Ảnh: Truyền hình Công thương (VTV)
—
Thỉnh thoảng ta lại nghe đâu đó trên báo chí, tivi nhắc tới cụm từ EVFTA, nhưng chẳng để tâm đến tầm quan trọng của nó nên nhanh chóng lật trang, chuyển kênh.
Vậy thì EVFTA quan trọng chỗ nào?
EVFTA là tên viết tắt của Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam, khi có hiệu lực sẽ miễn thuế hàng hoá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và toàn bộ 28 nước thành viên Liên minh Châu Âu.
Nghĩa là, doanh nghiệp mua máy móc châu Âu, các bà các mẹ mua nồi niêu xoong chảo Đức, các chị các em mua mỹ phẩm Pháp sẽ còn rẻ hơn hàng xách tay order.
Hàng hoá Việt Nam vì thế mà cũng xuất sang châu Âu nhiều hơn, doanh nhân tiền bạc rủng rỉnh hơn trong khi đời sống người lao động cũng thêm phần khấm khá.
Đầu tư từ châu Âu, hứa hẹn mang theo công nghệ kỹ thuật hiện đại vào Việt Nam, vì thế sẽ tăng trưởng đột phá.
Nôm na là thế còn theo một nghiên cứu đánh giá tác động của EVFTA, Việt Nam là quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong các nước ASEAN với mức tăng 35% về xuất khẩu, 15% về GDP và 13% về lương bổng cho người lao động (so với kịch bản không có EVFTA). [1]
Đó mới chỉ là những lợi ích trước mắt.
Về lâu dài, EVFTA sẽ giúp Việt Nam gần hơn với Âu-Mỹ, nhờ đó giảm bớt lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc. Ngay khi chưa có EVFTA, chính khoản xuất siêu sang Mỹ và châu Âu đang giúp Việt Nam cân bằng khoản nhập siêu từ người láng giềng phương Bắc này.
Mà bớt lệ thuộc về kinh tế thì bớt lệ thuộc về chính trị là điều không gì phải bàn cãi.
Lợi ích cả trước mắt lẫn lâu dài to lớn nhường ấy cho quốc gia thì câu hỏi đặt ra là vì sao việc phê chuẩn EVFTA lại chậm trễ đến thế?
Có vài lý do đến từ thủ tục pháp lý phía EU, song chính yếu vẫn là từ phía Việt Nam.
Bernd Lange, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế thuộc Quốc Hội châu Âu (INTA) – cơ quan đang nắm chìa khoá của việc phê chuẩn EVFTA, đã nói không thể rõ hơn về những vướng mắc khiến EU còn ngần ngại chưa phê chuẩn:
(1) Việt Nam chưa thông qua 3 Công ước cốt lõi còn lại của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO: Công ước số 87 về quyền tự do nghiệp đoàn, Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể, và Công ước 105 về xoá bỏ lao động cưỡng bức.
(2) Việt Nam cần cho thấy quyết tâm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.
(3) Việt Nam cần đảm bảo sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ vào quá trình giám sát việc thực thi các cam kết của EVFTA. [2]
Hãy xem cách mà những người nắm quyền hiện nay ứng phó với 3 quan ngại này của EU:
Đầu tiên là sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ. Tổ chức phi chính phủ là gì nếu không phải là xã hội dân sự? Mà Bộ Chính trị mới cuối năm ngoái đây thôi ban hành Quy định 102 nêu rõ bất kỳ đảng viên nào cổ xuý cho xã hội dân sự đều phải bị khai trừ. Nghĩa là đảng cộng sản cầm quyền và xã hội dân sự không đội trời chung với nhau; mà như thế thì làm sao chấp nhận sự tham gia chính thức của tổ chức phi chính phủ vào quá trình giám sát việc thực thi EVFTA như EU yêu cầu?
Tiếp đến là vấn đề môi trường. Từ sau thảm hoạ Formosa, thử hỏi đã có bất kỳ thay đổi thể chế pháp lý (institutional changes) gì để đảm bảo những thảm hoạ như thế không lặp lại, ngoại trừ một vài quyết định xử phạt hành chính? Vì sao những lời kêu gọi công khai báo cáo tác động môi trường (DTM) của các dự án đầu tư, cũng như toàn bộ quá trình phê duyệt để công chúng giám sát bị phớt lờ? Làm sao có thể thuyết phục EU rằng Việt Nam đang từ bỏ mô hình tăng trưởng ăn vào môi trường nếu cứ dậm chân tại chỗ trước những lời kêu gọi như vậy?
