Cuộc sống thương phế binh VNCH sau chiến tranh

Cuộc sống thương phế binh VNCH sau chiến tranh

Xuân Nguyên, thông tín viên RFA
2016-06-27

\"000_ARP4061137.jpg\"Một người lính Việt Nam Cộng Hòa được di tản bằng trực thăng vào ngày 22 Tháng 2 năm 1971 sau khi bị thương trong cuộc đụng độ với Việt Cộng. AFP photo00:00/07:29

Sau biến cố 1975, nỗi buồn và niềm đau vẫn còn đọng mãi trong tâm trí và xác thịt của những người lính thuộc chế độ cũ, khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, những người lính này trở về với cuộc sống thường ngày. Phía những thương binh miền Bắc, họ luôn nhận được sự ưu ái, hỗ trợ từ chính quyền mới, còn bên các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía chính quyền, nên họ buộc phải bươn chải với đời để tồn tại với cơ thể không còn nguyên vẹn.

Bươn chải giữa dòng đời khắc nghiệt

Từ Cao nguyên Trung phần Việt Nam, ông Hồng – thương phế binh kể về những khó khăn của ông sau biến cố 1975:

“40 năm rồi từ khi ở Huế vào đây kinh tế mới, từng không có miếng ăn, từng phải đi xin để sống qua ngày… Khó khăn bây giờ thì không bằng thời bao cấp, thời bao cấp khổ lắm, thời bao cấp không có cả khoai sắn để ăn chứ đừng nói gì cơm, đừng nói gì gạo.”

Sau biến cố 1975, ông Hồng đã để lại 2 chân của mình trên chiến trường vì nền tự do của VNCH, cho nên ông không thể đi lại được như người bình thường, mà ông phải ngồi xe lăn để di chuyển.

Ông Hồng nói tiếp về cuộc hiện tại:

“Cũng sống tạm qua ngày vậy thôi, ở nhà phụ giúp con cái, có những lúc đau ốm, bệnh hoạn, mình lớn tuổi rồi không còn làm ra tiền, khi hàng xóm, bạn bè, người thân mời đi cưới hỏi, không có tiền thì phải xin con cái.”

Bạn bè… thằng đi bán nhang, thằng ăn mày, thằng thì ăn xin… đủ thứ trò hết à, miễn sao tồn tại qua ngày là được.
– Ông Nhàn

Những thương phế binh phải bươn chải kiếm sống giữa dòng đời xuôi ngược, rất nhiều người đã phải đi bán vé số tại các bến xe, bến tàu ở Sài Gòn. Từ Bình Thạnh, ông Nhàn – thương phế binh bị cụt một chân kể về những khó khăn:

“Khó khăn là không có nhà, có cửa, việc mướn phòng để ở rất khó, còn vợ đang bệnh đau không làm được gì thì khỏi nói rồi. Việc bán vé số thì chỉ được vào mùa nắng thôi, còn mùa mưa thì ế lắm.”

Khi được hỏi về cuộc sống những người bạn thương phế binh của ông hiện nay ra sao? Ông Nhàn cho biết, bạn bè ông phải tìm đủ mọi cách để mưu sinh, họ làm nhiều nghề để tồn tại giữa cái nhìn không mấy thiện cảm của người dân, vì họ từng là sĩ quan của chế độ cũ.

Ông Nhàn nói tiếp:

“Bạn bè…(cười), thằng đi bán nhang, thằng ăn mày, thằng thì ăn xin… đủ thứ trò hết à, miễn sao tồn tại qua ngày là được.”

Không được quan tâm từ phía chính quyền sở tại

Ông Trung – thương phế binh bị cụt một chân đang sống tại Nha Trang khẳng định rằng, chính quyền sở tại không giúp gì cho những người thương phế binh VNCH từ sau biến cố 1975. Việc này không chỉ xảy đối với trường hợp của ông mà tất cả chiến hữu của ông cũng chung tình trạng. Sở dĩ, ông xác nhận được điều này bởi trong những lần gặp gỡ các thương phế binh VNCH tại Chùa Liên Trì hay tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, 38 Kỳ Đồng, họ đều cho ông biết như vậy.

Ông nói tiếp:

“Sự giúp đỡ từ phía chính quyền sở tại là không có. Gần đây nhà nước mới được cấp Bảo hiểm Y tế, tuy nhiên người ta khẳng định rằng, việc cấp thẻ Bảo hiểm Y tế không có tính vào việc ai là thương phế binh hay là không mà dành cho tất cả người khuyết tật, bất kỳ chế độ nào cũng được hưởng hết”.

Ông Trung cho biết thêm, sau mỗi lần gặp gỡ các chiến hữu ở chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’, phía chính quyền thường sách nhiễu các chiến hữu của ông dưới nhiều hình thức, nặng có, nhẹ có, chủ yếu không muốn các chiến hữu đến với chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’.

