Ông Lapthe Chau Flora từng vượt biên sang Mỹ, được một cặp vợ chồng Mỹ nhận làm con nuôi. (Ảnh: LAPTHE FLORA)
++
Chuyện trò với Lapthe Flora, chuẩn tướng Mỹ gốc Việt
–
Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Việt, Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora nói nếu còn ở Việt Nam đến bây giờ \”có lẽ tôi là nông dân\” và \”tất cả những gì chúng ta [người Việt] cần là cơ hội.\”
Chuẩn tướng Lapthe Chau Flora, tên Việt là Châu Lập Thể, hiện đang ở Rwanda để giúp các đối tác châu Phi cải thiện năng lực.
Ông là một trong các chuẩn tướng Hoa Kỳ gốc Việt, cùng với Lương Xuân Việt, William Seely III.
Trong lực lượng quân đội Hoa Kỳ còn có một gương mặt gốc Việt đáng chú ý nữa là Đại tá Lê Bá Hùng, từng là Hạm trưởng tàu USS Lassen và hiện là một Chỉ huy trưởng (Commodore) đội tàu thuộc Hải đội 7. Ông từng hai lần cập cảng Đà Nẵng.
Ông Thể sinh năm 1962 tại Việt Nam, trong một gia đình gốc Hoa. Năm 18 tuổi, ông cùng người thân vượt biên sang Mỹ. Ông đã được cặp vợ chồng người Mỹ John và Audrey Flora nhận làm con nuôi.
BBC:Ông có thể nói gì về vai trò mới của mình là phó tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại châu Phi?
Lapthe Chau Flora: Ngày 1/8/2018, tôi được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại châu Phi, trong lúc vẫn đảm nhiệm vai trò chỉ huy trưởng Lữ đoàn Vệ Binh Quốc gia Virgina 91th.
Nhiệm vụ của quân đội Hoa Kỳ tại Châu Phi là chỉ huy các sứ mệnh quân sự liên quan đến chiến trường, tiến hành trợ giúp lực lượng an ninh, và cung cấp trợ giúp cho liên quân và đối tác quốc tế để được các mục tiêu cao hơn.
BBC: Có bao giờ ông tự hỏi, nếu còn ở Việt Nam thì bây giờ ông đang làm gì?
Lapthe Chau Flora: Có, tôi nghĩ về điều này thường xuyên. Nếu tôi vẫn còn ở Việt Nam, có lẽ tôi đang làm nông dân hoặc công nhân.
Đa phần người Việt là những người chăm chỉ, kiên cường với tiềm năng không giới hạn. Tất cả những gì chúng ta [người Việt] cần là cơ hội.
BBC:Ông lý giải thành công của bản thân trong Quân đội Hoa Kỳ là nhờ những yếu tố nào?
Lapthe Chau Flora: Tôi cho rằng mình thành công trong quân đội là nhờ khao khát trả ơn cho nước Mỹ vì đã cho tôi và gia đình tôi cơ hội thứ hai trong cuộc đời – Sự tự do.
BBC: Ông có thể kể gì về người cha và người chú ruột của ông? Có phải nhờ cha và chú mà ông có động lực theo đuổi con đường binh nghiệp?
Lapthe Chau Flora: Cha tôi từng là thủy thủ trong đội Hải vận của Việt Nam Cộng hòa và bị giết khi tôi chỉ mới hai tuổi và gia đình đang sống trên đảo Phú Quốc.
Chú tôi và cũng là người em trai duy nhất của cha tôi, phục vụ trong Biệt động quân ở Huế và vùng phụ cận. Từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên, tôi hiếm khi được gặp chú vì ông ở chiến trường. Thời điểm duy nhất tôi gặp chú vào khoảng năm 1972 khi ông bị thuơng nặng – bị bắn vào bụng. Chú tôi về nhà sau khi phẫu thuật và mau chóng trở lại đơn vị. Sau ngày 30/4/ 1975, chú tôi có cuộc sống rất khó khăn…
Nguyên do khiến tôi quyết định phục vụ trong quân đội Mỹ là trả ơn cho nước Mỹ hơn là đơn thuần bước theo đường binh nghiệp giống như cha và chú mình.
BBC:Ông có muốn con mình theo đường binh nghiệp hay không?
