Kim Dung trong mắt người Việt nhiều thế hệ
Nhà văn Kim Dung ký tặng cho người đọc tại Hội chợ sách Hong Kong. XINHUA
BBC ghi nhận ý kiến về nhà văn Kim Dung và các tác phẩm kiếm hiệp của ông qua cái nhìn của một số người Việt nhiều thế hệ.
Ông Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, nhà văn viết truyện kiếm hiệp Trung Hoa qua đời ở Hong Kong hôm 30/10 sau thời gian dài chiến đấu với bệnh tật, thọ 94 tuổi.
Độc giả Việt Nam biết đến tên tuổi Kim Dung qua hàng loạt tác phẩm võ hiệp kinh điển như Võ Lâm Ngũ Bá, Anh Hùng Xạ Điêu, Thần Điêu Đại Hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long…
Tác phẩm của Kim Dung đã từng bị cấm lưu hành ở cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan.
Tại Việt Nam sau năm 1975, tác phẩm của ông bị cấm trong một thời gian dài, nhưng nhiều người, nhất là ở Sài Gòn vẫn có thể chuyền tay nhau đọc lén.
Họa sĩ Đỗ Duy Ngọc, 68 tuổi
\”Tôi cảm phục nhà văn Kim Dung về khả năng xây dựng tính cách nhân vật. Tiểu thuyết của ông có hàng trăm hàng ngàn nhân vật, nhưng mỗi người có một tính cách riêng, khó lẫn vào nhau, trở thành tên hiệu nhiều độc giả dùng làm biệt hiệu để thể hiện tính chất của riêng mình. Trong Thiên Long bát bộ có 230 nhân vật, trong đó có nhân vật như Đoàn Dự, Đoàn Chính Thuần, Đoàn Chính Minh, Liêu Đạo Tông và Kim Thái Tổ được dựa trên các nhân vật có thật. Phần còn lại là hư cấu.\” Họa sĩ Ngọc nói với BBC.
\”Nhân vật của Kim Dung có đủ loại hạng người. Chính có, tà có. Có kẻ vừa chính vừa tà như Vi Tiểu Bảo. Có kẻ ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần. Khi nhận xét với \”Quân Tử Kiếm\” Nhạc Bất Quần, Nhậm Ngã Hành có một câu nói nổi tiếng:
\”Ðối phó với kẻ chân tiểu nhân là một chuyện dễ, nhưng đối phó với người \”ngụy\” quân tử thật khiến cho người ta phải điên đầu. Mà loại người như Nhạc Bất Quần thì thời nào cũng có.\”
\”Từ Quách Tĩnh, Hoàng Dung trong Anh hùng xạ điêu cho đến Kiều Phong, Đoàn Dự trong Thiên Long Bát Bộ, rồi Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ và Trương Vô Kỵ trong Ỷ thiên Đồ Long ký, tất cả họ đều là những kẻ tài nghệ vô song, thế nhưng họ gặp nhiều nghịch cảnh. Và nổi bật hơn cả đí là nỗi cô đơn của kẻ anh hùng. Trong chốn giang hồ, họ lắm kết giao nhưng vẫn là những người đi trên hành trình cô độc với những tính chất chẳng có nhân vật nào trùng lắp.\”
BBC CHINESE
\”Nổi bật lên là nhân vật Vi Tiểu Bảo trong Lộc Đỉnh Ký, cuốn sách cuối cùng của Kim Dung. Đó là một nhân vật đặc biệt mà có người cho rằng đó là nhân vật hay nhất, thành công nhất của Kim Dung. Cũng có người không e ngại mà tôn Lộc Đỉnh Ký là kỳ thư.\”
\”Xuất thân từ kỹ viện lại lớn lên ở hoàng cung, Vi Tiểu Bảo là người khôn lanh, giảo hoạt. Y gian manh mà không ác độc, xảo quyệt mà không hèn hạ, tham lam nhưng lúc cần chẳng tiếc của. Y ít học, chẳng có võ công, ăn tục nói phét, nói năng tục tĩu, chửi thề luôn miệng nhưng người ta khoái y chửi vì y chửi đúng người, đúng lúc. Y cũng là người có nghĩa khí. Những mâu thuẫn về mặt tính cách của Vi Tiểu Bảo cho thấy nhân vật này thật gần gũi trong đời sống khác xa những nhân vật lý tưởng trong những cuốn khác của Kim Dung.\”
\”Hành trình xây dựng nhân vật của nhà văn Kim Dung là một tiến trình có nhiều thay đổi đáng kể. Từ một Trương Vô Kỵ, nhân vật anh hùng võ công thượng thừa, có những tính chất của một hảo hán lý tưởng đến Lệnh Hồ Xung giao thoa giữa chính tà, sống tự do như cánh chim, vượt ra khỏi khuôn mẫu để được sống như một kẻ giang hồ thứ thiệt.
