BÌNH THUẬN, Việt Nam – Chính quyền thành phố Phan Thiết đang đau đầu giải quyết tình trạng rác thải từ biển tấp vào bờ ngày một nhiều.
Nói với báo Lao Động ngày 19 Tháng Tám, ông Đỗ Ngọc Điệp, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Phan Thiết, cho biết, hiện tại vô số rác thải gồm chai nhựa, rong rêu, dây thừng, dây nhựa… từ nhiều bãi biển thuộc các phường Mũi Né, Hàm Tiến, Tiến Thành, Phú Hài,… tràn vô, nằm ngập ngụa bờ biển, gây nên hình ảnh hết sức phản cảm, làm xấu mỹ quan bờ biển vốn rất đẹp.
Hiện tượng “rác quốc tế” trôi dạt trên biển, rồi tấp vào bờ biển Bình Thuận đã gây không ít phiền toái cho du khách lẫn người dân. Với các doanh nghiệp kinh doanh khu du lịch ven biển, càng là một thảm họa. Nhiều khu du lịch dọc vịnh Mũi Né rất khổ sở với lượng rác khổng lồ tấp vào bờ.
Hứng chịu nhiều nhất là các khu du lịch ở khu vực Bãi Sau, khu Bờ Kè, phường Mũi Né đến bãi biển Rạng của phường Hàm Tiến. Du khách ngoại quốc liên tục gửi thư phàn nàn về vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Văn Thành, nhân viên khu du lịch Hoàng Ngọc, cho biết: “Gần đây, một số khu du lịch (resort) đã bị du khách hủy tour, vì bãi tắm có quá nhiều rác.”
“Điều đáng nói, rác này không phải do trong bờ, mà là ‘rác ma,’ ‘rác quốc tế’ từ biển tấp vào mới khổ chứ. Mỗi sáng, hàng chục nhân viên nai lưng ra hốt rác sạch sẽ, nhưng chỉ sau một ngày đêm, rác không biết từ đâu lại tấp vào,” ông Thành cho biết.
Có người giải thích, có thể rác thải từ phía vùng biển quốc tế, từ các đảo của Philippines, từ các tàu biển qua lại trên biển Đông và cũng có thể từ các tỉnh miệt trên… Nhưng khi rác đã trôi lềnh bềnh trên biển thì… vô chủ, chỉ biết gọi là “rác quốc tế,” “rác ma,”… chúng tấp vô đâu, thì nơi ấy gánh chịu.
Ông Điệp thừa nhận: “Chúng tôi rất vất vả với chuyện xử lý rác dọc biển. Chính quyền các cấp ở Bình Thuận đã tổ chức ra quân dọn dẹp vào các đợt cao điểm. Tuy nhiên, do lượng rác tấp vào rất lớn, nên không thể nào dọn hết.”
“Phải có phương án lập tổ hợp thu gom, thu dọn rác hàng ngày. Đặc biệt nữa là phải ngăn chặn từ xa, phải đánh bắt, vớt nó ngoài biển thì mới ngăn ngừa được tình trạng rác trôi dạt vào bờ như hiện nay. Và việc này phải nhờ các cấp ngành của tỉnh và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch hưởng lợi trên mặt biển cũng phải tham gia, chung tay góp sức cùng địa phương mới thực hiện được,” ông Điệp tuyệt vọng nói.
Nguồn: Người Việt