Kế hoạch ‘che’ Mặt Trời để ngăn hạn hán

Kế hoạch ‘che’ Mặt Trời để ngăn hạn hán

November 27, 2020

\"\"

Các chuyên gia đề xuất giải pháp phun khí lên tầng thượng quyển phía trên thành phố Cape Town, tạo thành đám mây cản ánh nắng chiếu xuống.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cape Town, Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia Mỹ (NCAR) đề xuất kế hoạch che bớt ánh nắng Mặt Trời để ngăn hạn hán, Sun hôm 25/11 đưa tin. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Environmental Research Letters.

Nhóm nhà khoa học hy vọng kế hoạch này giúp giảm đáng kể nguy cơ về khủng hoảng nước ập xuống Cape Town. Nỗi lo ngại về Day Zero, thời điểm thành phố cạn kiệt nước, đã tồn tại nhiều năm. Cape Town tới sát Day Zero nhất vào năm 2017, khi một đợt hạn hán nghiêm trọng khiến lượng nước trong các đập nước của thành phố xuống dưới ngưỡng 13%.

Với khủng khoảng khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng, khả năng xảy ra một đợt hạn hán dẫn đến Day Zero sẽ tăng gấp ba lần vào năm 2100, nhóm chuyên gia nhận định. Họ đề xuất phun các hạt khí lưu huỳnh dioxide (SO2) lên tầng thượng quyển của Cape Town. Khí SO2 sẽ tạo thành một đám mây lớn phía trên thành phố, phản xạ lại ánh Mặt Trời, làm không gian bên dưới tối đi.

Kế hoạch này có thể giảm 90% nguy cơ xảy ra hạn hán Day Zero năm 2100 tại Cape Town, nhóm nghiên cứu cho biết. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh, không nên coi đây là giải pháp thay thế cho việc giảm thải khí nhà kính.

Kế hoạch gây ra những tranh cãi về ảnh hưởng đến khí hậu và địa chính trị. Trước đây, nhiều nhà khoa học từng phê phán ý tưởng phun khí lên khí quyển để giảm nhẹ ảnh hưởng của sự ấm lên toàn cầu. Họ cho rằng đây có thể là hành động can thiệp nguy hiểm đối với hệ thống khí hậu.

Theo Khoa học

Bài Liên Quan

Leave a Comment