RFA: Tái cơ cấu Bộ Công an: một cột mốc?

\"\"

Các công an nhân dân Việt Nam. (Hình minh họa – AFP)

Sau khi có nghị quyết về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy Bộ Công an do Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam ban hành; vào ngày 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Bộ Công an. Tiếp liền sau đó ngành này xúc tiến việc cải tổ.
Điều này được các nhà quan sát chính trị tại Việt Nam cho rằng, đây có thể được xem là đợt giảm biên chế lớn nhất của ngành công an từ trước đến nay.

Cuộc cách mạng lớn của “ngành”

Bộ Công an Việt Nam vào chiều ngày 7/8 đã có buổi họp báo công bố chính thức xóa sổ 6 tổng cục, hơn 60 đơn vị cấp cục và 300 đơn vị thuộc cấp phòng.
Thiếu tướng Lương Tam Quang chánh văn phòng của Bộ Công an nói tại buổi họp báo rằng “Bộ Công an sẽ không tổ chức cấp tổng cục; mà sắp xếp, tinh gọn các đơn vị thuộc Bộ Công an sáp nhập các đơn vị tương đồng hoặc không rõ nhiệm vụ, bảo đảm một cơ quan đơn vị có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau.”
Ông Quang giải thích thêm rằng lực lượng công an dôi dư từ Bộ, sau khi tinh giản sẽ được bố trí tăng cường cho địa phương. Các tổng cục trưởng vẫn sẽ thực hiện nhiệm vụ theo quy định, có một số tổng cục trưởng xuống làm cục trưởng. Ông nhấn mạnh rằng trong cuộc tái cơ cấu này “ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an cơ bản không thay đổi”.
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc Hội Luật sư Trần Quốc Thuận gọi quá trình tái cơ cấu bộ công an là \”đợt tái cơ cấu bộ máy quy mô lớn nhất từ trước đến nay, không chỉ ở trong ngành công an mà cả hệ thống chính trị.\”
Nhà báo Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng cũng nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, đây được xem là đợt cải tổ bộ máy chính quyền đáng ghi nhận vì theo ông này thì ngoại trừ Bộ Quốc Phòng, Bộ Công An lâu nay được xem là một thành trì bất khả xâm phạm, anh cho biết thêm:
“Thì cái cuộc cải tổ và tinh giản lại cái bộ máy lần này thì tôi đánh giá đây là cuộc sắp xếp mang tinh thần tiến bộ và có thể coi đó là một cuộc cải tổ đáng ghi nhận từ bộ công an, thậm chí đó là ý chí cao nhất của Bộ Chính trị. Bởi vì không thể xóa hết một lần 6 tổng cục và giảm gần 60 đơn vị cấp cục từ 126 cục còn 60 cục, cấp phòng giảm 300 đơn vị cấp phòng, giảm kinh khủng như thế cùng một lúc.”
Việc xóa sổ 6 tổng cục trong Bộ Công an đã râm ran trong dư luận từ lâu nay. Đề án cải tổ này đã được ngành công an xây dựng trong suốt 2 năm qua, kể từ sau đại hôi đảng lần thứ 12. Mục tiêu của việc cải tổ được nói nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng công an.
Nhà báo Trương Duy Nhất cho biết thêm: “Thì vừa rồi Bộ Công an cũng đã điều chuyển các tướng lĩnh của các tổng cục, các cục bị dôi ra đã được dần dần điều chuyển về các địa phương làm giám đốc CA các tỉnh thành, ông nào tới tuổi về hưu thì cho về và đưa các tướng từ tổng cục và cục bị giải thể về làm lãnh đạo công an các địa phương để giải quyết các vấn đề thừa các tướng này và giải quyết theo tinh thần và chủ trương mới trong ngành công an là không bố trí người đứng đầu CA các tỉnh thành là người địa phương.”

