Vì sao phương Tây im lặng về Hồng Kông ?

Vì sao phương Tây im lặng về Hồng Kông ?

Anh VũĐăng ngày 16-09-2019 

\"media\"/

Dân biểu Hồng Kông Trần Thục Trang (Tanya Chan) phát biểu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, Geneve, Thụy Sĩ, ngày 16/09/2019REUTERS/Denis Balibouse

Châu Á với cuộc đọ sức giữa phòng trào dân chủ Hồng Kông và chính quyền vẫn tiếp tục căng thẳng. Trung Cận Đông có « Syria hậu chiến trong bóng của những người cha đỡ đầu Nga và Iran » và vụ tấn công vào cơ sở sản xuất dầu của Ả Rập Xê Út khiến thế giới lo ngại giá dầu tăng… Đó là những chủ đề quốc tế lớn của các báo Pháp ra hôm nay.

Hồng Kông: Phương Tây né tránh vì lợi ích kinh tế

Trước hết đến với Hồng Kông. Vùng nhượng địa cũ của Anh Quốc từ hơn ba tháng qua lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng chưa từng có kể từ khi được trả lại cho Trung Quốc dưới quy chế đặc khu hành chính. Cuộc đọ sức giữa phong trào biểu tình đòi dân chủ và chính quyền địa phương vẫn không có lối thoát và bạo lực vẫn không chấm dứt. Dư luận báo chí cả thế giới đều quan tâm theo dõi những diễn biến ở Hồng Kông trong những ngày qua.

Nhật báo Công giáo La Croix ghi nhận : « Đã hơn ba tháng từ khi phong trào phản kháng đòi dân chủ và phổ thông đầu phiếu, khởi phát ở Hồng Kông, cộng đồng quốc tế không thấy huy động ủng hộ phong trào này ».  Tờ báo đặt câu hỏi : « Tại sao phương Tây lại lặng thinh về Hồng Kông ? ».

Để tìm câu trả lời, tờ báo đăng bài viết của ông Hervé Goulletquer, phó giám đốc nghiên cứu của Ngân hàng Bưu điện Asset Management.

Tác giả cho rằng chính xung đột thương mại với Trung Quốc mà tâm điểm là cuộc thương chiến Mỹ -Trung là nguyên nhân ngăn cản phương Tây đi quá xa, dù các nước này không phải không quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Hồng Kông.

Theo tác giả, xung đột thương mại có nguy cơ mở ra cuộc khủng hoảng rộng hơn. Cả hai bên Mỹ và Trung Quốc đều hiểu không có lợi gì khi đi quá xa. Mỗi bên đều muốn tránh để cuộc khủng hoảng Hồng Kông làm rắc rối thêm cuộc thương lượng vốn đã quá phức tạp. « Trung Quốc biết mình có thể đi tới đâu trong việc trấn áp Hồng Kông còn Hoa Kỳ thì cũng biết giới hạn phản ứng của mình ». Tất cả đều vì lợi ích kinh tế, hai bên lệ thuộc vào nhau quá lớn.

Tác giả phân tích thêm: « Nhiều công ty nước ngoài đang làm ăn ở Trung Quốc, doanh thu của các công ty Mỹ trên thị trường Trung Quốc cao hơn 100 tỷ đô la. Nếu chính quyền Trung Quốc muốn gây rắc rối cho chúng ta (phương Tây) thì họ biết sẽ phải làm thế nào ».

Bên cạnh đó Trung Quốc đang nắm giữ hơn 1000 tỷ đô la nợ của Mỹ dưới dạng trái phiếu. Bắc Kinh mà bán ra ồ ạt số nợ này thì sẽ gây không ít phiền toái cho kinh tế Mỹ cũng như có thể đảo lộn thị trường tài chính thế giới. Theo tác giả đây là vũ khí cuối cùng của Trung Quốc. Tuy nhiên họ cũng không dễ gì sử dụng vì sẽ gây tác động tiêu cực đến mô hình Trung Quốc vốn đang cần sự ổn định.

Tác giả kết luận : « Không ai ham gì khi thấy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đổ sụp vì quốc gia này đóng góp từ 30 đến 40% tăng trưởng kinh tế thế giới. Quan hệ phương Tây và Trung Quốc như Đặng Tiểu Bình trong những năm 1970 đã đúc kết là « đồng sàng dị mộng ». Đúng là các nước phương Tây và Trung Quốc gắn với nhau về kinh tế nhưng những khát vọng của họ thì lại mang tính chất khác nhau. »

Ít ra cũng phải tỏ lo ngại

Cùng chủ đề này, La Croix còn có một bài viết khác của chuyên gia Antoine Bondaz, giám đốc chương trình Triều Tiên thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (FRS), cho rằng « cần phải bày tỏ lo ngại của chúng ta (Liên Hiệp Châu Âu) với Trung Quốc » về tình hình Hồng Kông.

Riêng với nước Pháp, chuyên gia Bondaz cho rằng « thách thức ở Hồng Kông không phải chỉ là vấn đề nhân quyền. 20 nghìn kiều dân chúng ta có mặt tại đó và rất nhiều lợi ích kinh tế khiến các nhà chính trị Pháp phải lên tiếng. Không phải để tấn công Bắc Kinh mà là để bảo vệ lợi ích của chúng ta. Liên Hiệp Châu Âu bày tỏ lập trường là một chuyện, điều đó không ngăn cản các nước thành viên làm như vậy ». Tác giả bài viết ghi nhận mới chỉ có Đức là mạnh dạn hơn cả . Trong chuyến thăm Bắc Kinh, thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhắc đến tình hình Hồng Kông. Hoàng Chi Phong gương mặt tiêu biểu của phong trào phản kháng Hồng Kông liền sau đó tới Đức, được ngoại trưởng Đức tiếp.

Cho dù từ tháng 6 năm nay, Nghị Viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về Hồng Kông. Trong khi đó ở Pháp các nghị sĩ cũng như các đảng phái chính trị không hề nói gì. Không cần phải đặt lại vấn đề về quyền hạn của Bắc Kinh với Hồng Kông mà chỉ là bày tỏ hy vọng đối thoại và hòa dịu thôi cũng không có.

Nhìn sang Mỹ, tác giả thấy Hồng Kông là chủ đề ngày càng được đưa vào trong các tranh luận của các Thượng và Hạ nghị sĩ về Trung Quốc và về cuộc chiến thương mại cũng như là trong các cuộc tranh luận giữa các ứng viên ra tranh cử tổng thống. Ở bên Anh Quốc các dân biểu vẫn thường xuyên chất vấn chính phủ về vấn đề Hồng Kông.

Chuyên gia Antoine Bondaz nhấn mạnh : « Ý nghĩ tránh chỉ trích trực tiếp Trung Quốc là một chiến lược tồi. Ngoan ngoãn dễ bảo không giúp có được sự tôn trọng của Bắc Kinh ».

Bài Liên Quan

Leave a Comment