Cuối cùng, và quan trọng nhất là việc thông qua các Công ước ILO cốt lõi còn lại, mà thúc bách nhất là Công ước 87 về quyền tự do nghiệp đoàn. Thực tình không thể hiểu nổi vì sao thừa biết đây là mối quan tâm hàng đầu của EU mà Việt Nam lại tỏ ra tiền hậu bất nhất trong quan điểm của mình. Mới hồi tháng 2 đây thôi ở Brussels, Đại sứ Việt Nam Vương Thừa Phong trước các Nghị sĩ EU còn tuyên bố sẽ hoàn tất Công ước 87 vào tháng 10/2020, nhưng Bộ trưởng Lao động-Thương binh-Xã hội Đào Ngọc Dung trong buổi gặp ông Bernd Lange tuần trước lại báo rằng Việt Nam có lộ trình phê chuẩn công ước này vào năm 2023. Thiếu nhất quán như thế đối với mối quan tâm hàng đầu của đối tác thì làm sao đối tác có thể nhanh chóng phê chuẩn được? [3]
Sâu xa của tình trạng này cũng chỉ vì đảng cộng sản cầm quyền e ngại nghiệp đoàn độc lập. Họ bị ám ảnh bởi giáo điều rằng trong một xã hội cộng sản không thể tồn tại bất kỳ tổ chức nào nằm ngoài sự kiểm soát của đảng cộng sản. Trớ trêu thay, ảm ánh này lại khiến họ lúng túng khi đứng trước một giáo điều khác: đảng cộng sản, vốn tuyên xưng là đại diện cho lợi ích giai cấp công nhân, sao lại e ngại công nhân tự thành lập nghiệp đoàn và bảo vệ lợi ích của mình?
Nỗi sợ mơ hồ rằng nghiệp đoàn độc lập sẽ dẫn tới chuyển hoá chính trị, hay những ám ảnh giáo điều ngây ngô kể trên phải được đặt sang một bên và thay thế bằng tư duy chính trị thực dụng. Những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam hãy tự hỏi mình rằng, nếu lần này vẫn khăng khăng đặt lợi ích đảng phái lên trên lợi ích quốc gia, để rồi di hoạ cho dân tộc vì lỡ tàu hội nhập mà lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc, cuối cùng đánh mất chủ quyền thì liệu có gánh nổi trách nhiệm trước quốc dân không?
Đà tiến của dân tộc, nhìn từ thăng trầm lịch sử trăm năm qua cũng như các biến cố gần đây, là thoát dần sự lệ thuộc vào Trung Quốc bằng cách gần lại Âu Mỹ – gần lại Âu Mỹ không phải để lệ thuộc vào Âu Mỹ mà để tận dụng mối quan hệ này nhằm hiện đại hoá và phát triển quốc gia nhanh nhất có thể.
Bất kỳ lực lượng nào vì quyền lợi riêng tư ngặn chặn đà tiến đó của dân tộc sẽ bị nhấn chìm để rồi chỉ còn là bọt biển của lịch sử.
PS: Thực tình khi nghe ông Bernd Lange năm lần bảy lượt thúc giục Việt Nam thông qua các Công ước ILO còn lại nhằm đảm bảo lợi ích mà EVFTA đem đến được chia sẻ công bằng với số đông người lao động Việt Nam, tôi thấy quá xấu hổ. Lẽ ra chính phía Việt Nam phải chủ động làm điều đấy, người mình không thương lấy người lao động của mình mà phải để cho người ngoài hối thúc giục giã?
Còn riêng với những ai từng lấy lí do (1) thu hút đầu tư công nghệ cao và (2) tạo đà cho cải cách thể chế để bảo vệ dự luật đặc khu, đây là lúc các bạn thúc giục những người nắm quyền nhanh chóng thông qua các Công ước và thừa nhận nghiệp đoàn độc lập nói riêng và xã hội dân sự nói chung vì EVFTA phù hợp hoàn toàn với 2 mục tiêu ấy.
—
[1] http://www.europarl.europa.eu/…/614702/EPRS_BRI(2018)614702…
[2] https://www.thesaigontimes.vn/…/Viet-Nam-con-ba-van-de-cho-…
[3]
ĐS Vương Thừa Phong phát biểu trước INTA https://youtu.be/Sz1OwdEEfcM
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông báo lộ trình phê chuẩn 3 Công ước với Chủ tịch INTA Bernd Lange: http://m.laodongxahoi.net/bo-truong-dao-ngoc-dung-viet-nam-…
Nguồn: FB Nguyen Anh Tuan