Hãy đoạn tuyệt lối mòn
Hình minh họa
Vào đảng hoặc ra đảng là chuyện khá bình thường trong mọi tổ chức chính trị khắp nơi. Nhưng một đảng viên với 62 năm tận tụy với Đảng, khi ra lại có thái độ dứt khoát đoạn tuyệt để thốt lênrằng Đảng đã thực hiện chính sách ngu dân, độc tài, cướp quyền sống và phát triển của dân tộc, thì đó là điều bất thường.
Qua sự kiện này, chúng ta cần đặt các câu hỏi tại sao và khi nào mình nên vào đảng (dù đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Quốc dân, Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, hay bất cứ đảng chính trị nào), và tại sao và khi nào mình nên ra khỏi đảng? Câu hỏi tiếp theo là đảng là ai, có phải là tổ quốc, là đất nước, là dân tộc, hay chỉ là một bộ phận nhỏ trong đại khối dân tộc? Đảng đại diện cho những giá trị và triết lý nào, chiến lược có phục vụ cho mục tiêu xây dựng một đất nước tiến bộ văn minh và thịnh vượng không, và các phương châm hành động có đi cùng hay đi ngược các giá trị của mình? Câu hỏi quan trọng không kém là nếu một lúc nào đó đảng mình tham gia giờ đây đi ngược lại các nguyên tắc, giá trị hay lý tưởng của mình, thì thái độ của chúng ta lúc đó nên như thế nào?
Trả lời được các câu hỏi này sẽ giúp cho tất cả chúng ta, nhất là các bạn trẻ hôm nay và mai sau, có những quyết định tích cực và đúng đắn khi chọn vào hay ra một đảng chính trị nào đó, chứ không bị lầm lẫn và ăn phải bánh vẽ, có khi suốt đời, như nhà văn Nguyên Ngọc hay các thế hệ đi trước.
Theo tôi, mỗi chúng ta trong vị trí, khả năng và hoàn cảnh đều có thể đóng góp hiệu quả cho một tập thể, tổ chức, xã hội hay đất nước nếu chúng ta biết tuân theo một số nguyên tắc và giá trị chuẩn mực. Không nhất thiết chúng ta phải tham gia vào một tổ chức hay một đảng phái chính trị mới đóng góp hiệu quả. Khi mỗi người cố gắng làm tốt nhất trong khả năng và trong vị thế của mình thì toàn xã hội sẽ tiến bộ lên. Chẳng hạn người làm truyền thông hay các nhà nghiên cứu học thuật thì nên giữ tư thế độc lập và không thiên vị để những sản phẩm mình làm ra có giá trị tổng quát, có tính đại diện cao, có tính khoa học vững vàn, thay vì chỉ để phục vụ cho một xu hướng nào đó. Tuy nhiên những ai quyết định chọn tham gia vào một tổ chức chính trị thì đó cũng là một chọn lực đáng trân quý bởi con đường phục vụ này cũng lắm phức tạp và nhiều hy sinh.
Nhưng dù quyết định đứng vào một tổ chức chính trị hay đứng ngoài, điều quan trọng trên hết là trách nhiệm của mỗi người trong vai trò là một công dân. Của bất cứ quốc gia nào. Chúng ta chỉ là những công dân tốt của đất nước đó nếu chúng ta có những suy nghĩ tích cực, hành xử thích hợp và tinh thần trách nhiệm, dù trong bất cứ vị trí nào của xã hội.
Việt Nam hôm nay mục ruỗng một phần lớn là do chế độ độc tài toàn trị làm hư hỏng toàn diện xã hội trong nhiều thập niên qua. Nhưng một phần lớn khác là do văn hóa chính trị tiêu cực của Khổng Giáo của nhiều thế kỷ trước và của chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20 ảnh hưởng. Người Việt Nam trong đó có thành phần lãnh đạo cộng sản hiện nay cũng là nạn nhân của nền văn hóa chính trị tiêu cực đó. Chúng ta đều là sản phẩm của nền văn hóa và giáo dục quốc gia, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự kiến tạo của xã hội mình đang sống (social construction).
