Cỗ bài Tam Cúc ngày Tết

Cỗ bài Tam Cúc ngày Tết

Trong những clip nhạc Xuân, rất tình cờ nghe được bài nhạc Cỗ Bài Tam Cúc của Phạm Duy phổ thơ Hoàng Cầm. Bài hát do Thái Hiền ca, không hiểu sao ít thấy ca sĩ nào hát lại. Có lẽ cái tên bài hát xa lạ như loại bài Tam Cúc ngày Tết đã đi vào quá khứ.

\"\"

Những câu thơ ngây ngất, phiêu bồng trong bài thơ “Cây Tam Cúc” của Hoàng Cầm, cũng cùng sự khắc khoải, vô vọng cái tình “chị-em” như trong “Lá diêu bông” của ông, được phổ nhạc khá hay:

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm

Em đừng lớn nữa chị đừng đi

Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa

Ổ rơm thơm, đọng tuổi đương thì

thả tịnh vàng đưa chị võng mây trôi

Em đứng nhìn theo

Em gọi: đôi!

Có lẽ năm tôi khoảng 14 hay 15 tuổi gì đó, tôi cũng đã biết chơi bài Tam Cúc. Tôi biết chơi bài Tam Cúc là nhờ mẹ của đứa bạn thân chỉ cách, để lỡ có thiếu tay thì bà đem tôi vào thế chỗ. Ðánh không giỏi và xoè bài thật vụng. Nhưng tôi cũng được việc, khi làm con “tốt đen” góp mặt, mỗi khi bà thiếu tay xoè những ngày Tết.

Mẹ bạn tôi gốc người Quảng Bình, cao to, giọng nói sang sảng. Nhưng thiệt khó nghe. Không phải chỉ mình tôi nghe không được, mà nhiều khi cả thằng con bà, tức thằng bạn học tôi, cũng chẳng nghe nổi. Bởi tụi tôi đứa nào cũng đã “mất gốc”, sinh ra hay từ nhỏ đã theo ba mẹ vào Sài Gòn. Lắm khi nghe không rõ, tụi tôi hỏi lại hoặc nhái giọng bà. Nghe bà réo “Mồ cha tụi mi” (câu này thì nghe rõ, có lẽ vì quen tai), lại cười rúc rích. Cái cười của tuổi nghịch ngợm mới lớn, chứ chẳng vì vô lễ. “Thứ ba học trò” mà.

Kể chuyện “Nhất quỷ, nhì ma” lại nhớ có năm thức canh nấu bánh chưng nhà nó, mấy đứa ngồi đàn hát thế nào lại dựa lưng vào chậu lan, làm gãy ngang nhánh lan chỉ có một nụ đang chờ trổ hoa thật đẹp. Ðứa nào cũng hết hồn vì đó là chậu địa lan mà anh trai nó nâng niu như trứng để chưng ba ngày Tết, ban đêm mang ra hiên nhà cho nó ăn sương.

Anh trai nó tướng tá ngon lành, cũng to cao và giọng sang sảng như bà mẹ, nhưng nóng tính thì như Trương Phi. Mỗi khi giận dữ, mặt đỏ phừng phừng. Lúc đó ông cũng còn trẻ thôi và là giáo sư đại học trước 75, hay chạy chiếc xe Yamaha cũ, màu xanh da trời. Không hiểu sao ông cũng bị tù cải tạo đôi năm, đâu chừng cũng vài năm sau, ông vượt biên trót lọt. Sang Mỹ ông làm gì đó cho chính phủ ở Cali, giờ đã mất.

Còn vụ cái hoa lan bị gãy, sợ thì có sợ nhưng tụi tôi đâu có … ngán. Vì đến sáng thì “biến”, có gì thì cũng mình thằng bạn tôi lãnh đủ. Bạn bè thân thiết với nhau, gặp hoạn nạn thì phải mạnh đứa nào đứa đó chạy, chớ ngu sao mà ở lại cho chết chùm.

Thằng bạn tôi đâu phải tay vừa. Nó lấy cây tăm xỉa răng, ngồi tẩn mẩn như thợ khắc gỗ, nghề khá thịnh hành lúc bấy giờ ở Sài Gòn, mà gắn lại hai nhánh lan bị gãy. Ðịa lan nên cái cuống hơi to, gắn tăm vào thì có trời mà biết nhánh lan đã bị… tan nát đời hoa. Nhưng ba cái trò con nít đó đâu gạt được ai, nghe nói hôm sau thấy nụ lan héo rũ và thấy cả cây tăm gắn, anh trai nó biết tỏng liền ai là thủ phạm, nên “dợt” cho nó một trận ra hồn. Cho xứng công sức của ổng nâng niu chậu lan. Tụi tôi đứa nào cũng lấm lét hết mấy hôm, phải canh không có anh trai nó ở nhà mới dám réo ới ời, rủ nhau đi coi phim ba ngày Tết ở rạp Minh Châu, khúc đường Trương Minh Giảng cũ.

