Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung – Kỳ 1: Châu Âu căng thẳng năm 1983

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung – Kỳ 1: Châu Âu căng thẳng năm 1983

06/08/2019

TTO – 10 năm trước khi Liên Xô và Mỹ ký kết INF tháng 12-1987, tình hình đối đầu hai nước hết sức căng thẳng, có lúc tưởng chừng bùng nổ chiến tranh thế giới thứ ba. Nguyên nhân xuất phát từ vụ khủng hoảng tên lửa châu Âu và cuộc tập trận của NATO.

\"Hiệp

Tên lửa hạt nhân tầm tru ng SS-20 Saber của Liên Xô – Ảnh: Flickr

Năm 1982-1984 là giai đoạn nguy hiểm nhất trong cuộc đối đầu Mỹ – Liên Xô kể từ vụ khủng hoảng tên lửa Cuba.

(Báo cáo mật của Cục An ninh quốc gia Mỹ)

Sau giai đoạn tưởng dẫn đến chiến tranh, Mỹ và Liên Xô (cũ) đã ký kết Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 1987. Đến tháng 2-2019, Mỹ và Nga tuyên bố ngừng tham gia INF và chính thức rút khỏi INF vào đầu tháng 8.

Bên này đổ lỗi cho bên kia vi phạm INF, song một trong những nguyên nhân chính là tiềm lực quân sự của Trung Quốc.

Triển khai tên lửa hạt nhân ở châu Âu

Năm 1972, Liên Xô và Mỹ đã ký Hiệp ước về đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược (SALT 1). Hiệp ước lại không đề cập gì đến tên lửa tầm trung (tầm bắn từ 500-5.500km).

Năm 1977, Liên Xô đã triển khai tên lửa hạt nhân đất đối đất RSD-10 Pioneer (NATO gọi là SS-20 Saber) có tầm bắn lên đến 5.000km, tức bắn đến các thành phố Tây Âu. Các nước châu Âu trong NATO lo ngại Liên Xô chiếm ưu thế quân sự ở châu Âu.

Thủ tướng CHLB Đức Helmut Schmidt đã đề nghị Mỹ xem xét lại cam kết về hạt nhân ở châu Âu và NATO khẩn trương tái lập cân bằng hạt nhân ở châu Âu.

Ngày 12-12-1979, hội nghị NATO thông qua thông cáo chung 10 điểm nhận định lực lượng tác chiến hạt nhân tầm xa của Liên Xô đang chiếm ưu thế trong khi NATO không có tên lửa hạt nhân tầm xa khai hỏa từ mặt đất, ngoài ra Liên Xô còn hiện đại hóa lực lượng tác chiến hạt nhân tầm ngắn, cải thiện khả năng chiến đấu của quân đội quy ước và tăng cường năng lực tấn công xuyên lục địa.

Với nhận định đó, hội nghị NATO đưa ra \”quyết định kép\” gồm hai quy trình bổ sung cho nhau. Một là trong bốn năm tới NATO sẽ triển khai 572 tên lửa hạt nhân của Mỹ ở châu Âu bao gồm 108 tên lửa Pershing II và 464 tên lửa hành trình Gryphon.

Hai là Mỹ sẽ yêu cầu Liên Xô đưa tên lửa tầm trung vào quy trình đàm phán hạn chế vũ khí chiến lược.

Năm 1983, NATO bắt đầu triển khai tên lửa tầm trung ở Anh, Bỉ, Hà Lan, Ý và Tây Đức. Khủng hoảng tên lửa châu Âu bùng nổ. Tháng 11 năm đó, NATO tổ chức cuộc tập trận Able Archer 83.

Nhiều tài liệu mật của CIA và Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB) được giải mật khẳng định thế giới suýt bước vào chiến tranh thế giới thứ ba cũng vì cuộc tập trận này.

\"Hiệp

Điệp viên Đông Đức Rainer Rupp (bìa phải) trò chuyện cùng vợ Ann-Christine – Ảnh: DPA

Cuộc tập trận gây căng thẳng

Tháng 10-2015, báo cáo \”Nỗi sợ hãi chiến tranh của Liên Xô\” do Hội đồng tư vấn tình báo đối ngoại của tổng thống (PFIAB) soạn thảo đã được giải mật.

Báo cáo này được đệ trình tổng thống Mỹ năm 1990, giải thích vì sao năm 1983 Liên Xô lại lo ngại Mỹ nhân cuộc tập trận Able Archer 83 sẽ tấn công hạt nhân phủ đầu họ.

Cuộc tập trận diễn ra trong năm ngày từ ngày 7-11-1983 nhằm tập dượt quy trình chỉ huy và tham mưu khi chuyển từ tình trạng chiến đấu thông thường sang chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân. Bộ tư lệnh tối cao liên quân tại châu Âu của NATO chỉ huy tập trận.

