Báo cáo mới của IMF về kinh tế toàn cầu : Trung Quốc báo động

Báo cáo mới của IMF về kinh tế toàn cầu : Trung Quốc báo động

Trong lúc Trung Đông bốc lửa thì kinh tế toàn cầu cũng rực đỏ, nhưng theo chiều xuống dốc. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế nhiều lần báo động và lần này tình hình có vẻ nguy kịch hơn vì liên quan đến tất cả các khu vực. Ngay tại Trung Quốc, mọi chỉ số đều đỏ.

Công nghệ chế biến, lạm phát, địa ốc, sản xuất xe hơi , tất cả chỉ số kinh tế của Trung Quốc đều « đỏ ». Số liệu công bố hôm thứ Ba còn tệ hại hơn, vật giá leo thang kỷ lục tính từ 6 năm qua, một phần là do thịt heo khan hiếm. Xuất khẩu cũng giảm mạnh. Thủ tướng Lý Khắc Cường nhìn nhận là rất khó có thể đạt được chỉ tiêu tăng trưởng tối thiểu 6% trong năm nay. Tăng trưởng « tuột dốc » cũng là nhận định của chuyên gia kinh tế Raymond Yeong, ngân hàng ANZ, Hồng Kông.

Nguyên do là Trung Quốc buộc phải đi dây giữa hai sức ép. Một bên là chương trình tái cấu trúc kinh tế, thanh lọc nợ ngân hàng và cải cách hệ thống tài chính và bên kia là chiến tranh thương mại với Mỹ.

Thế mà thương chiến từ nay không còn giới hạn trong lãnh vực thương mại mà mở rộng đến chiến lược tranh giành ảnh hưởng, cho nên sẽ kéo dài chưa biết bao giờ ngưng. Cái được gọi là « mini thỏa hiệp » hồi cuối tuần qua, và chưa được ký, chỉ có tác động « rất thấp » đối với kinh tế Trung Quốc, nhiều lắm là 0,1% nếu thực sự được áp dụng. Đã vậy, Hoa Kỳ vẫn không cam kết bỏ áp thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc đã ban hành.

Trong bối cảnh này, chính quyền Trung Quốc dường như vô kế khả thi. Chính phủ không muốn mở hầu bao tung tiền kích thích kinh tế. Ngân Hàng Trung Ương vẫn từ chối giảm lãi suất chỉ đạo hỗ trợ đầu tư và tiêu dùng .

Học tập hay học Tập ?

Đảng Cộng sản Trung Quốc vừa tung ra một ứng dụng học tập yêu nước theo tư tưởng Tập Cận Bình. Chiếc bẫy để theo dõi tư tưởng người sử dụng.

Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có hai bài về chính trị. Bài thứ nhất, nhân chuyến công du Ấn Độ của chủ tịch Tập Cận Bình, nhật báo độc lập so sánh « các cuộc khủng hoảng nội bộ » của hai anh khổng lồ châu Á. New Delhi có gánh nặng Cachemir, còn Bắc Kinh thì có hai khúc xương là Tân Cương và Hồng Kông.

Bài thứ hai về thủ đoạn tuyên truyền theo dõi công dân của Trung Quốc. Le Monde nói đến ứng dụng trên điện thoại di động có tên là « Học Tập Cường Quốc ». Học tập có nghĩa thông thường mà còn mang nghĩa « học tư tưởng của Tập chủ tịch ».

Ứng dụng này là một công cụ để trắc nghiệm kiến thức, giải trí vui đùa nhưng thật sự là một phương tiện kiểm soát công dân. Tháng 9 vừa qua, cơ quan tuyên huấn của đảng Cộng Sản Trung Quốc khuyến cáo các nhà báo phải qua trắc nghiệm mỗi năm để được tái cấp thẻ hành nghề.

Thật ra, ứng dụng này là công cụ để chế độ tuyên truyền, giải thích lịch sử theo quan điểm chính thống, với những câu trắc nghiệm có lời đáp soạn sẵn theo đường lối của Đảng.

Nguy hiểm hơn nữa là qua ứng dụng đó, an ninh có thể biết đươc tư tưởng, quan điểm của người sử dụng.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment