Nhạc sĩ Lê Xuân Điềm chiến đấu bằng âm nhạc khi vào lính

Nhạc sĩ Lê Xuân Điềm chiến đấu bằng âm nhạc khi vào lính

Oct 31, 2020 cập nhật lần cuối Nov 7, 2020

Văn Lan/Người Việt

LONG BEACH, California (NV) – Trong giới văn nghệ tại hải ngoại, nhạc sĩ Xuân Điềm được biết đến từ khi là một chiến sĩ cầm súng chiến đấu, đến khi vững tay đàn cùng lời ca tiếng hát khắp các mặt trận để ủy lạo chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, giữ vững đời sống và tinh thần đấu tranh chống Cộng Sản không ngừng nghỉ.

\"\"
Nhạc sĩ Xuân Điềm: “Tôi làm thêm vài cây đàn banjo tặng cho các con, để thế hệ đời sau biết giá trị của tự do phải đánh đổi bằng máu xương.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc sĩ Xuân Điềm sinh ra và lớn lên nơi quê nghèo ở thôn Đại An, xã Cát Nhơn, quận Phù Cát, tỉnh Bình Định, một xã hẻo lánh thuộc Liên Khu 5 do Việt Cộng chiếm đóng. Tuổi thơ ông không được học hành gì khi Việt Cộng tập cho trẻ em ngày tối theo dõi tình hình để báo lại cho họ, ban đêm tập đánh giặc hoặc bày trò ca hát.

Sáng tác “Tiếng Nói Động Viên” kêu gọi thanh niên lên đường tòng quân

Trong truyền thống gia đình với lòng yêu âm nhạc, thân phụ của ông biết làm đàn và chơi vĩ cầm do một vị linh mục truyền dạy, và cứ thế lòng yêu âm nhạc đã truyền qua cậu con trai nhỏ. Như một định mệnh đã an bài, từ thuở nhỏ ông đã biết đàn nên Việt Cộng bắt ông đàn phục vụ, phần lớn là những bài hát đầy máu lửa hận thù.

“Lúc đó bọn chúng tuyên truyền xe tăng của quốc gia không đáng sợ vì làm bằng cạc tông! Phụ nữ phải coi chừng khi thấy lính vào làng sẽ bị hãm hiếp, mọi việc bọn chúng chuyên dùng con nít để len lỏi nghe ngóng tình hình vì ít bị để ý,” ông kể.

“Tôi ở với bà nội từ nhỏ đến lớn, lúc đó không học được học hành gì cả. Sau khi quốc gia về tiếp thu năm 1954, lần đầu tiên tôi mới biết xe tăng về làng. Khi đó, các bà chạy trốn, còn đàn ông cũng không dám đứng gần, chỉ có bọn con nít tò mò đến xem. Lúc đó tôi mới biết xe tăng quốc gia làm bằng thép chứ không phải bằng cạc tông như bọn Việt Cộng tuyên truyền,” ông kể tiếp.

Sau khi quốc gia về tiếp thu địa phương thì ông trở về Qui Nhơn đi học.

“Khi tôi học đến lớp Đệ Tam trường Cường Để Qui Nhơn vào thời đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông cụ thân sinh tôi bị Việt Cộng vu theo đảng Cần Lao nên bị truy sát phải bỏ trốn. Hai anh em tôi đi theo ra sức bảo vệ cha nên cũng bị đánh suýt chết, may có người trong làng lén đem xe chở hai anh em trốn lên Pleiku, nơi tôi lại tiếp tục tham gia các chương trình văn nghệ để kiếm sống. Đến Tết Mậu Thân 1968 với phong trào Hội Đồng Dân Quân Cứu Quốc, bọn Cộng Sản ra sức tiêu diệt người Công Giáo mà gia đình tôi là nạn nhân,” ông nhớ lại.

\"\"
Trung Úy nhạc sĩ Xuân Điềm (thứ hai, phải) tiếp đón nghệ sĩ Trần Văn Trạch và phái đoàn văn nghệ trong buổi văn nghệ tiền đồn tại Tiểu Khu Bình Dương 1969. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Ông Điềm cho biết vài tháng sau khi vào Sài Gòn năm 1963, ông được mấy sư huynh nhà dòng thương tình thấy trình độ ông khá giỏi nên cho vào học lớp Đệ Nhị tại trường Taberd, trước nhà thờ Đức Bà, Sài Gòn. Trong khi còn đi học và sau khi thi đậu Tú Tài, ông thường chơi đàn vĩ cầm cho Ban Nhạc Tài Năng Mới do nhạc sĩ Lê Thương sáng lập, chuyên trình diễn tại Đài Phát Thanh Sài Gòn. Ngoài ra ông còn chơi nhạc trong Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn và tham gia văn nghệ tại Đài Phát Thanh Sài Gòn, mục đích để kiếm tiền sinh sống.

Ông cho biết: “Tháng Năm, 1968, tôi vào Nha Động Viên, được giới thiệu với Đại Tá Bùi Đình Đạm, giám đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng, ông yêu cầu tôi viết một bài nhạc kêu gọi động viên, thế là tôi viết bài ‘Tiếng Nói Động Viên’ để kêu gọi thanh niên lên đường tòng quân cứu nước, bài này được sử dụng luôn cho tới năm 1975.”

Nhạc sĩ Xuân Điềm cho hay trong thời gian ấy, những bài nhạc được ông sáng tác theo thời gian lần lượt ra đời như “Tình Đại Dương” viết chung với Đắc Đăng, “Mùa Hoa Tuyết,” “Anh Biết Chăng,” “Mùa Xuân Tuổi Mộng,” “Lối Mòn,” “Việt Nam Không Quân Ca,” và ông còn làm nhiều bài nhạc nữa.

Tình yêu âm nhạc lúc bấy giờ đã thăng hoa lên đến đỉnh điểm cùng với sự hăng say sáng tác khiến nhạc sĩ Xuân Điềm đã lần lượt cho ra đời nhiều nhạc phẩm tình yêu đôi lứa, tình quê hương đất nước cùng những bài hùng ca, được Đài Phát Thanh Sài Gòn sử dụng tới ngày tàn cuộc chiến.

\"\"
Trung Úy Lê Xuân Điềm năm 1975. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Nhạc phẩm đầu tay của Xuân Điềm là bản “Tình Đại Dương” viết năm 1964 được ông trình diễn lần đầu tiên trên Đài Phát Thanh Sài Gòn, sau đó được nhạc sĩ Nguyễn Đức giao ca sĩ Phương Hồng Hạnh thu âm cho hảng dĩa Việt Nam.

Lời bài nhạc với điệu Slow Rock, tông Rê Trưởng đã khiến bao nhiêu chàng trai biết mến yêu và gia nhập quân chủng Hải Quân: “Khi vừa 18 tuổi đời, mơ tàu nương sóng đại duơng ra khơi/ Yêu đời lính chiến đi muôn nơi/ Sóng đưa xa ngàn hướng, tìm yên vui cho quê hương/ Hôm nào trên bến khăn hồng giã từ, em nhìn anh lắng hồn trong tâm tư, dâng mình cho gió đi muôn phương/ Nhớ ghi đây lần cuối, tình ta lớn trong biển khơi…”

Phải nói là thời trước các đôi trai gái, anh tiền tuyến em hậu phương đều yêu thích bài “Mùa Hoa Tuyết” sáng tác Xuân Điềm, do ca sĩ Lệ Thu hát vào năm 1968, lời ca như gởi gắm trao lời hẹn thề “Chậu kiểng hôm qua/ Nay ai thế cây màu lá ngà/ Và tuyết đâu rơi/ Trên cành thông lá ngọn đông phong… Tình chung hai đứa/ Như hoa tuyết mùa giáng sinh/ Trung trinh gởi người chiến binh/ Tuy cách xa nhưng mà gần nhau.”

Vào thời đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông mời nhạc sĩ Xuân Điềm cộng tác với những hãng dĩa Continental, Sơn Ca, Nhạc Ngày Xanh, và Xuân Điềm có thêm nhiều nhạc phẩm được thu âm như “Đừng Hẹn Nhau,” “Loài Hoa Không Tên,” “Anh Biết Chăng”…

\"\"
Nhạc sĩ Xuân Điềm (hàng đứng, thứ ba, từ phải) cùng các ca nhạc sĩ Sài Gòn trong buổi trình diễn văn nghệ tiền đồn tại Tiểu Khu Bình Dương năm 1969. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Dùng âm nhạc để hun đúc tinh thần và nhuệ khí chiến đấu

Xuân Điềm sau khi tốt nghiệp Khóa 5/68 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, ra trường ông về ngay Tiểu Khu Bình Dương, vào Đại Đội 314 gác cầu Phú Cường, nối từ Sài Gòn qua Bình Dương. Nhiều khi đi hành quân cùng Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh vào những mật khu Long Nguyên, Chiến Khu D, vùng lãnh thổ rộng lớn bao trùm cả Phú Giáo, Lai Khê, Dầu Tiếng.

Trung Đoàn 8 khi hành quân mở rộng, nơi nào cần yểm trợ thì trung đoàn phải đi theo, lúc đó Thiếu Úy Lê Xuân Điềm là Trung Đội Trưởng Đại Đội 314, phải đi tuần tiễu liên tục trong vùng mật khu Phú Hòa Đông, Lai Khê, Phú Giáo, Trị Tâm (Dầu Tiếng), giáp tới Bình Long, lúc đó ban đêm dọc theo sông Bình Dương thường bị Việt Cộng pháo kích tuy chưa thiệt hại lớn.

Ở đó gần một năm, ông Điềm về tiểu khu trực thuộc Khối Chiến Tranh Chính Trị Bình Dương, theo các toán văn nghệ tiền đồn yểm trợ các đại đội để nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ sau những cuộc hành quân, hoặc đi cùng khắp các chi khu trong tiểu khu Bình Dương.

\"\"
Nhạc sĩ Xuân Điềm (phải) trao tặng cây đàn kỷ vật cho Viện Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hôm 11 Tháng Mười tại Little Saigon, California. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Khi anh em chiến đấu trên chiến trường thì tiếng đàn lời hát cũng làm vơi bớt nỗi mệt nhọc, người chiến sĩ được lên tinh thần với những bài hùng ca càng nâng cao ý chí chiến đấu, ca tụng tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi đời lính oai hùng với hình ảnh người trai thời loạn, vì thế tôi càng quyết tâm dùng âm nhạc để hun đúc tinh thần và nhuệ khí chiến đấu của anh em binh sĩ,” ông nói.

“Chiến tranh chính trị, trong đó hoạt động văn nghệ tâm lý chiến rất quan trọng. Chính âm nhạc có tác động tinh thần rất lớn, nếu biết cách tác động nó để tinh thần chiến đấu dâng cao, lính càng đánh càng hăng. Chính âm nhạc là chất xúc tác, ngay cả bọn Cộng Sản cũng đã từng mở những làn sóng âm thanh để nghe lén ban đêm một cách say mê thích thú những chương trình âm nhạc của miền Nam thời đó,” ông Điềm kể thêm.

Sau đó ông được đề cử học khóa tu nghiệp tại Trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt, học về công tác tâm lý chiến, công tác đấu tranh chính trị, sau khi tốt nghiệp lại trở về đơn vị tiếp tục phục vụ trong khối chiến tranh chính trị cho đến ngày cuối cùng cuộc chiến. (Văn Lan) [qd]

Lê Xuân Điềm cùng tiếng hát và cây đàn chiến đấu trong ngục tù Cộng Sản

Nov 7, 2020 cập nhật lần cuối Nov 7, 2020

Văn Lan/Người Việt

LONG BEACH, California (NV) – Là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong mặt trận tâm lý chiến, nhạc sĩ Xuân Điềm đã cho ra đời hàng loạt những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích như “Đừng Quên Nhau,” “Anh Biết Chăng,” “Loài Hoa Không Tên” (viết chung với nhạc sĩ Song Ngọc).

\"\"
Nhạc sĩ Xuân Điềm tặng người bạn đời nhạc phẩm “Ru Trọn Cuộc Tình” trong buổi lễ trao tặng cây đàn kỷ vật cho Viện Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đặc biệt những bài hùng ca như “Tiếng Nói Động Viên” làm nức lòng bao chàng trai lên đường tòng quân, và cũng chính ông sáng tác ca khúc “Việt Nam Không Quân Ca” phát thanh trên Đài Phát Thanh Quân Đội, với hình ảnh những cánh chim sắt lướt gió trên bầu trời, tung hoành trên trời xanh, đưa quê hương đi vào lòng người…

Trải qua tám năm trong đời tù “cải tạo”

Sau năm 1975, những ngày đầu tiên sống trong trại tù tại Thành Ông Năm, Hốc Môn, người lính như ông Điềm sau cuộc chiến rất buồn khi phải xa gia đình vợ con, phần thì đất nước rơi vào cảnh tang thương, riêng bản thân thì bị giam cầm, tương lai mù mịt không biết ngày về!

“Lúc đó anh em tù ‘cải tạo’ không thể nói, không thể hát bằng lời, nhất là không ai được hát những bài đã từng được hát. Tôi nghĩ phải dùng cái gì để tạo ra âm thanh gợi nhớ lại những gì mình đã từng hát, nếu không hát được thì ít nhất cũng phải có âm thanh của bài hát đó, muốn có âm thanh thì phải có cây đàn. Tôi bèn ra sức làm được một cây đàn, tuy thô sơ cũng tạm xài được nhưng lại bị tịch thu!” ông kể lại.

“Thế là lần thứ hai tôi mày mò ra bãi phế liệu của Liên Đoàn 5 Công Binh, tìm được một đầu vỏ bom hình cái phễu, đáy của đàn là thau đựng cơm tù và mặt đàn là đĩa đựng thức ăn tù, tất cả làm bằng nhôm. Thân đàn làm bằng chân bàn bi da bị đem làm củi chụm, dây đàn kim loại lấy từ bên trong ruột dây điện thoại, còn phím đàn là những thanh inox của gà mèn đựng thức ăn của lính rất cứng, trục quấn dây đàn làm bằng kíp nổ,” ông Điềm mô tả.

Tại sao ông chọn làm đàn banjo? Ông giải thích nếu theo đúng kỹ thuật thì mặt đàn banjo phải làm bằng da, nhưng trong tù không có da phải thay thế bằng cái dĩa bằng nhôm, có tiếng vang lại sắc bén hơn, vang xa hơn, chỉ cần nghe âm điệu của bài hát quen thuộc phát ra là biết ngay bài gì, không cần phải hát bằng lời.

“Cây đàn banjo này được làm bằng những phuơng tiện của chiến tranh, tiếng đàn là ngôn ngữ của tình người, hằng đêm tôi nằm trong tù gảy lên âm giai của những bài hát mà anh em tha thiết nhớ. Âm thanh của nó thoảng qua các lán trại khác, anh em nằm đó đang đói, nhớ vợ con gia đình khi tương lai của mình hãy còn mịt mù thì chính những giai điệu ấy dỗ dành vào giấc ngủ vùi đầy mộng đẹp để sáng hôm sau người tù tiếp tục lao động!” ông bồi hồi nhớ lại.

\"\"
Lê Xuân Điềm (phải), sinh viên sĩ quan trường Bộ Binh Thủ Đức, và em trai Lê Xuân Lạ, người đã hy sinh tại mặt trận Snoul, Cambodia. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Cây đàn này được sinh ra trong tù từ khi mới vào trại Thành Ông Năm Hốc Môn năm 1975, chính nó đã vang lên những bản nhạc tình, những giai điệu quê hương, cả nhạc đấu tranh nhưng phải biết giấu kỹ, khi nào đàn được khi nào không. Như khi ban đêm, mấy tên cán bộ coi tù đi xuống trại thường dùng đèn pin, do đó khi thấy ánh đèn pin lấp loáng là phải đổi tông, chuyển sang những bài nhạc ‘cách mạng,’ hoặc khi chơi nhạc ngoại quốc thì bảo rằng đây là nhạc Liên Xô thì không bao giờ bị bắt cả,” ông Điềm kể.

Mỗi lần chuyển trại, ông lại tháo cây đàn ra từng phần, cho vào những vật dụng cần thiết, nhét vào đống quần áo, nồi niêu xoong chảo của người tù mang theo. Nhờ đó mà cây đàn đi chu du cùng với ông qua nhiều trại giam trong tám năm tù đày và theo ông về đến nhà sau khi được ra tù.

Cất cao tiếng hát chiến đấu trong ngục tù Cộng Sản

Cộng Sản cũng biết nhạc sĩ Xuân Điềm thuộc ngành Chiến Tranh Chính Trị, đã từng làm nhạc kêu gọi động viên cho chế độ nên họ buộc tội ông là người chuyên chống phá cách mạng. Nhưng ông trả lời rằng trong thời điểm đó, nếu ông không viết thì cũng có nguời khác viết thôi.

“Khi họ kêu gọi tôi viết nhạc ca ngợi ‘đảng cách mạng’ thì tôi lấy cớ rằng trong cảnh tù đày này tôi không có hứng thú âm nhạc. Còn nếu họ bắt tôi tập cho anh em trong tù hát nhạc ca tụng chế độ của họ thì tôi từ chối, chỉ đồng ý tập cho anh em hát những bài hát của họ được phép hát trong trại, bởi tôi không hát không được. Còn ngoài ra thì tôi từ chối, lấy cớ là trong lòng tôi không có cảm hứng để viết nhạc nữa!” ông kể.

Trong tù ông nhớ lại những sáng tác ngày trước, bài “Mùa Hoa Tuyết” để nói lên tâm tư người chiến sĩ đang ở ngoài tiền đồn, nơi chiến trường đêm đêm nhìn về thành phố Sài Gòn trong ánh sáng hỏa châu, nhớ về gia đình với người vợ hiền cùng bầy con thơ đang chờ đợi người chồng, chờ người cha trở về. Bài nhạc nói lên tình yêu đất nước, tình yêu gia đình khiến người lính quyết chiến đấu ngoài chiến trường, cố giữ gìn lời hẹn ngày đoàn viên trở về với vợ con, không để bị chia ly!

Dù trong ngục tù Cộng Sản, với những hạn chế và cấm đoán nhưng người nhạc sĩ vẫn có những sáng tác đầy khí thế như “Anh Vẫn Sống,” “Hải Đảo Lưu Đày,” “Đợi Chờ,” “Hãy Trả Lời Đi,” “Chiếc Kẹo Nhỏ Trong Bàn Tay Người Chết.”

Hay của các anh em khác trong tù như “Tháng Tư 29 Ngày” của chiến sĩ Lê Xuân vì ngày 30 Tháng Tư là ngày đen tối nên ngày cũng như đêm, không thấy ánh sáng mặt trời nên coi như Tháng Tư không có ngày 30 này!

Hay như bài “Quê Hương Ba Vòng Ngục Tù” của chiến sĩ Nguyễn Thành Trọng, để nói khi Cộng Sản vào Nam thì tất cả mọi người dân miền Nam đều là người tù, và người tù bị giam trong tù lại còn bị xiềng xích thêm một lần nữa!

Cho đến sau này khi Ban Tù Ca được thành lập cũng có những tác giả mới với nhiều bài nhạc đấu tranh như bài “Sài Gòn Rực Sáng Tự Do”của nhạc sĩ Việt Tiến, hoặc nhạc sĩ Việt Dzũng với những bản nhạc đã đi vào lòng người bao nhiêu năm tháng tại hải ngoại.

\"\"
Trung Úy Lê Xuân Điềm (trái) cùng các chiến hữu tại chốt gác trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt 1969. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Tiếng đàn banjo ngạo nghễ chống lại xe tăng Cộng Sản

Khi về trại Z30D Hàm Tân là trại tù chuyên nhốt những tay “khó trị” kể cả ông Mai Văn Sổ (bí danh Ba Mai), sau khi đã hồi chánh quay về với chánh nghĩa quốc gia, được ngồi trong phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự trong bàn đàm phán tại Hiệp Định Paris 1973, để làm chứng tố cáo những tội ác của Cộng Sản Bắc Việt.

“Khi ở chung trong tù, ông Sổ là một người tù kiên cường bất khuất đã vạch rõ những âm mưu xảo trá của Cộng Sản nên bị chúng đối xử cũng như người tù ‘cải tạo’ mặc dù ông là nguyên đại úy cụm trưởng cụm tình báo X10 Cục R, và là em của Mai Văn Bộ, trung ương ủy viên Đảng Lao Động Việt Nam ở Hà Nội, kiêm thứ trưởng Ngoại Giao của Hà Nội, kiêm Đại Sứ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại Paris,” ông Điềm cho biết.

Đêm cuối năm 1980, Xuân Điềm sáng tác bài “Hãy Trả Lời Đi” trong trại Z30D Hàm Tân, để kêu gọi người Cộng Sản trả lời câu hỏi họ vào miền Nam có đem lại no cơm ấm áo cho người dân không, có đem lại hạnh phúc gì cho người dân không, mà sao chỉ thấy tù đày, thì làm sao ai tin được lời xảo trá ấy!

Lời bài hát đanh thép cùng tiếng đàn như đâm xoáy vào tâm can kẻ cướp nước và mãi mãi chúng không thể trả lời được: “Này kẻ cướp nước ngươi giải phóng cho ai/ Ngươi nói tự do sao ta bị tù đày/ Ngươi nói ấm no sao ta đang đói/ Ngươi nói hạnh phúc sao ta đang bị khổ đau?/ Là kẻ nói láo sao lại bắt ta tin?…” cho nên Việt Cộng rất căm tức và thế là nhạc sĩ Xuân Điềm bị chuyển đi qua nhiều trại tù khác nữa.

Nhớ lại một thời ngập tràn khí thế đấu tranh trong ngục tù Cộng Sản, nhạc sĩ Xuân Điềm kể: “Đêm đó tất cả người tù trại Z30D đều ngồi ngoài sân, không vô bên trong để biểu tình phản đối tên coi tù bắn bị thương một người bạn tù từ ngoài Bắc mới chuyển vô. Cả trại trong không khí rất căng thẳng, có cả xe tăng từ Phan Thiết vào án ngữ để sẵn sàng trấn áp khi có bạo loạn xảy ra. Và tất cả người tù đều đồng thanh hát những bài mà từ xưa tới giờ không ai dám hát, kể cả hát vang bài ‘Thề Không Phản Bội Quê Hương’ đầy khí thế của Cục Chính Huấn.”

“Trong hoàn cảnh như thế, rõ ràng là chúng tôi không có đủ sức để chống cự lại bọn cai tù với xe tăng súng ống sẵn sàng đàn áp, nhưng chính bọn chúng lại khiếp sợ trước lời ca tiếng hát, trước tiếng đàn của người tù thề quyết hy sinh cho tới cùng!” nhạc sĩ Xuân Điềm nói.

“Điều đó chứng tỏ rằng dù bọn cai tù dù có tù đày giam cầm đánh đập người tù, dù họ có đủ quyền lực trong tay nhưng vẫn run sợ, yếu hèn trước tiếng đàn và lời ca tiếng hát của người tù, khi đã tỏ rõ khí phách của người lính Việt Nam Cộng Hòa hiên ngang trước bạo lực gông cùm thì không bao giờ sợ chết,” ông chia sẻ.

\"\"
Nhạc sĩ Xuân Điềm cùng các chiến hữu trong cuộc đấu tranh vận động 150,000 chữ ký cho nhân quyền Việt Nam tại Washington, DC, năm 2012. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Tặng lại cây đàn banjo

Được ra đời từ năm 1975 trong trại tù Thành Ông Năm Hốc Môn, cây đàn banjo đã theo người nhạc sĩ để cùng chia sẻ những ngọt bùi đau khổ của anh em trong tù, làm dịu những cơn đau, làm vơi bớt nỗi khổ, nỗi nhớ gia đình, để đêm đêm cất tiếng vang trong gió thoảng qua các lán trại khác, dỗ dành anh em trong đêm tối mơ màng giấc ngủ trong cơn đói triền miên. Và nó đã theo chân người nhạc sĩ, cùng chia sẻ những ngọt bùi đắng cay trong những năm qua.

Và như thế tiếng đàn banjo đã vang tiếng suốt 45 năm nay cùng đồng hành chia sẻ với người nhạc sĩ luôn nặng tình quê hương, qua bao chặng đường đấu tranh từ trong ngục tù Cộng Sản cho tới khi ra hải ngoại.

Hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Mười vừa qua, cộng đồng người Việt tại Little Saigon đã chứng kiến nhạc sĩ Xuân Điềm trao tặng cho Viện Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cây đàn guitar mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã tặng ông sau khi ra tù, và cây đàn banjo được sinh ra trong trại tù Thành Ông Năm rồi đi theo ông suốt tám năm qua các trại tù Trảng Lớn, Đồng Ban, Phú Quốc, Bù Gia Mập, Suối Nước Trong, Trại Z30D Hàm Tân, cho đến khi ra hải ngoại.

Ngồi tại nhà ở thành phố Long Beach, Nam California, nhạc sĩ Xuân Điềm bồi hồi chia sẻ: “Cây đàn như đứa con được sinh ra trong ngục tù và theo tôi qua bao năm tháng đấu tranh, nhưng sức người có hạn. Đây là kỷ vật thiêng liêng giờ đây tôi giao lại Viện Bảo Tàng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa để lưu giữ cho đời sau. Tôi đang làm thêm vài cây đàn banjo nữa cho mấy con tôi, để thế hệ con cháu ngày sau biết sự gian nguy của ông cha ngày trước trong công cuộc chiến đấu bảo vệ lý tưởng tự do cho miền Nam. Tự do phải đánh đổi bằng máu xương của dân tộc, để con cháu biết tiếp nối mà tranh đấu giữ gìn quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.” (Văn Lan) [qd]

Bài Liên Quan

Leave a Comment