Học giả Trung Quốc khuyên chế độ Bắc Kinh nên xin thua Trump

\"\"

Minh họa về chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. (Ảnh qua Asia Times)

Nhà nghiên cứu chính trị độc lập người Trung Quốc Xu Yimiao mới đây có bài xã luận đăng trên tờ Hoa Nam Tảo Báo (Hồng Kông) nhận định rằng Trung Quốc đang dần cạn khả năng đấu thuế quan với Mỹ, trong khi một số bên khác như Liên minh Châu Âu hay Nhật Bản cũng đang cho thấy chiều hướng hợp Mỹ chống Trung.
Học giả Xu Yimiao cho rằng trước khi cuộc chiến tranh thương mại trở nên nghiêm trọng hơn, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nên tìm kiếm cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và có thể họ cần phải bỏ đi sĩ diện nước lớn để chấp nhận hòa dịu với Washington nếu không muốn thấy chế độ khủng hoảng.
Một số cuộc thảo luận nghiêm túc đang diễn ra tại Trung Quốc khi đất nước này đối mặt với một cuộc chiến tranh thương mại leo thang với Mỹ, tăng trưởng kinh tế quốc nội chậm lại và các hạn chế đầu tư gia tăng tại Mỹ và Châu Âu. Dường như có sự công nhận rằng kế hoạch cứng rắn được soạn thảo trước đó đã không hiệu quả và Bắc Kinh cần phải thay đổi chiến lược của mình.
Ông Xu Yimiao cho rằng chiến lược trả đũa thuế quan qua lại với Mỹ của ĐCSTQ đã thất bại. Thực tế, chiến lược này đã khiến cuộc xung đột leo thang. Việc trả đũa trực tiếp và tương ứng sau khi Mỹ thông báo đánh thuế 25% lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc (gói 34 tỷ USD đã có hiệu lực từ 6/7 và gói 16 tỷ USD sẽ có hiệu lực vào 23/8) không đem đến nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Động thái đó của Bắc Kinh chỉ giúp Washington có cớ để lên kế hoạch áp thuế lên thêm 200 tỷ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Công bằng mà nói, Mỹ vẫn có thể leo thang cuộc xung đột này ngay cả khi Trung Quốc không trả đũa, nhưng dù thế nào đi nữa, cũng đã cho thấy chiến lược của ĐCSTQ là không hiệu quả.
Thế nhưng, chế độ Bắc Kinh dường như chưa muốn dừng cuộc đấu thuế quan với Mỹ. Tối ngày 3/8, Bộ Thương mại Trung Quốc quyết định sẽ áp thuế từ 5% đến 25% lên thêm 60 tỷ USD hàng Mỹ. Đây là hành động trả đũa trực tiếp cho việc ông Trump dọa sẽ áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, thay vì 10% như đề xuất ban đầu. Đến ngày 8/8, Trung Quốc thông báo danh sách hàng hóa Mỹ trị giá 16 tỷ USD sẽ bị áp thuế 25% từ ngày 23/8, tương ứng với mốc thời gian có hiệu lực của gói thuế tương tự mà Washington đánh lên Bắc Kinh. Trung Quốc đang tiến gần đến hạn mức trả đũa thuế quan của mình, vì trong năm 2017 họ xuất siêu hơn 300 tỷ USD trong cán cân thương mại với Mỹ.
Người ta đồn đoán rằng ĐCSTQ đã cố gắng kết hợp với các nước Châu Âu, cũng như các nước khác để chống lại mối đe dọa thuế quan từ Mỹ, nhưng có vẻ như chiến lược này cũng đã thất bại.
Ngày 26/7, sau chuyến thăm của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker tới Washington, Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về thương mại. Sự thực thì tuyên bố chung giữa ông Trump và ông Juncker là khá mơ hồ và không có nghĩa những vấn đề thương mại giữa EU và Mỹ đã được giải quyết toàn diện, nhưng trong ánh nhìn của giới chức Trung Quốc, tuyên bố chung đó đã giảm đáng kể cơ hội cho việc EU sẽ gia nhập cùng hàng ngũ với Trung Quốc. Thực tế, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk hôm 15/7 cũng đã đăng tweet: “Mỹ và EU là những người bạn tốt nhất. Bất cứ ai nói rằng chúng tôi là kẻ thù của nhau là đang lan truyền tin giả”. Quan điểm của ông Tusk nhận được sự đồng tình của Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans, ông này tweet: “Người Châu Âu và người Mỹ gắn kết với nhau bằng lịch sử và các giá trị chung”.
Nhà nghiên cứu Xu Yimiao nhận định rằng tiến triển quan hệ Mỹ – EU nêu trên đang là hồi chuông cảnh báo cho giới chức Trung Quốc vì họ sợ rằng Bắc Kinh đang bị các nước bỏ lại và bị quốc tế bao vây. Trong khi đó, những bước phát triển thương mại và các thỏa thuận hợp tác cũng đã được thực hiện ở những nơi khác ngoài Trung Quốc. Hôm 16/7, Nhật Bản và EU đã ký thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất từ trước tới nay; các quan chức thương mại từ Mỹ và Nhật Bản cũng sẽ gặp nhau trong tuần này. Cũng có thông tin cho rằng giới chức Mexico đã bày tỏ thái độ lạc quan về việc sớm hoàn thành đàm phán NAFTA với Mỹ và Canada. Tổng thống Donald Trump thậm chí đã lên tiếng về khả năng gặp các nhà lãnh đạo Iran không cần “bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”. Có vẻ như Trung Quốc là quốc gia lớn duy nhất không đạt được bất kỳ tiến bộ hợp tác thương mại nào trong thời gian gần đây.
Ông Xu Yimiao cho rằng dù chính phủ Trump vẫn có thể tiếp tục đánh thuế lên các nước khác và đó là cơ hội cho Trung Quốc liên kết với các nước này chống Mỹ, nhưng có một thực tế khác rõ ràng hơn là hầu hết các nước tự do, dân chủ đều không đứng về phía Trung Quốc trong những mặt trận khác. Chẳng hạn, có những thông tin cho thấy từ Berlin tới London, người Châu Âu đang thắt chặt giám sát các khoản đầu tư từ Trung Quốc với lý do bảo vệ an ninh quốc gia – một động thái tiếp bước Mỹ.
>>Tiếp bước Mỹ, Đức tăng cường thắt chặt đầu tư từ Trung Quốc
Động thái hạn chế đầu tư từ Trung Quốc tại Mỹ và EU đã kéo theo các cuộc thảo luận sôi nổi trong nội bộ Trung Quốc. Những nhà trí thức trong các học viện, các nhóm nghiên cứu và ngành tài chính đang quan tâm đến các định hướng chính sách của ĐCSTQ, không chỉ trong các cuộc đàm phán gần đây với Mỹ về thương mại mà còn là xu hướng chung trong vài năm qua. Ngày càng gia tăng những tiếng nói cho rằng lợi ích mà Trung Quốc có được từ các chính sách cải cách và mở cửa trong 40 năm qua là bởi vì họ đã được tích hợp vào hệ thống kinh tế toàn cầu do Mỹ và đồng minh điều hành.
Với đánh giá đó, nhà nghiên cứu Xu Yimiao khẳng định rằng hiện nay chưa phải là thời điểm phù hợp hay có thể nói là còn quá sớm để ĐCSTQ gửi tín hiệu, dù cố ý hay không, rằng Trung Quốc sẽ sớm xây dựng một hệ thống kinh tế toàn cầu mới thay thế cho hệ thống hiện tại. Trung Quốc còn xa mới chuẩn bị đủ lực để đối đầu kinh tế với Mỹ vì chế độ Bắc Kinh phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu của Mỹ so với chiều ngược lại, và họ sẽ chỉ làm tổn thương chính mình nếu theo đuổi lập trường cứng rắn. Thay vào đó, ông Xu Yimiao khuyên chế độ Trung Quốc nên tập trung nhiều hơn vào phát triển nội lực và cải cách nền kinh tế quốc nội.
