Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Cộng. Ảnh: FB Bong Lau
—
Lịch sử lặp lại ở biển Đông. Cuối thập niên 30 Nhật Bản học hỏi kỹ thuật của Hoa Kỳ để phát triển bộ máy chiến tranh và lần lượt xâm chiếm các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương. Hoa Kỳ phản ứng bằng cách phong tỏa kinh tế Nhật Bản chận các tuyến đường hàng hải. Nhật Bản bị dồn vào thế phải tấn công Mỹ ở trận Trân Châu Cảng ngày 7 tháng 12 năm 1941. Kết cục là lãnh 2 trái bom nguyên tử và đầu hàng.
Đô đốc Nguyên soái và Chỉ Huy Trưởng Thái Bình Dương Isoroku Yamamoto là một danh tướng của Nhật Bản. Ông tốt nghiệp đại học Harvard Hoa Kỳ và đã từng phục vụ ở Tòa Đại Sứ Nhật ở Washington.
Ông chỉ huy trận đột kích ở Trân Châu Cảng nhưng biết trước Nhật Bản sẽ thua vì ông hiểu được văn hóa và tiềm năng của Hoa Kỳ. “Chúng ta đã đánh thức một con hổ”. Yamamoto đã nói câu đó khi các phi công Nhật thực hiện xong các cuộc oanh kích ở Trân Châu Cảng.
Khi cuộc chiến mở màn, quân lực Nhật Bản ở Thái Bình Dương có sức mạnh ngang ngửa hoặc trội hơn quân lực Hoa Kỳ.
Cất cánh trên phi đạo cong vòng “ski-jump” của Liêu Ninh vừa chậm và nguy hiểm. Máy bay không mang bom đạn xăng dầu nhiều được vì phi đạo không đủ dài để đạt vận tốc cất cánh. (Ảnh và chú thích của FB Bong Lau)
Năm 1941 Hải Quân Nhật ở Thái Bình Dương có 10 hàng không mẫu hạm, 10 thiết giáp hạm, 38 tuần dương hạm, 112 khu trục hạm và 65 tiềm thủy đỉnh. Cùng thời gian đó Hoa Kỳ chỉ có 7 hàng không mẫu hạm và các loại chiến hạm khác ít hơn. Tuy nhiên cách thiết kế hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ an toàn hơn. Các kho bom và nhiên liệu biệt lập nên không dễ bị cháy nổ và chìm như hàng không mẫu hạm của Nhật.
Thời gian đầu của cuộc chiến, máy bay “Zero” của Nhật lợi hại hơn máy bay Mỹ vì nhẹ, bay mau và có vòng cua gắt. Máy bay Zero có hỏa lực đáng gờm là 2 khẩu đại liên 7.7 mm và 2 đại bác 20 mm. Phi công Nhật có nhiều kinh nghiệm hơn vì đã tham dự chiến trường Đông Á trước đó. Yếu điểm của máy bay Nhật là phòng lái và bình xăng không được bọc thép như máy bay Mỹ. Đó cũng là lý do máy bay Nhật nhẹ và bay nhanh hơn.
Trong cuộc chiến, Nhật Bản chỉ có thể sản xuất vài ngàn chiếc máy bay mỗi năm nhưng Hoa Kỳ có khả năng sản xuất hàng trăm ngàn máy bay các loại để cung cấp cho chiến trường Âu Châu và Á Châu Thái Bình Dương.
Máy bay Zero của Nhật trở nên lỗi thời và yếu ớt so với các loại phi cơ chiến đấu của Hoa Kỳ được trang bị động cơ mạnh hơn như P-38 Lightning có một khẩu đại bác 20mm và 4 khẩu 50. Đây cũng là loại phi cơ đã phục kích bắn rớt máy bay của Đô Đốc Isoroku Yamamoto.
