5 Tướng lãnh VNCH tuẫn tiết ngày 30/04/1975

5 Tướng lãnh VNCH tuẫn tiết ngày 30/04/1975

Thanh Nguyên

\"HINH

 

Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng biết đến ngày 30/04/1975, một ngày đánh dấu bước ngoặt có thể nói là quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam. Với những lớp trẻ sinh ra và lớn lên sau năm 1975, học về lịch sử được biên soạn bởi bên thắng cuộc thì chúng ta cũng đã quen thuộc với những hình ảnh như chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, những người lính Bắc Việt cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc tòa nhà này.

Nhưng còn những hình ảnh khác mà chúng ta chưa được biết đến. Những người thắng cuộc là như vậy, còn những người bên “thua cuộc”, số phận họ ra sao? Đã có những người rời miền Nam Việt Nam trước ngày 30/04/1975, có những người rời đi ngay trong ngày này, và cũng có những người đã tự sát, nằm lại trên mảnh đất quê hương. Trong bài viết này, tôi sẽ giới thiệu đến mọi người danh sách 5 vị tướng lãnh của quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã tuẫn tiết ngay trong ngày 30/04/1975.

_______________

  1. Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.

\"tuongVy\"Ông sinh ngày 22 tháng 8 năm 1933, trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại Sơn Tây. Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài bán phần.

Nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ một trường Võ bị Địa phương do Chính phủ Quốc gia mở ra ở Trung phần. Ra trường được điều về đơn vị Bộ binh, sau chuyển qua phục vụ đơn vị Nhảy dù một thời gian ngắn. Sau đó lại trở về Bộ binh tuần tự giữ nhiều chức vụ cho đến năm 1973, ông được bổ nhiệm chức vụ Chỉ huy một Sư đoàn Bộ binh (cũng là Chỉ huy cuối cùng của đơn vị này).

Năm 1955, sau khi từ Quân đội Quốc gia chuyển sang phục vụ Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông bị thương trong chiến trận đẩy lui lực lượng Bình Xuyên ra khỏi trường trung học Petrus Ký, Sài Gòn. Đến giữa năm 1956, ông được thăng cấp Đại úy và được theo học lớp Bộ binh cao cấp.

Giữa năm 1973, ông được chuyển về Quân khu 4 giữ chức Tư lệnh phó Sư đoàn 21 Bộ binh do Chuẩn tướng Lê Văn Hưng làm Tư lệnh. Thượng tuần tháng 11 cùng năm, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh[5] thay thế Chuẩn tướng Trần Quốc Lịch được cử đi làm Chánh thanh tra Quân đoàn III và Quân khu 3. Ngày Quốc khánh Đệ Nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1974, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm.

Sáng ngày 30.4.1975 họp tham mưu sư đoàn xong, Chuẩn Tướng Vỹ và toàn ban sĩ quan ngồi bên chiếc máy thu thanh chờ nghe Tướng Minh đọc nhật lệnh quan trọng. Một bản nhật lệnh ngắn ngủi, kêu gọi chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa các cấp buông súng, ai ở đâu thì ở đó và chờ binh đội Bắc Việt đến bàn giao.

Chuẩn Tướng Vỹ nghiến răng miễn cưỡng ra lệnh cho binh sĩ treo cờ trắng trước cổng căn cứ và cho thuộc cấp giải tán. Trước khi chia tay, Chuẩn Tướng Vỹ đã mời các sĩ quan cùng ăn một bữa cơm cuối cùng với ông. Nhìn khuôn mặt trầm buồn và ánh mắt u uất của vị Tư Lệnh, các sĩ quan đoán chắc thế nào ông cũng tử tiết để bảo toàn danh dự người làm Tướng, nên họ đã khéo léo giấu hết súng. Mọi người còn đang dùng cơm thì Chuẩn Tướng Vỹ bỗng bỏ ra ngoài đi nhanh về hướng chiếc trailer dùng làm văn phòng tạm cho Tư Lệnh. Các sĩ quan kinh hoàng nghe hai tiếng nổ đanh gọn phát ra từ chiếc trailer. Mọi người hối hả chạy ùa tới mở cửa thì thấy Chuẩn Tướng Vỹ nằm trên vũng máu và người đã thực sự ra đi, trên tay còn cầm khẩu Beretta 6.35 mà mọi người không nhớ là nó còn nằm trong chiếc trailer. Chuẩn Tướng Vỹ đã bắn vào phía dưới cằm, đạn đi trổ lên đầu.

Các chiến sĩ sư đoàn chuyển thi thể vị chủ tướng ra an táng trong rừng cao su gần doanh trại Bộ Tư Lệnh. Ít lâu sau, thi thể Chuẩn Tướng Vỹ lại được thân nhân bốc lên đem về cải táng ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, Sài Gòn. Năm 1987, bà cụ thân mẫu của Chuẩn Tướng Vỹ lặn lội vào Nam hỏa thiêu hài cốt của người con anh hùng và đem về thờ ở từ đường họ Lê Nguyên tại quê nhà ở tỉnh Sơn Tây.

  1. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng.

\"tuongHung\"Ông sinh ngày 27 Tháng 3 năm 1933 tại Hóc Môn, Gia Định (nay thuộc Thành phố HCM). Ông mồ côi cha từ nhỏ, ở với Mẹ và Dưỡng phụ. Thời niên thiếu, ông học ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn. Năm 1952, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó, ông được tuyển dụng làm việc cho một Công ty người Pháp tại Sài Gòn.

Giữa năm 1954, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 53/115.100. Theo học khóa 5 Vì Dân tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khai giảng ngày 16 tháng 6 năm 1954. Ngày 1 tháng 2 năm 1955 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường ông được cử đi làm Trung đội trưởng trong Tiểu đoàn 13 Việt Nam, đồn trú tại Bình Mỹ, Châu Đốc.

Đầu tháng 11 năm 1955, sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa ra đời và Quân đội Quốc gia được đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông đã cùng đơn vị trực tiếp tham dự chiến dịch Đinh Tiên Hoàng bình định miền Tây do Đại tá Dương Văn Đức chỉ huy, chiến dịch chấm dứt vào tháng 12 cùng năm.

Thượng tuần tháng 6 năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh thay thế Đại tá Chương Dzềnh Quay được cử làm Tham mưu trưởng Quân đoàn IV. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1974, ông được lệnh bàn giao Sư đoàn 21 lại cho Đại tá Mạch Văn Trường (nguyên Chánh thanh tra của Sư đoàn), để về lại Quân đoàn IV giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân đoàn do Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh.

8 giờ 45 phút tối ngày 30/04/1975, Chuẩn Tướng Hưng vẫn với bộ quân phục tác chiến bộ binh trở lại văn phòng Tư Lệnh Phó gặp lại vợ con nói lời vĩnh biệt và khuyên nhủ vợ gắng cắn răng sống nuôi con, dạy dỗ con nên người. Ông cũng trân trọng từ biệt các chiến hữu:

Tôi không bỏ các anh để đưa vợ con ra ngoại quốc. Tôi cũng không thể chịu nhục đầu hàng. Các anh đã từng cộng tác với tôi, những lúc các anh lầm lỗi tôi có rầy la. Xin các anh tha thứ cho tôi những lỗi lầm nếu có.

Chuẩn Tướng Hưng cố xô đẩy đuổi mọi người ra ngoài, bình thản đóng kín cửa văn phòng lại. Tiếng súng nổ từ bên trong vọng ra. Bà Hưng và các chiến hữu phá cửa xông vào. Chuẩn Tướng Hưng đã bắn vào tim, nằm ngã người tựa vào giường.

  1. Chuẩn tướng Trần Văn Hai.

\"tuongHai\"Ông sinh vào tháng Giêng năm 1925 trong một gia đình điền chủ tại Gò Công, miền Tây Nam phần Việt Nam. Năm 1945, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Mỹ Tho với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó, ông được tuyển dụng làm Công chức tại Mỹ Tho cho đến ngày gia nhập quân đội.

Nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ trường Võ bị Quốc gia Việt Nam. Trong suốt thời gian tại ngũ, ông đã giữ những chức vụ ở các lĩnh vực khác nhau như: Tỉnh trưởng, Chỉ huy Binh chủng, Tổng Giám đốc ngành An ninh Nội chính, Chỉ huy Huấn khu và sau cùng là Tư lệnh đơn vị Bộ binh cấp Sư đoàn.

Cuối tháng 4 năm 1952, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 45/102.692. Theo học khóa 7 Ngô Quyền tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 5 năm 1952. Ngày 25 tháng 2 năm 1953 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường, ông được phân bổ chức vụ Trung đội trưởng tại Tiểu đoàn 4 Việt Nam do Thiếu tá Đặng Văn Sơn làm Tiểu đoàn trưởng.

Cuối tháng 10 năm 1955, sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa ra đời, chuyên sang phục vụ cơ cấu mới là Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được cử làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 262 đóng tại Ninh Hòa, Khánh Hòa. Tháng 12 cuối năm ông được thăng cấp Đại úy giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 81 Địa phương đồn trú tại Phan Thiết.

Cuối tháng 10 năm 1974, ông được lệnh bàn giao Quân trường Lam Sơn và Huấn khu Dục Mỹ lại cho Đại tá Nguyễn Hữu Toán. Sau đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 7 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV và Quân khu 4 thay Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi.

Trước sự kiện ngày 30 tháng 4 khoảng hơn một tuần, đích thân Tổng thống Thiệu cho máy bay riêng xuống đón ông di tản nhưng ông từ chối.

Chiều ngày 30 tháng 4, sau khi cho binh sĩ rời đơn vị theo lệnh của Tổng thống Dương Văn Minh, nửa đêm về sáng ngày 1 tháng 5 ông đã dùng thuốc Optalidon (uống nguyên ống 20 viên) tự vẫn trong phòng làm việc tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho. Thi thể ông được Thân mẫu và em ruột đem về mai táng tại Nghĩa trang Chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn vào ngày 2 tháng 5 năm 1975.

  1. Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam.

\"tuongNam\"Ông sinh ngày 23 tháng 9 năm 1927, trong một gia đình khoa bảng “Danh gia vọng tộc” tại Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam, có nguyên quán ở làng An Cựu Tây, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam. Thời niên thiếu, ông học Tiểu học tại trường Ècole des Garcons, Đà Nẵng. Lên Trung học theo chương trình Pháp, nội trú ở trường Quốc học Huế (Lycėe Khải Định). Năm 1946, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó, thi vào trường Hành chánh ở Huế (hệ Cao đẳng). Năm 1951, ông tốt nghiệp và được bổ dụng làm công chức tại Sở Ngân sách Trung Việt, một năm sau giữ chức vụ Chủ sự phòng.

Nguyên là một tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường Sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc gia Việt Nam, được sự hỗ trợ của Pháp mở ra ở Nam phần. Ra trường, ông gia nhập vào đơn vị Nhảy dù và đã phục vụ trong Binh chủng này một thời gian dài, tuần tự giữ những chức vụ từ Trung đội trưởng… đến Phó Tư lệnh Sư đoàn. Đầu năm 1970, ông chuyển nhiệm vụ sang Bộ binh và giữ chức Tư lệnh Sư đoàn. Sau cùng ông đảm trách chức vụ Tư lệnh một trong 4 Quân đoàn và Vùng chiến thuật của Quân lực Cộng hòa.

Cuối tháng 3 năm 1953, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia Việt Nam, mang số quân: 47/291.065. Theo học khóa 3 Đống Đa tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức thuộc Trung đội khóa sinh số 16, khai giảng ngày 1 tháng 4 năm 1953. Ngày 1 tháng 12 cùng năm mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường gia nhập đơn vị Nhảy dù, ông được cử làm Trung đội trưởng thuộc Đại đội 1 trong Tiểu đoàn 7 Nhảy dù. Sau đó, ông được theo học khóa Nhảy dù cấp tốc tại Bến phà Đen (gần Bệnh viện Đồn Thuỷ), Hà Nội. Đến tháng 3 năm 1954, ông được tăng phái cho Tiểu đoàn 3 Nhảy dù. Một tháng sau, ông được đi thụ huấn khóa Đại đội trưởng tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt. Mãn khóa về lại đơn vị, ông được cử giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 3 thuộc Tiểu đoàn 7 Nhảy dù. Tháng 8 cùng năm, ông theo đơn vị từ Hà Nội bằng đường Không vận di chuyển vào Nam đồn trú tại Đồng Đế, Nha Trang.

Năm 1955, sau khi Quân đội Quốc gia đổi tên sang tên mới là Quân đội Việt Nam Cộng hòa, Tiểu đoàn 7 giải tán để bổ sung quân số cho 2 Tiểu đoàn 3 và 5. Ông được cử đi du học lớp Huấn luyện viên Nhảy dù trong vòng 8 tháng tại Pau, Pháp. Mãn khóa, trở về phục vụ tại Tiểu đoàn Trợ chiến Nhảy dù do Đại úy Nguyễn Thọ Lập làm Tiểu đoàn trưởng. Tháng 12 cuối năm, ông được cử làm Đại đội trưởng Đai đội Kỹ thuật trong Tiểu đoàn Trợ chiến thay thế Trung úy Ngô Xuân Nghị.

Giữa năm 1974, ông được cử làm Trưởng đoàn, hướng dẫn phái đoàn chiến sĩ xuất sắc thăm viếng Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) trong vòng 1 tuần lễ. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 cùng năm, ông được bổ nhiệm vào chức vụ Tư lệnh Quân đoàn IV & Quân khu 4 thay thế Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi được cử làm Chỉ huy trưởng Trường Bộ binh Thủ Đức.

Ngày 30 tháng 4 năm 1975, sau khi biết tin của Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho toàn thể Quân lực Việt Nam Cộng hòa buông vũ khí để bàn giao cho quân đối phương, ông trấn an quân nhân các cấp trong Bộ tư lệnh và khuyên họ hãy rời nhiệm sở để trở về với gia đình. Sáng ngày 1 tháng 5, ông vận bộ quân phục Đại lễ của Quân đội, vào khoảng 6 giờ 30 sáng ông dùng súng Browning bắn vào màng tang tự sát tại chiếc ghế làm việc của mình trong tư dinh Tư lệnh ở trại Lê Lợi trên đường Hòa Bình, tỉnh Phong Dinh, nêu cao tinh thần “thành mất tướng tuẫn tiết theo thành”. Hưởng dương 48 tuổi. Thi thể ông được Y sĩ Trung tá Hoàng Như Tùng (Y sĩ trưởng Quân y viện) đưa về quàn tại Quân y viện Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Sau đó, đứng ra an táng ông trong Nghĩa trang Quân đội Cần Thơ. Ngày hôm sau, người chị ruột của ông (đã được báo tin từ chiều hôm trước) là bà Nguyễn Khoa Diệu Khâm (mẹ của Hải quân Trung tá Nguyễn Mạnh Trí) từ Sài Gòn xuống Cần thơ để dựng bia mộ cho ông.

Đến năm 1984, được người em dâu và người cháu gái từ Sài Gòn xuống Cần Thơ bốc mộ hoả thiêu, tro cốt đem về để tại chùa Quảng Hương Già Lam, địa chỉ số 498/11 đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp, Thành phố HCM.

  1. Thiếu tướng Phạm Văn Phú.

\"tuongPhu-2\"Ông sinh ngày 16 tháng 10 năm 1928, trong một gia đình Nho học tại Hà Đông, miền Bắc Việt Nam. Năm 1948, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó ông được tuyển dụng làm công chức tại Hà Đông một thời gian đến khi gia nhập quân đội.

Nguyên là một tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân do Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở nam Cao nguyên Trung phần vào thời điểm Quân đội Quốc gia còn là thành phần trong Quân đội Liên hiệp Pháp. Ra trường, ông gia nhập vào Binh chủng Nhảy dù, về sau ông chuyển sang Chỉ huy Binh chủng Lực lượng Đặc biệt và Bộ binh cấp Sư đoàn. Sau cùng ông là Tư lệnh một trong 4 Quân đoàn và Vùng chiến thuật của Quân lực Cộng hòa.

Giữa năm 1952, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, mang số quân: 48/300.402. Theo học khóa 8 Hoàng Thụy Đông tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt, khai giảng ngày 1 tháng 7 năm 1952. Ngày 28 tháng 6 năm 1953 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch. Ra trường ông được chọn phục vụ trong đơn vị Nhảy dù của Quân đội Liên hiệp Pháp. Sau đó, ông chuyển về Tiểu đoàn 5 Nhảy dù đảm trách chức vụ Trung đội trưởng. Tháng 12 cùng năm, ông được thăng cấp Trung úy giữ chức vụ Đại đội phó.

Ngày 8 tháng 7 năm 1955, sau Hiệp định Genève, cùng trong số 20 sĩ quan tù binh được Việt Minh trao trả qua ngã cầu Hiền lương, sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị thuộc vĩ tuyến 17. Sau đó được biên chế vào Quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tháng 9 cùng năm, ông được cử theo học lớp Dẫn đạo Chỉ huy tại Trung tâm Huấn luyện số 1 ở Quán Tre. Đến đầu tháng 2 năm 1956, ông được tái phục vụ trong Binh chủng Nhảy dù.

\"tuongPhu-1\"Chiến dịch Tây Nguyên của Quân đội Bắc Việt đã làm suy sụp tinh thần và đánh tan gần như hoàn toàn lực lượng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa ở Cao nguyên Trung phần. Ngày 16 tháng 3, theo chỉ thị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong cuộc họp khẩn cấp ngày 14 tháng 3 tại Thị xã Cam Ranh. Ông được chỉ thị Tổ chức và chỉ huy cuộc triệt thoái toàn bộ Quân đoàn II và Quân khu 2 về Tuy Hòa để tái phối trí (Bộ tư lệnh Quân đoàn đặt ở Nha Trang). Cuộc triệt thoái này đã thất bại, làm rối loạn và thiệt hại lớn cho Quân đoàn II và Quân khu 2. Sau đó ông bị triệu tập về Sài Gòn nhưng vì lâm bệnh nặng nên không thể trình diện Tổng thống Thiệu được. Đầu tháng 4, ông phải vào điều trị tại Tổng y viện Cộng hòa.

Đến sáng ngày 29 tháng 4 tại tư dinh số 19 đường Gia Long, Sài Gòn. Sau khi nhờ Đại úy Đỗ Đức Sáng (sĩ quan tùy viên) đưa phu nhân và các con ông lên phi trường Tân Sơn Nhứt để di tản ra khỏi Việt Nam, ông đã tự sát bằng một liều Choloroquine cực mạnh. Trung úy Mạnh (sĩ quan an ninh) biết được sự việc liền báo ngay cho phu nhân chưa kịp lên đường, quay trở lại đưa ông vào bệnh viện Grall cấp cứu nhưng vô vọng vì đã uống quá nhiều thuốc. Ông bị hôn mê đến 11 giờ 15 trưa ngày 30 tháng 4, tỉnh lại thều thào hỏi phu nhân về hiện tình chiến cuộc ra sao. Sau khi được biết Tổng thống Dương Văn Minh đã ra lệnh cho toàn thể Quân lực Việt Nam Cộng hòa buông súng đầu hàng và quân giải phóng đã vào tới Sài Gòn. Nghe xong ông từ trần. Hưởng dương 47 tuổi.

Thanh Nguyên

(Tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau)

Bài Liên Quan

Leave a Comment