Hà Lan xoay trục qua châu Á, kêu gọi Liên Âu năng động hơn về Biển Đông

Hà Lan xoay trục qua châu Á, kêu gọi Liên Âu năng động hơn về Biển Đông

November 26, 2020

\"\"

Ngoài Bộ Tứ Kim Cương, bao gồm 4 quốc gia Mỹ, Úc, Nhật và Ấn, phải chăng sắp tới đây sẽ có thêm một Bộ Ba Liên Âu tích cực hoạt động tại vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn? Câu hỏi này đang được đặt ra sau khi Hà Lan, ngày 13/11/2020 vừa qua, đã công bố chính sách mới về khu vực châu Á, trở thành quốc gia Liên Hiệp Châu Âu thứ ba có chiến lược can dự rõ ràng vào vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, sau Đức và Pháp.

Phân tích về động thái của Hà Lan, nhiều nhà quan sát cho rằng việc có đến ba nước Liên Âu là Pháp, Đức và Hà Lan quan tâm đến vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là dấu hiệu dự báo một chính sách chung của toàn khối tại khu vực chiến lược trọng yếu này.

Theo tác giả bài phân tích “Phác họa một chính sách của châu Âu về Ấn Độ-Thái Bình Dương – The outlines of a European policy on the Indo-Pacific” trên trang mạng The Interpreter của viện nghiên cứu Úc Lowy Institute ngày 26/11/2020, sự kiện Đức và Hà Lan có chiến lược mới về khu vực này có thể là bước khởi đầu cho một “lập trường chung” của Liên Âu.

Đó cũng là nhận định của chuyên san Nhật Bản The Diplomat trong bài viết ngày 18/11 mang tựa đề “Theo chân Pháp và Đức, Hà Lan xoay trục qua vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương – Following France and Germany, the Netherlands Pivots to the Indo-Pacific” và của hãng tin Mỹ BenarNews ngày 17/11 khi loan tin: “Hà Lan công bố chiến lược châu Á, thúc giục Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng về Biển Đông – Netherlands Unveils Asia Strategy, Urges EU to Speak Out on South China Sea”.

Hà Lan đặc biệt nêu bật quan ngại về Biển Đông và Trung Quốc

Điểm được giới quan sát chú ý trước tiên là chính sách châu Á mới của Hà Lan, được bộ Ngoại Giao nước này công bố, đã rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và rất phê phán đối với các hành động của Trung Quốc.

Mang tựa đề “Ấn Độ-Thái Bình Dương: Cương lĩnh về việc tăng cường hợp tác giữa Hà Lan-Liên Hiệp Châu Âu với các đối tác ở Châu Á” – Indo-Pacific: een leidraad voor versterking van de Nederlandse en EU-samenwerking met partners in Azië – tài liệu dài 10 trang bằng tiếng Hà Lan này đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng mạnh mẽ hơn về tình hình căng thẳng ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang dùng sức mạnh để củng cố các yêu sách chủ quyền biển rộng lớn.

Phần đề cập đến vấn đề “An Ninh và Ổn Định” trong chiến lược của Hà Lan đặc biệt nhấn mạnh đến các hành động của Trung Quốc, được cho là ngày càng bành trướng thế lực, sẵn sàng sử dụng mọi công cụ dân sự và quân sự để đạt được “các mục tiêu chiến lược”, điều mà theo Hà Lan được thấy rõ nhất ở biển Hoa Đông và nhất là Biển Đông.

Tài liệu của Hà Lan tỏ rõ quan ngại về các diễn biến trên Biển Đông, nơi mà các tranh chấp chủ quyền, sự hiện diện quân sự, những cuộc tập trận, sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Washington và Bắc Kinh, đe dọa sự ổn định của tuyến đường thủy quan trọng trên thế giới

Đối với Hà Lan, khu vực không nên trở thành “nơi để các nước phô diễn sức mạnh” và: “Liên Hiệp Châu Âu nên tìm kiếm sự hợp tác với các nước trong khu vực để bảo đảm quyền tự do đi lại và an toàn hàng hải. Trong bối cảnh đó, Liên Âu phải tỏ thái độ một cách thường xuyên và mạnh mẽ hơn về những diễn biến ở Biển Đông vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”.

Ý kiến độc đáo: Liên Âu làm cố vấn hay quan sát viên cho đàm phán COC

Ngoài việc yêu cầu Liên Hiệp Châu Âu lên tiếng, tài liệu chiến lược của Hà Lan đã nhấn mạnh đến một số biện pháp mà nước này cùng với Liên Hiệp Châu Âu có thể làm trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trước hết, Hà Lan cho rằng chính nước họ cùng với Liên Hiệp Châu Âu phải tăng cường quan hệ với các cường quốc trong khu vực, từ Úc, New Zealand, cho đến Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, những nước cùng chia sẻ mối lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, cũng như với các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Singapore, Malaysia và Việt Nam.

Chiến lược của Hà Lan nói rõ: “Cùng với các nước cùng chí hướng trong EU, NATO và khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Hà Lan sẽ thúc đẩy quyền tự do đi lại và an ninh hàng hải bằng cách tập trung vào việc nâng cao năng lực trong lĩnh vực luật biển quốc tế. Trong bối cảnh đó, các phương án khả thi trong lĩnh vực quốc phòng hoặc an ninh cần phải được quan tâm”.

Đặc biệt đối với vấn đề Biển Đông, Hà Lan cho rằng toàn khối châu Âu, hoặc là trong một liên minh nhỏ hơn với Đức, Pháp – và tốt nhất là cùng với một số quốc gia cùng chí hướng khác – Hà Lan nên có lập trường năng động hơn chống lại việc vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả những vấn đề lên quan đến Luật Biển Liên Hiệp Quốc và Biển Đông.

Ý tưởng độc đáo nhất của Hà Lan có lẽ là đề nghị Liên Hiệp Châu Âu tìm cách có được một vai trò cố vấn hoặc quan sát viên độc lập trong các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy Tắc Ứng Xử ở Biển Đông (COC).

Trung Quốc ngày càng bị nghi kỵ

Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat, sự kiện Hà Lan công bố chiến lược châu Á của mình, với đích nhắm là Trung Quốc, cho thấy là khái niệm Ấn Độ -Thái Bình Dương đã được phổ biến ra bên ngoài nơi xuất phát là Nhật Bản và Hoa Kỳ, và phản ánh thái độ ngày càng nghi kỵ của châu Âu đối với Bắc Kinh.

The Diplomat ghi nhận: Trước Hà Lan, hồi tháng 9 vừa qua, Đức cũng đã công bố một chiến lược mới nhằm, cho phép nước này “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Và trước đó một năm, Pháp đã áp dụng khái niệm Ấn Độ – Thái Bình Dương vào tháng 5 năm 2018.

Các động thái của ba nước Liên Âu cho thấy thái độ của châu Âu đối với Trung Quốc ngày càng xấu đi, với việc Bruxelles càng lúc càng nhận thức rõ tầm quan trọng của một khu vực đang trở thành trọng yếu đối với  nền kinh tế châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

Nhà nghiên cứu Céline Pajon, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á, Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho rằng việc Hà Lan xoay trục qua châu Á không có gì là đáng ngạc nhiên. Bài phân tích trên trang mạng Úc The Interpreter đã trích lời chuyên gia Pháp cho rằng: “Đó là hệ quả hợp lý của những vận động hậu trường trong nhiều năm, đặc biệt là với nỗ lực của Pháp muốn thúc đẩy một cách tiếp cận chung của toàn khối Liên Âu”.

Cái nhìn xấu đi về Trung Quốc cũng được ghi nhận trong người dân châu Âu nói chung. Một cuộc thăm dò dư luận do đại học Palacky University Olomouc (Cộng Hòa Séc) tiến hành gần đây nơi 19.000 người ở 13 quốc gia châu Âu, đã ghi nhận đà tuột dốc đáng kể của tỷ lệ có thiện cảm với Trung Quốc trong ba năm qua, đặc biệt là ở Tây Âu.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment