Viếng thăm Paris theo chân các danh nhân

Viếng thăm Paris theo chân các danh nhân

Đăng ngày: 21/01/2020

\""Paris
\”Paris của các vĩ nhân\” với 1.000 địa điểm tham quan theo chuyên đề. Giorgi Bakhia

Tuấn Thảo

Sau khi nhà xuất bản Hachette cho ra đời ứng dụng Emile, đưa du khách đi thăm Paris qua lăng kính của các tác phẩm văn học Pháp, nay đến phiên sự ra đời của một ứng dụng miễn phí khác \”Le Paris des Grands Hommes\” (Paris của các vĩ nhân) nhằm hướng dẫn du khách đi tìm vết tích của những văn hào nghệ sĩ từng sinh sống hay lập nghiệp tại thủ đô Pháp.

Ứng dụng hướng dẫn du lịch này do ông Giorgi Bakhia sáng lập. Ngoài đời ông là một chuyên viên phân tích dữ liệu làm việc cho hãng xe Peugeot, những về sở thích cá nhân, ông lại đam mê lịch sử và văn học Pháp. Ông bắt đầu tổ chức các lộ trình tham quan cho gia đình và người thân mỗi lần họ ghé thăm Paris và họ thường ở lại vài ngày để đi xem các điểm du lịch quan trọng nhất.

Cũng từ một câu hỏi đơn giản là văn hào Honoré de Balzac đã gợi hứng từ đâu để tạo bối cảnh cho tiểu thuyết ‘‘Le Père Goriot’’ (Lão Goriot) phát hành vào năm 1835, một trong những tác phẩm quan trọng của bộ tiểu thuyết đồ sộ ‘‘La Comédie Humaine’’ (Tấn Trò Đời). Nhà văn Balzac từng lui tới một quán cà phê trên đường Neuve Sainte-Geneviève ở quận 5, bây giờ đổi tên thành đường Tournefort, văn hào Balzac đã chọn con đường này để phác họa bối cảnh nhà trọ Vauquer. Những năm cuối đời, nhà văn sống trong một biệt thự đường Raynouard, quận 16. Bộ tiểu thuyết ‘‘Tấn Trò Đời’’ được chỉnh sửa tại căn nhà này (Maison Balzac).

Chia sẻ niềm đam mê qua ứng dụng

Để trả lời cho những câu hỏi đơn giản đó, ông Giorgi Bakhia đã bắt tay hoàn chỉnh ứng dụng \”Le Paris des Grands Hommes\” (Paris của các vĩ nhân). Ông dựa vào quyển \”Dictionnaire historique des rues de Paris\” (Tự điển lịch sử các đường phố Paris), một tác phẩm có uy tín của sử gia Jacques Hillairet, khác hay chăng là ông Giorgi Bakhia phác họa thêm các lộ trình dành cho khách bộ hành, vừa dạo phố vừa khám phá các địa điểm gắn liền với nhiều danh nhân, một cách để ông chia sẻ niềm đam mê của mình.

Tính tổng cộng, ứng dụng ‘‘Paris của các vĩ nhân’’, với hơn 50 tuyến đường xếp theo nhân vật nổi tiếng hoặc là theo chuyên đề (Paris trong mắt các danh họa, Paris thời Cách mạng Pháp…) và 1.000 địa điểm được liệt kê rồi ghi chú với khá nhiều chi tiết lý thú gắn liền với các danh nhân. Có những địa điểm trong ứng dụng này không hẳn là những góc phố nổi tiếng, và cũng có khá nhiều tên đường xa lạ ngay cả đối với những người đã từng sống lâu năm ở Paris.

\”Le Paris des Grands Hommes\” là một chuyến du hành ngược dòng thời gian, lùi về quá khứ để khám phá lại nơi sinh ra và lớn lên hay là nơi lập nghiệp của các văn hào thế kỷ 19 (Charles Baudelaire, Gustave Flaubert, Victor Hugo, Gérard de Nerval…), các nhạc sĩ trứ danh (Frédéric Chopin, Hector Berlioz, Charles Gounod…) hay các các danh họa nổi tiếng (Manet, Delacroix, Pissarro…). Trong phiên bản đầu tiên, đa số các nhân vật lịch sử xuất thân từ thế kỷ 19.