Chiếc P-47D Thunderbolt mới của Hoa Kỳ đồ sộ mạnh bạo như một chiếc xe tăng với 8 khẩu đại liên 50. Chiếc P-51 Mustang cũng mới toanh gọn gàng xinh đẹp mũi nhọn như một thiên thần và bay rất lâu với 6 khẩu đại liên 50. P-51 Mustang được coi là bửu bối số một của Không Lực Hoa Kỳ ở thế chiến thứ 2.
Ảnh: FB Bong Lau
Vào những năm sau cùng của cuộc chiến, phe Trục gồm có Đức – Nhật – Ý bắt đầu bị co cụm tê liệt kiệt quệ vì không địch lại nguồn cung cấp tiếp liệu chiến cụ vô tận của Hoa Kỳ. Thời gian này Hoa Kỳ có đến 27 hàng mẫu hạm. Trong khi đó hàng không mẫu hạm của Nhật tiêu tùng gần hết.
Nực cười là khi ấy Liên Xô cũng nhận viện trợ chiến cụ của Mỹ để đánh Đức Quốc Xã ở mặt trận viễn Đông Âu Châu.
Ngày hôm nay ở thế kỷ 21 lịch sử như tái diễn với tham vọng bá chủ của Trung Cộng. Tiếc thay khả năng quân sự của Trung Cộng không như là Nhật Bản ở năm 1941.
Quân đội Trung Cộng chưa hề có kinh nghiệm tác chiến ở một mặt trận rộng lớn phải điều động phối hợp các quân binh chủng và liên quốc gia. Trong khi đó quân lực Hoa Kỳ không phải là một “con hổ” đang ngủ say mà là một con hổ đầy kinh nghiệm đang săn mồi ở các mặt trận Trung Đông, Afghanistan v.v.
Mặc dù sức mạnh kinh tế đáng gờm nhưng bộ máy chiến tranh của Trung Cộng vẫn còn hoạt động chậm chạp và thiếu sáng tạo. Con số tàu chiến và máy bay đông đảo đó vẫn lạc hậu chỉ có khả năng đe dọa mấy nước yếu như Philippines hay Việt Nam mà thôi.
Lấy ví dụ Hải Quân Trung Cộng vốn tự hào về 2 chiếc hàng không mẫu hạm bửu bối số một của mình là chiếc Liaoning (Liêu Ninh) đã hoạt động từ năm 2012 và chiếc số 2 chưa có tên chính thức ngoài mã số 001A đang còn chạy thử và dự trù sẽ chính thức hoạt động vào năm 2020.
Kinh phí xây dựng chiếc hàng không mẫu hạm loại 001A này là 4.5 tỷ đô la. Thật là phí phạm vì các kỹ sư Trung Cộng vẫn chỉ ăn cắp kiểu của chiếc Liêu Ninh. Mà chiếc Liêu Ninh là chiếc phế thải hết thời của Ukraine.
Hạm đội Hải Quân Trung Cộng. Chiếc Liêu Ninh dẫn đầu. (Ảnh và chú thích của FB Bong Lau)
Cách thiết kế của Liêu Minh và 001A giống nhau. Phi đạo vẫn chưa có hệ thống phóng phi cơ bằng hơi nước như hàng không mẫu hạm Mỹ mà phải cất cánh trên phi đạo cong vòng lên gọi là “ski-jump” (nhảy trượt tuyết).
Cất cánh trên phi đạo cong vòng “ski-jump” vừa chậm chạp và vừa nguy hiểm. Mỗi phút chắc chỉ cất cánh được một chiếc và vì muốn phi cơ phải đạt được vận tốc cần có để cất cánh trên phi đạo ngắn ngủi đó. Máy bay không thể mang xăng và bom đạn nhiều được. Máy bay phải nhẹ mới chạy nhanh đạt sức nâng (lift) trước khi hết phi đạo. Những hôm khí hậu nóng bức ẩm thấp thì không khí sẽ loãng hơn, sức nâng sẽ ít hơn và máy bay buộc phải mang bom đạn xăng dầu ít hơn nữa. Vì thế tầm hoạt động và hỏa lực của máy bay rất giới hạn.
