Chiến thuật ngụy biện, tích cực đổ lỗi cho các nước, tìm cách chia rẽ và lôi kéo ASEAN của TQ hiện nay trong vấn đề Biển Đông

Chiến thuật ngụy biện, tích cực đổ lỗi cho các nước, tìm cách chia rẽ và lôi kéo ASEAN của TQ hiện nay trong vấn đề Biển Đông

Ngày đăng 16-09-2019

Trong những năm qua, Trung Quốc đã liên tục quân sự hóa, gia tăng ảnh hưởng ở Biển Đông, khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, khiến các giá trị chuẩn mực của luật pháp quốc tế bị phai nhạt. Chiến thuật mà Trung Quốc sử dụng đã được giới học giả chỉ ra chính là việc nước này tích cực ngụy biện, đổ lỗi cho các nước, tìm cách chia rẽ và lôi kéo ASEAN của TQ hiện nay trong vấn đề Biển Đông.

\"\"/

Chiến lược nguy hiểm của TQ ở Biển Đông

Trung Quốc không chỉ xây dựng các đường băng, thiết lập trạm radar mà còn triển khai máy bay chiến, tên lửa, máy bay vận tảiđến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Dư luận quan ngại rằng Bắc Kinh đang tiếp tục mở rộng hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông cả về phạm vi lẫn mức độ. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại tìm cách né tránh, thậm chí biện minh rằng nước này chỉ hoàn thiện hạ tầng đáp ứng nhu cầu dân sự. Trung Quốc đang sử dụng nhiều thủ thuật để quân sự hóa Biển Đông. Không chỉ trực tiếp đồn trú, triển khai khí tài, vũ khí các loại mà Bắc Kinh còn sử dụng chiêu trò “nghiên cứu khoa học”. Trung Quốc và Philippines thỏa thuận hợp tác phát triển năng lượng ở Biển Đông. Dù thỏa thuận chỉ mới dừng lại ở mức hợp tác thăm dò dầu khí và khí đốt, nhưng thông qua công tác thăm dò, Trung Quốc có thể lập bản đồ về địa hình, dòng chảy, tăng cường hiện diện, qua đó tập trung dữ liệu trong lòng biển ở khu vực này phục vụ cho hoạt động của tàu ngầm, tạo ra một sức mạnh quân sự lớn hơn nhiều so với việc xây dựng hạ tầng hay triển khai vũ khí ở các thực thể trên mặt nước.

Chiến thuật ngụy biện, tích cực đổ lỗi

Nhiều năm qua,Trung Quốc tìm cách chối bỏ hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và thường biện minh rằng các phương tiện, hạ tầng nhằm phục vụ mục đích dân sự. Tháng 8/2018, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới chịu thừa nhận nước này quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông, nhưng lại ngụy biện rằng đó là hành động “tự vệ” trước các nước khác. Khái niệm “tự vệ” được Trung Quốc hướng về Mỹ để đổ lỗi, cho rằng chính Mỹ đã gây ra căng thẳng trong khu vực.

Truyền thông Trung Quốc cho rằng chính việc Mỹ điều tàu chiến thực thi tự do hàng hải (FONOP) tiến sát các thực thể mà Bắc Kinh đang kiểm soát trên Biển Đông. Nhận xét về luận điểm này, Tiến sỹ Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore cho rằng sau khi Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ra phán quyết bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông (7/2016), thì rõ ràng các hoạt động của hải quân Mỹ trong vùng biển này càng thể hiện sự phù hợp với luật pháp quốc tế. Để củng cố cho chiêu trò biện minh và đổ lỗi, Trung Quốc đã vung tiền cho nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế nhằm đưa ra các nhận định ủng hộ quan điểm này của Bắc Kinh, chứ không chỉ dựa vào các chuyên gia của nước này. Bắc Kinh còn đổ tiền vào các cơ quan nghiên cứu, hoặc thu hút chuyên gia quốc tế hợp tác nghiên cứu bằng các khoản thu nhập khủng dạng “mua chuộc”. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hồi đầu năm đã ngang nhiên cho rằng việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông thời gian qua là hành động chấp pháp bình thường. Phóng viên hỏi rằng phía Việt Nam nói tàu cá nước này nhiều lần bị tàu Cảnh sát biển Trung Quốc tấn công và tịch thu toàn bộ hải sản, tàu thuyền và ngư cụ ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngoài ra, phóng viên cũng hỏi thêm “Lệnh cấm đánh bắt cá” đơn phương do Trung Quốc thực hiện ở Biển Đông có được áp dụng cho các tàu cá của các quốc gia khác hoạt động trong cùng khu vực hay không và cơ sở của việc đó là gì. Phía Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc trả lời câu hỏi thứ nhất rằng theo thông tin mà phía Trung Quốc có được, thì tàu công vụ của Trung Quốc chỉ hoạt động chấp pháp bình thường trong vùng biển liên quan thuộc thẩm quyền của Trung Quốc. Việc áp dụng các biện pháp đối với các tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép là bình thường và các biện pháp đó được giữ ở mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật. Ông Lục Khảng cho rằng theo những gì mà ông ta biết, câu hỏi của người phóng viên chỉ là trường hợp cá biệt. Theo lời của ông Lục Khảng thì mọi người đều hiểu là việc tranh chấp đánh cá theo thời gian giữa các nước láng giếng có biển là việc bình thường. Phát biểu trên của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế và dư luận phản đối từ người dân các nước.

Chiến thuật chia rẽ, lôi kéo ASEAN

Trung Quốc đã ra sức cản trở tính thống nhất của ASEAN, với nhiều động thái thông qua thành viên là Campuchia. Song hành cùng phương thức này, Bắc Kinh còn cố gắng “bẻ đũa” để các bên liên quan tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông phải đàm phán song phương với Trung Quốc. Thỏa thuận hợp tác phát triển năng lượng với Philippines trên Biển Đông mới đây là một ví dụ điển hình cho điều đó. Đã vậy, khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với ASEAN, Bắc Kinh còn cố gắng cài cắm điều khoản các nước trong khối không hợp tác với đối tác ngoài khối để hợp tác phát triển năng lượng trên Biển Đông. Đây chính là một trong nhiều thủ thuật để Trung Quốc muốn các nước trong khu vực phải lệ thuộc vào nguồn lợi kinh tế. Bên cạnh hợp tác về kinh tế, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận chung đầu tiên với lực lượng hải quân của 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Giới chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có nhiều tính toán khi tiến hành hoạt động này với ASEAN. Theo Trung Quốc, các cuộc tập trận chung như trên sẽ “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực”, song thực tế thì tình hình Biển Đông căng thẳng như hiện nay chủ yếu là do các hoạt động đơn phương, đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó Trung Quốc đã liên tục gây phức tạp tình hình bằng hoạt động quân sự hóa, bồi đắp và mở rộng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Biển Đông. Do vậy, để “tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng giao lưu và hợp tác, giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực” thì Trung Quốc phải ngừng ngay các hành động nói trên, nếu không, mọi sáng kiến hay tuyên bố của Trung Quốc đưa ra chỉ là hình thức, nhằm đánh lừa dư luận. Cùng với các cuộc tập trận hải quân, không quân liên tục thời gian qua của Trung Quốc ở Biển Đông, các cuộc tập trận chung với ASEAN giúp Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự, gửi đi thông điệp cảnh báo đối với các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… không nên can dự vào vấn đề Biển Đông. Trung Quốc đã nhiều lần chỉ trích sự can dự của Mỹ và phương Tây vì cho rằng các nước này “không có tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông, nên để cho các quốc gia trong khu vực quản lý tranh chấp của mình một cách hữu nghị và hiệu quả”. Đây cũng là dịp để Trung Quốc chứng tỏ khả năng dẫn dắt các nước khu vực thực hiện theo các sáng kiến do Trung Quốc khởi xướng. Một điều nữa là Trung Quốc sử dụng các cuộc tập trận chung với ASEAN để tuyên truyền theo dụng ý rằng tình hình Biển Đông đang ổn định, phát triển và hợp tác nhờ vào những nỗ lực của Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong đó, Trung Quốc và các nước hoàn toàn có thể xây dựng các cơ chế giải quyết tranh chấp mà không cần sự can dự của các nước bên ngoài. Theo như Giáo sư Carl Thayer (Australia) cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng đề nghị tập trận chung để tăng sự tự tin của các nước và bảo vệ tàu thuyền của mình. Các cuộc tập trận này được Trung Quốc coi là một “vụ thu hoạch sớm” trong quan hệ hợp tác dài hạn với khối ASEAN. Ngoài ra, các cuộc tập trận chung với ASEAN cũng nhằm xoa dịu dư luận về hoạt động quân sự hóa ồ ạt của Trung Quốc hiện nay ở Biển Đông; song cũng nhằm phục vụ cho ý đồ này một cách thuận lợi hơn, tránh các phản ứng quyết liệt từ các nước. Chuyên gia về các vấn đề Đông Á của Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan Fabrizio Bozzato cho rằng “Lần này, Trung Quốc tiến tới hợp tác với ASEAN ở cấp độ đa phương và trong tư cách một khối để giành được lòng tin của các nước, xoa dịu nỗi sợ hãi về sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc bằng cách tăng sự tự tin và vai trò của ASEAN, lấy hiệp hội các nước ASEAN làm nền tảng cho cuộc đối thoại, là giải pháp chọn lựa của Trung Quốc”.

Ngụy trang bằng hình thức “hợp tác khai thác chung”

Việc tổ chức thành công cuộc đàm phán giúp Trung Quốc củng cố lập trường giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương, không sử dụng tòa án trọng tài đơn phương, khuyến khích Philippines thực hiện chính sách ngoại giao độc lập không chịu ảnh hưởng từ các nước bên ngoài, nhất là Mỹ. Việc tổ chức cơ chế tham vấn song phương rõ rằng sẽ kéo Philipppines ra xa ảnh hưởng và mối quan hệ với Mỹ. Ngoài ra, việc tổ chức thành công cuộc đàm phán song phương với Philippines giúp Trung Quốc cho thế giới thấy khả năng tổ chức, dẫn dắt vận động lôi kéo của mình, kể cả đối với những nước từng đi đầu đối chọi với Trung Quốc và quan hệ đồng minh thân cận với Mỹ ở khu vực như Philippines; đồng thời tạo áp lực buộc các nước khác phải chấp nhận đàm phán hoặc tham gia theo sáng kiến của Trung Quốc, từ bỏ đa phương để đàm phán song phương. Nhờ điều này Trung Quốc đã giảm vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác đa phương. Đối với Philippines, các hội nghị tham vấn song phương cho thấy chính sách thực dụng theo đuổi mục tiêu kinh tế từ Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte, tìm cách không để vấn đề Biển Đông trở thành yếu tố chủ đạo cản trở quan hệ hai nước. Rõ ràng chính quyền Philippines đang muốn thu hút những khoản đầu tư lớn như cam kết từ phía các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Đồng thời, Tổng thống Rodrigo Duterte cũng muốn nhờ Trung Quốc để củng cố quyền lực và gây dựng ảnh hưởng của mình trước phe đối lập trong nước. Trong chuyến thăm Philippines vừa qua của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng 11 vừa qua, hai nước đã ký tổng cộng 29 thỏa thuận hợp tác trong mọi lĩnh vực từ đầu tư thương mại, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, giáo dục… Trong đó đáng chú ý nhất là thỏa thuận khai thác dầu khí chung trên Biển Đông. Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc và Philippines thường được Trung Quốc sử dụng để tuyên truyền về chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông là đúng đắn hay Trung Quốc có đủ khả năng để giải quyết hòa bình các tranh chấp với các nước liên quan mà không chịu áp lực từ các nước bên ngoài. Hoạt động này cũng khiến cho nội bộ các nước ASEAN bị phân hóa, nghi ngờ nhau về việc có hay không những thỏa thuận “đi đêm” với Trung Quốc. Những nước ASEAN cũng sẽ khó có thể dựa vào các nước bên ngoài như Mỹ, Nhật Bản và phải chấp nhận đàm phán song phương với Trung Quốc về Biển Đông. Tuy nhiên, cơ chế này hiện chưa mang lại kết quả thực chất nào. Cả Trung Quốc và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền và thực tế sẽ chẳng bên nào chịu để mất chủ quyền. Những tuyên bố chỉ là hình thức vì sức ép từ người dân và nội bộ Philipines cũng hết sức mạnh mẽ. Bộ phận chính trị gia khác tại Toà án, Quốc hội và các đảng chính trị đối lập tại Philippines liên tục chỉ trích thái độ nhu nhược trước Trung Quốc của Tổng thống Duterte, cho rằng Chính quyền Philippines đã bỏ qua phán quyết của Tòa, chấp nhận đánh đổi chủ quyền cho Trung Quốc để lấy lợi ích kinh tế. Người người dân Philippines đã phản đối mạnh mẽ các hành động của Trung Quốc vi phạm phán quyết, xâm phạm chủ quyền của Philippines tại bãi cạn Scarborough. Nhiều cuộc biểu tình của người dân Philippines đã nổ ra để yêu cầu Trung Quốc ngừng ngăn cản hoạt động đánh bắt và tịch thu cá của ngư dân Philippines. Cơ chế tham vấn song phương Trung Quốc và Philippines cũng được coi là “chiến thuật trì hoãn” của Trung Quốc trong vấn để Biển Đông, nhằm cố tình né tránh các tiến triển cụ thể trong việc giải quyết và quản lý tranh chấp. Lý do là các nội dung thảo luận với Philippines, Trung Quốc hoàn toàn có thể thảo luận ngay trong khuôn khổ với ASEAN. Do vậy, mục tiêu đằng sau sự lựa chọn này của Trung Quốc thực chất chỉ nhằm tiếp tục củng cố chiến thuật chia rẽ các bên yêu sách, hạ thấp vai trò của ASEAN. Ngoài ra, lựa chọn này cũng giúp Trung Quốc giảm thiểu rủi ro chính trị và ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa Trọng tài (7/2016), cũng như ngăn chặn can dự của các bên có lợi ích liên quan với lập luận rằng Trung Quốc và ASEAN, hoặc Trung Quốc với quốc gia riêng lẻ trong ASEAN có thể xử lý được vấn đề. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục dùng lợi thế kinh tế, chính trị, ngoại giao và cả sức mạnh trên thực địa gạt bỏ ý kiến quan ngại của các bên, tạo thành cục diện mà các bên buộc phải chấp nhận một “nguyên trạng mới” do Trung Quốc thiết lập, bất chấp luật pháp quốc tế.

Bài Liên Quan

Leave a Comment