Trước đó trong phiên xử sơ thẩm vào ngày 30/7, Tòa án Nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, tuyên án 20 người tham gia cuộc biểu tình ngày 10/6 chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng các mức án tù từ 8 – 18 tháng tù về tội “gây rối trật tự công cộng”.
Bị đe dọa
Sau phiên xử, gia đình của 11 trong số 20 người đã đến nhờ LS. Đặng Đình Mạnh tư vấn về thủ tục kháng cáo. LS. Mạnh cho VOA biết thêm vào ngày 7/8:
“Cách đây khoảng ba ngày, chúng tôi liên tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ gia đình họ cho biết những người đang bị giam bị cán bộ quản giáo đe dọa là không được phép kháng cáo. Nếu kháng cáo, sẽ đưa họ qua giam chung với những người bị bệnh HIV”.
Theo lời LS. Mạnh, những người bị đe dọa đều là nữ giới và đang bị giam tại Cơ sở giam giữ thuộc Công an TP. Biên Hòa.
Trong đơn gửi cho Ban chỉ huy của trại giam và Viện Kiểm sát, HĐND tỉnh Đồng Nai, LS. Mạnh nói ông không ông “không tự tiện suy diễn sự việc được thực hiện có hệ thống hoặc có chủ trương”, nhưng “sự phản ánh nhiều trường hợp về chung một sự việc của các gia đình bị cáo như vậy cho thấy đây không chỉ là hành vi đơn lẻ”.
Thân nhân của các nữ tù nhân đang bị giam giữ tại trại giam này cho VOA biết người thân của họ đang trong tình trạng rất sợ hãi. Có người còn trách gia đình rằng “Ở bên ngoài làm gì mà để cho bả [cán bộ trại giam] chửi em”, đồng thời yêu cầu gia đình “chạy tiền cho cán bộ”, với giá 4 triệu đồng, để không bị chuyển sang nhốt chung với người nhiễm HIV/AIDS.
Bất công
Cáo trạng của VKSND TP. Biên Hòa trong phiên sơ thẩm nói 20 người biểu tình đã “lấn chiếm hết lòng đường, ngăn cản các phương tiện lưu thông qua lại, gây ách tắc giao thông”, và “Mặc dù lực lượng công an đã phát loa tuyên truyền, nhắc nhở người dân tuân thủ pháp luật, không được tụ tập thành đám đông trên đường nhưng đám đông đã không chấp hành mà tiếp tục quay lại ngã tư Lạc Cường chuyển hướng vào đường Dương Tử Giang”, trích báo Pháp Luật.
Tuy nhiên theo lời kể của một người dân, có người thân tham gia trong đoàn biểu tình bị bắt, thì họ đã bị công an dẫn vào con đường này để chặn bắt. Người dân không muốn nêu tên, vì lý do an ninh, kể lại với VOA:
“Hôm biểu tình là công an dẫn đường đấy chứ, tới ngã tư Lạc Cường thì đoàn biểu tình xin quay về hướng cũ, nhưng họ không cho. Họ kêu ‘Đi vào đường đấy đi, đường kia đang cấp cứu kẹt xe rồi. Nó dồn mình vào đường đó rồi bắt hết”.
Bản án tù đối với 20 người biểu tình ở Đồng Nai đã bị dư luận và một số tổ chức nhân quyền lên án. Theo LS. Đặng Đình Mạnh, việc “gán ghép” một bản án hình sự cho những người tham gia biểu tình là một điều rất bất công, khi họ chỉ đơn thuần thể hiện quyền biểu đạt đã được Hiến pháp quy định.
Ông phân tích: “Thứ nhất, họ không có hành vi gây rối. Hầu như tất cả họ khi tham gia biểu tình hôm đó thì mỗi người đều mang biểu ngữ ‘Phản đối Luật Đặc khu’, ‘Phản đối cho Trung Quốc thuê đất 99 năm’. Việc họ cầm các biểu ngữ đi trên đường là họ đang thực hiện quyền biểu đạt ý chí. Quyền biểu đạt ý chí thông qua một cuộc biểu tình là hoàn toàn hợp pháp theo luật pháp Việt Nam”.
Ngoài ra, theo LS. Mạnh, trong bối cảnh Việt Nam chưa đưa ra luật biểu tình thì không thể đánh giá hành vi biểu tình là có hợp pháp hay không.
Các cuộc biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng đã diễn ra rầm rộ trên khắp các tỉnh thành Việt Nam vào ngày 10/6, thu hút hàng chục ngàn người tham gia. Hàng trăm người đã bị bắt và nhiều người bị kết án sau đó bằng các tội danh hình sự.
Trước sức ép mạnh mẽ của công chúng, Quốc hội Việt Nam đã quyết định hoãn việc thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Nguồn: VOA