Hồng Kông: Khai tử quyền tự do báo chí

Hồng Kông: Khai tử quyền tự do báo chí

Đăng ngày: 11/08/2020

\"Các
Các ấn bản của tờ Apple Daily với trang nhất in hình ông chủ Lê Trí Anh (Jimmy Lai) được bày bán tại Hồng Kông ngày 11/08/2020. AP – Kin Cheung

Anh Vũ10 phút

Vụ tấn công khủng bố ở Nigeria sát hại 8 nhân viên hoạt động nhân đạo trong đó có 6 người Pháp, nước Pháp cảm thấy lại bị khủng bố tấn công ; cuộc bầu cử tổng thống Belarus đang làm dấy lên làn sóng phản kháng chưa từng có ở quốc gia Đông Âu thuộc Liên Xô cũ này và tình hình Trung Quốc, từ Hồng Kông, Đài Loan đến cuộc đọ sức với Mỹ… Đó là những chủ đề được hầu hết các báo Pháp ra hôm nay phản ánh.

Trước hết xin được đến với các bài về Trung Quốc. Sự kiện mới nhất  được các báo quan tâm là vụ bắt  giữ nhà tài phiệt truyền thông Hồng Kông, Lê Trí Anh (Jimmy Lai) hôm qua 10/08/2020. Ngay lập tức các báo đều nhận ra đây là một đòn trấn áp của Trung Quốc đánh vào quyền tự do báo chí. Nhật báo Le Figaro và Libération đều có chung hàng tựa :« Bắc Kinh chà đạp quyền tự do báo chí ở Hồng Kông ».

Le Figaro gọi hôm qua là một « ngày đen tối đối với tự do báo chí Hồng Kông », khi hàng trăm cảnh sát ập vào khám xét tòa soạn báo Apple Daily của ông Lê Trí Anh, bắt giữ nhà tài phiệt truyền thông nổi tiếng có quan điểm chống lại chính sách trấn áp các quyền tự do của Bắc Kinh. Ông bị quy tội « thông đồng với thế lực bên ngoài » và « gian lận ».

Cả ngày hôm qua mạng xã hội ở Hồng Kông tràn ngập hình ảnh nhà tỷ phú bị còng tay bắt đi và cảnh hàng trăm cảnh sát « tập kích » vào tòa soạn báo Apple Daily của ông. Cảnh tượng giống như một cuộc trấn áp tội phạm nguy hiểm. Le Figaro cho biết 7 lãnh đạo các cơ sở truyền thông, trong đó có 2 con trai của Lê Trí Anh, cũng bị bắt giữ và cảnh sát cho bết có thể sẽ còn bắt thêm nhiều người nữa.

Le Figaro nhận định, vụ bắt giữ này « không có gì ngạc nhiên. Lê Trí Anh, 72 tuổi, là biểu tượng kháng cự của Hồng Kông trước Bắc Kinh. Ông đã trong tầm ngắm của đảng Cộng Sản Trung Quốc từ nhiều năm qua », vì có lập trường đối lập với chế độ Hoa Lục và nhất là có quan hệ rất tốt với chính quyền Mỹ.

Báo chí của đảng ở Hoa Lục đã nhiều lần chỉ trích nhà tỷ phú là « thế lực hắc ám » hay « kẻ phản bội ». Năm ngoái, ông cũng đã từng bị bắt vì ủng hộ cuộc biểu tình của người Hồng Kông kỷ niệm cuộc thảm sát Thiên An Môn.

Tờ báo khẳng định vụ bắt giữ này là tiếp nối các hành động trấn áp quyền tự do ngôn luận bằng bộ luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh vừa cho áp dụng ở Hồng Kông. Còn Libération thì nhấn mạnh : « Bắt giữ nhà tài phiệt ủng hộ dân chủ Jimmy Lai và khám xét tòa soạn báo của ông ở Hồng Kông, cảnh sát cho thấy họ đang khóa miệng một trong những tiếng nói hiếm hoi chỉ trích chế độ độc tài Trung Quốc ».  

Tờ báo bình luận : «  Một ông chủ báo chí bị còng tay, một ban biên tập bị hàng trăm cảnh sát phong tỏa hàng giờ : Đó là diện mạo của báo chí Hồng Kông một tháng sau khi luật an ninh quốc gia do Bắc Kinh áp đặt được ban hành… Đặc khu hành chính này đã vĩnh viễn mất đi quyền miễn trừ đặc biệt trong lĩnh vực báo chí ».

Libération cho biết, trên một diễn đàn đăng trên nhật báo Mỹ New York Times, nhà tỷ phú truyền thông này đã viết : « … từ khi Hồng Kông trở lại dưới ách Trung Quốc năm 1997, tôi đã sợ rằng có ngày đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ không để cho báo chí và cả người dân Hồng Kông được tự do. Cái ngày ấy đã đến ».

Vụ Tik Tok: Chủ đề chính trị kinh tế nhiều hơn là an ninh mạng

Vẫn trên Libération, hồ sơ sự kiện chính của tờ báo là quan hệ Mỹ -Trung qua sự kiện Tik Tok, đã được truyền thông khắp thế giới nói đến rất nhiều trong những ngày qua.

Trang bìa của tờ báo dành cho hình ảnh tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp trước đây dưới hàng tự lớn : « Tik Tok : Chiến thuật của sen đầm Trump ». Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa gia hạn cuối cùng cho công ty Trung Quốc sở hữu mạng xã hội Tik Tok phải bán ứng dụng này cho một công ty Mỹ nếu không muốn bị cấm cửa ở Hoa Kỳ.

Tối hậu thư của ông Trump đã khiến chế độ Cộng Sản Bắc Kinh nổi đóa vì Trung Quốc hiểu ngay rằng đang bị Washington tấn công trên mọi mặt trận, lần này là lĩnh vực công nghệ số. Libération đặt  câu hỏi vụ việc này chỉ là một đòn ra oai của Donald Trump phục vụ tranh cử, hay đây là bước dạo đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới? Dẫu sao trận đấu này cũng cho thấy một trò gây ảnh hưởng thời công nghệ số.  

Libération nhận định, vụ việc phản ánh các căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc này mang tầm vóc cuộc cạnh tranh địa chiến lược nghiêm trọng, « nó báo hiệu một phiên bản công nghệ của cuộc chiến tranh lạnh và một khả năng có thể xé lẻ Internet», theo Ian Bremmer lãnh đạo công ty phân tích rủi ro Eurasia Group, được tờ báo trích dẫn. 

Mặt khác theo Libération thì vụ việc này cũng là một phiên bản Mỹ về « chủ quyền không gian mạng », điều mà vẫn được chủ trương trong các chế độ toàn trị như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc, những nơi đã cấm cửa Facebook, Twitter và Google hoạt động trên lãnh thổ của mình.

Tờ báo dẫn lời giáo sư về truyền thông số thuộc Đại học Carnegie Mellon, Pittsburgh, Hoa Kỳ nhận định về động thái của chính quyền Trump : « Đây là chính sách thù địch có tầm nhìn ngắn, làm hỏng hình ảnh của Hoa Kỳ và sự họp tác không thể thiếu trong lĩnh vực công nghệ ».

Xã luận của Liberation nhận xét : Tổng thống Mỹ rất ghét bị xỏ mũi, với ông Trump, ứng dụng của Trung Quốc đang làm một bộ phận giới trẻ Mỹ thích thú này là một sự khiêu khích thực sự. Nhất là khi ứng dụng được sử dụng để kêu gọi tẩy chay cuộc mít tinh tranh cử của ông. Đó là nguồn gốc quyết định cấm Tik Tok tại Hoa Kỳ. « Cuộc đọ sức này liệu có kéo dài cho đến tận sau cuộc bầu cử Mỹ ? Dẫu sao thì ta vẫn thích hai cường quốc hàng đầu thế giới đánh nhau bằng mạng xã hội hơn là bằng tên lửa », Libération kết luận.

Đài Loan lại là vấn đề tranh cử của Donald Trump

Liên quan đến quan hệ Mỹ Trung, nhưng trong vấn đề Đài Loan, nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến sự kiện bộ trưởng Y Tế Mỹ vừa tới thăm Đài Loan, vùng lãnh thổ mà Bắc Kinh vẫn coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Les Echos ghi nhận : «  Ủng hộ Đài Loan : Washington mở mặt trận mới với Bắc Kinh ». Theo tờ báo, việc một bộ trưởng Mỹ tới thăm Đài Loan lần đầu tiên kể từ 1979, năm Mỹ cắt đứt quan hệ với Đài Loan để nhượng bộ Trung Quốc, là một động thái khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền đảo Đài Loan, bất chấp các phản ứng của Bắc Kinh.

Rõ ràng chuyến thăm Đài Loan 3 ngày của bộ trưởng y tế Mỹ Alex Azar mang tính chính trị rất cao cho dù dưới lý do là hợp tác y tế song phương, trong bối cảnh Đài Loan đã thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 còn Mỹ thì đang loay hoay không làm sao khống chế được dịch.

