Thayer: Luật quốc phòng mới của Mỹ thật sự cứng rắn hơn với TQ

\"\"

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bắc Kinh tháng 11/2017. Ảnh: Reuters.

Giáo sư Carl Thayer chỉ ra 14 hành động cứng rắn mà Mỹ dự kiến áp dụng để đối phó với Trung Quốc, được quy định trong luật về ngân sách quốc phòng với ngôn từ mạnh mẽ.

Thượng viện Mỹ hôm 1/8 đã thông qua dự thảo Luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019 với tỷ lệ 87-10, sau khi Hạ viện nước này thông qua. Dự luật quy định tổng chi tiêu quốc phòng trong năm tài khóa 2019 là 716 tỷ USD và một số nghị sĩ Mỹ nói đây là luật về chính sách quốc phòng \”cứng rắn nhất\” với Trung Quốc của Washington từ trước đến nay.

14 hành động cứng rắn chống Trung Quốc

Zing.vn có cuộc trao đổi ngắn với ông Carl Thayer, giáo sư thuộc Học viện Quốc phòng Australia, người có nhiều năm nghiên cứu về khu vực, xung quanh vấn đề này.
– Lời lẽ trong NDAA năm nay được cho là gay gắt với Trung Quốc, đặc biệt khi đề cập đến hoạt động quân sự hóa của Bắc Kinh ở Biển Đông. Liệu sẽ có sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận của Washington tại khu vực?
– NDAA cho năm tài khóa 2019 thực sự có những lời lẽ mạnh mẽ hơn về Trung Quốc, với nhiều ý tứ được lấy từ Chiến lược Quốc phòng Mỹ (NDS). Dự luật cho phép cung cấp tài chính cho 14 hành động cứng rắn để chống lại Trung Quốc, bao gồm: (1) hỗ trợ sáng kiến ổn định khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (2) xây dựng chiến lược rõ ràng về Trung Quốc và bắt buộc báo cáo lại cho quốc hội; (3) tăng cường khả năng sẵn sàng của lực lượng phòng vệ Đài Loan; (4) nâng cấp Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á cũ để bao trùm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (5) diễn tập phòng thủ tên lửa tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (6) tập trận và hợp tác quân sự trong khuôn khổ Tứ giác Kim cương; (7) trao quyền cho Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (8) giới hạn kinh phí tài trợ cho các chương trình tiếng phổ thông Trung Quốc; (9) mở rộng hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ; (10) cho phép chuyển giao tàu hải quân cho Nhật Bản; (11) yêu cầu báo cáo thường niên cho quốc hội về các hoạt động quân sự, hàng hải và hàng không của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; (12) cho phép tiếp xúc quốc phòng cao cấp với Đài Loan; (13) hạn chế khả năng của Tổng thống Trump trong việc cắt giảm lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc; và (14) tăng cường hợp tác phòng thủ tên lửa với các đối tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Những rào cản Mỹ – Trung

– Một số nghị sĩ Mỹ cho rằng đây là dự luật về chính sách quốc phòng cứng rắn nhất với Trung Quốc của Washington từ trước đến nay. Ông có đồng ý không?
– Nên nhớ lại rằng 8 năm trước, Trung Quốc đã nêu ra \”ba rào cản\” trong quan hệ với Mỹ. Đó là việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, dò thám trong Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Trung Quốc, và những hạn chế được quy định trong NDAA 2000.
NDAA 2000 cấm bộ trưởng quốc phòng Mỹ ủy quyền cho các liên lạc quân sự với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nếu liên lạc đó \”tạo ra nguy cơ an ninh quốc gia vì sự tiếp xúc của PLA\” với bất kỳ lĩnh vực nào sau đây: hoạt động triển khai lực lượng, hoạt động hạt nhân, hoạt động chiến đấu phối hợp và nâng cao, hoạt động hậu cần tiên tiến, năng lực hóa học, sinh học và các năng lực khác liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoạt động giám sát và do thám, cũng như các thử nghiệm chiến đấu chung.
NDAA 2019 rộng hơn nhiều về phạm vi. Ngoài 14 quan ngại trong lĩnh vực quân sự đã nói ở trên, dự luật cũng đề cập đến các nỗ lực chính trị của Trung Quốc nhằm tác động đến công chúng Mỹ thông qua các hoạt động gây ảnh hưởng đến truyền thông, các tổ chức văn hóa, doanh nghiệp cũng như cộng đồng học thuật và chính sách.
Ví dụ, các chương trình giảng dạy ngôn ngữ Trung Quốc sẽ được hỗ trợ kinh phí nhưng khoản tiền này hạn chế cho các trường đại học Mỹ có Viện Khổng Tử của Trung Quốc.
NDAA 2019 cũng tăng cường quyền hạn của Ủy ban Đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Ủy ban này giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và giờ đây ủy ban được giao việc đánh giá tác động của các khoản đầu tư này đến lợi ích an ninh quốc gia Mỹ.

\"Thayer:
Lãnh đạo Lầu Năm Góc James Mattis trong buổi điều trần trước quốc hội về ngân sách cho Bộ Quốc phòng Mỹ hồi tháng 5/2018. Ảnh: Reuters.

– Dự luật cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới \”Vành đai Thái Bình Dương\” (RIMPAC) cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Điều này có gửi đi bất kỳ thông điệp nào không?
– Chắc chắn có. Quy định này được đưa vào NDAA để trấn an các đồng minh và đối tác của Mỹ cũng như các quốc gia khác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rằng Washington lo ngại về các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc.
Lệnh cấm tham gia RIMPAC đối với Trung Quốc sẽ vẫn được duy trì cho đến khi Bắc Kinh chấm dứt mọi hoạt động bồi lấp đảo, đá và di chuyển vũ khí tấn công ra khỏi các đảo nhân tạo. Điều này không có khả năng xảy ra vì vậy lệnh cấm sẽ không thay đổi. Như đã nói ở trên, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ được yêu cầu báo cáo hàng năm cho quốc hội về bất kỳ sự phát triển mới nào của các cơ sở quân sự cũng như vũ khí của Trung Quốc.

Dự luật NDAA 2019 nhắm tới đối phó một loạt chính sách của Trung Quốc, từ gia tăng hoạt động quân sự trên Biển Đông cũng như theo đuổi công nghệ tiên tiến của Mỹ. Dự luật được thông qua trong bối cảnh Washington đang bị cuốn vào cuộc chiến thương mại căng thẳng với Bắc Kinh.
Tài liệu này khẳng định thách thức trung tâm đối với thịnh vượng và an ninh của Mỹ là sự tái xuất hiện của cạnh tranh chiến lược dài hạn, trong đó Mỹ phải hành động nhiều hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và Nga.
Bắc Kinh đã lập tức chỉ trích việc quốc hội Mỹ thông qua dự luật NDAA 2019, kêu gọi Washington từ bỏ \”tư duy chiến tranh lạnh lỗi thời, kẻ thắng người thua\”.
\”Mỹ không được để dự luật chứa đựng những nội dung tiêu cực về Trung Quốc thế này trở thành luật\”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng nói, nhấn mạnh Mỹ đang liều lĩnh \”hủy hoại quan hệ và hợp tác Trung – Mỹ\”.
NDAA quy định mức chi tiêu quốc phòng Mỹ và thiết lập chính sách kiểm soát cách thức sử dụng ngân sách. Đây là một trong số ít những luật lớn được quốc hội Mỹ thông qua hàng năm và chính vì điều này, NDAA được sử dụng như cơ sở cho một loạt biện pháp chính sách.

Related posts

Leave a Comment