\"Những
Những thương phế binh VNCH trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, TPHCM hôm 9/4/2015. AFP photo

Từ chùa Liên Trì – Sài Gòn, Thượng tọa Thích Không Tánh, một trong những người thực hiện chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’ trong nhiều năm qua thấy rằng, nhà cầm quyền Hà Nội luôn coi thường các thương phế binh là ngụy quân, ngụy quyền là người xấu, nên họ đối xử với thương phế binh rất tệ.

Thượng tọa Thích Không Tánh tiếp lời:

“Ngày nay người ta đã bị thương tật rồi, tàn phế rồi mà mấy anh em còn kỳ thị, còn không có lòng nhân đạo. Hình như quốc tế người ta giúp những người thương tật tại Việt Nam thì họ chỉ giúp cho thương binh miền bắc Việt Nam thôi, còn anh em thương phế binh Việt Nam Cộng hòa gặp rất nhiều khó khăn.”

Trả lời đài ACTD ngày 31/12/2015, Đại tá Phạm Xuân Phương, một cán bộ cao cấp của quân đội miền Bắc công tác tại Cục Chính trị trong thời gian chiến tranh nhận xét việc phân biệt, kỳ thị của chính quyền đối với thương phế binh VNCH, ông nói:

“Đứng về phương diện nhân đạo của cái khái niệm nhân đạo chung của thế giới thì tôi không ủng hộ cái việc đó đâu. Tôi cho rằng dù sao nữa thì những người thương phế binh mặc dù là họ bên kia chiến tuyến họ chiến đấu cho mục đích của họ nhưng phải thừa nhận rằng họ không đáng chịu chế độ khắc nghiệt như thế. Tôi nghĩ nếu những người thương phế binh của phía bên này nếu mà được hưởng ưu đãi này ưu đãi khác thì phía thương phế binh của phía VNCH có lẽ cũng nên được ăn ở cư xử một cách thỏa đáng hơn chứ không nên có sự phân biệt quá đáng như thế.”

Nguyện ước nhỏ nhoi

Từ khi chương trình ‘tri ân thương phế binh VNCH’ được chùa Liên Trì, dòng Chúa Cứu Thể tổ chức, các anh em thương phế binh VNCH rất vui vì có cơ hội được gặp gỡ nhau, được sống lại không khí đầy tự hào của người lính quân lực VNCH.

Như chia sẻ của ông Hồng, người ta còn quan tâm đến mình, nhớ đến mình thì người ta mới giúp như vậy, chính vì tri ân mình, nên mình cảm thấy trong người rất vui, rất là thoải mái.

Nói về ước nguyện của mình ông Hồng chia sẻ, do bị cụt cả hai chân, phải dùng xe lăn để di chuyển, điều này rất phiền đến con cháu, nên tôi mong muốn có một đôi chân giả để chủ động trong việc di chuyển.

Ông Hồng nói thêm:

“Bây giờ bọn tôi già cả rồi, không có ước mơ gì nhiều, chỉ muốn có một cuộc sống bình yên, bình thường, không muốn phiền phức từ chính quyền, và chỉ cần tạm đủ ngày 3 bữa cơm rau là được rồi.”

Bây giờ bọn tôi già cả rồi, không có ước mơ gì nhiều, chỉ muốn có một cuộc sống bình yên, bình thường, không muốn phiền phức từ chính quyền, và chỉ cần tạm đủ ngày 3 bữa cơm rau là được rồi.
– Ông Hồng

Từ Nha Trang, ông Trung mong muốn rằng, những người Việt ở nước ngoài có điều kiện, có tiền… hãy gửi về giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Vì cuộc sống của những người vượt biên sau biến cố 1975 bây giờ cũng khá hơn, không đến nỗi khổ như các thương phế binh VNCH ở trong nước. Ông Trung tiếp lời:

“Mình muốn họ (cộng đồng người Việt ở hải ngoại) trợ giúp thêm cho thương phế binh VNCH bớt khổ chứ giờ khổ quá rồi. Tôi chỉ nói vậy thôi còn thực hiện được hay không là do ở nước ngoài”.

Khi biết tin cộng đồng hải ngoại đang có chương trình vận động ‘tái định cư cho thương phế binh VNCH’, những thương phế binh chia sẻ với chúng tôi rằng, các thương phế binh là những người chịu rất nhiều thiệt thòi trong quảng thời gian rất dài. Mong rằng chương trình vận động ‘tái định cư cho thương phế binh VNCH’ sớm được chính phủ Hoa Kỳ chấp nhận, để những thương phế binh đang ở VN bớt khổ hơn.

