Thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về vụ án Đồng Tâm

Thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về vụ án Đồng Tâm

RFA
2020-09-04

\"HìnhHình minh hoạ. Đường vào Đồng Tâm bị chặn sau vụ người dân bắt giữ 38 công an để phản đối việc thu hồi đất và bắt giữ người dân hồi tháng 4/2017 Reuters

Mười một tổ chức chính trị, xã hội dân sự trong và ngoài nước vào ngày 4 tháng 9 công bố thư chung gửi Liên Hiệp Quốc về việc xét xử các dân làng Đồng Tâm dự kiến diễn ra vào ngày 7 tháng 9 tới đây.

Thư chung gửi đến bà Đại sứ Elisabeth Tichy- Fisslberger, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHP) tại Geneva, Thụy Sĩ.

Nội dung thư kêu gọi bà đại sứ chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ can thiệp cho 29 người bị bắt kể từ khi xảy ra vụ tấn công vào làng Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9 tháng 1 vừa qua.

Những tổ chức ký tên vào thư chung nêu rõ những người này chỉ vì cố gắng giữ đất không để bị thu hồi phi pháp đã bị bắt giữ và sắp sửa bị đem ra xét xử vào ngày 7 tháng 9 tới đây.

Trong một thư chung khác gửi đi vào ngày 25 tháng 2, những tổ chức ký tên thuật lại vụ tấn công được tiến hành với 3 ngàn cảnh sát cơ động. Số này triển khai việc đột nhập vào nhà cụ Lê Đình Kình, người đại diện cho dân Đồng Tâm trong cuộc giữ đất kéo dài nhiều năm qua mà không được cơ quan chức năng giải quyết. Cụ Lê Đình Kình bị giết chết trong vụ tấn công.

Thư chung cho biết thêm, trong suốt thời gian qua, những người bị bắt không được gặp mặt thân nhân. Luật sư gặp nhiều khó khăn trong việc sao chụp hồ sơ và gặp mặt thân chủ của họ trong trại giam.

Ngoài ra, phiên xử được nói là công khai thế nhưng đến nay chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm phiên tòa được mở ra, nhưng thân nhân của những người bị bắt và đem ra xét xử chưa nhận được giấy mời dự tòa.

Thư chung cho biết các cơ quan chức năng Việt Nam tìm cách ngăn chặn những nguồn thông tin khác với tin mà chính quyền đưa ra về vụ Đồng Tâm.

Ba nhà hoạt động đất đai trong một gia đình vì sử dụng mạng xã hội thông tin về những gì thực tế xảy ra cho dân làng Đồng Tâm giữ đất cũng bị bắt. Đó là bà Cấn Thị Thêu và 2 con trai Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư.

Thư chung nêu qui định trong Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) mà Việt Nam là một thành viên. Theo điều 14 của ICCPR thì ‘một phiên tòa công bằng đòi hỏi thời gian và phương tiện thích hợp để chuẩn bị cho việc bào chữa và việc trao đổi với luật sư mà chính người phải ra tòa tự chọn. Tuy nhiên những qui định về thủ tục này liên tục bị vi phạm trong suốt quá trình tố tụng khiến những cáo buộc chống lại họ trở nên tùy tiện.

Những tổ chức ký tên vào thư chung đưa ra kêu gọi bà đại sứ và Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Việt Nam thực hiện ba điểm. Trước hết là phải xét xử công minh, phiên tòa cần công khai cho thân nhân cũng như các tổ chức phi chính phủ và truyền thông quốc tế tham dự. Thứ hai phải  cho phép các bị cáo được gặp luật sư; chấm dứt hăm dọa các bị cáo để họ có quyền kêu oan theo đúng pháp luật; cũng như không hăm dọa luật sư. Điều thứ ba là đại diện LHQ phải được tham dự và tường trình về phiên tòa để giảm thiểu bất công và lạm dụng luật pháp có thể xảy ra.

Bài Liên Quan

Leave a Comment