Có thể đã có những tính toán sai lầm cách đây vài tháng khi Bắc Kinh đưa ra chiến lược trả đũa Mỹ, bởi vì họ đánh giá thấp quyết tâm của ông Trump về chính sách thương mại, hoặc cũng vì họ đánh giá thấp sự gia tăng tâm lý bài Trung Quốc tại Mỹ. Đến bây giờ, giới chức Bắc Kinh nên nhận thức tình huống khó khăn này như thế nào và phải bắt đầu thay đổi chiến lược của mình, ông Xu Yimiao khuyên.
Thiết lập một kế hoạch mới hoàn toàn sẽ là khó khăn. Trong tháng qua, Bắc Kinh đang phải tập trung nhiều vào việc đưa ra các chính sách để tách biệt nền kinh tế trong nước khỏi những bất ổn bên ngoài. Chính sách tiền tệ đã được chỉnh trước tiên và kể từ cuối tháng Sáu, tất cả các chính sách đều nhanh chóng được thực hiện theo hướng nới lỏng. Cái gọi là “tranh cãi chính sách” giữa Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Bộ Tài chính đã kéo dài không quá hai tuần, khi các nhà lãnh đạo hàng đầu, sau cuộc họp Bộ Chính trị ĐCSTQ vào ngày 31/7, đã thúc giục chính sách tài khóa chủ động hơn và yêu cầu “ổn định” trên tất cả các lĩnh vực.
Ông Xu Yimiao cho rằng dù thay đổi chính sách nội bộ thế nào, cuối cùng Trung Quốc cũng vẫn phải thuyết phục Mỹ trở lại bàn đàm phán như cách mà EU, Nhật Bản và Mexico đang làm. Tuy nhiên, ông Xu Yimiao cũng thừa nhận rằng ngay bây giờ cũng chưa thể rõ các cuộc đàm phán Mỹ – Trung sẽ diễn ra khi nào và như thế nào.
Tuần trước, có một số thông tin cho rằng vẫn đang có các cuộc đối thoại cá nhân giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Mnuchin để tìm các cách thức khởi động lại các cuộc đàm phán song phương chính thức. Tuy nhiên, ngay sau những thông tin đó, Mỹ lại đưa ra kế hoạch điều chỉnh áp thuế từ 10% lên 25% lên thêm 200 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc.
Theo ông Xu Yimiao, những động thái từ Washington như vậy khiến Bắc Kinh gặp khó trong việc tìm chiến lược đàm phán mới.
Thứ nhất, ngay cả khi Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại và nhượng bộ, thì không chắc liệu Mỹ có chấp nhận và cùng hợp tác với họ hay không. Nếu Mỹ hung hăn hơn, ngay cả khi Trung Quốc không làm gì cả, làm thế nào để Bắc Kinh có thể chắc chắn rằng Washington sẽ không bắt nạt họ hơn nữa nếu họ xin thua trước?
Thứ hai, Bắc Kinh có thể nhận ra các cuộc thảo luận với các thành viên nội các như với Bộ trưởng Mnuchin là không hiệu quả vì các cuộc đối thoại đó chưa mang lại bất kỳ kết quả ý nghĩa nào. Đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump sẽ hiệu quả hơn nhiều giống như các nước khác (chẳng hạn như EU) đã đạt được các thỏa thuận khi hội đàm trực tiếp với ông Trump.
Để thoát khỏi tình trạng khó khăn này, Trung Quốc có thể cần phải đối thoại trực tiếp với ông Trump, tìm hiểu xem điều mà Tổng thống Mỹ cần để tuyên bố chiến thắng và đưa ra các điều kiện cho điều đó. Tất nhiên, cho phép ông Trump tuyên bố chiến thắng có thể là điều khó khăn và thậm chí là nỗi xấu hổ cho chế độ Bắc Kinh, nhưng đôi khi đó là lựa chọn tốt nhất để ngăn chặn tổn thất trong một giao dịch và hy vọng kiếm lợi nhuận vào một thời điểm khác, nhà nghiên cứu Xu Yimiao kết luận.
Theo SCMP.COM,
Nguồn: Tân Bình (trithucvn.net)

Related posts

Leave a Comment