Bây giờ thì tôi đã quên hết, chẳng còn nhớ đánh bài Tam Cúc như thế nào nếu có phải “chêm vào chỗ trống” cho ai đó. Chỉ còn nhớ mang máng mấy tên gọi, nào là đôi sĩ điều, đôi pháo đen hay kết đôi, kết ba… Và sót lại dăm câu thơ trong bài thơ “Cỗ bài Tam Cúc” của Hồ Dzếnh cũng đã được phổ nhạc và cũng chẳng mấy ca sĩ nào ca:

Từ đó mỗi mùa đào nở

Pháo xe lại rộn cây bài

Có độ anh về, có độ

Vắng anh, em nhớ mong hoài…

\"\"

Chơi bài Tam Cúc – tranh dân gian

Cùng một bài báo xưa mới đọc được kể về giai thoại cái Tết cuối cùng của nhà cách mạng Nguyễn Thái Học đã chơi Tam Cúc cùng những đồng chí của ông trong đêm giao thừa.

Kể từ ngày sang Mỹ, chừng hơn mười năm trước, lần đầu tiên tôi mới nghe có người nhắc lại bài Tam Cúc ngày Tết. Vì ngay tại Việt Nam bây giờ, thế hệ những người chơi bài Tam Cúc ắt cũng chẳng còn mấy người. Hỏi những người tre trẻ hay trung niên, chắc không nhiều người còn nhớ hay biết đến cách chơi, đừng nói những em tuổi mới lớn. Vậy mà người nhắc lại bài Tam Cúc ngày Tết năm đó lại là một cô bé 11 tuổi, trong bài viết nhớ mẹ ngày Tết của mình. Viết bằng tiếng Việt. Và bằng giọng văn làm mủi lòng những người có mẹ. Mà ai lại chẳng có mẹ? Ngoại trừ cô bé này.

Ba tuổi, em mất mẹ. Cái tuổi quá nhỏ để cảm nhận sự mất mẹ. Nhưng lớn hơn, có lẽ em thấm thía nỗi mất mát này thật lớn. Ðến độ giọng văn của em làm vài người đọc bài văn của em không tin rằng bài văn do một cô bé 11 tuổi, sinh tại Mỹ đã viết ra bằng tiếng Việt như vậy. Mà lại nhắc cả về bài Tam Cúc hơi lạ tai.

Nhưng tôi tin. Hay đúng ra, chúng tôi, những người trong ban giám khảo, đã tin vậy. Tôi còn trừ em đôi điểm chính tả, nhưng có vị còn cho em cả số điểm tuyệt đối 100. Ðể chấm cho em giải nhất cuộc thi “Viết về Ngày Tết” dành cho các em nhỏ của một trung tâm giáo dục địa phương tổ chức.

Tôi đã bỏ thì giờ để đọc nhiều lần bài viết của em. Thiếu mẹ nên sống với tình thương của bà ngoại và các dì. Bà Ngoại dạy em đánh Tam Cúc. Em viết rằng, ước gì ngày Tết của em có mẹ âu yếm dắt đi chùa hay cùng ngồi đánh bài Tam Cúc. Em kể rằng những ngày trước Tết, ra thăm mộ mẹ, thấy tội nghiệp mẹ quá, nhủ lần tới sẽ mang theo một gói kẹo chocolate để cúng mẹ. Không người lớn nào đủ hồn nhiên và tha thiết để viết lên một câu văn, một ý tưởng cảm động và trẻ thơ đến vậy được.

Bài văn cùng câu chuyện của cô bé mất mẹ vẫn làm tôi nhớ đến bây giờ khi nghe hay đọc lại điều gì liên quan đến cỗ bài Tam Cúc. Khá lâu tôi không gặp lại em nhưng vài năm trước, thỉnh thoảng tôi vẫn còn gặp em đi lễ chùa ngày Tết, lòng phân vân không biết có nên lì-xì lộc đầu năm cho cô bé nay đã trở thành một thiếu nữ duyên dáng đã vào đại học hay không.

Nhưng lần tới có gặp lại, tôi sẽ hỏi em có còn nhớ cách đánh bài Tam Cúc. Chẳng để làm gì, chỉ để giúp em nhớ lại một kỷ niệm ấu thời của mình. Của tôi. Của những người đã từng chơi Tam Cúc. Khi những ngày Tết đang về.

ĐYT

Bài Liên Quan

Leave a Comment