Nhưng chuyến đi ẩn giấu một tham vọng của chính quyền Washington : Khơi dậy mối quan hệ về an ninh giữa Hoa Kỳ và hòn đảo độc lập. Mặt khác, giữa thời điểm quan trọng của chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, Trump muốn chứng tỏ ông luôn sẵn sàng đương đầu với Bắc Kinh trên mọi mặt trận, điều mà đảng Dân Chủ quá mềm yếu, như ông vẫn chỉ trích.

Donald Trump cũng muốn cho thấy ông là người duy nhất bảo vệ nước Mỹ trước các đe dọa từ Trung Quốc. Bởi thế ông đã mở mặt trận với Trung Quốc trên đủ các hồ sơ : Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, công nghệ số với Hoa Vi, Tik Tok, WeChat và ông vẫn còn chưa cạn nguồn để đấu lại Trung Quốc.

Từ nay đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ, chuyến thăm Hoa Kỳ đáp lễ của bộ trưởng Y Tế Đài Loan sẽ là một đòn hay ho cho tổng thống Donald Trump. « Mục tiêu là đẩy Trung Quốc vào khủng hoảng nhằm chứng minh rằng đảng Dân Chủ sẽ bất lực khi Bắc Kinh đe dọa », Les Echos nhận định.

Belarus : Tổng thống tái đắc cử, cử tri phản đối

Chuyển qua với một thời sự nóng đáng diễn ra ở quốc gia đông Âu thuộc Liên Xô cũ, cuộc bầu cử tổng thống Belarus. Các báo đều ghi nhận : Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Belarus hôm Chủ nhật vừa qua là tổng thống Alexandre Loukachenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 80% phiếu bầu. Còn hệ quả là biểu tình phản đối, ít nhất một người chết, hàng chục người bị thương và hơn 3 nghìn người bị câu lưu ngay trong tối công bố kết quả Chủ nhật, 10/08. Les Echos chạy tựa : «  Loukachenko tái đắc cử tại Belarus, nhưng dân chúng không thừa nhận ». Trong khi đó tựa của Libération :  « Belarus : Đường phố kháng cự, Loukachenko trấn áp ».

Tờ báo cho biết : Sau khi những kết quả kiểm phiếu đầu tiên cho thấy vị tổng thống nắm quyền từ 1994 lại tái đắc cử, các cuộc biểu tình dữ dội đã nổ ra ở hàng chục thành phố của  Belarus. Đối lập kêu gọi một cuộc tổng đình công.

Xã luận Le Monde chạy tựa:  « Chối bỏ dân chủ ở Belarus ». Tờ báo ghi nhận, vậy là Alexandre Loukachenko, từ một lãnh đạo hợp tác xã nông nghiệp lên cầm quyền sau khi Liên Xô sụp đổ, đã độc chiếm ngôi trị vì Belarus. Không có gì ngạc nhiên khi nhà độc tài này tuyên bố đắc cử với trên 80% phiếu, trong khi đối thủ của ông bà Svetlân Tsikhanovskaia chỉ đạt 9,9% phiếu, mặc dù bà khẳng định đạt đa số phiếu bầu.

Theo Le Monde, không thể coi cuộc bầu cử này là dân chủ, khi mà trước bầu cử hàng loạt các ứng viên đối lập bị bỏ tù, các phòng phiếu được tổ chức không có sự giám sát, báo chí nước ngoài bị cấm, cử tri ở các địa phương bị hăm dọa…

Cuộc bầu cử ở Belarus lần này là dịp để lôi cuốn sự chú ý của quốc tế đối với vấn đề nhân quyền bị vi phạm đã thành hệ thống ở đất nước chỉ có hơn 9 triệu dân, nằm lọt giữa Nga và Ba Lan này.

Một điểm khác là phản ứng của dân chúng về kết quả bầu cử cho thấy người dân Belarus đang mong muốn thay đổi chính trị sâu sắc ở đất nước này. Xã luận của Le Monde kêu gọi : « Liên Hiệp Châu Âu, được xây dựng trên nguyên tắc dân chủ, phải giúp đỡ xã hội dân sự Belarus lựa chọn số phận. Các nước châu Âu phải rút ra những hệ quả chính trị kinh tế từ cuộc bầu cử trò hề này và từ việc trấn áp biểu tình phản đối cuộc bầu cử phi dân chủ này. »

Bài Liên Quan

Leave a Comment