nghĩ cách cải thiện mạng lưới phòng không của nước này tại Biển Đông để phát hiện và tấn công những loại máy bay tàng hình, chẳng hạn như F-35”, ông Layton nói. Các thương vụ mua F-35 từ đồng minh của Mỹ đã được nhắc đến nhiều trên truyền thông của Trung Quốc. Một bài báo đăng tải trên thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc vào tháng 1/2019 đã bác bỏ bất cứ mối đe dọa nào từ “liên minh những người bạn mua F-35” của Mỹ tạo ra tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó các nhà phân tích Trung Quốc khẳng định F-35 không thể sách kịp với J-20, máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 của nước này.

Theo giới phân tích, với quyết định mua F-35, Singapore đang gửi thông điệp tới Trung Quốc, nhưng theo một cách thận trọng. Bộ trưởng Quốc phòng Ng Eng Hen không nhắc đến Trung Quốc khi tiết lộ kế hoạch mua vũ khí vào tuần trước. Bài thuyết trình của ông chỉ nói rằng loại chiến đấu cơ này “sẽ đóng góp đáng kể cho năng lực của lực lượng không quân, nhằm bảo vệ an ninh và chủ quyền của Singapore”. Ông cũng cho biết, Singapore đang xem xét cách thức mua máy bay chiến đấu của Mỹ, theo đó sẽ mua gói đầu tiên gồm 4 chiếc và sau đó có thể nâng số lượng lên 8 chiếc nếu loạt đầu phù hợp với yêu cầu đặt ra. Theo ông Ng Eng Hen, F-35 thậm chí sẽ hoạt động phối hợp với phi đội máy bay F-15 của Singapore do Mỹ sản xuất khi chúng thay thế những chiếc F-16, vốn sẽ trở nên lỗi thời trong 1 thập kỷ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment