Asean cần hợp tác trong cuộc chiến chống đánh bắt cá lậu ở Biển Đông

Asean cần hợp tác trong cuộc chiến chống đánh bắt cá lậu ở Biển Đông

Hoàng Ngọc Linh
2020-11-28

\"HìnhHình minh hoạ. Hình chụp của Hải quân Indonesia hôm 21/6/2016: tàu của Hải quân Indonesia bắt giữ một tàu cá Trung Quốc ở vùng biển Natuna AFP

Thủ phạm số một

Trung Quốc đứng đầu thế giới về số vụ đánh bắt hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát (IUU). Với một đội tàu đánh cá lên đến khoảng 800.000 chiếc, Trung Quốc đã khai thác cạn kiệt nguồn đánh bắt cá nội địa của họ từ lâu. Thông qua các khoản trợ cấp hào phóng và sự chỉ đạo của chính phủ, Đảng Cộng sản Trung Quốc sau đó đã khuyến khích một phần đội tàu của mình đi xa hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa của Trung Quốc và thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, Trung Quốc đã tránh được bất kỳ hậu quả hữu hình nào đối với các hành động của mình, trong khi các quốc gia nhỏ hơn vẫn buộc phải tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn quốc tế và luật biển.

Năm 2010, Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai một hệ thống thực thi gián tiếp, đã chứng tỏ hiệu quả trong việc thúc đẩy những thay đổi sâu rộng ở nhiều quốc gia về tội đánh bắt cá bất hợp pháp. Tuy nhiên, hệ thống đó chỉ được áp dụng với các quốc gia và nền kinh tế không thể thách thức châu Âu. Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Đài Loan đều đã nhận “thẻ vàng” hoặc “thẻ đỏ”. Trong khi đó, Trung Quốc thoát khỏi mọi sự chỉ trích bất chấp nước này thực hiện thường xuyên và rộng rãi hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp.

Mỹ đã ra tay

Tháng 5/2020, chính quyền Trump đã đưa ra một số chính sách tạo tiền đề cho cuộc đối đầu trực diện với quốc gia được cho là tội phạm nghề cá số 1 thế giới, theo đó chính quyền Mỹ đã ban hành một lệnh hành pháp \”Thúc đẩy năng lực cạnh tranh thủy sản của Mỹ và tăng trưởng kinh tế\”.

Sau khi ban hành lệnh hành pháp trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã ra một tuyên bố báo chí về việc đội tàu đánh cá khổng lồ của Trung Quốc đã đánh bắt 73.000 giờ dọc theo vùng đặc quyền kinh tế của Ecuador từ tháng 7 đến tháng 8/2020. Ông chỉ ra việc Trung Quốc trợ cấp cho đội tàu đánh cá thương mại lớn nhất thế giới cũng như việc các hành vi đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc đã bị dư luận nhiều nơi chỉ đích danh, đặc biệt là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế phản đối việc Trung Quốc coi thường pháp quyền và bảo vệ môi trường.

Tháng 9/2020, Lực lượng Tuần duyên Mỹ đã công bố Triển vọng chiến lược IUU của riêng mình, gọi hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát là “mối đe dọa an ninh hàng hải toàn cầu hàng đầu”. Trong lời kêu gọi \”Chống lại hành vi nhà nước mang tính trấn lột và vô trách nhiệm\”, Trung Quốc là quốc gia duy nhất bị đề cập cụ thể trong báo cáo, trong đó nêu rõ các hành vi vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế cũng như yêu cầu Bắc Kinh thực hiện trách nhiệm phù hợp.

\"Hình

Hình minh hoạ. Một người biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Philippines cầm biển phản đối nạn đánh bắt cá lậu của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 11/4/2013 AFP

Tháng 10/2020, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien tuyên bố Lực lượng Tuần duyên Mỹ sẽ triển khai các tàu phản ứng nhanh mới nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để kiểm soát việc đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc. Tiếp đó, trung tuần tháng 11/2020, ông David Feith, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách chính sách khu vực và an ninh cùng các vấn đề đa phương tại Vụ Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết Washington sẽ gia tăng số lượng thỏa thuận “cho phép nhân viên chấp pháp lên tàu” để hỗ trợ các nước chống lại hành vi gây hấn của Trung Quốc (thỏa thuận này cho phép nhà chức trách của một quốc gia được phép lên các tàu thực thi pháp luật hoặc máy bay của quốc gia khác khi đang tuần tra).

