Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 của Quân Lực VNCH sang Hạ Lào

Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 của Quân Lực VNCH sang Hạ Lào

Nov 21, 2020 cập nhật lần cuối Nov 21, 2020

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 tại Hạ Lào, khởi sự từ ngày 8 Tháng Hai và kết thúc vào ngày 25 Tháng Ba, 1971, được coi là cuộc hành quân ngoại biên lớn nhất và quy mô nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và Hoa Kỳ nếu đem so với các cuộc Hành Quân Toàn Thắng vào Cambodia cách đó một năm.

\"\"
Bản đồ cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào. (Hình: military.wikia.org)

Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 do các lực lượng Quân Đoàn I phụ trách với sự tham dự của các Lữ Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cùng Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân, tất cả được đặt dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật.

Yểm trợ cho cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 là các đơn vị Hoa Kỳ thuộc Sư Đoàn 101 Không Vận, Sư Đoàn 5 Bộ Binh Cơ Giới, và Sư Đoàn Americal cùng các đơn vị Pháo Binh 155 ly và 175 ly, tất cả đều đóng tại vùng biên giới Việt Nam tiếp giáp với Lào, trong khi chỉ có các trực thăng, các oanh tạc cơ B-52 và các chiến đấu cơ của Hải và Không Quân Hoa Kỳ được phép vượt biên giới bay sang Hạ Lào để chuyển quân và yểm trợ phi pháo cho cuộc hành quân mà thôi.

Mục tiêu của cuộc hành quân là truy lùng và phá hủy các căn cứ tiếp liệu lương thực và đạn dược của Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt tại Tchepone (hoặc Xepon), một căn cứ hậu cần lớn và cũng là điểm xuất phát của các đơn vị chính quy Cộng Sản trên đường xâm nhập vào miền Nam Việt Nam.

Diễn tiến cuộc Hành Quân Lam Sơn 719

Căn cứ vào tài liệu nhan đề “Operation Lam Son 719” trên trang mạng military.wikia.org, có thể chia các diễn tiến của cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 thành ba giai đoạn:

-Giai đoạn 1:

Một lực lượng đặc nhiệm đông tới 4,000 binh sĩ nhảy dù và thiết giáp VNCH, gồm các tiểu đoàn 1 và 8 Nhảy Dù cùng Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ, từ biên giới Việt Nam tiến qua Hạ Lào dọc theo Đường Số 9. Một đơn vị Nhảy Dù khác cùng với Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân được trực thăng vận xuống mạn Bắc vùng hành quân (nơi họ thiết lập Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc), trong khi Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân được thả xuống mạn Nam vùng hành quân (nơi họ thiết lập căn cứ Biệt Động Quân Nam) để bảo vệ an ninh cho cuộc tiến quân.

\"\"
Trực thăng và phương tiện tiếp tế tại Khe Sanh, ngày 12 Tháng Hai, 1971. (Hình: en.wikipedia.org)

Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù được đưa xuống Căn Cứ Hỏa Lực 30 để cùng với Bộ Chỉ Huy Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù trấn đóng Căn Cứ Hỏa Lực 31 nhằm yểm trợ cho các cuộc hành quân lục soát dọc theo Đường Số 9. Ngoài ra, các thành phần thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh được lệnh bố trí tại các bãi trực thăng đổ bộ mang biệt danh Xanh, Trắng, Nâu và Don, và số khác thì đến trấn đóng tại các Căn Cứ Hỏa Lực Hotel, Delta, và Delta 1, tất cả đều nằm ở mạn Nam Đường Số 9.

Theo kế hoạch, các đơn vị cùng tiến dọc theo Sông Se Pone trên đường tới Tchepone, là mục tiêu chính yếu của cuộc hành quân. Các lực lượng VNCH đã lập tức hứng chịu những đợt pháo kích của Cộng Quân ẩn núp gần đó, trong khi các trực thăng tải quân và trực thăng võ trang Mỹ, đang đổ quân và yểm trợ hỏa lực cho các lực lượng chiến đấu trên bộ, cũng bị hỏa lực phòng không từ các sườn đồi và đỉnh núi quanh đó bắn xuống dữ dội. Dẫu sao, các lực lượng hành quân đã tới được một địa điểm nằm sâu 20 km bên trong đất Lào, gọi là  Bản Đông, hay A Lưới. Và đến ngày 11 Tháng Hai thì các lực lượng hành quân hoàn tất việc đóng bản doanh tại đây, nơi các cánh quân VNCH đã phải chờ đợi mất mấy ngày mới nhận được lệnh mới của Tướng Lãm. Lệnh đó là các đơn vị Sư Đoàn 1 Bộ Binh phải dàn trải mỏng ra để nới rộng phạm vi trách nhiệm của mình tại phía Nam Đường Số 9.

-Giai đoạn 2:

Ba sư đoàn Cộng Quân, là 304, 308, và 320, từ phía Bắc vĩ tuyến 17 cùng với một sư đoàn Cộng Quân nữa và các lực lượng của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam từ phía Nam vùng Phi Quân Sự, tổng cộng khoảng 36,000 quân, đã được lệnh tiến về Đường Số 9 để ngăn chặn các lực lượng VNCH.

Cộng Quân tận dụng hỏa lực của các đơn vị súng cao xạ phòng không và trọng pháo để cô lập hóa các điểm đóng quân của Quân Lực VNCH trên đất Lào bằng cách cắt đứt hoặc làm gián đoạn các chuyến trực thăng tiếp tế cho đoàn quân xâm nhập. Trong khi các khẩu trọng pháo 155 ly của Pháo Binh VNCH, vì tầm tác xạ ngắn hơn, đã bị các khẩu pháo 122 ly và 130 ly chế ngự thì các phi vụ B-52 yểm trợ cho quân bạn cũng không triển khai được nhiều vì hai bên bạn và thù nay đang tiếp cận nhau.

Từ ngày 18 Tháng Hai, Cộng Quân khởi sự tấn công Căn Cứ Biệt Động Quân Bắc và Biệt Động Quân Nam. Các lực lượng thuộc Trung Đoàn 102 và Sư Đoàn 308 CSBV cùng với các thiết giáp xa PT-76 và xe tăng T-54 đều xung trận. Cho tới ngày 20 Tháng Hai, sau ba ngày giao tranh đẫm máu, quân số Tiểu Đoàn 39 Biệt Động Quân tại Biệt Động Quân Bắc từ 500 người chỉ còn lại 323 người, khiến họ phải rút lui về Biệt Động Quân Nam nằm cách đó 6 km. Ước tính có đến 600 Cộng Quân bỏ xác trong các cuộc tấn công vào lực lượng Biệt Động Quân, trong đó phân nửa bị hạ vì hỏa lực trọng pháo và phi pháo của Hoa Kỳ.

Ngày 21 Tháng Hai, Cộng Quân tiếp tục cuộc tấn công vào Biệt Động Quân Nam, nơi có 400 quân đồn trú cộng với số quân từ căn cứ Biệt Động Quân Bắc nhập vào. Căn cứ này đã lọt vào tay Cộng Quân sau hai ngày kịch chiến, khiến các chiến sĩ Biệt Động Quân phải rút về Căn Cứ Hỏa Lực 30.

Vào cùng thời điểm này, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Đoàn III kiêm Vùng III Chiến Thuật, ra Trung nắm quyền chỉ huy Lam Sơn 719  thay thế cho Tướng Lãm, nhưng Tướng Trí lại tử nạn máy bay trực thăng lúc đang trên đường nhận nhiệm vụ mới.

Ngày 22 Tháng Hai, Cộng Quân lại tiếp tục tấn công vào Căn Cứ Hotel 2 ở phía Nam Đường Số 9, khiến căn cứ này phải di tản. Sau đó, Cộng Quân tiếp tục tấn công Căn Chứ Hỏa Lực 30, khiến quân trú phòng tại đây phải rút lui. Sau đó, địch dồn hết hỏa lực vào tấn công Căn Cứ Hỏa Lực 31.

\"\"
Bản đồ các tuyến đường xâm nhập của quân Cộng Sản, được Cộng Sản gọi là “Đường Mòn Hồ Chí Minh.” (Hình: military.wikia.org)

Vào ngày 25 Tháng Hai, căn cứ này lại bị Cộng Quân tràn ngập, khiến người anh hùng mũ đỏ tên Đương (Đại Úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương) hy sinh và Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng Nhảy Dù Nguyễn Văn Thọ bị bắt làm tù binh. Trong những ngày kế tiếp, đã diễn ra các cuộc đụng độ trực tiếp giữa thiết giáp của đôi bên, với kết quả là lực lượng thiết giáp của Cộng Sản Bắc Việt bị thiệt hại nặng khi trực thăng võ trang và phản lực cơ Mỹ bay đến yểm trợ quân bạn và giúp bắn hạ thiết giáp địch.

Tiến vào Tchepone: Sau khi được các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến VNCH đến thay thế tại các tiền đồn ở phía Nam Đường Số 9, Tiểu Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 3 thuộc Sư Đoàn 1 Bộ Binh, vào ngày 5 Tháng Ba,  được trực thăng vận xuống Tchepone, trung tâm tiếp liệu đầu não của Cộng Sản Bắc Việt tại Hạ Lào. Lực lượng VNCH mở cuộc lục soát suốt hai ngày trong vùng, tìm thấy và phá hủy nhiều quân trang, quân dụng, nhiều súng ống và đạn dược cùng với nhiều xác địch bỏ lại vì hỏa lực của phi pháo.

-Giai đoạn 3:

Ba ngày sau khi đánh chiếm Tchepone, các lực lượng VNCH được trực thăng vận rời khỏi Tchepone. Ngày 9 Tháng Ba, Tổng Thống Thiệu và Tướng Lãm cho rằng mục tiêu chính của cuộc hành quân (là đánh chiếm Tchepone) đã đạt được, ra lệnh cho các lực lượng hành quân sang Hạ Lào dần dần rút về nước. Đánh hơi thấy các hoạt động của phía VNCH, Cộng Quân bèn ra sức tấn công và truy đuổi đoàn quân rút lui.

Ngày 21 Tháng Ba, Cộng Quân tấn công vào Căn Cứ Hỏa Lực Delta, khiến lực lượng Thủy Quân Lục Chiến đồn trú nơi đây phải rút lui về Căn Cứ Hotel, để rồi sau đó căn cứ này cũng bị bỏ lại. Lực lượng Thiết Giáp yểm trợ cho các đơn vị VNCH, trong tiến trình rút về phía biên giới Việt Nam, cũng đã bị địch chận đánh, nhưng rồi cũng thoát hiểm sau khi phải bỏ lại một số thiết giáp và chiến xa vào tay địch quân.

Đến ngày 25 Tháng Ba, sau 45 ngày hành quân tại Hạ Lào, các đơn vị cuối cùng của Quân Lực VNCH đã hoàn tất việc rút lui về phía biên giới Việt Nam. Ngày 6 Tháng Tư, 1971, lực lượng Mỹ tại Khe Sanh, nơi được dùng làm căn cứ yểm trợ cho cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, cũng rời bỏ căn cứ này.

Cuộc Hành Quân Lam Sơn 719: Một chiến thắng đắt giá

Tổng kết cuộc Hành Quân Lam Sơn 719, phía Cộng Sản Bắc Việt có 2,163 cán binh tử trận và phía Quân Lực VNCH có 1,146 binh sĩ hy sinh, trong khi phía Hoa Kỳ có 215 quân nhân thiệt mạng, hầu hết là phi hành đoàn trực thăng và chiến đấu cơ.

Mặc dù Tổng Thống Mỹ Richard Nixon và Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cùng tuyên bố chiến thắng sau cuộc hành quân cam go này, các nhà viết quân sử không đồng ý với nhận định trên. Một số cho rằng cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 đã thất bại vì Quân Lực VNCH đã phải bỏ lại nhiều căn cứ trước khi bị buộc phải rút lui, cho dù họ đã chiếm được Tchepone, vốn là mục tiêu tối hậu của cuộc hành quân.

Số khác cho rằng nếu coi cuộc hành quân này là một chiến thắng thì đây là một chiến thắng khá đắt giá của Quân Lực VNCH và Quân Đội Mỹ, bởi vì số tổn thất nhân mạng của Quân Lực VNCH cũng chẳng thua kém gì mấy so với số cán binh Cộng Sản tử trận. Mặc dù Quân Lực VNCH đã tiến vào Tchepone và phá hủy căn cứ hậu cầu của Cộng Quân tại đây theo đúng kế hoạch hành quân, số chiến cụ (trọng pháo và chiến xa) của Quân Lực VNCH bị phá hủy và hư hỏng trong cuộc hành quân phải nói là khá cao. Hơn nữa, mức tổn thất về trực thăng đổ quân và trực thăng chiến đấu của phía Hoa Kỳ được coi là nặng nề nhất trong một trận đánh đơn độc.

\"\"
Một căn căn cứ hỏa lực của Quân Lực VNCH  trong cuộc Hành Quân Lam Sơn 719. (Hình: en.wikipedia.org)

Không giống như mặt trận Cambodia, mặt trận Hạ Lào rất khó khăn vì địa hình hiểm trở, núi non trùng điệp, lại thêm thời tiết trong thời gian diễn ra cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 hết sức lạnh lẽo, cái lạnh lẽo của núi rừng thâm u khi mùa Đông chưa dứt hẳn. Vả lại, đây là “sân sau” của các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt, nằm ngay trên Đường Mòn Hồ Chí Minh, con đường huyết mạch chuyển vận nhân sự, tiếp liệu và súng ống, đạn dược của Cộng Quân vào miền Nam. Thêm vào đó, cuộc hành quân đã mất đi yếu tồ bất ngờ vì thời gian soạn thảo kế hoạch và thực thi kế hoạch giữa Washington và Sài Gòn kéo dài quá lâu, khiến quân Cộng Sản Bắc Việt biết được mà hoạch định cách đối phó.

Những khó khăn, trở ngại cùng những kinh nghiệm rút ra từ cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 sang Hạ Lào cho thấy thật khó để cho Quân Lực VNCH có thể tiếp tục chiến đấu lâu dài nếu thiếu sự yểm trợ của trọng pháo và phi pháo trong mỗi trận đánh, bởi vì để thắng một cuộc chiến tranh du kích, phe chống trả phải luôn luôn vượt trội hơn phe tấn công về vũ khí, đạn dược và khí tài.

Và rồi, như sự thật lịch sử đã phơi bày sau khi Hiệp Định Paris được ký kết vào năm 1973, lúc Hoa Kỳ khởi sự cắt giảm việc tiếp tế súng ống, đạn dược và các tiếp liệu quân sự và sau đó cắt đứt luôn viện trợ kinh tế, Quân Lực VNCH đã không thể đứng vững, kéo theo sự sụp đổ của chính phủ VNCH, trước những cuộc tấn công dồn dập của Cộng Sản Bắc Việt vào Tháng Tư, 1975. (Vann Phan)

Bài Liên Quan

Leave a Comment