\"Thượng
Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam, bộ đồ trắng đứng giữa. AFP

Vị nhà báo này còn cho biết, đây không chỉ là biện pháp giảm bớt bộ máy Công An, mà còn là một ý chí từ Bộ Chính trị muốn công phá trừng trị các tướng tá dính đến tham ô, tham nhũng.
Cùng quan điểm đó Nhà báo Võ Văn Tạo cho RFA biết “Bởi vì trong cái giai đoạn mười mấy năm trở lại đây ngành công an đã có bành trướng ghê gớm việc phong hàm cấp tướng cho công an rất là nhiều. Mà đối với ngành công an thì có nhiều tiêu cực mà chúng ta đều thấy. Thực tế cho thấy là một khi lực lượng quá mạnh mà không kiểm soát được chất lượng thì nó xảy ra những tiêu cực rất là ghê gớm, không chỉ mất niềm tin đối với dân mà chính nó cũng đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.”

Cột mốc đáng ghi nhận?

Trong một báo cáo của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ công bố hôm 2 tháng 7 năm 2018. Việc thực hiện chính sách tinh giản biên chế tại Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108, tính từ năm 2015 đến đầu tháng 3/2018, tổng số biên chế đã được giải quyết tinh giản là hơn 34.000 người. Ngoài ra, các Bộ ngành sắp xếp giảm 15 Vụ thuộc Bộ, 189 phòng thuộc Vụ và Cục.
Kể từ đầu tháng 8 đã có hai tỉnh thành đã thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và tái cơ cấu lại đội ngũ viên chức. Trong đó tỉnh Quảng Ninh đi đầu trong việc giảm hơn 1000 viên chức làm việc trong cơ sở giáo dục, tiếp đến là Thanh Hóa với hơn 2000 cán bộ, viên chức đang làm việc tại các địa phương.
Riêng Bộ Công an đến ngày 7 tháng 8 công bố giải thể 6 Tổng cục, giảm từ 126 đơn vị cấp Cục còn 60 và giảm 20 sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy. Không có số liệu cho biết Bộ Công an hiện có tổng cộng bao nhiêu người và sẽ cắt giảm được ngần nào từ con số hiện nay. Một số ước tính không chính thức cho rằng hiện tại có khoảng 600.000 người làm việc cho ngành công an.
Một câu hỏi được đặt ra là đây có phải là sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị dành cho Bộ Công an hay không. Nhà báo Trương Duy Nhât cho biết:
“Tôi cho là lấy bộ công an ra làm thí điểm và nó song hành với cuộc chiến chống tham nhũng được cho là quyết liệt từ trước tới nay. Bởi vì chủ trương nhất thể hóa chúng ta thấy được từ chủ trường cấp hành chính thấp nhất trở lên mà nó khởi động từ  Quảng Ninh thành chiến dịch cắt giảm các thủ tục hành chính điều kiện kinh doanh tại các bộ ngành, tôi cho đó là mặt tích cực.”
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng so với các tinh giảm biên chế trước đây thì lần này được xem là cột mốc lịch sử trong việc thanh giảm bên chính quyền
Ông đánh giá “Trước hết là chi tiêu giảm bớt đi, các đầu mối tổng cục và cục cũng giảm bớt đi cho lương, chế độ xe cộ này nọ phụ cấp công tác phí …và những chuyện khác nữa mọi thứ đều giảm đi thì nó cũng có hiệu quả. Những bộ ngành nào cũng vậy vừa đủ hợp lý thì vận hành nó chạy, còn mà bôi ra nhiều quá, anh này làm ngồi nhìn anh kia tị nạnh nhau rồi đùn đẩy nhau thì nó không hiệu quả, nếu tin gọn được như thế thì rất tốt.”
Những nhà quan sát chính trị và các nhà báo mà chúng tôi tiếp xúc đều có cùng quan điểm cho rằng cuộc tinh giảm lần này không nên dừng lại ở Bộ Công an mà cả hệ thống chính trị cơ quan Đảng cũng phải làm triệt để, vì ngân sách quốc gia không nuôi nổi một bộ máy cồng kềnh mà kém hiệu quả như bấy lâu nay.
Nguồn: RFA

Related posts

Leave a Comment