Bàn tay mật vụ Trung Quốc ở hải ngoại: Trường hợp người Duy Ngô Nhĩ

\"\"
Lực lượng an ninh Trung Quốc tuần tra tại thành phố Kashgar (Khách Thập – Tân Cương – Trung Quốc). Ảnh minh họa chụp ngày 26/06/2017. (Ảnh: AFP)

(Trọng Nghĩa/ RFI)  –  Bị tố cáo trước Ủy Ban Liên Hiệp Quốc về Chống Phân Biệt Chủng Tộc hôm 10/08/2018 về việc đưa cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương vào các trại cải tạo khác nhau, Trung Quốc đã gay gắt phủ nhận các cáo buộc.
Tranh cãi bùng lên đã thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế đến chính sách đàn áp của Bắc Kinh đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ – đa số theo Hồi Giáo – ở Tân Cương. Đặc biệt trong những ngày qua, ngày càng có thêm những phóng sự điều tra cho thấy là không chỉ nhắm vào sắc dân thiểu số này ở trong nước, guồng máy an ninh, mật vụ Trung Quốc còn vươn ra khắp nơi trên thế giới để kềm kẹp những người Duy Ngô Nhĩ lưu vong, từ châu Âu cho đến Hoa Kỳ.
Trong một phóng sự dài công bố hôm 16/08, hãng tin Pháp AFP đã dựa theo lời chứng của một số người Duy Ngô Nhĩ hiện sống tại Pháp để vạch trần các hành vi và thủ đoạn mà mật vụ Trung Quốc sử dụng để kiểm soát, đe doạ và trấn áp những thành viên cộng đồng này ngay cả khi họ cư ngụ ở nước ngoài.
WeChat: Công cụ để hù dọa
Theo lời những nhân chứng này mà AFP giữ kín tên tuổi để tránh gây phiền hà cho họ, thì họ thường xuyên nhận được các cuộc gọi và tin nhắn bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ hay tiếng Hoa thông qua các ứng dụng như WeChat, phiên bản Trung Quốc của mạng Whatsapp. Theo những nhân chứng này, thì tác giả các cuộc gọi hay tin nhắn là công an ở quê họ tại Tân Cương.
AFP đã được xem qua một số tin nhắn hoặc ảnh chụp màn hình các cuộc trò chuyện bằng tiếng Hoa, cho thấy những câu hỏi gần như là mệnh lệnh như : « Đã tốt nghiệp rồi phải không ? Hãy gởi cho chúng tôi địa chỉ hiện tại và chỗ làm của bạn đi ! Gởi luôn bằng cấp nữa ! » Cũng có câu hỏi như : « Tại sao không gửi ảnh ? ».
Theo hãng tin Pháp, ngay trong lúc nói chuyện với AFP, một trong những người chứng Duy Ngô Nhĩ đó đã nhận được một trong những tin nhắn nói trên.
Một cô gái Duy Ngô Nhĩ mà AFP gọi dưới tên giả là Mariem giải thích : « Họ (tức là mật vụ Trung Quốc) muốn biết nơi tôi sống, những gì tôi làm, nơi tôi đi vào cuối tuần… Họ muốn tôi cung cấp thông tin về người Duy Ngô Nhĩ sống ở đây. Họ đã đe dọa gia đình tôi, để rốt cuộc chính gia đình tôi phải cầu xin tôi làm theo những gì họ muốn ».
Theo cô Mariem, gia đình cô đã trả một giá đắt: một người anh của cô đã bị bắt và giam giữ mà không cần qua xét xử, và một người thứ hai thì tự nhiên bặt tin. Cô cho biết là không còn liên lạc được với người thứ hai này, và khi dò hỏi thì cô chỉ có các thông tin mâu thuẫn nhau, cho nên cô nghĩ người anh đó cũng đã bị đẩy vào trại cải tạo.
Dùng gia đình ở Tân Cương để bắt bí người thân ở ngoại quốc
Phương thức dùng người thân trong nước để gây sức ép trên người nhà ở ngoại quốc rất phổ biến.
Anh Nijat, người đã đến Pháp vào năm 2007 với visa sinh viên, đã quyết định hủy tài khoản WeChat của mình sau khi bị gọi lần đầu tiên: một người tự nhận là công an đã buộc anh phải gởi về một bản sao hộ chiếu, thẻ cư trú tại Pháp, v.v… : « Hắn nói rằng nếu tôi không hợp tác, gia đình tôi sẽ gặp vấn đề. »
Hiện nay Nijat không biết chuyện gì xảy ra với em gái và bố mẹ mình. Cha mẹ Nijat đã yêu cầu người anh trai của anh ở Canada ngừng gọi về : « Em gái tôi thường xuyên bị thẩm vấn ».
Đối với Thierry Kellner, một nhà nghiên cứu tại đại học Bỉ Université Libre de Bruxelles, thì việc giám sát đó không chỉ dành riêng cho người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, mà ở mọi nơi : « Đó là một thực tế rất phổ biến, ở Bỉ chẳng hạn ».
Trả lời AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết họ « không có thông tin về một tình hình như vậy ». Một phát ngôn viên Trung Quốc khẳng định với AFP rằng : « Chính phủ Trung Quốc bảo vệ quyền và đời sống riêng tư hợp pháp của công dân theo luật pháp ».
Adil, một thanh niên Duy Ngô Nhĩ vốn đã phải rời Thổ Nhĩ Kỳ để qua Pháp tị nạn, cũng rất lo ngại cho gia đình anh ở Tân Cương. Adil đã phải bỏ Thổ Nhĩ Kỳ vì đất nước từng theo truyền thống bảo vệ người Duy Ngô Nhĩ, rốt cuộc đã cam kết với Bắc Kinh vào mùa hè năm ngoái là sẽ loại bỏ các lực lượng “chống Trung Quốc” trên lãnh thổ của mình.
