Hương Xưa

Chuly sưu tầm

Hương Xưa.
Written by Quỳnh Giao

Nếu có muốn biết trận bão kinh tế năm qua đã hoành hành như thế nào, chúng ta cũng như người viết này có thể… đếm chỗ đậu xe.

“Eau de Cologne 4711,” nhãn hiệu nước hoa xưa nhất của Ðức, được bày bán tại Cologne, miền Trung nước Ðức.
Vào một khu thương xá để đi chợ hay ăn một bát phở, mình có thể biết ngay là tình hình đã sáng sủa hay chưa khi tìm chỗ đậu xe. Vào cuối tuần mà còn dễ dàng có chỗ thì mình biết là tình hình chưa khá. Nếu lại đếm những bảng hiệu “For Lease” trong khu phố thường sầm uất tấp nập thì khỏi cần đọc báo chúng ta cũng biết là bà con mình đang vất vả.

Một số nhỏ những người may mắn thì hiểu ra thực tế ảm đạm của kinh tế khi nhận được chuyện phù du. Tấm thiệp quảng cáo của một đại gia chuyên về xa xỉ phẩm như Tumi hay Hermès phải làm họ ngậm ngùi. Tumi hay Hartman là nhà bán hành lý hạng sang của Mỹ. Còn Hermès là một quý tộc trong loại công ty sản xuất các sản phẩm phù du mà cực đắt của Pháp.

Khởi đầu là một hãng chế tạo hành lý cho giới quý tộc Âu Châu, Hermès trở thành danh hiệu của những mặt hàng đắt nhất. Vuông lụa Hermès hay cái cravate có màu sắc nhã nhặn mà tân kỳ trong loại lụa rất dầy và mịn là biểu tượng của sự lịch lãm, thời thượng. Nhưng nếu mà đến hãng Hermès cũng gửi thiệp quảng cáo kèm theo tấm phiếu hạ giá thì mình biết là con sóng kinh tế đã đánh lên tới đỉnh núi!

Các cơ sở quý tộc sang cả như vậy luôn luôn có câu châm ngôn, “Giấy rách phải giữ lấy lề!”

Nghĩa là dù thị trường của bá tánh bình dân có xanh xao vàng vọt thì họ vẫn không hạ giá theo nước thủy triều. Ưu điểm của loại công ty này là chỉ sản xuất mặt hàng quý phái và rất đắt. Hạ giá là coi như mất luôn thế mạnh và bị kéo xuống thị trường của quần chúng bình dân. Vậy mà nhiều đại gia quý tộc vẫn phải bấm bụng bán rẻ thì mình biết là tình hình đã khẩn trương lắm rồi!

Người viết có cảm nghĩ ấy khi lang thang vào khu phố cổ của mình, là các cửa hàng nước hoa.

Là một đại gia thuộc loại quý tộc chân chính, hãng nước hoa House of Creed đã có mặt từ năm 1760 tại Anh. Ngày nay, đây là một trong những cửa hàng quý phái nhất của Pháp trong quận Tám của thủ đô Paris hoa lệ. Hãng Creed còn vương giả đến độ cất chế nước hoa riêng cho một số khách quý. Fleurissimo cho bà hoàng Grace Kelly là một thí dụ.

Grace Kelly là một tài tử thuộc loại đẹp nhất Hoa Kỳ, sau lại giã từ màn ảnh mà lấy ông Hoàng Rainier của xứ Monaco. Do lời yêu cầu riêng của ông Hoàng này để tặng nữ hoàng Grace, nhà Creed chế ra mùi “Fleurissimo.” Nếu có phải dịch nôm thì đấy là tuyệt đỉnh của hoa, của hương và sắc. Còn lời xưng tụng nào thơm tho và xứng đáng hơn cho nàng Grace de Monaco?

Hãng Creed này cũng pha chế ra mùi Hoa Xuân, Spring Flowers, cho nữ tài tử Audrey Hepburn. Và trước sau thì có sáu loại nước hoa rất hạn chế như vậy cho các nghệ sĩ tên tuổi nhất.

