Ngô Nhân Dụng: Nguyễn Phú Trọng theo Tập Cận Bình

Nguyễn Phú Trọng theo Tập Cận Bình

Ngô Nhân Dụng

\"\"

Nguyễn Phú Trọng đang mở đường cho Trung Cộng thôn tính nước Việt Nam. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

 
Nguyễn Phú Trọng đang đi theo con đường Tập Cận Bình trong việc củng cố quyền lực. Nhưng Trọng còn học tập Bình ngay trong chính sách và hành động: Thứ nhất là tiêu diệt các thế lực đối nghịch trong đảng; thứ hai là đàn áp dư luận của người dân, kiểm soát các mạng thông tin xã hội và đe dọa những người có ý kiến độc lập, ở trong và ngoài đảng. Tiêu biểu trong chuyện này là việc “thi hành kỷ luật với Giáo Sư Chu Hảo.”
Từ đầu, Nguyễn Phú Trọng đã đi đúng các nước cờ của Tập Cận Bình trong chiến dịch gọi là “chống tham nhũng.” Năm 2012, sau khi nắm hai chức đứng đầu nhà nước và đảng Cộng Sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đã dùng chiêu bài “chống tham nhũng” để tiêu diệt bọn Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang và cả đám tay chân của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nguyễn Phú Trọng đã dùng món võ đó đánh đám đàn em của Nguyễn Tấn Dũng.

Nguyễn Phú Trọng cũng theo gót Tập Cận Bình khi tìm cách nắm quyền chi phối guồng máy công an và quân đội. Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã đàn áp những người bất đồng chính kiến ngoài đảng như khi bỏ tù Lưu Hiểu Ba, người đã công bố một chương trình dân chủ hóa Trung Quốc và được giải Nobel Hòa Bình. Nguyễn Phú Trọng cũng mở chiến dịch bắt bỏ tù các người tranh đấu ôn hòa đòi tự do dân chủ ở Việt Nam, từ Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đến Luật Sư Nguyễn Văn Đài. Tập Cận Bình kiểm soát dư luận trên các mạng xã hội thế nào thì Nguyễn Phú Trọng cũng làm theo, với đạo luật An Ninh Mạng.
.