40 năm cuộc sống người thương phế binh VNCH

VietVungVinh 

Cụ ăn mày Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa Bùi Văn Thiệt, SQ 67/101890 TĐ3/TrĐ7/SD5BB KBC 4.737

(Gia Minh, biên tập viên RFA) 40 năm cuộc sống người thương phế binh VNCHMột thành phần dường như bị gạt ra bên lề xã hội Việt Nam sau năm 1975 là những thương phế binh dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Dù không bị học tập cải tạo như những sĩ quan, công chức cao cấp… của chế độ cũ; nhưng họ bị phân biệt đối xử, thậm chí không được hưởng một chế độ nào dành cho người thương tật từ chính quyền mới.

Suốt 40 năm qua, các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, còn lại trên quê hương Việt Nam phải sinh sống ra sao?

Ngược đãi

Khác với những thương bệnh binh của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt nam, các thương phế binh- những người phải hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước đây, ngay sau năm 1975 cũng bị liệt vào thành phần ‘ngụy quân, ngụy quyền’. Dù rằng thân thể không toàn vẹn, là người tật nguyền, nhưng mọi chính sách đối với những người như họ đều không được hưởng.

Một thương phế binh hiện sinh sống tại Sài Gòn trình bày lại hoàn cảnh của bản thân:

Tôi thuộc Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù, tôi bị thương ở Đồi Charlie ngày 9 tháng 4 năm 1972. Chân tôi bị gãy ba khúc, bây giờ một hai ngón trên tay phải tôi bị co rút, trên đầu và dưới bụng còn mấy miếng miểng nữa.

Lúc vào quân đội tôi là con mồ côi, không có cha mẹ, anh em, dòng họ. Tôi tình nguyện vào nhảy dù năm 1970. Đến năm 72 bị thương, tôi về (Viện) Mồ côi tôi sống. Về tôi cũng cưới một người vợ trong mồ côi ra. Bà Phước và ông Cha đồng ý cho tôi cưới, rồi tôi được Bộ Tổng Tham mưu cấp cho một căn nhà ở làng phế binh Thủ Đức, Phước Bình.

Sau năm 75, Sài Gòn bị sụp đổ, ‘họ’ vào đuổi chúng tôi ra- không phải riêng mình tôi mà rất nhiều người như tôi bị ra khỏi nhà. Hiện nay cuộc sống của tôi rất khổ. Tôi phải bươn chải đi bán vé số mà sống, con cháu tôi không có tờ giấy nào lận lưng. Hiện tôi cũng không có tờ giấy chứng minh nhân dân lận lưng vì tôi không có nhà, không có hộ khẩu làm sao có chứng minh. Tôi không có nơi nương tựa, nhà thuê- cửa mướn. Đôi lúc không đủ tiền họ đuổi ra khỏi nhà. Đó là sự thật.

Lâu lâu tôi có nhờ anh Trung Hiếu Phạm giúp đỡ tôi rất nhiều từ tiền bạc, quần áo, cơm gạo; rồi chiếc xe tôi đi hư vỏ, hư bánh, hư niềng anh đều cho tiền để sửa chữa.

Tôi hỏi ông, một ngày tôi bán được 100 tờ vè số chỉ có được 100 ngàn đồng; nhưng phải đóng tiền nhà 50 ngàn, còn 50 ngàn cho gia đình sinh sống. Không đủ nhưng phải gói ghém.

Một thương binh khác hiện đang sống tại Quảng Ngãi cũng cho biết tình cảnh của bản thân trong suốt mấy chục năm qua như sau:

Tôi bị thương ngày 20 tháng 10 năm 1974 tại Nghĩa Hành. Tôi ở Trinh Sát 6 ở Chu Lai. Chuẩn tướng Nhật điều vào đánh ở Định Cương, Nghĩa Hành. Trong lúc hai bên đánh nhau, tôi bị trúng claymore gãy hai chân.

Từ 75 đến giờ đâu có gì đâu, cũng sống khổ cực. Tôi bị gãy hai chân và một tay thì đâu làm gì được. Tôi cũng ‘lần quần’ rồi có vợ, có con và giờ cũng ‘cơm nhà, áo vợ’ chứ có làm gì được đâu.

Tự bươn cải kiếm sống

Dù bị ngược đãi, nhưng những thương phế binh Việt Nam Cộng hòa cũng là con người cần phải ăn, phải sống và còn cả gia đình cha mẹ, vợ con; nên họ cũng phải tìm cách mưu sinh như bao người làn lặn khác. Ngoại trừ một vài trường hợp, may mắn, đa số đều rơi vào cảnh túng thiếu.

Trong những năm đầu sau 1975, cuộc sống đối với những người lành lặn đã khó, huống gì đối với những con người tàn phế không có được hổ trợ nào từ phía cơ quan chức năng và xã hội.

