Nhà máy điện gió đầu tiên của Việt Nam, đặt tại tỉnh Bạc Liêu. Hình chụp ngày 02/05/14. (AFP)
—
Khu vực miền Nam Việt Nam có thể bị thiếu điện trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Truyền thông trong nước, vào ngày 9 tháng 8, dẫn lời của Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Ngô Sơn Hải cho biết dự báo như vừa nêu, tại \”Diễn đàn năng lượng Việt Nam: Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững\”, diễn ra trong cùng ngày.
Ông Ngô Sơn Hải nói rằng tình trạng thiếu điện ở miền Nam có thể tăng cao và kéo dài đến năm 2025 và mãi đến sau năm 2030 thì Việt Nam mới cơ bản cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng.
Đại diện của EVN nhấn mạnh không loại trừ khả năng thiếu điện sau năm 2030 nếu mực nước thủy điện về kém hơn, chưa kịp thời có nguồn khí mới thay thế…Hiện nguồn điện chỉ đáp ứng chỉ 1/3 mục tiêu, bởi nguyên nhân là do nhiều dự án nguồn điện, nhất là ở khu vực miền Nam bị chậm tiến độ và các nhà máy nhiệt điện than chưa được khởi công xây dựng. Ông Ngô Sơn Hải cho rằng đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong thời gian tới.
Ông Ngô Sơn Hải đề nghị đẩy nhanh đàm phán mua điện từ Lào, do hai Chính phủ Việt Nam và Lào chưa thống nhất về giá cả, đồng thời tăng cường nhập khẩu điện từ Trung Quốc, để cung cấp cho khu vực miền Bắc.
Tốc độ tiêu thụ điện tại Việt Nam gia tăng bình quân khoảng hơn 12%/năm từ 2003 đến 2018 và dự kiến tốc độ này sẽ tăng trưởng ở mức cao, gần 300 tỷ kWh vào năm 2020 và gần 650 kWh vào năm 2030.
Để đáp ứng nhu cầu điện tăng cao, Việt Nam có kế hoạch xây dựng thêm các nhà máy điện than. Ông Ngô Sơn Hải cho biết hiện có 7 nhà máy điện than với công suất 7,860 MW đang xây dựng. Dự kiến các nhà máy điện than cung cấp khoảng 18,000 đến 26,000 MW sẽ đi vào hoạt động trong vòng 5 năm nữa.
Giới khoa học gia tại Việt Nam đã từng lên tiếng phản đối chính phủ triển khai các nhà máy nhiệt điện than vì lo ngại khí thải từ các nhà máy này sẽ hủy hoại môi sinh của quốc gia.
Nguồn: RFA