Lãnh đạo hai miền Triều Tiên sắp gặp lại nhau ở Bình Nhưỡng

\"\"
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ngày 27/5/2018.

Triều Tiên và Hàn Quốc hôm 13/8 đồng ý tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở miền Bắc vào tháng 9, một bước tiến khác thúc đẩy hợp tác giữa các cựu địch thủ, trong bối cảnh vẫn có sự nghi ngờ về nỗ lực chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của miền Bắc.
Theo tường thuật của Reuters, các quan chức hai bên họp tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nằm trong khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên, đã đạt được đồng thuận về cuộc họp thượng đỉnh giữa lãnh đạo hai nước ở thủ đô Bình Nhưỡng của miền Bắc vào tháng 9.
Ngày giờ cụ thể cho cuộc họp thứ ba trong năm nay giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chưa được thông báo.
Hai lãnh đạo đã gặp nhau lần đầu tiên vào tháng Tư ở làng Bàn Môn Điếm. Đây được xem là một sự tan băng đáng kể trong mối quan hệ giữa hai nước sau hơn một năm căng thẳng tăng cao và mối lo ngại xảy ra chiến tranh do việc phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của miền Bắc.
Tại cuộc gặp này, hai bên đồng ý rằng Tổng thống Moon sẽ đến thăm thủ đô miền Bắc vào mùa thu, mặc dù hai lãnh đạo đã gặp lại nhau vào tháng Năm trong một cuộc họp không báo trước tại Bàn Môn Điếm.
Chi tiết về chương trình nghị sự của cuộc họp vào tháng tới không được công bố, nhưng hai miền Triều Tiên đang thảo luận một loạt các vấn đề, từ tuyên bố hòa bình cho đến các dự án chung về cơ sở hạ tầng và kinh tế.
Bước tiến giữa hai miền Triều Tiên diễn ra vào lúc Triều Tiên và Hoa Kỳ đang cố gắng để thỏa thuận về việc làm thế nào thực hiện giải trừ hạt nhân ở Triều Tiên, sau khi ông Kim cam kết sẽ tiến tới mục tiêu này tại cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 6 tại Singapore với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

\"Binh
Binh sĩ canh gác ở biên giới làng đình chiến Bàn Môn Điếm, nơi chia cắt hai miền Triều Tiên.

Các giới chức Mỹ nói với Reuters rằng Triều Tiên vẫn chưa đồng ý về khung thời gian để phá hủy hay tiết lộ quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng theo ước tính của Mỹ là vào khoảng 30-60 đầu đạn.
Sau các cuộc đàm phán hôm 13/8, ông Ri Son Gwon, Chủ tịch Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên, nói với người đồng nhiệm Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Cho Myoung-gyon, rằng điều quan trọng là phải xóa bỏ “những trở ngại” ngăn cản mối quan hệ liên Triều tiến tới.
Một vấn đề gần đây đã khiến Triều Tiên tức giận là trường hợp hàng chục công nhân nhà hàng Triều Tiên đã sang miền Nam vào năm 2016 qua ngả Trung Quốc.
Miền Bắc nói những công nhân này bị miền Nam bắt cóc và nên trả họ lại. Theo Reuters, điều này nhiều khả năng sẽ gây trở ngại cho cuộc đoàn tụ của một số gia đình bị chia cắt bởi cuộc chiến Triều Tiên giai đoạn 1950-1953, theo kế hoạch diễn ra vào tuần tới.
Bộ trưởng Cho không cho biết liệu Triều Tiên có đưa vấn đề này ra trong cuộc họp hôm 13/8 hay không, mà chỉ nói rằng nước này không đưa ra những vấn đề mới.
Ông Cho cho biết hai bên đã trao đổi quan điểm về việc giải trừ hạt nhân ở miền Bắc và về cơ chế hòa bình để thay thế cho thỏa thuận đình chiến, đã kết thúc việc giao tranh trong chiến tranh Triều Tiên.
Tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên, ông Moon và ông Kim đã đồng ý thúc đẩy tuyên bố chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên cùng với Hoa Kỳ trong năm nay, nhưng Washington nói rằng điều đó chỉ có thể xảy ra sau khi miền Bắc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.
Tháng trước, truyền thông nhà nước miền Bắc chỉ trích miền Nam với cáo buộc chỉ quan tâm đến quan điểm của Hoa Kỳ và không thực hiện các bước thiết thực để thúc đẩy quan hệ liên Triều.
Hàn Quốc hy vọng khởi động lại các nỗ lực về tuyến đường sắt xuyên bán đảo và một khu công nghiệp chung, nhưng tỏ ra thận trọng với các dự án lớn vì các lệnh trừng phạt quốc tế, chủ yếu do Washington khởi xướng, vì các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Miền Bắc kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt các biện pháp trừng phạt, nói rằng họ đã thể hiện thiện chí, bao gồm dừng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, tháo dỡ một địa điểm hạt nhân, và trao trả hài cốt binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên .
Ông Ri cho biết hai bên đã đồng ý về ngày tổ chức hội nghị thượng đỉnh, nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Theo lời phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom, hội nghị thượng đỉnh khó có thể xảy ra trước ngày lập quốc 9/9, một ngày lễ lớn của Triều Tiên.
Nguồn: VOA

Liên Quan

Leave a Comment