Lapthe Chau Flora: Có. Tôi có một con gái và nó đang có kế hoạch gia nhập quân đội sau khi tốt nghiệp đại học. Con gái tôi muốn trở thành một bác sĩ phẫu thuật trong quân đội.
Tôi thì muốn con vào Hải quân, nhưng nó khăng khăng phục vụ trong Lục quân để theo bước của tôi và ông nội nuôi (cha nuôi của tôi là Thiếu Tá John Lewis Flora Jr., cựu chiến binh Thế chiến II.
Con gái tôi có sẵn ý nghĩ phục vụ trong quân đội mà không cần bố nó phải thuyết phục. Con tôi hiểu rõ những thử thách khả dĩ khi bước vào binh nghiệp.
TQ nói tàu Mỹ \’khiêu khích\’, gây tổn hại niềm tin
Tàu chiến Mỹ áp sát các đảo TQ tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa
BBC: Lần gần nhất ông về Việt Nam là khi nào?
Lapthe Chau Flora: Vài năm trước, tôi có đến Hà Nội trong một chuyến nhân có công việc ở đó. Nhưng tôi đã không trở về Sài Gòn thăm thân nhân trong hơn 17 năm qua.
BBC:Ông bình luận gì về tình hình Biển Đông hiện nay? Theo ông, Việt Nam nên thế nào trước việc Trung Quốc gia tăng các hoạt động quân sự hoá Biển Đông?
Lapthe Chau Flora: Ở vị trí hiện tại của mình, tôi không tiện thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại. Những gì tôi có thể trao đổi với anh là quan điểm chính thức của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ về câu hỏi liên quan đến chủ quyền lãnh thổ.
Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ không nêu quan điểm về câu hỏi liên quan chủ quyền lãnh thổ, nhưng chúng tôi có lập trường về việc liệu các yêu sách hàng hải có phù hợp với pháp luật quốc tế về biển hay không, cũng như cách thức mà các quốc gia theo đuổi những yêu sách như vậy.
Hoa Kỳ liên tục kêu gọi các bên làm rõ yêu sách lãnh thổ và hàng hải theo luật pháp quốc tế. Tất cả các yêu sách hàng hải, gồm cả yêu sách ở Biển Đông, chỉ có thể căn cứ từ các thực thể được hình thành tự nhiên.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục điều máy bay, tàu chiến và hoạt động ở Biển Đông bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, giống như cách chúng tôi hoạt động ở khắp nơi trên thế giới.
Hoa Kỳ không có quan điểm về cạnh tranh yêu sách chủ quyền đối với các thực thể ở Biển Đông. Tuy nhiên, là một quốc gia Thái Bình Dương, lãnh đạo khối Thái Bình Dương, Hoa Kỳ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tuân thủ quyền tự do hàng hải, hàng không, và giao thương hợp pháp không bị cản trở trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Vì vậy, chúng tôi có quan điểm vững chắc về việc khuyến khích tất cả bên giải quyết tranh chấp trong ôn hòa, không cưỡng bách, và phù hợp với luật pháp quốc tế.
BBC: Việt Nam và Mỹ thời gian qua có các hoạt động hợp tác quốc phòng, tập trận chung. Gần đây có tin Việt Nam mua vũ khí của Mỹ trị giá gần 100 triệu đô la. Ông nghĩ gì về các động thái này?
Lapthe Chau Flora: Những gì tôi có thể trao đổi với anh là: Một trong những mục tiêu quân sự của Hoa Kỳ là trợ giúp nước bạn, các đối tác và đồng minh cải thiện năng lực quân sự của họ. Việc này nhằm để họ không chỉ tự bảo vệ mình mà còn có thể trợ giúp nhân đạo và hoạt động hòa bình trên toàn thế giới.
Quân đội Việt Nam là một đối tác của quân đội Mỹ trong những năm qua. Trên thực tế, chúng tôi có Chương trình Đối tác với Việt Nam. Vệ binh Quốc gia tiểu bang Oregon giúp đối tác Việt Nam cải thiện năng lực quân sự trong các hoạt động nhân đạo.
Phái đoàn quân sự Việt Nam đã đến Oregon để được huấn luyện và người của Vệ binh Quốc gia tiểu bang Oregon cũng đến Việt Nam cho việc này.