Bộ máy cơ cấu Bộ Công an quá cồng kềnh? (Ảnh: GERRY IMAGES)
–
Có ý kiến cho rằng tin năm tướng của Bộ Công an xin nghỉ hưu sớm cho thấy “có thể họ làm không được trong lúc đang khó khăn”.
Tin năm tướng Công an xin nghỉ hưu sớm được đưa ra trong bối cảnh bộ này trước đó ra thông báo là để sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp (Tổng cục VIII) từ 7 cục được sắp xếp xuống chỉ còn 2 cục.
Hôm 20/8, ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang bình luận như thế với BBC Tiếng Việt rằng: “tin năm tướng của Bộ Công an xin nghỉ hưu sớm thì có nhiều suy đoán.”
“Theo tôi, có thể có chuyện gì đó không hợp lý nên người ta mới sắp xếp lại.” Ông Nhị nhận xét.
“Hoặc giả những vị này làm không được trong lúc thấy tình hình đang khó khăn nên họ xin nghỉ.”
‘Cải tổ chung’
“Chuyện này cũng cho thấy sự thay đổi và ý muốn cải cách từ bên trên.” Ông Nhị nói thêm.
Và phân tích:
“Mà chuyện này thì đâu phải chỉ trong Bộ Công an, các bộ khác cũng đang làm giảm tới hàng chục ngàn biên chế.”
“Cho nên việc này cần nhìn nhận là sự cải tổ chung bộ máy nhà nước, chứ không phải riêng Bộ Công an.”
“Việc Bộ Công an làm tinh gọn bộ máy thì tất nhiên do Đảng chỉ đạo vì Đảng lãnh đạo họ mà.”
Cùng thời điểm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu Tư lệnh Quân khu 4 được báo Lao Động dẫn lời:
“Việc năm lãnh đạo Tổng cục VIII nghỉ hưu sớm đã đề cao tinh thần của cán bộ Đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để tự nguyện nhường “ghế” cho đồng chí mình, tạo điều kiện cho lớp trẻ có cơ hội được phấn đấu, hoàn thành sứ mệnh đổi mới.”
“Để làm được điều này đòi hỏi một tinh thần trách nhiệm rất cao.”Trước đó, trả lời BBC về việc tái cơ cấu tổ chức, tinh giản bộ máy Bộ Công an, Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang nói: “Là người từng phục vụ trong ngành công an được 43 năm cho tới 2003, tôi cho rằng đây là cuộc cải tổ triệt để nhất, to lớn nhất.”
“Tuy không rõ lý do của cuộc cải tổ này là gì nhưng tôi cảm nhận cuộc cải tổ này là nhằm để thực hiện ý muốn quyền lực, chứ không dựa trên cơ sở khoa học về tổ chức, cho nên việc này có thể nó sẽ không như ý muốn, sẽ có phản ứng ngược.”
“Nó sẽ làm xáo trộn bộ máy tổ chức của Bộ Công an, ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng, đến cấp lãnh đạo, các cấp tướng.”
Ông Nguyễn Đăng Quang lý giải rằng nếu giải thể sáu tổng cục, tức có sáu tổng cục trưởng. Mà mội tổng cục có từ 5-8 tổng cục phó, tức trung bình 42 lãnh đạo cấp tổng cục.
“Những người đến tuổi về hưu rồi thì về hưu, nhưng những người còn tuổi đưa xuống cục, thì tôi không đồng tính với ý kiến nói ‘Tổng cục trưởng làm cục trưởng là bình thường’.”
“Tôi không nghĩ nó đơn giản như vậy đâu. Tổng cục trưởng mà xuống làm cục trưởng thì sẽ vấp phải mâu thuẫn trong luật công an là cục trưởng cao nhất chỉ được cấp hàm thiếu tướng, nhưng giờ trung tướng là cục trưởng.
“Rồi tổng cục trưởng về làm cục trưởng, và cấp dưới của họ, tổng cục phó giờ cũng là cục trưởng. Và vậy thì các cục trưởng, cục phó trước đó sẽ đi về đâu?”
Ở một góc độ khác, báo Đất Việt dẫn lời Thiếu tướng Lê Văn Cương, cựu viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an:
“Đây là cuộc cách mạng mà nếu không có sự quyết tâm của tập thể cán bộ, các cấp lãnh đạo thì không thể làm được.”
“Khi tinh gọn bộ máy sẽ đụng chạm lợi ích của hàng trăm tướng lĩnh, đại tá và rất nhiều cán bộ, công chức ngành công an. Phải có bàn tay sạch, quyết tâm sáng mới làm được. Tôi đánh giá rất cao quyết tâm đó.”
“Việc khó nhất của Bộ Công an khi tinh giản tổ chức đến từ chính nội bộ ngành. Nhưng nếu đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và lực lượng ngành lên hàng đầu thì việc thực hiện sẽ không gặp nhiều trở ngại.”
Nguồn: BBC