Phụ nữ Việt đầu tiên được vinh danh trên ‘Forbes 30 Slovakia’

Phụ nữ Việt đầu tiên được vinh danh trên ‘Forbes 30 Slovakia’

Jun 15, 2020 cập nhật lần cuối Jun 15, 2020

\"\"/
Chị Lucia Thảo Hương Simekova cùng chồng và anh họ Thắng Trần (phải) tại một nhà hàng trong chuỗi Phở. (Hình: VNExpress)

BRATISLAVA, Slovakia (NV) – Một phụ nữ gốc Việt đầu tiên ở thành phố Bratislava đã được tạp chí Forbes chọn vào danh sách “Forbes 30 Slovakia,” nhờ xây dựng thành công hệ thống nhà hàng Phở – món ăn nổi tiếng thế giới của người Việt Nam.

Theo tạp chí Forbes của Slovakia hồi Tháng Tư, chị Lucia Thảo Hương Simekova (27 tuổi), chủ hệ thống nhà hàng Phở, một trong những người được chọn vào danh sách Forbes dưới 30 tuổi ở nước này nhờ vào thành công chỉ trong hai năm hoạt động đã đạt doanh thu khoảng $3.4 triệu.

Đại diện của Forbes cho biết Lucia Thảo Hương Simekova (tên Việt Nam là Vũ Thảo Hương) cũng là người Việt Nam đầu tiên có tên trong các danh sách của tạp chí.

“Tôi rất biết ơn khi được chọn vào danh sách của Forbes. Tôi thấy được tiếp thêm động lực để cố gắng, vì nhà hàng của tôi còn non trẻ,” chị Hương nói với báo VNExpress.

Chị Vũ Thảo Hương được sinh ra và lớn lên tại thành phố Bratislava cùng ba người em. Cha chị là người Hà Nội, mẹ gốc Nam Định. Hai người gặp nhau tại Ba Lan, sau khi hoàn thành chương trình học ở Châu Âu.

Là gia đình người Việt duy nhất trong làng, Thảo Hương và các em thường xuyên bị trêu chọc trên phố và ở trường học. Hàng rào của gia đình thi thoảng xuất hiện những hình vẽ chế giễu người Châu Á.

“Sự phân biệt của những người xung quanh khi đó khiến tôi tự nhủ mình phải học thật giỏi, nỗ lực để chứng minh người Việt có thể vươn lên,” chị Hương nhớ lại.

Thế là chị tham gia nhiều cuộc thi toán của khu vực dành cho học sinh trung học và đoạt các giải ba, đồng thời cũng giành được suất học bổng trị giá 35,000 euro ($39,396) của trường quốc tế Anh Ngữ Bratislava, có thể chọn học tại trường Đại Học Havard (Mỹ) hoặc Đại Học Oxford (Anh). Song, chị lại ghi danh vào chi nhánh Đại Học Seattle ở Bratislava.

Trong khi làm việc cho công ty Heitman, một trong các quỹ đầu tư nước ngoài ở Slovakia, chị Hương đến Anh học cao học chuyên ngành đầu tư bất động sản và tài chính của Đại Học Reading. Sau đó chị chuyển sang làm việc cho công ty Sharow Capital.

\"\"
Chị Lucia Thảo Hương Simekova (thứ hai, trái) cùng một số đại diện của “Under 30” trên trang bìa Forbes Slovakia Tháng Tư, 2020. (Hình: Forbes Slovakia)

Trong suốt năm năm đi làm, chị Hương vẫn luôn nghĩ đến giấc mơ mở một nhà hàng của riêng mình. Cơ hội đến với chị Hương vào Tháng Tám, 2017, khi chị và anh họ Thắng Trần đem một số đồ ăn Việt Nam đến giới thiệu tại lễ hội âm nhạc Grape ở Piešťany. Trong hai ngày, nhóm của chị Hương phải làm việc luôn tay để phục vụ lượng khách xếp hàng “dài như vô tận.” Hai món được yêu thích nhất là phở bò và bún bò Huế.

Sau khi mời được anh Thắng Trần, người có nhiều năm kinh nghiệm làm trong các nhà hàng ở Slovalia và Đức, làm bếp trưởng, chị Hương bàn với chồng thực hiện giấc mơ.

“Chúng tôi mở được nhà hàng đầu tiên tại Trung Tâm Thương Mại Bory vào cuối 2017, ba tháng sau khi thử nghiệm,” Vũ Thảo Hương cho biết.

Quán phở thành công thu hút thực khách nhờ vào nước dùng thơm và ngọt tự nhiên vì xương được ninh đến 10 tiếng.

Đến cuối năm 2018 và Tháng Hai, 2019, chị Hương lần lượt mở thêm hai cửa hàng tại các trung tâm thương mại Avion và Eurovea.

\"\"
Một tô phở đặc trưng trong chuỗi nhà hàng Phở của chị Lucia Thảo Hương Simekova. (Hình: VNExpress)

Niềm hứng khởi của chị Hương dành cho chuỗi nhà hàng Phở bất ngờ bị “khựng lại” do đại dịch COVID-19. Khi Châu Âu trở thành tâm dịch, Slovakia và hàng loạt quốc gia phải áp lệnh phong toả để chặn virus SARS-CoV-2. Lượng hàng bán ra tại các cửa hàng của Phở sụt giảm mạnh, doanh thu mất đến 80%.

Sau khi đánh giá tình hình, chị Hương áp dụng một loạt biện pháp duy trì hoạt động của nhà hàng như ghi danh các ứng dụng giao hàng online, hợp tác với các công ty bán hàng trực tuyến, cắt giảm chi phí, dừng đầu tư mới, xem xét kết quả công việc của từng tuần…

Đến khi Slovakia nới các biện pháp hạn chế chặn dịch, chị Hương chọn cửa hàng ở nơi có mật độ giao thông lớn để mở lại, kết hợp bán “to go,” mở rộng phạm vi giao hàng ở khắp Bratislava.

Sắp tới, chị Hương muốn mở thêm một cửa hàng có vị trí chiến lược để bảo đảm hiệu quả kinh doanh sau đại dịch và giữ việc làm ổn định cho 50 nhân viên, trong đó người Việt chiếm đến 2/3. Người Việt là thành phần chủ chốt giúp chị duy trì chất lượng đồng nhất các món ăn trong chuỗi nhà hàng, tuân thủ nguyên tắc hàng đầu “thực phẩm có lợi cho sức khoẻ.”

“Tôi muốn Phở không chỉ trở thành chuỗi lớn nhất, mà còn là đối tác đáng tin cậy nhất trong ngành nhà hàng ở Trung Âu,” chị Hương nói. (Tr.N) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment