Hồng Kông nổi sóng và ba giải pháp \”tồi\” cho Tập Cận Bình

Hồng Kông nổi sóng và ba giải pháp \”tồi\” cho Tập Cận Bình

Minh Anh-Đăng ngày 06-08-2019 

\"media\"/

Người biểu tình dưới khói mù hơi cay của cảnh sát, Hồng Kông ngày 05/08/2019.REUTERS/Kim Kyung-Hoon

Người dân Hồng Kông kiên quyết không hạ vũ khí ; Tước quyền tự trị vùng Cachemire – Ván cờ mạo hiểm của thủ tướng Ấn Độ ; Cuộc chiến tiền tệ – hồi mới trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, là ba hồ sơ chính trên các nhật báo lớn của Pháp ngày 06/08/2019.

Làn sóng đòi dân chủ tại Hồng Kông vượt qua một ngưỡng mới. Cả đặc khu kinh tế hầu như bị tê liệt do cuộc tổng đình công ngày hôm qua 05/08 : Dân chúng xuống đường, công chức đình công, hoạt động tầu điện ngầm và hàng không tê liệt… Sinh hoạt của khu tài chính lớn nhất châu Á bị xáo trộn.

« Hồng Kông tổng đình công, lần đầu tiên kể từ năm 1967 » Le Monde ghi nhận. « Hồng Kông bị tê liệt bởi cuộc tổng đình công », tựa một bài viết trên Le Figaro. Với Les Echos, « Tại Hồng Kông, những người biểu tình gia tăng hơn nữa áp lực ». Phóng sự của Libération cho thấy « Đối với rất nhiều người Hồng Kông, đây là cuộc đình công đầu tiên trong đời ».

Sự kiện cho thấy phong trào đấu tranh vẫn còn đầy « sức bật », như lời bình của giáo sư Edmund Cheng, trường đại học Baptist Hồng Kông trên báo Le Monde. Đối mặt trước sự kiên trì của làn sóng đòi dân chủ tại đặc khu hành chính này, nhà báo Renaud Girard trong mục Ý Kiến của Le Figaro đặt câu hỏi : « Liệu chế độ chuyên chế Trung Quốc còn có tương lai hay không ? »

Ba giải pháp tồi

Nếu như giáo sư Jean-Pierre Cabestan, trường đại học Baptist Hồng Kông, trên Le Figaro ngày hôm qua có cho rằng « Tập Cận Bình hẹp đường xử lý khủng hoảng », thì nhà báo Girard khẳng định lãnh đạo Trung Quốc chỉ có ba đường để đi, nhưng đường nào cũng tồi cả.

Đường thứ nhất là trấn áp quân sự như vụ Thiên An Môn năm 1989. Hành động quân sự này sẽ không gặp khó khăn gì về mặt kỹ thuật, nhưng hàm chứa nhiều rủi ro địa chính trị quan trọng. Nhà báo R. Girard nhắc lại sau vụ trấn áp đẫm máu phong trào đòi dân chủ ôn hòa của sinh viên, phương Tây đã áp đặt lệnh cấm vận quân sự hiện vẫn còn có giá trị. Chỉ có điều phương Tây, vì hám lợi, bị lóa mắt trước tốc độ tăng trưởng thần kỳ của Trung Quốc, nên đã vội vàng quên ngay vụ thảm sát, háo hức mở nhà xưởng, ngân hàng hay công ty bảo hiểm và thậm chí còn cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Và phương Tây cũng không dự đoán trước rằng Trung Quốc đã nhanh chóng tận dụng các lợi thế của tự do mậu dịch, nhưng lại không « nhả » cho phương Tây một món lợi nào, cũng như là không cải thiện Nhà nước pháp quyền ở trong nước. Tiếng nói của phương Tây cũng mất dần trọng lượng vào đầu những năm 2000. Mãi đến khi ông Donald Trump « rắn giọng » với Trung Quốc năm 2018 tại Davos, phương Tây mới vội vàng không dung thứ việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

Về mặt địa chính trị, phương Tây không chấp nhận việc Trung Quốc chiếm hữu các vùng lãnh hải ở Biển Đông, bất chấp các luật lệ quốc tế. Phương Tây sẵn sàng bán vũ khí cho những nước châu Á nào dám đứng lên chống Trung Quốc mà trước đây không lâu họ chưa từng nghĩ đến, như Việt Nam chẳng hạn, kẻ thù « không đội trời chung ».

Vì những lý do này, việc chọn giải pháp quân sự có lẽ sẽ là mạo hiểm đối với Trung Quốc. Nền kinh tế nước này đang hứng những đòn thuế nặng của Hoa Kỳ nhắm vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Trong trường hợp dùng đến vũ lực với Hồng Kông, và vi phạm tinh thần hiệp định mà Trung Quốc ký kết năm 1997 với Anh Quốc – một quốc gia, hai chế độ -, Trung Quốc có nguy cơ gánh thêm một lệnh cấm vận nặng nề hơn.

Giải pháp thứ hai là để cho phong trào tự hụt hơi, như đã từng làm thành công với làn sóng « Dù Vàng » năm 2014. Vấn đề là hiện nay, làn sóng nổi dậy đã lan sang mọi tầng lớp xã hội và tất cả các phường hội, ngoại trừ Hội Tam Hoàng, luôn sẵn sàng phục vụ Bắc Kinh. Hiện 7 triệu người dân Hồng Kông có vẻ chưa muốn hạ vũ khí.

Giải pháp thứ ba là nắm lấy cơ hội để cải cách hệ thống đảng Cộng Sản và thiết lập thật sự một Nhà nước pháp quyền tại Trung Quốc. Nhưng Tập Cận Bình không phải là người để thực hiện nhiệm vụ này. Ngay từ thời trai trẻ, ông tỏ ra rất trung thành với đường lối của đảng, bất chấp việc cha của ông bị trấn áp một cách bất công. Để rồi sau này, một khi nắm được quyền lực, Tập Cận Bình đã cho phá tan điều lệ giới hạn hai nhiệm kỳ được áp đặt sau cái chết của Mao Trạch Đông.

Liệu Tập Cận Bình có biết rằng những chế độ chuyên chế thường có kết cục bi thảm hay không ? Liệu ông có hiểu rằng những gương mặt vĩ đại được Lịch Sử vinh danh không bao giờ là người vì quyền lực cá nhân, mà vì những di sản họ để lại cho đất nước, những định chế mạnh mẽ và bền vững, như Washington (Mỹ), Disraeli (Anh) hay De Gaulle (Pháp)?

Rất có thể Tập Cận Bình là một người hiểu biết. Nhưng ông cũng có thể trở nên mù quáng, vì nóng lòng muốn biến đất nước thành một siêu cường không thể tranh cãi từ đây đến năm 2049 để tổ chức lễ mừng hoành tráng kỷ niệm 100 năm ngày đảng Cộng Sản nắm quyền lãnh đạo đất nước.

Nhưng ông có lẽ sẽ không phải là người thông minh duy nhất bị tư tưởng quá đỗi hủy diệt, mà sử gia Hy Lạp cổ Thucydide từng phê phán. Liệu ông có rút ra kinh nghiệm từ bài học Nga hay không ? Khi làm cho máu đổ tại Donbass, Kremlin đã thật sự mất Ukraina.

Nhà báo kết luận : Nếu Trung Quốc dùng sức mạnh để trấn phục Hồng Kông, thì Trung Quốc cũng sẽ vĩnh viễn mất cả Đài Loan.

Bài Liên Quan

Leave a Comment