Công ty dầu khí quốc gia PetroVietnam hôm 1/8 cho biết họ đã ký một hợp đồng với hai công ty của Nhật để bán khí đốt từ một lô dầu khí gần với khu vực có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.
Lễ ký hợp đồng mua bán khí đốt giữa PetroVietnam (PVN) và các chủ mỏ khí đốt – gồm công ty Idemitsu Kosan Co. Ltd và Teikoku Oil Co. Ltd. – của Nhật diễn ra tại Hà Nội ngày 31/7, theo thông tin từ trang web của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Việc ký kết này diễn ra vài tháng sau khi có thông tin cho rằng Bắc Kinh ép Hà Nội dừng các dự án thăm dò dầu khí với một đối tác của Tây Ban Nha vào tháng 3 năm nay. Trước đó, vào tháng 7/2017, công ty của Tây Ban Nha, Repsol, cũng đã phải dừng hoạt động thăm dò, khai thác với PetroVietnam do sức ép từ Trung Quốc.
Sức ép này đang làm cho Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì sản lượng dầu khí khi các sản lượng ở các mỏ chính của Việt Nam giảm dần.
“Việc phát triển dự án này là rất quan trọng khi các hoạt động khai thác và sản xuất đã giảm xuống trong những năm gần đây do những căng thẳng trên Biển Đông, chiến dịch truy quét tham nhũng và giá dầu thô liên tục xuống thấp,” một quan chức PetroVietnam không muốn nêu tên cho Reuters biết.
Theo hợp đồng ký kết hôm 31/7, PetroVietnam và các đối tác Nhật Bản sẽ cùng khai thác khí đốt tại mỏ Sao Vàng-Đại Nguyệt (Lô 05-1b và 05-1c) nằm tại khu vực nước sâu, xa bờ của Bể Nam Côn Sơn thuộc thềm lục địa Việt Nam và cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 300km về phía Đông Nam, theo bản tin của PetroVietnam. Mỏ này theo dự kiến sẽ bắt đầu khai thác dòng dầu, khí thương mại đầu tiên trong Quý 3/2020.
Một thông cáo của PetroVietnam được Reuters trích dẫn nói rằng hợp đồng này sẽ “đóng góp lớn vào việc đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.”
Vào tháng 4, PetroVietnam đã phải lên tiếng rằng căng thẳng trên Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò và khai thác ngoài khơi của Việt Nam trong năm nay.
Đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra bao trọn phần lớn Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tháng 3 vừa qua, PetroVietnam yêu cầu công ty năng lượng Tây Ban Nha, Repsol, ngừng một dự án ngoài khơi dưới sức ép của Trung Quốc và vào tháng 5 một công ty của Nga, Rosneft, cũng đã bày tỏ quan ngại rằng việc khoan thăm dò gần đây của họ có thể sẽ làm Trung Quốc phật lòng.
Trong chiến dịch chống tham nhũng đang được Đảng Cộng sản tiến hành, nhiều quan chức cấp cao của các công ty nhà nước, trong đó có PetroVietnam, đã bị bắt giữ và kết án tù.
Theo giữ liệu của chính phủ đưa ra hôm 29/7, sản lượng dầu thô của Việt Nam trong bảy tháng đầu năm nay giảm 11,3% xuống còn 7,16 triệu tấn so với năm ngoái.
Related posts
-
‘Việt Nam xây hai đường băng mới trên quần đảo Trường Sa’
1 tháng 11 2024 Ngoài sân bay tại đảo... -
Trung Quốc tập trận phòng thủ Biển Đông khi Việt Nam, Philippines tăng cường hiện diện
RFA2024.10.28 Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc... -
Radar trên đảo Tri Tôn: Trung Quốc có thể do thám miền Trung Việt Nam và xa hơn?
27 tháng 10 2024 Việc Trung Quốc thiết lập...