Tập trận của NATO làm gia tăng căng thẳng với Nga
Thanh Phương / RFI
Thủy quân lục chiến Mỹ tham gia cuộc tập trân của NATO Trident Juncture 2018, tại Iceland ngày 19/10/2018. Kylee Ashton/U.S. Air Force/Handout via REUTERS
Cuộc tập trận của Liên minh Bắc Đại Tây Dương – NATO với quy mô lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai đang làm gia tăng căng thẳng giữa khối này với Nga. Matxcơva đã tuyên bố sẽ đáp trả những cuộc tập trận này.
Huy động đến 50 ngàn quân, 65 chiến hạm và 250 máy bay từ 31 quốc gia, cuộc tập trận của NATO diễn ra tại khu vực cách biên giới Na Uy – Nga hàng trăm km. Mục tiêu của cuộc thao dượt quân sự này là trắc nghiệm khả năng của Liên minh Bắc Đại Tây Dương ứng cứu một quốc gia thành viên bị một quốc gia khác tấn công. Tuy không nói ra, nhưng quốc gia tấn công được ngầm hiểu là nước Nga.
Matxcơva dĩ nhiên là không khoanh tay ngồi yên nhìn NATO tập trận ngay kế bên. Tuần trước, quân đội Nga đã thông báo triển khai 4 chiến hạm ở vùng bắc Đại Tây Dương để tập trận. Hôm qua, tổng thư ký của Liên minh, ông Jens Stoltenberg cho biết đã được phía Nga thông báo về kế hoạch bắn thử nghiệm tên lửa ngoài khơi Na Uy.
Từ Trondheim, Na Uy, đặc phái viên RFI tường trình :
« Trước đó, Nga đã xem quy mô lớn chưa từng có của các cuộc tập trận của khối NATO với Thụy Điển và Phần Lan tại Na Uy là mang tính khiêu khích. Theo Matxcơva, các cuộc tập trận này đe dọa ổn định chính trị của vùng Bắc Âu và bộ Ngoại Giao Nga đã nêu khả năng sẽ có biện pháp trả đũa.
Tổng thư ký khối NATO và bộ trưởng Quốc Phòng Na Uy, có mặt tại khu vực thao dượt quân sự, đã tìm cách giảm nhẹ mức độ leo thang căng thẳng, khi tuyên bố rằng tình hình kiểu như vậy vẫn thường xuyên xảy ra và điều này chẳng ảnh hưởng gì đến cuộc tập trận của các nước đồng minh.
Tuy vậy, vấn đề này sẽ được đem ra thảo luận hôm nay tại trụ sở của Liên minh Bắc Đại Tây Dương, nơi diễn ra cuộc họp của hội đồng NATO – Nga. Cuộc họp này sẽ là dịp tranh cãi gay gắt về Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân tầm trung, mà Hoa Kỳ đã dọa sẽ rút ra, cáo buộc Nga vi phạm hiệp định này ».
Khác với thái độ của các lãnh đạp NATO và Na Uy, trả lời hãng tin AFP, một chuyên gia về Nga, Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy ( NUPI ), bà Julie Wilhelsen, nhận định rằng « Chiến tranh lạnh mới » đang diễn ra ở vùng Bắc Âu với một cách thức mà ít ai tiên đoán sau cuộc khủng hoảng ở Ukraina năm 2014. Theo chuyên gia Wilhelsen, điện Kremlin luôn bị ám ảnh bởi điều mà họ xem là « bao vây nước Nga », với việc khối NATO tiến ngày càng gần đến biên giới Nga, một hành động bị xem là gây chiến.