Phần còn lại là các nhân vật nổi tiếng thế kỷ 17 (Molière) hay thế kỷ 20 (Simone de Beauvoir, Jean Paul Sartre). Ứng dụng được cập nhật mỗi tháng một lần với những lộ trình mới. Ông Giorgi Bakhia cho biết ông đang cập nhật các tour tham quan mới gắn liền với các nhân vật tên tuổi của thế kỷ 17 (Ninon de Lenclos, Madame de Sévigné, Lafayette…), một cách để tạo thêm nét phong phú đa dạng về các địa điểm lịch sử Paris.

Vùng \”tam giác vàng\” của giới văn nghệ sĩ

Ứng dụng ‘‘Paris của các vĩ nhân’’ phác họa ra ba dãy phố quan trọng, có thể được xem như là vùng \”tam giác vàng\”, nơi thường xuyên lui tới của giới văn nghệ sĩ : từ Montmartre đến Montparnasse thông qua phố Saint-Germain. Có những nơi vẫn tồn tại cho tới bây giờ (nền màu xanh), có những nơi đã biến mất theo quá trình đô thị hóa (nền màu xám), trong đó có như đường Vieille-Lanterne, nơi thi hào Gérard de Nerval treo cổ ‘‘tự tử’’ vào mùa đông năm 1855, sau những năm tháng cuối đời sống trong cảnh túng quẫn, nghèo khó.

Khi du khách đi dạo phố gần quảng trường Pigalle, nằm khuất đằng sau lối vào của một ngân hàng, là vết tích của một quán cà phê mà khi xưa hai nhà thơ Rimbaud và Verlaine thường lui tới. Cách đó vài trăm thước, một cửa hàng chuyên bán thực phẩm sạch (bio) thời xưa là quán cà phê ‘‘La Nouvelle Athènes’’ nơi gặp mặt của các danh họa trường phái ấn tượng như Renoir, Pisarro hay Degas.

Khách tham quan bát phố ở quận 2, khi đi trên đường Étienne Marcel thế nào rồi cũng sẽ bắt gặp tòa nhà ‘‘Tour Jean sans Peur’’ vết tích của Hôtel de Bourgogne, vào thế kỷ 17 là một nhà hát, nơi lui tới của kịch tác gia Molière. Tòa nhà Maison du Général Foy (quận 9) đường Chaussée-d’Antin là nơi tạm trú đầu tiên của Alexandre Dumas, khi thời còn trẻ, ông chân ướt chân ráo đến Paris lập nghiệp. Hai anh em nhà Goncourt chuyên gặp nhau ở quán cà phê Riche (số 16 Boulevard des Italiens), thi hào Rimbaud thường ở trọ tại khách sạn Cluny (số 8 đường Victor Cousin). Còn quán cà phê Cardinal ở góc đường Richelieu và đại lộ Boulevard des Italiens (quận 2) là nơi ‘‘đóng đô’’ của nhạc sĩ Hector Berlioz.

Nơi \”đóng đô\” của Berlioz vẫn tồn tại

Trong cuốn Hồi ký (chương 18), Berlioz có kể lại rằng ông lui tới quán cà phê này từ mùa đông năm 1827, thời ông còn nghèo và chưa nổi tiếng. Ông đến Paris để khám phá các vở kịch của Shakespeare, để gặp các bạn nghệ sĩ như Humbert Ferrand, Auguste Morel. Do còn nghèo cho nên Berlioz thường vào quán cà phê để trú lạnh mùa đông. Có một lần ông quá mệt mỏi nên ngủ gục trên bàn, úp đầu vào tay. Ông ngủ say nhưng không hề gây ra bất cứ tiếng động nào, khiến cho các bồi bàn hoảng hồn, không biết là ông thật tình ngủ say hay là chỉ vì ông đã tắt thở.

Ứng dụng \”Le Paris des Grands Hommes\” được thiết kế theo trình tự thời gian, mỗi lộ trình gắn liền với một danh nhân, từ lúc chào đời cho tới nơi yên nghỉ cuối cùng. Để tìm hiểu về tiểu sử của một nhân vật nổi tiếng, ta có thể đơn thuần tham khảo trang wikipedia, tuy nhiên ứng dụng này là một cách để khám phá tiểu sử và sự nghiệp của các danh nhân, với một lối tiếp cận khá thú vị dễ hiểu, chứ không nặng tính hàn lâm. Hy vọng là \”Paris của các vĩ nhân\” càng trở nên phong phú với những giai thoại ly kỳ hấp dẫn trong thời gian tới, để đáp ứng chờ đợi của những ai thích tìm hiểu sâu hơn về Paris, chứ không chỉ dừng lại ở những tấm bưu thiếp tuyệt vời.

Bài Liên Quan

Leave a Comment