Mới lên ngôi chủ tịch nước trong khi đã nắm trong tay guồng máy đảng với chức tổng bí thư, Nguyễn Phú Trọng đánh ngay Giáo Sư Chu Hảo để thị uy những đảng viên đang muốn góp phần thay đổi xã hội và chế độ bằng thông tin, sách vở.
Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng đã “đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật Giáo Sư Chu Hảo” vì ông cựu thứ trưởng Bộ Khoa Học Công Nghệ này đang gây “ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội.”
Ông giám đốc 78 tuổi của nhà xuất bản Tri Thức, đã lên tiếng chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng của Nguyễn Phú Trọng. Một điều Nguyễn Phú Trọng có thể đã không tính trước được, là phản ứng của những người trí thức đang cắn răng làm đảng viên Cộng Sản với ước vọng mong manh thay đổi đảng từ bên trong. Hành động thanh trừng Chu Hảo cho thấy họ chấp nhận đang tuyệt vọng.
Nhà văn Nguyên Ngọc, 86 tuổi, đã tuyên bố rút ra khỏi đảng Cộng Sản ngay sau khi Chu Hảo bị tấn công. Vào đảng từ năm 1956, sau 62 năm làm đảng viên, ông Nguyên Ngọc xác định, “Chu Hảo là “một trí thức lớn, có công lớn với đất nước và dân tộc, đặc biệt trong công cuộc khai hóa bằng Tủ Sách Tinh Hoa của nhà xuất bản Tri Thức mà ông là giám đốc.”
Nguyên Ngọc và Chu Hảo đều là thành viên trong nhóm chuyên gia và trí thức độc lập “Viện Nghiên Cứu Phát triển IDS,” một tổ chức mà ông chủ tịch Nguyễn Quang A đã tuyên bố “tự giải tán” để chống chính sách bịt miệng của Nguyễn Tấn Dũng. Một ngày sau Nguyên Ngọc, 12 người khác cũng tuyên bố từ bỏ đảng Cộng Sản, như Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, cựu Đại Sứ Nguyễn Trung, hai sĩ quan quân đội, một luật sư, một cô giáo, một kỹ sư, ba tiến sĩ.
Chính ông Chu Hảo cũng tự bỏ cái đảng mà ông gia nhập 45 năm trước; ông phân trần rằng đảng này “không có tính chính danh, hoạt động không chính đáng, có nhiều khuất tất, ngày càng thoái hóa, đi ngược lại quyền lợi của dân tộc và xu thế tiến bộ của nhân loại.”
Nói thẳng hơn, nhà văn Nguyên Ngọc viết “tôi nhận thấy đảng… ‘tự diễn biến’ thành một tổ chức chuyên quyền, phản dân hại nước.” Ông đã vạch mặt đảng Cộng Sản là một “lực lượng vô luân.” Và ông quả quyết: “Không lực lượng vô luân nào có thể ngăn trở dân tộc này quyết định vận mệnh của mình.”
Chúng tôi hoan nghênh hành động từ bỏ đảng Cộng Sản của các nhà trí thức trong nước. Nhiều độc giả Người Việt đặt câu hỏi tại sao các nhà trí thức đã chờ tới lúc này mới chính thức rút ra khỏi đảng Cộng Sản?
Nhưng chúng ta cần đặt mình vào chỗ đứng của những nhà trí thức sống dưới chế độ Cộng Sản. Họ được đào tạo trong môi trường “xã hội chủ nghĩa” mà Hồ Chí Minh đã họ và đem từ Nga, từ Tàu về áp dụng. Ngay từ đầu, giới trí thức Cộng Sản không được tập thói quen suy nghĩ độc lập.
Như nhà văn Vương Trí Nhàn nhận xét từ năm 2014, “Nếu hiểu được người trí thức ở (nước) ta là thế và được nhào nặn như thế, chúng ta sẽ độ lượng với họ hơn với nghĩa… bớt hy vọng ở họ hơn.” Vương Trí Nhàn đã dịch một bài viết về số phận của tầng lớp người có học ở Nga thời Xô Viết do Sergey Kirilov viết. Trích dẫn, “…người ta… tạo ra một lớp trí thức yếu ớt, dung tục, không có khả năng độc lập mà phụ thuộc nhà nước, do đó sống chết cũng phải trung thành với nhà nước.”
Được đào tạo và quen sống dưới một cơ chế độc tài như vậy, những giới trí thức ngoài Bắc đã gia nhập đảng Cộng Sản vẫn còn giữ được lương tri, lương năng, cho nên đã tỉnh ngộ rất nhanh khi có cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài, dù chỉ qua sách vở. Dù nhiều người đã biết đảng là “phản dân hại nước” như Chu Hảo tố cáo, nhưng khi còn cầm cái thẻ đảng thì họ vẫn còn phương tiện và cơ hội làm những việc ích lợi cho tương lai dân tộc. Xuất bản sách, làm các mạng lưới, là những phương pháp bất bạo động chống cường quyền. Theo gót Phan Châu Trinh, họ thúc đẩy công tác “khai dân trí, chấn dân khí.”
Đầu thế kỷ 20, Phan Châu Trinh từ Pháp trở về nước, chấp nhận “thỏa hiệp” sống dưới chế độ thực dân và làm thân bầy tôi của triều đình nhà Nguyễn thối nát và ươn hèn; một chính quyền không khác gì đảng Cộng Sản bây giờ. Nhưng cụ Phan đã tận dụng thời gian cuối cuộc đời mình để làm hai công việc:“mở mang dân trí” và “chấn hưng chí khí” giúp đồng bào.