Là nghệ sĩ, ai mà không muốn được ngợi khen, nhưng được ca tụng bằng một loại nước hoa pha chế cho riêng mình thì làm sao mà không bị… phút say hương?

Tại Hoa Kỳ, có lẽ chỉ còn cửa hàng Neiman Marcus là phổ biến loại nước hoa rất riêng tư quý phái ấy cho người biết ái mộ hương xưa. Tính ra thì giá còn đắt hơn một ve cà cuống chính hiệu. Ngày xưa, ta còn thấy bán cà cuống nguyên chất, thứ thiệt, bằng từng đồng cân. Bây giờ thì đành dùng cà cuống hóa học và bỗng lại thương những người dùng nước hoa không thuộc loại tinh chế cầu kỳ như của nhà Creed. Cầu kỳ mà thanh thoát mới lạ.

Thật ra, và đây cũng là một bí quyết hơi lạ đời. Nước hoa của nhà Creed này thoang thoảng nhẹ nhàng chứ không nồng nàn và quá đậm, quá hắc. Những nghệ sĩ đã thành danh, có tuổi và có cá tính rất mạnh thì thích dùng nước hoa có mùi nhẹ nhàng thanh thoát. Họ không muốn và không cần bất cứ cái gì khác choàng bên ngoài, kể cả nước hoa. Chính họ mới làm cho tấm áo hay mùi thơm có thêm hương sắc cao quý!

Nếu là đại bác học như ông Einstein hay đại nghệ sĩ đã có cả chục giải Oscar bày trên lò sưởi, thì các nhân vật xuất chúng ấy có thể chỉ cần xức… nước lã mà thiên hạ vẫn phải trầm trồ…

Trong loại dầu thơm hay nước hoa cho phái nữ, người ta có nhiều cấp nhiều bậc từ nhẹ đến nặng. “Eau de Toilette” là loại nhẹ nhất, có thể dùng sáng trưa chiều tối nhiều lần vì có đấy rồi lại thoảng bay mất. Kế tiếp mới là loại “Eau de Parfum” có cùng mùi thơm nhưng đậm đà hơn, đến độ làm người đi qua phải ngoảnh lại. Ði vào chợ thì chẳng ai bôi mùi đó cả, dù là vào chợ mua cá. Mùi nào chỗ ấy chứ! Trên cùng mới là tinh chất gọi là “Parfum,” có mùi đậm và bền hơn mà người ta chỉ bôi vào buổi tối khi đi dự tiệc tùng đám cưới, trong một môi trường đầy những hương sắc rực rỡ nồng nàn.

Các đấng đàn ông tự xưng là phái khỏe thật ra lại rất yếu vì không hề có loại “Parfum” mà chỉ có nước thơm “Eau de Cologne” mà thôi. Nhẹ nhàng hơn thì dùng after-shave có mùi. Nếu xức hương thơm quá thì có khi là tay anh chị, vừa là anh vừa là chị, nửa này nửa kia! Nói vậy có lẽ hơi oan cho các ông, chứ nước hoa của Mỹ chế tạo cho đàn ông thường có mùi thơm quá đậm và quá ngọt, mà các bà có thể trưng thu và gọi là “Parfum” thì cũng không oan tí nào!

Người viết này thì ưa mùi Jicky nhất vì nhớ đến… ông ngoại.

Nhà Guerlain của Pháp đã chế ra mùi này từ năm 1899, hơn hai trăm năm rồi. Hương thơm ấy đã chinh phục toàn cầu, qua tận xứ Ðông Dương, và chinh phục cả hai phái. Ðấy là loại nước hoa đầu tiên có thể gọi là “unisex,” dùng cho cả anh lẫn chị, cả ông lẫn bà. Nhưng nghệ thuật tinh chế của họ quả là công phu vì trên mỗi da thịt nam nữ lại tỏa ra một hương khác. Ðàn ông dùng Jicky thấy mình có thêm nam tính, và phụ nữ xức Jicky thấy mình vẫn khả ái như thường.

Vào một mùa Xuân mà nhớ lại hương xưa thì may ra mình bắt được một giây phút bâng khuâng của một thuở xa xưa…

Bài Liên Quan

Leave a Comment