Mục sư Nguyễn Công Chính: ‘Việt Nam thực hiện chính sách hai mặt’

\"\"
Các diễn giả tham dự Hội luận về \’Tù nhân Lương tâm\’ do USCIRF tổ chức tại Washington DC, ngày 18/4/2018.
Tại sự kiện đánh dấu 20 năm Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế, USCIRF nêu trường hợp của Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hội trưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và trường hợp mục sư Nguyễn Công Chính, người từng bị chính quyền Việt Nam tuyên án 11 năm tù, hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
Trả lời phỏng vấn VOA-Việt ngữ trước khi phát biểu tại buổi hội thảo, mục sư Nguyễn Công Chính nói:
“Tôi cảm thấy rất vinh hạnh được đại diện cho những người bị đàn áp trong nước để lên tiếng với quốc tế, trình bày cảnh bị ngược đãi trong tù và hiện tình đất nước hiện nay.”
Mục Sư Nguyễn Công Chính là tù nhân lương tâm duy nhất có mặt tại sự kiện này. Ông là một trong những diễn giả trực tiếp tham gia luận đàm về tù nhân lương tâm tôn giáo, một hội luận do Ủy viên Thomas Reese đứng ra điều hợp.

\"Mục
Mục sư Nguyễn Công Chính, thứ hai từ trái, tham dự hội luận \’Tù nhân Lương tâm\’ tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 18/4/2018.

Cựu Đại Sứ Hoa Kỳ Jackie Wolcott, Uỷ viên của USCIRF, người từng lên tiếng nêu bật trường hợp Mục sư Chính và vợ, Bà Trần Thị Hồng, phát biểu:
“Rất mừng là Mục sư đã được trả tự do. Ông và phu nhân, bà Trần Thị Hồng, đã bị chính quyền Việt Nam sách nhiễu. Ông được ra tù với điều kiện do chính quyền Việt Nam đưa ra, là phải rời Việt Nam ngay lập tức.”
Lên tiếng tại buổi hội thảo, mục sư Chính nói chế độ cầm quyền tại Việt Nam thực hiện một “chính sách hai mặt”:
“Khi chính quyền Việt Nam đàn áp và áp lực quốc tế lên tiếng thì họ thả một tù nhân và bắt lại nhiều người khác. Đây là chính sách hai mặt mà Việt Nam thường áp dụng. Sau khi tôi được trả tự do vào tháng 7 năm ngoái, họ đã bắt hàng loạt người trong vụ án Hội Anh em Dân chủ, trong vụ án Formosa ở Nghệ Tĩnh, vụ ông Bùi Văn Trung, vụ ông Vương Văn Thả là những tín đồ Hòa Hảo ở An Giang.”
Vào đầu tháng này ngay sau khi chính quyền Việt Nam xử án từ 7 năm đến 15 năm tù giam đối với các thành viên Hội Anh em Dân chủ, USCIRF lên án bản án này là “một sự gia tăng quấy nhiễu về tự do tôn giáo và những người ủng hộ nhân quyền ở Việt Nam.”
Dân biểu Randy Hulgren, đồng Chủ Tịch Uỷ Hội Nhân Quyền Tom Lantos của Quốc hội Mỹ phát biểu:
“Từ năm 2012, Nhóm nghị sĩ thuộc Ủy ban nhân quyền Tom Lantos chúng tôi đã phối hợp cùng với USCIRF và Tổ chức Ân xá Quốc tế để thành lập “Kế hoạch Bảo vệ Tự do” (Defending Freedoms Project) nhằm vận động các nước trả tự do cho các tù nhân lương tâm và tôn giáo trên khắp thế giới.”

\"Chân
Chân dung Hòa thượng Thích Quảng Độ, bìa phải, tại Hội nghị Thượng đỉnh USCIRF ngày 18/4/2018.

Cũng tại buổi hội thảo này, bà Kristin Arriaga, Phó Chủ tịch USCIRF, chính thức công bố quyết định chọn Hoà Thượng Thích Quảng Độ là 1 trong 7 tù nhân lương tâm tiêu biểu cho tình trạng đàn áp tôn giáo trên thế giới.
Vào tuần trước, Dân biểu Alan Lowenthal, thuộc Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Quốc hội Hoa Kỳ, và bà Kristin Arriaga, Phó Chủ tịch Ủy ban về Tự do Tôn giáo Quốc tế đã ra tuyên bố bảo trợ vận động trả tự do cho Hòa Thượng Thích Quảng Độ thông qua “Kế hoạch Bảo vệ Tự do” của Uỷ ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Mỹ.

\"Kristina
Kristina Arriaga, Phó Chủ tịch UB Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) mang chân dung Hòa thượng Thích Quảng Độ trong buổi điều trần trước Uỷ ban Nhân quyền Hạ viện Tom Lantos, ngày 15/2/2018.

Theo bà Arriage, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã liên tục bị quản thúc tại gia một cách bất hợp pháp từ năm 1998 cho đến nay vì các hoạt động của ông cho tự do tôn giáo, chống lại chính sách đàn áp tôn giáo của chính quyền.
Vào năm 2014, Dân Biểu Alan Lowenthal đã chính thức nhận đỡ đầu cho Mục sư Nguyễn Công Chính thông qua chương trình “Kế hoạch Bảo vệ Tự do” và từ đó, ông không ngừng tranh đấu để Mục sư Chính được trả tự do.
Hội thảo cấp cao của USCIRF hôm 18/4 còn thảo luận \”Tình hình Tổng thể\” về tự do tôn giáo quốc tế, các chiến lược nhằm đạt được những thay đổi tích cực cho tự do tôn giáo và tù nhân lương tâm trên khắp thế giới.

Related posts

Leave a Comment