Là người đã được cấp quy chế tị nạn chính trị ở Pháp, Adil đã cho AFP xem ảnh của người bà và anh trai của anh mà anh cho là đang « bị giam giữ trong trại cải tạo ». Anh tỏ ý rất tiếc là không biết chuyện gì đã xảy ra với anh trai và người bạn mà anh đã bỏ lại ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Antoine, người phiên dịch giúp Adil trong cuộc gặp với AFP giải thích thêm : « Chúng tôi không thể và cũng không muốn gọi về vì không muốn đưa gia đình vào tình trạng nguy hiểm ». Là người đã sống ở Pháp từ 19 năm nay, Antoine rất phẫn nộ trước việc « người Trung Quốc đến chiếm Tân Cương để giành lấy tài nguyên phong phú (dầu mỏ, khoáng sản) », và « giam cầm vô cớ » cũng như « tước bỏ mọi quyền » của người thiểu số tại đấy.
Gia hạn hộ chiếu : Vũ khí để gây sức ép
Những người được AFP phỏng vấn cũng đề cập đến thủ đoạn « bắt bí bằng hộ chiếu ».
Theo cô Mahire, một người chứng khác : « Đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Pháp, vấn đề chính hiện nay là việc không đổi được hộ chiếu » khi hết hạn.
Đây cũng là lo ngại của một nữ sinh viên người Duy Ngô Nhĩ đã qua Pháp từ mười năm nay. Dù ở cách quê hương Tân Cương của mình gần 7.000 cây số, cô vẫn cảm thấy bàn tay của chính quyền Trung Quốc đè nặng lên mình : Hộ chiếu cô sắp hết hạn, nhưng vấn đề là Bắc Kinh không muốn gia hạn.
Trả lời RFI, cô giải thích : « Hãy tưởng tượng rằng bạn không có hộ chiếu; nếu thế thì làm sao bạn có thể gia hạn thẻ cư trú được ? Chúng tôi rất cần hộ chiếu, không có nó thì chúng tôi phải làm sao ? Vì nếu không thể gia hạn giấy tờ tùy thân, chúng tôi không thể đi làm, không thể làm gì cả. »
Theo các chuyên gia, việc gây rắc rối đó là nhằm buộc những người Duy Ngô Nhĩ đang sống ở ngoại quốc trở về Trung Quốc, để đưa họ vào các « trung tâm cải tạo ».
Khi AFP đặt câu hỏi về vấn đề này, bộ Ngoại Giao Trung Quốc trả lời rằng « việc cấp hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân Trung Quốc là một vấn đề nội bộ của Trung Quốc », và được tiến hành trong các cơ quan đại diện của Trung Quốc ở nước ngoài « phù hợp với khuôn khổ luật định. »
*****
Đọc thêm : Điểm báo RFI ngày 21/03/2018
Vấn đề truy bức, kềm kẹp người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài từng được báo Pháp Le Monde nêu bật trong một bài viết ngày 21/03/2018 mang tựa đề : « Trung Quốc truy đuổi người Duy Ngô Nhĩ ở châu Âu như thế nào ? » Theo tờ báo Pháp, Bắc Kinh liên tục làm áp lực đối với cộng đồng này ngay cả khi họ đã phải ra nước ngoài, ở rất xa với Trung Quốc, để sống lưu vong.
Theo Le Monde : « Ở Paris, Berlin hay Istanbul, những người Duy Ngô nhĩ, dù là đã được nhập quốc tịch của nước đón nhận hay vẫn còn là kiều dân Trung Quốc, tất cả vẫn luôn là mục tiêu của chiến dịch răn đe quy mô chưa từng có của Bắc Kinh».
Le Monde đã tiếp cận được với ít nhất 6 nhân chứng người Duy Ngô Nhĩ cho biết đã bị mật vụ Trung Quốc gây sức ép, buộc họ làm các việc, như theo dõi cộng đồng Duy Ngô Nhĩ lưu vong, buộc họ không biểu tình chống Trung Quốc hay phải cung cấp tài liệu cá nhân. Thậm chí một số người còn bị dọa đưa trở về Trung Quốc.
Vũ khí gây sức ép của mật vụ Trung Quốc là dọa bỏ tù gia đình họ còn ở lại Tân Cương. Mỗi khi sắp có các cuộc biểu tình của người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài là họ nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ xử lý, bắt giam gia đình ở trong nước. Mọi hoạt động của cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều bị theo dõi rất sát không kém gì ở trong nước.
Abduweli Ayup, một nhà ngôn ngữ học người Duy Ngô Nhĩ sống lưu vong tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết : « Những người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài cảm thấy lo lắng, bất an, họ không thể liên lạc được với gia đình mình ở trong nước, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ người thân của họ bị bỏ tù ».
Tương tự, những người Duy Ngô Nhĩ sống ở Pháp hay Đức, dù đã được nhập quốc tịch nhưng cũng không được yên thân, an toàn. Họ thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa bắt về nước nếu không đáp ứng các yêu cầu của mật vụ Bắc Kinh. Như vậy, gia đình bị chính quyền sử dụng là con tin để gây sức ép truy bức những người Duy Ngô Nhĩ sống bên ngoài đất nước.
Nguồn: RFI

Liên Quan

Leave a Comment