Nếu không nương nhờ được vào ai, nhiều thương phế binh tại các thành phố phải kiếm sống bằng những nghề mà người khuyết tật ở Việt Nam thường theo bao đời nay như đi hát dạo, bán vé số…

Sự hỗ trợ muộn màng

Trong cuộc mưu sinh, bôn ba lê lết trên vạn nẻo đường đất nước, một số thương phế binh may mắn gặp lại những đồng đội xưa từ nước ngoài trở về. Những người con Việt bỏ xứ ra đi sau năm 75, khi trở lại thăm thân nhân, quê hương có mang theo chút tiền để dành từ nước tạm dung, đã bớt ra chút ít để giúp đỡ cho những người chiến binh xưa chịu cảnh tật nguyền.

Dần dần số người trở về ngày càng nhiều thêm, và sự hổ trợ dành cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa từ những hội đoàn nước ngoài cũng thêm phần lan rộng.

Còn tại Việt Nam, hòa thượng Thích Không Tánh, một người khởi xướng hoạt động từ thiện giúp cho các thương phế binh Việt Nam Cộng hòa ngay ở Sài Gòn cho biết lại tiến trình xúc tiến hoạt động đó:

Chương trình này đã có cả chục năm rồi. Bà con ở nước ngoài có ủng hộ tiền về để giúp cho người nghèo khổ, cứu trợ bão lụt, tôi mới trình lên Giáo hội là số thương phế binh Việt Nam Cộng hòa thiếu thốn, tật nguyền, không có ai đoái hoài đến nên tôi làm chương trình đó: mời về Chùa Liên Trì ăn cơm, phát quà. Rồi tôi ra ngoài Quảng Trị phát quà cho thương phế binh ngoài đó. Chương trình này làm cách đây cả chục năm rồi. Sau này có nhờ bác sĩ Hiển bên Pháp, ân nhân các nơi và hòa thượng Thích Viên Lý bên Mỹ ủng hộ về để làm. Thời gian sau này họ (Nhà nước) thấy anh em thương phế binh đông bất lợi nên họ cho công an canh gác và gây khó khăn. Sau đó, cách đây hai năm tôi gửi tiền đó qua bên Dòng Chúa Cứu Thế để tổ chức giúp chứ bên này ‘họ’ hay dòm ngó, chụp hình, gây khó khăn. Khi Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức cách đây hai năm có chừng 200-300 anh em thương phế binh, sau đó bà con biết nên bây giờ quí linh mục ở Dòng Chúa Cứu Thế tiếp tục kêu gọi anh em thương phế binh đăng ký. Vừa rồi được sự giúp đỡ rộng rãi nên Dòng Chúa Cứu Thế đã phát cho trên 1000 thương phế binh. Họ về đó ăn uống, ca hát, nhận quà nên tôi rất mừng. Tôi cũng mừng khi họ tụ họp đông đảo như thế.

Chương trình chúng tôi dự định ra giêng này sẽ ra Quảng Trị, Thừa Thiên để phát quà cho anh em thương phế binh ngoài đó. Họ khổ lắm Ở ngoài đó xa quá đôi khi đâu thể vào Sài Gòn để nhận quà được.

Một người làm việc thiện nguyện tại Dòng Chúa Cứu Thế, nơi tiếp nhận chương trình giúp đỡ các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa từ vài năm qua, cho biết những cảm nhận bình thường của các phương phế binh được giúp đỡ cũng như một số hoạt động tiến hành hỗ trợ cho các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở đó như sau:

Có những lần tri ân, những lần phát quà những chú thương phế binh rất vui mừng vì họ được Dòng Chúa Cứu Thế nhìn đến vì bốn chục năm nay bị bỏ quên. Các chương trình khám bệnh, cho xe (lăn)., tri ân khiến các chú thương phế binh cảm động, rất thích.

Như lời Hòa thượng Thích Không Tánh, nhiều thương phế binh sống tại các tỉnh thành miền Trung vẫn chưa nhận được giúp đỡ như những người sống tại các thành phố miền nam.

Người thương phế binh từ Quảng Ngãi bày tỏ mong ước:

Tôi nay đã 60-62 tuổi rồi, nên cũng mong muốn yêu cầu những người ‘(VN) Cộng hòa’ bên Mỹ cho tôi chút đỉnh gì đó để qua ngày qua tháng, ăn được chút đỉnh nào thôi chứ tôi đâu dám ‘há miệng, há mồm’ gì nữa đâu!

Sau 40 năm, hầu hết những thương phế binh phải hy sinh một phần thân thể khi còn tuổi thanh niên nay đều bước sang lớp lão niên. Thời gian nhuộm bạc tóc họ một phần, nhưng phần lớn nét khắc khổ, sự chai sạn hằn sâu trên khuôn mặt và thân thể của họ là chứng tích của bao nỗi gian truân đè nặng lên cuộc sống phế nhân mà suốt bao năm qua bị nhà cầm quyền ruồng rẫy.

Bài Liên Quan

Leave a Comment