Lệnh Hồ Xung cũng là một nhân vật đẹp khá toàn vẹn của Kim Dung. Và cuối cùng là Vi Tiểu Bảo, nhân vật châm biếm, ba trợn hoàn toàn khác với những nhân vật trước đó nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng người đọc.\”
\”Đọc Kim Dung, tôi còn học nhiều điều từ tác phẩm của ông: chuyện nghĩa khí, chung thủy, hi sinh vì đồng đội, sẵn sàng chết vì chính nghĩa, tiêu chuẩn của một bậc trượng phu… Ngoài ra, tôi cũng như nhiều người đọc khác còn được trang bị thêm nhiều kiến thức về võ học, tôn giáo, trà đạo, tửu đạo, triết học, thơ ca, tâm lý, thiên văn, y học, tướng số, phong thủy, hội họa, lịch sử… Đọc sách của ông là như được khám phá một kho tàng khổng lồ của văn hóa Á đông và đặc biệt là văn hóa Trung Hoa. Bởi nhà văn là một kho kiến thức khổng lồ.\”
\”Sau khi ông qua đời, có lẽ khó tìm được một nhà văn viết kiếm hiệp nào để sánh bước ngang hàng với ông.\”
Blogger Lê Nguyễn Hương Trà, tự Cô Gái Đồ Long, ở tuổi 40
\”Mấy năm trước đây, hồi tôi ký bút danh Cô Gái Đồ Long trên báo Tuổi Trẻ Cười, khi ấy rất nhiều nhà báo cũng lấy bút danh là tên nhân vật trong truyện Kim Dung như Kiều Phong, Trương Vô Kỵ, Đông Tà…\”
\”Thử tưởng tượng báo Tuổi Trẻ Cười những năm 1990 mở ra thì thấy toàn bút danh nhân vật trong truyện Kim Dung là biết.\”
\”Theo cảm nhận của tôi, thế hệ những người sinh năm 1950, 1960, 1970, nhất là tại Sài Gòn, gần như ai cũng đọc Kim Dung, không nhiều thì ít.\”
\”Nhà tôi có đủ bộ truyện Kim Dung, xưa là sách do ba tôi mua, sau 1975, PNC mua bản quyền in ấn lại rất đẹp nên lâu lâu tôi lại mang ra đọc rồi ngẫm chuyện đời.\”
\”Cộng thêm thời thập niên 1980, hãng TVB chuyển thể và dựng rất nhiều các bộ phim truyền hình nên Kim Dung vẫn nối dài sự ảnh hưởng lên nhiều người Việt. Tới thế hệ 1980 và 1990 thì ít người xem rồi.\”
\”Đến các bạn sinh năm 2000 về sau thường chỉ xem truyện… đam mỹ, xuyên không nên có thể các bạn ấy không có ý niệm gì về Kim Dung.\”
Nhà báo Hạnh Thủy ở Sài Gòn, 38 tuổi
\”Theo cảm nhận của tôi, bao nhiêu lứa học sinh miền Nam đời 1960, 1970, 1980 lớn lên mà không lận lưng, nhét trong cặp, chuyền tay nhau mấy cuốn kiếm hiệp của Kim Dung thì mới lạ.\”
\”Tôi cũng như nhiều nhiều người khác, tiếp xúc truyện kiếm hiệp rất sớm, từ cuối cấp 1 rồi tới cấp 2… Lúc đó, khi đọc tụi tôi ít chú ý tới tên tác giả, chỉ biết cầm sách là đọc truyện (nội dung thôi).\”
\”Nhưng với truyện kiếm hiệp, thì bọn tôi được quăng cho cuốn sách rồi nói; \”đọc Kim Dung nè\”, \”đọc Cổ Long nè\”… Tên tác giả nghe trước, tên truyện nghe sau. Mới hay, những tác giả đó đã trở thành một đặc trưng để phân định, ăn vào tiềm thức.\”
\”Mà hóa ra đọc kiếm hiệp, dân miền Nam thường đọc cả gia đình. Từ ba mẹ, rồi tới con cái, rồi con cái đưa cho bạn bè. Cả gia đình đọc, cả lớp đọc, cả xóm đọc. Giới bình dân cho dù mù chữ, không biết đọc đi nữa thì được nghe cải lương. Qua các tuồng Thần Điêu Đại Hiệp, Anh Hùng Xạ Điêu với các giọng ca vàng Minh Cảnh, Minh Vương, Lệ Thủy… tinh thần kiếm hiệp mặc sức thấm vào tâm hồn người nghe.\”
\”Con trai mê võ, nên thích kiếm hiệp đã đành. Với không gian riêng được ưu ái trong kiếm hiệp, con gái cũng có vùng trời vẫy vùng, có đế chế, có tình yêu, có tự do khoái hoạt của riêng mình (đặc biệt là khi xã hội còn nặng quan niệm \”con gái chỉ quanh quẩn ở nhà)…\”
\”Kiếm hiệp thú vị vì đáp ứng thị hiếu cho những người yêu thích tất cả những điều ấy. Võ công có âm, có nhu, con gái thì có phái Nga Mi, Cổ Mộ, con trai thì có Thiếu Lâm, Võ Đang…\”
\”Nhưng phải đâu vì vậy mà con gái mới thích đọc kiếm hiệp. Nói kiếm hiệp, người ta mê là mê tinh thần hiệp khách, thượng võ, tự do, khoái hoạt, xây dựng một thế giới chính đạo, một tình yêu, một tình bạn, tình thầy trò phóng khoáng không hối hận với những diễn biến tâm lý rất đời. Mà điều đó thì đâu phân biệt là nam hay nữ. Kiếm hiệp đâu có ranh giới…\”
\”Cảm ơn những điều quá đẹp đó ở kiếm hiệp của Kim Dung…\”