Gạo ‘ngon nhất thế giới’ của Việt Nam, bị làm giả, đã sang tới Mỹ

Gạo ‘ngon nhất thế giới’ của Việt Nam, bị làm giả, đã sang tới Mỹ

December 21, 2019

\"\"/
Gạo ST25 chính gốc sản xuất không đủ bán ở Việt Nam. (Hình: Chí Quốc/Tuổi Trẻ)

SÓC TRĂNG, Việt Nam (NV) – Chỉ ba ngày sau khi gạo ST25 nhận được giải thưởng “Gạo Ngon Nhất Thế Giới,” “cha đẻ” của giống gạo này đã thấy gạo “dỏm” giả hiệu bán tràn lan trên mạng Internet và bán sang Mỹ.

“Nếu giới hữu trách không tích cực ngăn chặn tình trạng làm giả, nhái thương hiệu gạo ST25 đang tràn lan như hiện nay, Việt Nam sẽ mất thương hiệu gạo ngon nhất thế giới. Hoạt động xuất cảng gạo của Việt Nam cũng đánh mất cơ hội quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam.”

Theo báo Tuổi Trẻ, đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp và lãnh đạo ngành nông nghiệp đã khuyến cáo như vậy tại buổi tọa đàm “Bảo Vệ và Phát Triển Gạo Ngon Nhất Thế Giới” do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức ngày 20 Tháng Mười Hai, 2019.

Tại buổi tọa đàm, Kỹ Sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa ST25, cho biết chỉ ba ngày sau khi nhận giải thưởng “Gạo Ngon Nhất Thế Giới” ở Philippines trở về, ông rất thất vọng khi thấy gạo ST25 giả được bán tràn lan trên mạng Internet. Người ta lấy gạo nơi khác, đóng bao và bán dưới tên gạo ST25, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Mỹ cũng có bao gạo ST25 giả.

“Mất hàng chục năm với bao nhiêu công sức và tiền của mới tạo ra một giống gạo phẩm chất cao nhưng bị làm giả sau vài ngày thì sẽ triệt tiêu mọi động lực nghiên cứu, sáng tạo của các nhà khoa học,” ông Cua nói.

Không chỉ có gạo giả mà lúa giống cũng bị làm giả, làm nhái. Trước ST25, giống lúa ST24 của ông Cua cũng cho ra loại “Gạo Ngon Nhất Tại Việt Nam” trong cuộc thi năm 2019 và đạt hạng ba “Gạo Ngon Thế Giới năm 2017.”

“Lúa giống ST bị xâm phạm bản quyền, bán hàng giả, lấy lúa lương thực làm lúa giống để bán nhưng các cơ quan hữu trách không dám bắt hay xử lý, chưa kể những trường hợp còn tiếp tay vi phạm,” ông Cua bất bình nói.

\"\"
Một đại lý gạo ST25 chính hiệu ở Sài Gòn. (Hình: Quang Định/Tuổi Trẻ)

Theo Giáo Sư Võ Tòng Xuân, nếu tình hình làm giả gạo ngon cứ tiếp tục mà không có sự ngăn chặn hay quản lý, năm sau Việt Nam sẽ mất gạo ngon nhất thế giới, dân mua phải gạo giả về ăn sẽ chê rồi sẽ mất niềm tin.

“Tôi đi Thái Lan về mới thấy Việt Nam mình buông lỏng rất nhiều chuyện, từ phân, thuốc giả lộng hành làm hại nông dân, bảo vệ nông dân không được. Nay đến gạo giả làm hại doanh nghiệp và hại người tiêu dùng, làm tổn hại tên tuổi đất nước Việt Nam mình. Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, trung ương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không thể để doanh nghiệp phải đi lo bảo vệ thương hiệu, giống lúa của mình, nhà nước phải vào cuộc,” ông Xuân nói.

Cũng theo Giáo Sư Xuân, Thái Lan đã xây dựng được thương hiệu gạo Hom Mali và uy tín gạo quốc gia, đến nay chỉ có mấy giống lúa để xuất cảng. Nhưng khách ngoại quốc yên tâm “nhắm mắt mà mua” vì chắc chắn phẩm chất đã được các cơ quan Thái Lan quản lý chặt chẽ rồi.

“Thậm chí Thái Lan còn giải mã bộ gen của các giống lúa này để đưa vào hệ thống nhận diện gạo trước khi đóng bao xuất cảng, không qua được khâu kiểm soát này thì không được bán,” ông Xuân cho biết thêm.

Ông Lê Quốc Cường, giám đốc Trung Tâm Bảo Vệ Thực Vật Phía Nam, thừa nhận tình trạng làm nhái, làm giả các giống lúa phẩm chất cao của Việt Nam đã xảy ra từ lâu. Điển hình là lúa Nàng Thơm Chợ Đào với diện tích trồng phù hợp có vài trăm hécta, nhưng trên thị trường bày bán tràn lan gạo “Nàng Thơm Chợ Đào,” dùng thương hiệu gạo nổi tiếng để lừa người tiêu dùng.

“Việc quản lý giống còn nhiều sơ sót. Cần tuyên truyền giáo dục các cơ sở sản xuất kinh doanh giống nâng cao nhận thức, trách nhiệm. Vận dụng các luật vào công tác quản lý giống chặt chẽ hơn,” ông Cường nói cho qua chuyện.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc Tập Đoàn Lộc Trời, việc ST25 nhận giải “Gạo Ngon Nhất Thế Giới” đã chứng minh với thế giới rằng Việt Nam có thể làm được gạo ngon nhất thế giới, xóa bỏ quan niệm chỉ có lúa mùa dài ngày mới tạo ra gạo ngon. Việt Nam có thể sản xuất theo đơn đặt hàng của thế giới và xây dựng thương hiệu gạo.

“Không lý gì mà doanh nghiệp không tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam khi nông dân đã làm ra lúa tốt, nhà khoa học làm ra giống phẩm chất cao, nhà quản lý tham gia tích cực,” ông Thòn nói.

Biện minh cho sự việc, ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, cho biết đến nay Việt Nam đã có văn bản quản lý sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, trong đó có giống lúa, như pháp lệnh giống cây trồng, và xử phạt vi phạm… Nhưng vẫn có những người lợi dụng kẽ hở pháp luật để làm ăn gian dối, nhất là trong bối cảnh chính quyền cấp huyện chưa quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước về giống cây trồng.

“Một trong những lý do khó quản lý giống lúa là Đồng Bằng Sông Cửu Long vì có đến 4.2 triệu hecta đất canh tác lúa, cần tới 700,000-800,000 tấn lúa giống mỗi năm. Trong khi đó, các công ty mới cung cấp 200,000 tấn giống xác nhận. Gần 40% các giống lúa ở vùng lúa này là từ hệ thống sản xuất giống nông hộ nên dẫn tới việc mua bán và quản lý trên thị trường rất khó khăn và phức tạp,” ông Tùng lý giải.

“Lúa ST25 không chỉ thuộc về Kỹ Sư Hồ Quang Cua hay Sóc Trăng nữa mà thuộc về Việt Nam, nhà nước phải bảo vệ giống lúa này,” Giáo Sư Võ Tòng Xuân đề nghị. (Tr.N)

Bài Liên Quan

Leave a Comment