HÀ NỘI, Việt Nam – Sau thời gian dài xuất cảng lượng lớn than đá, dầu thô, quặng khoáng sản, giờ đây Việt Nam đang phải mua về với giá đắt hơn gấp 6 lần.
Theo báo Đất Việt, thống kê của Tổng Cục Hải Quan cho biết, giá trị xuất cảng quặng và khoáng sản của Việt Nam sang Trung Quốc đang rẻ hơn rất nhiều so với giá trị xuất cảng quặng sang các thị trường khác.
Đáng chú ý, giá bán quặng và khoáng sản cho thị trường Nam Hàn cao gấp 10 lần so với giá bán cho Trung Quốc.
Báo Dân Trí dẫn tài liệu thống kê của Tổng Cục Hải Quan cho hay, bảy tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã tăng nhập cảng dầu thô hơn 544% về lượng và 670% về giá trị. Đồng thời, lượng nhập than đá về nước cũng tăng 49% về lượng và hơn 71% về kim ngạch.
Số tiền phải chi để nhập cảng hơn 280,000 tấn dầu thô là $890 triệu, trong khi phải chi $1.4 tỷ để nhập cảng hơn 11.9 triệu tấn than.
Điều đáng nói là mức giá bình quân của than nhập từ Indonesia chỉ 1.6 triệu đồng/tấn nhưng than nhập từ Trung Quốc đang có giá 8.2 triệu đồng/tấn, tức là cao hơn 6.6 lần so với nhập từ thị trường Indonesia.
Báo Đất Việt phỏng vấn ông Lê Huy Bá, cựu viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Quản Lý Môi Trường, được ông này cho biết “thực trạng bán rẻ quặng và khoáng sản của Việt Nam cho Trung Quốc không hề mới mà đã diễn ra nhiều năm nay và những nhà kinh tế, nhà khoa học cũng đã lên tiếng nhiều lần.”
Ông cũng cho hay: “Quan hệ kinh tế giữa các quốc gia là sòng phẳng, do đó, Việt Nam không nên và không cần bán rẻ tài nguyên cho bất kỳ quốc gia nào.”
Ông Bá nói: “Tôi đã nhiều lần đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam lại bán rẻ quặng và khoáng sản cho Trung Quốc? Đánh đổi như thế để được cái gì? Nếu một số loại quặng quý hiếm như đất hiếm và các loại quặng khác có giá trị cao mà bán như thế thì rất nguy hiểm. Việc này cơ quan quản lý nhà nước và cả Tập Đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam phải giải thích cho rõ. Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo được, được bao nhiêu cứ bán hết thì còn gì cho con cháu đời sau?”
Ông Bá nói thêm rằng: “Khoáng sản là tài sản của nhân dân, bán rẻ thì chỉ có dân thiệt, còn doanh nghiệp chỉ cần tiền trao cháo múc, tiền tươi thóc thật cầm về, tiêu cực cũng nảy sinh từ đây.”
Theo kế hoạch về phát triển ngành điện, nhà cầm quyền CSVN còn tiếp tục xây dựng thêm nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than nữa, cho nên, đến năm 2020 Việt Nam phải nhập đến 50 triệu tấn than. Năm 2030 con số trên là 80 triệu tấn.
Nhiều nhà máy nhiệt điện ở Việt Nam sử dụng công nghệ lạc hậu của Trung Quốc nên giá thành sản xuất điện cao trong khi gây ô nhiễm môi trường. Dân chúng biểu tình chống đối liên miên. Xỉ than một số nhà máy điện không biết đổ đâu, hiện đang muốn đổ xuống biển, tức chỉ mang sự ô nhiễm trên đất liền xuống biển, tiêu diệt môi trường biển.
Hôm 18 Tháng Tám, 2018, báo Thanh Niên có một ký sự bằng video quay với flycam về “Thiên đường than lậu” tại phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. Hàng loạt bến cảng, bãi tập kết, chế biến than thổ phỉ ngang nhiên hoạt động hơn 10 năm nay. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến độ báo Thanh Niên nói đang “bức tử” vịnh Bái Tử Long.
Chuyện than lậu, than “thổ phỉ” từng được nói đến hơn chục năm qua. Nhiều báo tại Việt Nam từng có những ký sự mô tả đường đi nước bước của những nhóm khai thác và xuất cảng than lậu núp dưới cái vỏ hợp pháp nhưng phần nhiều đều là than ăn cắp với sự toa rập của các viên chức tập đoàn than quốc doanh Việt Nam. Thỉnh thoảng, người ta thấy có một hai vụ bắt tàu chở than lậu một vài chục đến vài trăm tấn, nhưng đây chỉ là mặt nổi của vấn đề than lậu tại Việt Nam.
Bốn năm trước, ngày 28 Tháng Mười, 2014, báo Thanh Niên có bài viết về “liên minh ma quỷ” khai thác và xuất cảng than lậu. Trong đó nhiều cán bộ, nhân viên Công Ty Than Quang Hanh (Tập Đoàn Than Và Khoáng Sản Việt Nam – TKV) bị bắt và khởi tố “vì đã tổ chức lấy than trong mỏ mang bán, khiến nạn than lậu càng thêm phức tạp tại Quảng Ninh.”
Ngày 17 Tháng Tám, phóng sự hình ảnh do flycam quay của báo Thanh Niên chứng minh vấn nạn vẫn còn đó.
Nguồn: Người Việt