—
(VOA) – Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 4/8 lên tiếng bảo vệ quyết định quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh, gọi đó là hành động tự vệ trước áp lực từ Hoa Kỳ và các nước khác.
“Một số nước không thuộc khu vực, chủ yếu là Mỹ, đã rầm rộ đưa vũ khí chiến lược vào khu vực này, đặc biệt là Biển Đông để phô diễn sức mạnh quân sự và gây áp lực đối với các nước trong khu vực, kể cả Trung Quốc”, ông Vương được tờ Straits Times dẫn lời nói.
“Tôi e rằng đó là lý do lớn nhất đằng sau chuyện Trung Quốc quân sự hóa ở khu vực này”.
Tin độc quyền: Việt Nam ‘đặt mua’ gần 100 triệu đôla vũ khí Mỹ
Đề cập tới các hàng không mẫu hạm, máy bay ném bom chiến lược và các loại vũ khí tối tân khác, nhà ngoại giao giao hàng đầu Trung Quốc nói rằng các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, phải “thiết lập các cơ sở phòng thủ” để “tự vệ” khi “đối mặt với áp lực và mối đe dọa quân sự đang ngày càng gia tăng như vậy”.
Ông Vương được trích lời nói thêm: “Ấy vậy mà các hành động phòng thủ như vậy lại bị coi là hành động quân sự hóa. Điều đó gây lẫn lộn đúng và sai, và tôi không nghĩ rằng bất kỳ ai hiểu về thực tế cơ bản ở thực địa sẽ đi tới một kết luận như vậy”.
Theo Straits Times, khi được hỏi rằng liệu việc quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông có khiến các nước khác phải hành động, ông Vương nói: “Trung Quốc hoàn toàn được phép thực hiện các biện pháp này vì Trung Quốc cần phải bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ. Và bởi vì có nhiều áp lực hơn đối với Trung Quốc, nên lẽ tự nhiên là Trung Quốc có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ mình”.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu như vậy bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 tại Singapore.
Một ngày trước đó, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với ông Vương.
Thông tin trên trang web của Bộ này viết rằng “hai bên nhất trí tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc”.
“Về vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ cần kiên trì giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện nghiêm túc nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước; kiểm soát tốt bất đồng, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC [Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông], sớm đạt được COC [Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông] hiệu quả, thực chất và ràng buộc”, bản tin có đoạn.
Cũng tại Hội nghị trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết sẽ cung cấp một khoản mới gần 300 triệu đôla tài trợ an ninh cho khu vực Đông Nam Á, theo Reuters.
Một thông cáo từ văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng khoản tài trợ an ninh này sẽ được cấp cho các đảo quốc Thái Bình Dương, Bangladesh, Indonesia, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Sri Lanka, Việt Nam và những nơi khác.
Nguồn: VOA