Một điều nguy hiểm khác là khi đang chạy nửa chừng mà động cơ bị trục trặc thì máy bay không đủ sức nâng để cất cánh mà sẽ đâm đầu xuống biển ngay và phi công có thể không kịp phóng ghế thoát hiểm ra ngoài.
Những bất tiện khác của chiếc Liêu Ninh và 001A là kích thước nhỏ hẹp mà phải chứa máy bay J-15 vốn to lớn cồng kềnh vì thế không mang được nhiều máy bay. So với hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ lớn hơn nhiều và máy bay F-18 Super Hornet nhỏ hơn nhưng lại mang được nhiều bom đạn hơn hơn chiếc J-15.
Hàng không mẫu hạm sử dụng 4 giàn phóng bằng hơi nước của Hoa Kỳ. 2 vạch trắng ở mũi tàu và 2 vạch chéo vào nhau hình chữ V ở sân phóng bên phải. (Ảnh và chú thích FB Bong Lau)
Hoa Kỳ có mười mấy chiếc Hàng không mẫu hạm sử dụng 4 giàn phóng bằng hơi nước. Mỗi 37 giây có thể phóng lên 2 phi cơ mang tối đa bom đạn và xăng, cùng lúc một chiếc khác có thể đáp ở phi đạo chéo góc phía sau. Hệ thống phóng hơi nước cộng thêm động cơ phản lực máy bay tống hết ga (afterburn) cho phép máy bay mang đầy đủ bom đạn và xăng đạt vận tốc cất cánh 165 miles/giờ và sức nâng cần thiết chỉ trong 2 giây.
Với hệ thống phóng hơi nước, nếu máy bay bị hư động cơ bất tử thì máy bay vẫn còn được phóng lên trên không vài giây cho phép phi công đủ thời gian phóng ghế thoát hiểm ra ngoài.
Phi cơ chiến đấu J-15 của Trung Cộng, ăn cắp kiểu của SU-33, được lắp động cơ do Nga chế tạo trên lý thuyết bay nhanh hơn (1.98 mach) so với F-18 của Mỹ chỉ có 1.6 mach. Nhưng đó là cách chế tạo chiến lược hiện nay. Máy bay Mỹ bay chậm hơn để đỡ tốn xăng nhưng radar và hỏa tiễn không-đối-không có tầm xa hơn. Máy bay Trung Cộng bay mau hơn nhưng mù và bị máy bay Mỹ phát hiện sớm hơn và bị bắn rồi mà vẫn chưa biết.
Chỉ có chiếc F-22 Raptor tàng hình được chế tạo riêng biệt cho không chiến và làm chủ bầu trời (air superiority) mới có vận tốc trên 2 mach. Tuy nhiên các loại phi cơ cổ điển cách đây nửa thế kỷ như F-4, F-104 hay F-105 v.v. đều trên 2 mach. Ngày ấy máy bay bay mau nhưng không thấy xa.
Khi Trung Cộng bắt chước được hệ thống phóng hơi nước thì hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ đã chuyển qua hệ thống phóng phi cơ bằng điện từ.
Hàng không mẫu hạm sử dụng 4 giàn phóng bằng hơi nước của Hoa Kỳ. (Ảnh và chú thích FB Bong Lau.)
Đồng minh của Hoa Kỳ là Nhật Bản đang có dự tính tân trang hàng không mẫu hạm khu trục trực thăng lớp Izumo bằng cách phủ lên sân đáp một lớp sơn cách nhiệt để máy bay tàng hình F-35B có thể đáp thẳng đứng mà sức nóng của ống phản lực không làm hư hại sân đáp.
Máy bay tàng hình F-35 sẽ đóng góp nhiều vào cuộc chơi mới ở biển Đông – Thái Bình Dương.
Trung Cộng sẽ tự sát như Nhật Bản đã làm cách đây 77 năm nếu chủ quan tự sướng với mớ đồ chơi cổ điển của mình và mấy hòn đảo nhân tạo làm tiền đồn khống chế biển Đông.
Nguồn: FB Bong Lau