Kịch bản tập trận đặt ra tình huống giả định chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ ở Trung Âu, khối hiệp ước Warsaw (liên minh quân sự giữa Liên Xô với các nước Đông Âu) chiếm Nam Tư, Phần Lan, Na Uy rồi tràn sang Đông Đức tấn công Anh.

Cuối cùng NATO bật đèn xanh cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân hàng loạt.

Lúc bấy giờ Liên Xô đã báo động toàn quân. Các đơn vị phòng không hạt nhân Liên Xô tại Đông Đức và Ba Lan nâng mức báo động tối đa. Máy bay trực thăng đã chuyển tên lửa hạt nhân ra bệ phóng.

Không quân Liên Xô thực hiện 36 phi vụ trinh sát trên vùng trời Tây Âu. Các máy bay dân dụng khối hiệp ước Warsaw đều ngừng hoạt động.

Báo cáo giải mật của PFIAB kết luận: \”Cuộc tập trận Able Archer 83 đã làm phát sinh tình huống cực kỳ nguy hiểm. Do hàng loạt yếu tố ngẫu nhiên hoặc thông tin tình báo sai lệch, Liên Xô nhận định Mỹ đang chuẩn bị tấn công hạt nhân\”.

\"Hiệp

Máy bay C-130 đưa trung đoàn kỵ binh số 7 Mỹ sang Mochengladbach (Tây Đức) tham gia cuộc tập trận năm 1983 – Ảnh: NARA

Những người cứu nguy thế giới

Trong tác phẩm Năm 1983: Reagan, Andropov và thế giới bên bờ vực dày 400 trang xuất bản vào tháng 4-2018, nhà sử học Anh Taylor Downing đánh giá chiến tranh Liên Xô – Mỹ không xảy ra vào năm 1983 nhờ công của điệp viên hai mang Rainer Rupp.

Rupp sinh năm 1945 ở Đông Đức, học đại học ở Bỉ, từ năm 1977 khoác vỏ bọc làm việc tại trụ sở NATO ở Brussels với bí danh Topaz.

Rupp nhận chỉ thị từ Markus Wolf, giám đốc Cục Tình báo đối ngoại Đông Đức (HVA), chuyển tài liệu về HVA, sau đó tài liệu được chuyển cho KGB.

Thời điểm NATO tiến hành cuộc tập trận Able Archer 83, Rupp phụ trách nhóm tập hợp thông tin tình báo về tình hình đối phương tại trụ sở NATO.

Liên Xô lo ngại Mỹ lợi dụng cuộc tập trận để tấn công hạt nhân phủ đầu, tuy nhiên Rupp đã cung cấp tin tình báo khẳng định NATO không hề có ý đồ tấn công Liên Xô, từ đó nỗi sợ chiến tranh từ phía Liên Xô mới hạ nhiệt.

Vào lúc NATO tập trận, trung tướng Leonard Perroots đang giữ chức tham mưu phó phụ trách tình báo tại căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein (Đức).

Ông quan sát thấy dấu hiệu Liên Xô báo động quân sự bất thường, song với kinh nghiệm riêng ông suy luận trong nhiều năm qua không có dấu hiệu Liên Xô sẽ thay đổi quan điểm quân sự, do đó ông quyết định án binh bất động để tránh leo thang cảnh báo chiến tranh.

Báo cáo giải mật của PFIAB kết luận quyết định của ông là hành động đúng đắn bởi nếu Perroots cũng ra lệnh báo động như Liên Xô, chiến tranh đã trở thành sự thật.

Điệp viên hai mang Đông Đức

Rainer Rupp được xem là một trong những điệp viên gây thiệt hại nặng nề nhất cho NATO.

Rupp đã cung cấp cho Cục Tình báo đối ngoại Đông Đức 10.000 trang tài liệu mật. Sau khi nước Đức thống nhất, CIA thu được hàng trăm ngàn hồ sơ chưa bị tiêu hủy của Đông Đức, từ đó lần ra gián điệp nhị trùng Rupp.

Rupp bị bắt năm 1993 và bị tòa án ở Dusseldorf (Đức) kết án 12 năm tù về tội cung cấp thông tin mật cho Đông Đức và Liên Xô. Vợ ông, Ann-Christine, quốc tịch Anh, làm thư ký trong trụ sở NATO, bị kết án 22 tháng tù cho hưởng án treo.

Tháng 7-2000, Rupp được trả tự do.

\"Hiệp

Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung – Kỳ 2: Chiến dịch RYaN của Liên Xô

TTO – Lo ngại bị Mỹ và NATO tấn công hạt nhân phủ đầu, Ủy ban An ninh quốc gia Xô viết (KGB) đã phối hợp Bộ An ninh quốc gia Đông Đức (Stasi) mở chiến dịch thu thập thông tin tình báo mang mật danh RYaN – Tấn công bằng tên lửa hạt nhân.

HOÀNG DUY LONG

Bài Liên Quan

Leave a Comment