Do đó để giúp đất nước thoát ra khỏi vũng lầy hôm nay, mỗi người Việt Nam cần ý thức thay đổi tư duy và dứt khoát đoạn tuyệt với những lối mòn xưa. Trong các thái độ này, tôi biện luận bốn điều căn bản sau đây.
Một, tập làm quen đặt câu hỏi với mọi vấn đề, với mọi người kể cả lãnh đạo của mình, để tìm hiểu và nhìn vấn đề thấu đáo trước khi phát biểu hay hành động. Đây là một đức tính hơi trái ngược với cung cách hành xử xưa nay của người Việt, của văn hóa Việt Nam. Đại đa số người Việt Nam (ngoại trừ các thế hệ hai và ba sinh trưởng tại hải ngoại, nhưng tính ra thì họ cũng không còn là công dân Việt Nam nữa) không quen đặt vấn đề, không quen thách thức các quyết định của cấp trên, của lãnh đạo. Ngay cả những người được cho là trí thức cũng thế. Đây là vấn đề văn hóa nên khó thay đổi và nếu có thì cũng mất rất lâu. Từ bé chúng ta đã được dạy “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “Con cãi cha mẹ trăm đường con hư” v.v… Trẻ em Việt Nam đâu có quyền đặt câu hỏi, và nhiều khi không có quyền được nói trước mặt người lớn. Giáo dục mầm non trong gia đình và nhà trường phần lớn như thế, chủ yếu là một chiều, nhồi nhét và áp đặt thay vì hướng dẫn và đào tạo tư duy độc lập và sáng tạo. Cho nên mặc dầu người Việt nói chung đều có trí thông minh không thua kém dân tộc khác, cách giáo dục mầm non này đã thui chột cả một dân tộc. Cùng lắm thì chúng ta chỉ đào tạo ra những người giỏi về kỹ thuật hay chuyên môn hơn là có tầm nhìn và lãnh đạo.
Hai, phân biệt rõ ràng lằn ranh giữa đảng và dân tộc. Những ai đã quyết định tham gia vào một đảng chính trị thì đó cũng là điều rất tốt. Nhưng phải luôn nhớ rằng đảng của mình chỉ đại diện cho những người có những quan tâm, quan điểm hay quyền lợi thiết thực của một thành phần nào đó trong xã hội. Những đảng khác cũng thế, cũng chỉ đại diện cho những thành phần khác trong xã hội mà thôi. Xã hội nào cũng đa dạng cả, và không một đảng nào có tính đại diện cho toàn xã hội đó. Những đảng nào tự nhận như thế thì chỉ là nguỵ biện và phản khoa học. Và sẽ luôn luôn có những thành phần trong xã hội mà không có ai đại diện cả. Tiếng nói của họ thường không được nghe, và họ bị đẩy ra ngoài rìa xã hội. Nhưng trong các thể chế dân chủ cấp tiến đích thực, các chính đảng khi lên cầm quyền thì phần lớn, chứ không phải hoàn toàn, thực hiện các chính sách phục vụ cho đại đa số người dân, tức những người bầu cho mình cũng như những người không bầu cho mình. Cho nên các chính quyền dân chủ cấp tiến thật sự là của dân do dân và vì dân.
Ba, luôn nhớ rằng một trong những điều bất toàn về con người là quyền lực. Quyền lực tuyệt đối sẽ làm hư hỏng tuyệt đối, như Lord Acton từng nói. Khi quyền lực của toàn quốc gia lại tập trung vào một hay vài cá nhân, một nhóm người, một tổ chức, một đảng phái thay vì được phân chia rộng rãi cho toàn xã hội để cân bằng và kiểm soát, thì trước sau gì quốc gia đó cũng sẽ có vô số quốc nạn. Khi quyền sinh sát nằm trong tay một thiểu số mà không ai kiểm soát được thì sự lạm quyền và lộng quyền là điều chắc chắn xảy ra. Tham nhũng, bòn rút là hệ quả không tránh được, một thứ bệnh ung thư làm hư đốn tất cả. Độc tài độc đoán và tham nhũng luôn đi với nhau, triệt tiêu mọi tiếng nói khác biệt, triệt tiêu các đảng phái, tổ chức và cá nhân cũng như các cơ quan truyền thông không ủng hộ quan điểm hay quyền lực và quyền lợi của họ. Không hiểu về quyền lực và sự đam mê cuốn hút của con người đối với quyền lực thì sẽ ngây thơ không ngăn ngừa được độc tài và độc quyền.
Bốn, chính trị, như mọi vấn đề khác, đều có mặt tích cực lẫn tiêu cực. Một người, hay nhóm người, có tâm, có tầm, có tài lãnh đạo và mưu lược, thì sẽ góp phần thay đổi sâu sắc cả một xã hội, một quốc gia. Một người khác, hay nhóm người khác, không có các đức tính này mà còn coi tài sản quốc gia là nơi để bòn rút, chia chác quyền lợi và quyền lực, và sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ các lợi ích của cá nhân hay bè phái, thì chỉ là đại họa cho quốc gia đó. Cho nên người dân Việt Nam cần quan tâm nhiều hơn và tìm hiểu sân sắc hơn về chính trị. Trong mọi quốc gia, nền chính trị là ảnh hưởng sâu sắc nhất lên mọi mặt đời sống. Không có một nền chính trị vững ổn, không có một văn hóa chính trị đề cao các lý tưởng, ý tưởng, sáng kiến, và không có các chính sách mới phù hợp với kinh tế, văn hóa, giáo dục hay các quyền căn bản của công dân, thì tất cả mọi người đều bị thiệt thòi, ngoại trừ kẻ cầm quyền và vây cánh của họ. Không có gì và không có ai mà không bị ảnh hưởng một khi độc tài, nhất là độc tài toàn trị, nắm mọi quyết định trong tay và có đủ quyền lực trấn áp người dân. Nhưng người dân lại cứ để cho những người bất tài và bất đức nắm quyền thì làm sao mong đợi điều gì tích cực cho đất nước! Nhìn như thế thì chế độ độc tài rõ ràng là một quốc nạn, nhưng văn hóa chính trị tiêu cực cũng là một quốc nạn không kém. Nó là nguyên nhân của phần lớn các vấn nạn hôm nay. Hai thứ này như con gà và cái trứng. Cho nên không có gì lạ nếu nhiều người Việt Nam, dù là trí thức và yêu nước thật sự, đã chọn nhầm đảng để trao phó cuộc đời của mình, để đến cuối đời phải than trách. Bởi vì văn hóa nói chung và văn hóa chính trị của Việt Nam xưa nay nói riêng phần lớn vẫn chỉ kiềm kẹp tư tưởng hơn là giải phóng tư tưởng tự do của mỗi người.
Tóm lại, chính trị tích cực hay tiêu cực, tốt hay xấu, chủ yếu là do người thực hiện nó. Chính trị có thể xây dựng và cũng có thể đạp đổ. Trong chính trị, xây dựng thì rất khó mà đạp đổ thì rất dễ. Có người từng nói lãnh đạo là một nghệ thuật. Cũng có người từng nói chính trị là nghệ thuật để đạt được điều mình muốn. Lãnh đạo và chính trị, hay lãnh đạo chính trị, có điểm giống nhau là nghệ thuật. Nghệ thuật ở đây nói cho cùng là con người. Con người là muôn mặt, là đa nguyên, là phức tạp, và là nghệ thuật. Để làm chính trị hay lãnh đạo thành công thì phải hiểu con người. Không hiểu con người thì mọi chiến lược hay nỗ lực đều thất bại. Hiểu con người là hiểu về cảm xúc, quan tâm và lý giải trong đầu óc của họ. Tất cả nằm trong bộ môn tâm lý.
Tôi sẽ trở lại đề tài này vào dịp khác.
(Úc Châu, 01/11/2018)
Nguồn: Phạm Phú Khải\’s Blog / VOA