Công an được đề nghị quản lý dịch vụ đòi nợ thuê vì “tính chất nhạy cảm” của hoạt động này.
–
Theo một dự thảo nghị định vừa công bố, Bộ Tài chính đề xuất chính phủ Việt Nam giao cho Bộ Công an trách nhiệm quản lý dịch vụ đòi nợ thuê vì “tính chất nhạy cảm” của hoạt động này.
Đề xuất mới của Bộ Tài chính đang gây ra những tranh cãi trong dư luận, giữa bối cảnh tình trạng công an bảo kê cho tội phạm vẫn tồn tại phổ biến, kể cả ở cấp tướng, như vụ hai tướng công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị bắt gần đây vì bảo kê cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ.
Dịch vụ đòi nợ thuê bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2007 theo Nghị định 104/2007. Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này được cho là không hiệu quả và kém lành mạnh, thậm chí mang tính chất “xã hội đen”.
Trong dự thảo trình Chính phủ để lấy ý kiến, Bộ Tài chính nói các công ty đòi nợ thuê “có hành vi ‘khủng bố’, nhân viên cấu kết với các đối tượng xã hội đen bắt cóc, tống tiền để đòi nợ”. Vì vậy, Bộ này đề xuất giao toàn bộ trách nhiệm quản lý dịch vụ “phức tạp, nhạy cảm” này cho Bộ Công an.
TS. Phạm Chí Dũng, một nhà báo-chuyên gia về kinh tế-chính trị tại Việt Nam, nhận định với VOA rằng đây là một cách “đùn đẩy trách nhiệm” của Bộ Tài chính, và thực tế “khủng bố” của dịch vụ đòi nợ thuê chính là kết quả của tình trạng thả nổi, không có biện pháp quản lý hữu hiệu của các cơ quan chức năng Việt Nam.
“Về mặt chức năng quản lý ngành, đúng ra phải là Bộ Tài chính chứ không phải là Bộ Công an. Bây giờ mà tống sang cho Bộ Công an thì thứ nhất, một cách nào đó coi việc đòi nợ thuê giống như một đối tượng về hình sự, chứ không phải là một dịch vụ kinh doanh thuần túy nữa”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Theo ông, “Bộ Công an không có chức năng liên quan đến tài chính, nên đưa qua cho Bộ Công an là rất bất cập và khiên cưỡng”.
Ngoài vấn đề trái chức năng, nhà báo chuyên phân tích về chính sách, thời sự Việt Nam còn cho rằng việc giao cho Bộ Công an ‘nắm’ toàn bộ dịch vụ đòi nợ thuê còn có thể dẫn đến những bất lợi khác, làm mất thêm “uy tín”, vốn đã rất thấp, của ngành công an.
“Nó lại một lần nữa cho thấy hoạt động công an trị càng ngày càng nổi bật. [Công an] vốn đã đàn áp nhân quyền ghê gớm rồi, bây giờ lại còn nhảy sang quản lý dịch vụ đòi nợ thuê nữa thì người ta sẽ nói rằng công an đi đòi nợ thuê giùm và là một tổ chức đòi nợ thuê khổng lồ của quốc gia”, TS. Phạm Chí Dũng nói.
Ngoài đề xuất chuyển đổi cơ quan quản lý, dự thảo sửa đổi Nghị định 104 của Bộ Tài chính còn bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ, yêu cầu họ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp khi tiếp xúc với “con nợ”.
Trước đó, vào tháng 6, một điều khoản bổ sung khác trong dự thảo này cũng bị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phản đối mạnh mẽ. Cơ quan này cho rằng điều khoản yêu cầu phải có mức vốn điều lệ tối thiểu là 2 tỷ đồng để kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng như đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải có bằng đại học là những đòi hỏi vô lý và “gây cản trở đáng kể” cho việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp.
Nguồn: VOA