Ngày 24/11, Craig Hart, Phó Trợ lý quản trị viên của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID) ở khu vực châu Á, cho biết, năm 2021, USAID sẽ khởi động chương trình kéo dài 5 năm về quản lý nghề cá ven biển bền vững trị giá 15 triệu USD để “giải quyết một số nguyên nhân dẫn đến hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) đang làm suy giảm nghề cá ven biển hiện nay”.

Ngày 25/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang chi 200 triệu USD cho các chương trình dành cho các quốc đảo nhỏ nhằm chống lại “hành vi có vấn đề” của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Sandra Oudkirk, Phó Trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, cho biết những chương trình này sẽ hỗ trợ tiền cho các quốc gia như Palau và Papua New Guinea để thúc đẩy phát triển và bảo vệ ngành đánh bắt cá của họ trước sự cạnh tranh không chính đáng từ Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Mỹ đã có các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo của Palau và Papua New Guinea về khả năng thiết lập sự hiện diện của quân đội Mỹ tại quốc gia của họ. Lực lượng bảo vệ bờ biển của Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện trong khu vực, triển khai thêm tàu chiến phản ứng nhanh mới nhất đến Guam để giúp kiểm soát các hoạt động đánh bắt hải sản.

ASEAN rụt rè e ngại

Giới phân tích cho rằng các nước trong khu vực hoan nghênh động thái của Mỹ xúc tiến chiến lược kiểm soát tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp ở Biển Đông, nhưng lo ngại về khả năng việc “quân sự hóa” hoạt động thực thi pháp luật sẽ “châm ngòi” các cuộc đụng độ lớn hơn ở khu vực biển Đông này. Theo một báo cáo năm 2015 được tổ chức tư vấn nội bộ của Nghị viện châu Âu công bố, 10 nước ASEAN chiếm khoảng 1/5 sản lượng hải sản toàn cầu và xuất khẩu hải sản từ khu vực này có giá trị 11 tỷ USD trong năm 2015. Để so sánh, theo Tổ chức Lương Nông LHQ, hoạt động khai thác IUU toàn cầu ước tính trị giá 23,5 tỷ USD hàng năm.

Số liệu của Viện Phát triển hải ngoại (ODI, có trụ sở tại London, Anh) cho biết đội tàu đánh cá xa bờ của Trung Quốc có “quân số” lên tới hàng chục nghìn chiếc, nên việc giám sát tất cả số tàu này trên toàn cầu gần như không thể. Giáo sư Tabitha Mallory, chuyên gia về chính sách đối ngoại và môi trường Trung Quốc tại Đại học Washington, khẳng định các nước đang phát triển khó có thể giám sát được các vùng biển ven bờ: “Trung Quốc đánh bắt cá ở những nước không có khả năng giám sát tốt vùng biển ven bờ của họ. Đối với các nước đang phát triển, các tàu tuần duyên và nhiên liệu cho các tàu tuần tra đó thường rất đắt.\”

\"Hình

Hình minh hoạ. Hải quân Indonesia bắt giữ những ngư dân Trung Quốc ở Belawan, Bắc Sumatra hôm 23/4/2016 AFP

\"\"/

Tuy vậy, một số đồng minh của Mỹ trong ASEAN đã thận trọng trước động thái của Washington trong chiến lược kiểm soát đánh bắt cá bất hợp pháp trên Biển Đông.

Gilang Kembara, nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế ở Indonesia, cho rằng Jakarta sẽ không hoan nghênh phương pháp đã bị quân sự hóa này của Mỹ: “Tôi nghĩ nếu Mỹ đề nghị Indonesia hợp tác với lực lượng tuần duyên của họ thì đó là điều tốt, vì IUU là hoạt động tội phạm, vì vậy chúng tôi cần thực thi pháp luật để chống lại. Tuy nhiên, nếu phía Mỹ đề xuất ‘hợp tác với Hải quân Mỹ’ và điều này trở thành một vấn đề quân sự thì cách tiếp cận đó bị thổi phồng quá mức vì tôi không nghĩ rằng IUU là mối đe dọa hiện hữu đối với một quốc gia.”

Jay L Batongbacal, Giám đốc Viện hàng hải và luật biển của Đại học Philippines, nhận định Philippines cũng sẽ không hoan nghênh hợp tác với Mỹ theo chiến lược hiện nay: “Tuy nhiên, Manila có thể đồng ý chia sẻ thông tin về các hoạt động trên biển. Ít nhất trong 2 đến 3 năm qua, chính phủ, đặc biệt là Cục thủy sản Philippines, đã thực sự tận dụng thông tin có sẵn từ Mỹ về các hoạt động đánh bắt cá của tàu thuyền nước ngoài trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines”.

Bà Asyura Salleh, chuyên gia về an ninh hàng hải và quản trị tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách đối ngoại Diễn đàn Thái Bình Dương, thừa nhận những nỗ lực của Mỹ chống khai thác IUU sẽ được coi là “lập trường chống Trung Quốc” trong bối cảnh những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. Tuy nhiên, Washington chỉ đang giải quyết một vấn đề thực sự đã xảy ra trong một thời gian. Bà Asyura dự đoán cam kết này sẽ tiếp tục dưới thời chính quyền Joe Biden, mặc dù chính quyền Biden có thể có “cách tiếp cận thực dụng hơn” bằng cách giúp các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương cải thiện khả năng giám sát hoạt động của các tàu cá nước ngoài thay vì “cho phép nhân viên chấp pháp nước ngoài lên tàu” để phối hợp tuần  tra.

ASEAN cần hợp tác

Theo báo South China Morning Post, các tàu Trung Quốc không phải là những tàu duy nhất bị cáo buộc có hoạt động IUU. Ông Dominic Thomson, Giám đốc dự án Đông Nam Á tại Quỹ công lý môi trường cho biết, các tàu Việt Nam cũng từng bị bắt vì đánh bắt trái phép trong các vùng biển Thái Lan và Indonesia. Tính đến giữa tháng 9/2020, đã có ít nhất 59 tàu Việt Nam và 430 thuyền viên bị bắt vì đánh bắt trái phép trong vùng biển do Thái Lan quản lý.

Riefqi Muna, nhà nghiên cứu các vấn đề an ninh mới nổi tại Viện Nghiên cứu khoa học Indonesia, dẫn dữ liệu từ năm 2014 đến 2019 cho thấy trong số 488 tàu nước ngoài bị bắt vì đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia, có 276 tàu thuộc sở hữu của Việt Nam. Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại lên tới 36,4 tỷ USD do hoạt động đánh bắt IUU.

Chuyên gia Batongbacal nói rằng, rất khó có được dữ liệu về các tàu nước ngoài đi vào vùng biển của Philippines trong thời gian gần đây do Tổng thống Duterte đã áp dụng một cách tiếp cận hòa giải hơn đối với Trung Quốc. Lần gần đây nhất, cơ quan ngư nghiệp của Philippines công bố số liệu thống kê cho thấy dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Benigno Aquino III (trước khi ông Duterte lên nắm quyền vào năm 2016), các tàu Trung Quốc là thủ phạm đánh bắt IUU lớn nhất trong vùng biển Philippines.

Chuyên gia Batongbacal cảnh báo, tình hình hiện tại ở ASEAN có khả năng bùng phát thành tranh chấp toàn khu vực và các nước ASEAN nên hợp tác để giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, chuyên gia Asyura cho rằng cách tiếp cận thực thi pháp luật tốt nhất đối với hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp là các nước đẩy – đuổi tàu thuyền ra khỏi lãnh hải vào vùng biển quốc tế thay vì giam giữ ngư dân, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại về các trường hợp COVID-19 “nhập khẩu”.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Bài Liên Quan

Leave a Comment