Một thế kỷ trước đây, những nhà trí thức khác như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Phan Long, vân vân, cũng rời bỏ cuộc sống lưu vong ở Pháp để trở về tranh đấu, vận động đồng bào ở ngay trên đất nước mình.
Gần đây, giới trí thức ngoài đảng như các Luật Sư Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài cũng thỏa hiệp, chọn con đường tranh đấu “trong vòng luật pháp,” dù đó chỉ là những luật lệ bất công của một đảng độc tài chuyên chế. Họ cũng không khác gì Phan Châu Trinh xưa vẫn phải sống với luật lệ của thực dân Pháp và triều đình Huế hủ bại. Hành động trục xuất những người như Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, vân vân, cho thấy chế độ Cộng Sản bây giờ còn nhẫn tâm hơn thực dân Pháp.
Những nhà trí thức cam tâm vẫn làm đảng viên Cộng Sản cũng thỏa hiệp như vậy. Nhưng trong lòng, họ vẫn sẵn sàng từ bỏ đảng, như Nguyên Ngọc cho biết: “Tôi đã suy nghĩ và định làm việc này từ lâu,…” Giọt nước làm tràn ly là những hành động của đảng Cộng Sản như trục xuất Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, và “kỷ luật” với Chu Hảo. Giới đảng viên có học thức nhìn thấy rằng thái độ nhịn nhục đến cùng của họ sẽ trở thành vô ích. Dù chỉ nêu những ý kiến khác một chút, họ không còn được đảng Cộng Sản dung thứ nữa.
Con đường duy nhất cho các đảng viên Cộng Sản có lương tâm bây giờ là xé thẻ đảng, đốt thẻ đảng. Nhưng họ không thể làm công việc đó một cách âm thẩm, thụ động. Họ phải đứng lên tố cáo tội lỗi của đảng Cộng Sản đối với dân tộc Việt Nam.
Như khi nhà văn Nguyên Ngọc phê bình vụ Giáo Sư Chu Hảo, ông nói: “Thực chất là một hành động thực hiện chính sách ngu dân, kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để dễ lừa dối và đàn áp, vì quyền lợi ích kỷ của một đảng độc tài đang cướp quyền sống và phát triển của dân tộc.”
Đây là những tội ác tối thiểu mà giới trí thức phải nói rõ cho toàn dân cùng biết: Chính sách ngu dân của đảng Cộng Sản, muốn kìm hãm nhân dân trong vòng tăm tối, để cho bọn quan chức trong đảng dễ lừa dối và đàn áp dân. Trong thời gian tới, cần phải tạo một phong trào giới đảng viên trí thức từ bỏ đảng đông và mạnh hơn nữa. Ngoài tội ngu dân, cần phải tố cáo những tội ác lớn khác của đảng Cộng Sản làm hại đất nước ngay trong lúc này: Chính sách độc quyền kinh tế, kìm hãm tư doanh, chủ trương cướp đất của dân bán cho tư bản ngoại quốc, và bắt toàn dân cúi đầu làm nô lệ cho Trung Cộng!
Nguyễn Phú Trọng đang dò bước theo chân Tập Cận Bình nhưng Trọng cũng tỏ ra không dám đối đầu với giặc phương Bắc, trong khi Bình còn dám nuôi tham vọng giấc “Mộng Trung Quốc” đứng ngang hàng với Mỹ.
Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ đi quá đà khi tìm cách tiêu diệt hết những tiếng nói độc lập, ngay trong đảng. Hậu quả là sẽ khiến dân Việt Nam hèn yếu, nhu nhược hơn để dễ bị Trung Cộng nắm đầu!
Tập Cận Bình không nhẫn tâm đến như vậy. Năm 2016, khi nói chuyện với Tỉnh Ủy Hà Bắc về chuyên đề sinh hoạt dân chủ, Tập Cận Bình còn biết dẫn lời Thương Ưởng: “Một nghìn người vâng dạ, không bằng một kẻ sĩ nói thẳng.” (Thiên nhân chi nặc nặc bất như nhất sĩ chi ngạc ngạc;” 千人之諾諾,不如一士之諤諤).
Tập Cận Bình còn nhớ đến lời Đường Thái Tông trong Tam Kính Luận (Ba Tấm Gương): Đừng sợ có người nói điều trái ý mình, chỉ sợ người có ý kiến mà không dám nói ra (Bất phạ hữu nhân thuyết phác thoại; tựu phạ hữu thoại đô bất thuyết, 不怕有人说错话,就怕有话都不说).
Khi tìm cách bịt miệng những người có ý kiến khác, như Nguyễn Văn Đài, Mẹ Nấm, cho tới Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Phú Trọng chỉ biết học các hành động chuyên chế mà không dám làm theo Tập Cận Bình đến nơi đến chốn!
Khi giới trí thức ôn hòa nhất cũng bị đàn áp, dân Việt Nam càng bị lừa dối và đàn áp hơn. Nguyễn Phú Trọng đang mở đường cho Trung Cộng thôn tính nước Việt Nam! (Ngô Nhân Dụng)
Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment