Phớt lờ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Nga bàn về số phận người Kurdistan

Phớt lờ phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến Nga bàn về số phận người Kurdistan

Anh Vũ – Đăng ngày 22-10-2019 

\"media\"/

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan và nguyên thủ Nga, Vladimir Putin gặp nhau tại Sotchi, Nga, bàn về Syria gày 22/10/2019.Reuters/Mustafa Kamaci/Turkish Presidential Press Office/

Tối nay, thời hạn 5 ngày Thổ Nhĩ Kỳ ngừng tấn công ở miền Bắc Syria theo thỏa thuận với Mỹ hết hiệu lực. Bất chấp mọi sự can ngăn của các đồng minh NATO, Liên Hiệp Quốc, tổng thống Erdogan, trước khi bay qua Sotchi gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, đã tỏ « quyết tâm lớn » tấn công trở lại truy đuổi đến cùng lực lượng Kurdistan.

Một lần nữa phương Tây lại bất lực trước Thổ Nhĩ Kỳ, đang ngày càng chứng tỏ là một đồng minh khó chịu trong NATO. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã bác bỏ đề nghị kéo dài thêm lệnh ngừng bắn tại Syria mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron bàn với tổng thống Nga trong cuộc điện đàm trước đó ít giờ. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn cách nói chuyện trực tiếp với ông Vladimir Putin.

Chuyến thăm Nga lần này của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của tổng thống Putin, diễn ra trong bối cảnh chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ trở lại và Damas cùng Matxcơva đang cố gắng dàn xếp với lực lượng Kurdistan để kiểm soát lại khu vực miền bắc Syria sau khi Mỹ rút quân khỏi khu vực. Trong khi đó Ankara thì vẫn muốn khu vực này phải « sạch bóng » lực lượng Kurdistan, tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn xem là khủng bố, đe dọa an ninh quốc gia.

Sau gần chục ngày tấn công ồ ạt vào lực lượng Kurdistan ở miền bắc Syria, Washington phải đưa một đoàn do phó tổng thống Mike Pence dẫn đầu sang Ankara để thuyết phục mới có được thỏa thuận ngừng bắn 5 ngày, cho phép lực lượng Kurdistan rút ra khỏi khu vực biên giới, tạo một hành lang an toàn cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Erdogan muốn thương lượng trực tiếp với ông Vladimir Putin về số phận người Kurdistan chứ không phải là các đồng minh phương Tây trong NATO. Bởi lúc này Nga đã thực sự đang làm chủ bàn cờ chính trị quân sự đầy hỗn loạn ở Syria. Cả hai phía, Ankara và Matxcơva ít nhiều cũng có những tương đồng về lợi ích trong khu vực Trung Cận Đông. Còn các đồng minh phương Tây dưới quan điểm của tổng thống Erdogan giờ là trở ngại cho các tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công vào lực lượng Kurdistan ở miền bắc Syria hôm 9/10, NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên, Liên Hiệp Châu Âu rồi đến Liên Hiệp Quốc đều tỏ ra bất lực không có cách nào cản được Ankara ngoài lời kêu gọi quen thuộc khi xảy ra các cuộc xung đột là « kiềm chế ».

Theo chuyên gia Dominique David, cố vấn của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, lập trường của Thổ không có gì ngạc nhiên. Thổ Nhĩ Kỳ vẫn luôn là thành viên quan trọng của NATO vì lý do chiến lược. Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có căn cứ quân sự lớn của Mỹ phục vụ có hiệu quả cho phương Tây trong chiến lược kiểm soát toàn bộ khu vực Trung Cận Đông. Nếu phải có phản ứng thì hành động NATO cũng rất hạn chế.

Còn ở Liên Hiệp Quốc, các văn kiện chính thức để lên án hay răn đe Thổ đã bị Nga và Trung Quốc, hai thành viên Hội Đồng Bảo An chặn lại. Chuyên gia Dominique David nhấn mạnh, « Nga một mặt không thể tán đồng chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng lại đang có những bước xích lại gần với Ankara » thời gian gần đây rất có lợi cho Nga.

Liên Hiệp Châu Âu thì không chỉ bất lực mà còn chia rẽ. Các nước châu Âu chỉ có thể đưa ra tuyên bố chung để mỗi nước thành viên có lập trường cứng rắn hơn trong việc bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoại trưởng Tây Ban Nha, Jossep Borrell, thừa nhận « chúng ta không có quyền lực kỳ diệu nào ».

Giải thích về giới hạn của Liên Âu, chuyên gia Dominique David nhấn mạnh : « Các nước châu Âu không hội tụ được lợi ích chung, nhất là trong việc bán vũ khí ». Rồi gần đây có vấn đề nhập cư ồ ạt, Thổ Nhĩ Kỳ được các nước châu Âu mặc cả để ngăn chặn làn sóng người đổ vào châu Âu. Hoàn cảnh đó đã tạo thế cho Ankara trong các cuộc đối thoại với châu Âu trong các chủ đề khác.

Thổ Nhĩ Kỳ với vị trí chiến lược quan trọng trong vùng, đang tìm kiếm một vị thế cường quốc trong vùng, không dễ gì chịu chấp nhận sức ép từ bên ngoài, nhất là khi lợi ích riêng đã chia rẽ các quan hệ đồng minh cũng như các cường quốc. Nước Nga, dù bị phương Tây tìm cách cô lập, bây giờ có lẽ là quốc gia duy nhất có thể nói chuyện cũng như đóng vai trò trung gian được với nhiều nước về bàn cờ Trung Cận Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment