Sao học giả Trung Quốc chụp lén tài liệu ở Viện Hán Nôm?

Sao học giả Trung Quốc chụp lén tài liệu ở Viện Hán Nôm?

 

\"\"

Chiếc kính được người phụ nữ Trung Quốc dùng để chụp lén tài liệu.  Courtesy: FB Nguyễn Xuân Diện

Quy định và Xử Lý

 

Luật sư, Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn sau khi nghe tin về vụ việc lên tiếng với RFA rằng điều đó thật sự nguy hiểm và ông cảnh giác: “Chính ra nên chọn lọc đối tượng nào có thể vào đọc những thông tin đó chứ không hẳn cho họ vào họ đọc công khai rồi họ dùng những phương tiện để mà họ có thể sao chép như vậy.”

Trong khi đó theo Luật sự Nguyễn Văn Hậu thì trường hợp như thế chưa đến mức giao cho cơ quan chức năng xử lý.

“Tôi thấy về mức độ mình phải xem động cơ của người này chụp để làm gì, bởi vì khi nội quy của viện Hán Nôm cấm chụp hình nhưng lại cố chụp hình, cần phải biết chính xác mục của người đó là gì, còn nếu chỉ để nghiên cứu, tham khảo thì mức độ này Viện Hán Nôm chỉ ngăn chặn không cho người đó chụp hình thôi. Chứ chưa đến mức giao cho công an xử lý.”
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu thì trong trường hợp người phụ nữ liên quan vẫn tiếp tục cố tình sao chép thì pháp luật mới xử lý.
Còn theo luật sự Đặng Đình Mạnh, đối với các tài liệu mà có thể cho người nước ngoài đọc như vậy thì chắc chắn đó không phải là tài liệu mật, cho nên nếu tại thư viện cấm chụp hình mà bị phát hiện thì Viện có thể xử lý ngăn cản hoặc cấm không cho vào nữa.
“Mình có pháp lệnh về việc giữ bí mật thì trong cái văn bản đó thì có quy định rõ những loại tài liệu nào của cơ quan nào thì được coi là mật và nếu tài liệu mật thì chắc chắn nó không được phép lưu hành cũng như giới hạn số người được phép xem. Nếu vi phạm đó là một tội hình sự.”
Luật sư Mạnh còn cho biết thêm, đối với người nước ngoài khi muốn xem thì họ phải xuất trình được giấy tờ chứng minh họ là ai thì mới được vào xem nhưng họ được phép tiếp cận như vậy thì anh không rõ tài liệu đó là mật hay không mật.
Đồng ý quan điểm này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng đã gọi là tài liệu mật thì sẽ qua rất nhiều quy trình để được tiếp cận, nhiều khi bất khả xâm phạm.
“Việt Nam có luật tiếp cận thông tin có quy định rất là rõ là khi mình tiếp cận thông tin những gì được gọi là bí mật của đơn vị đó hay của một quốc gia, nếu anh muốn tiếp cận thì anh phải làm theo một thủ tục của luật quy định, bởi vậy trong trường hợp cố ý chụp lén lút này có thể bị xử phạt hành chính, đối với người nước ngoài có thể trục xuất người đó theo thủ tục hành chính nếu không có đủ yếu tố để xử lý hình sự.”

Tài liệu Hoàng Sa

 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện trình bày với RFA người phụ nữ Trung Quốc có gửi đơn cho Viện Nghiên Cứu Hán Nôm trong đó nêu 15 đầu sách đề nghị được đọc. Tuy nhiên Viện Phó Viện Nghiên Cứu Hán Nôm chỉ đồng ý cho 7 mà thôi.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói rõ trong 7 đầu sách đó có 1 bộ sách gọi là Minh Mệnh Chính Yếu. Tài liệu Minh Mệnh chính yếu mà người nữ học giả Trung Quốc chụp lén là ghi chép các chính sách quan trọng dưới triều Minh Mệnh, chia thành 22 mục: Kính Thiên, Pháp tổ, Đôn thân, thể thần, Cầu hiền, Kiến quan, Cần chính, Aí dân, Trọng nông, Sùng kiệm, Lễ nhạc, giáo hóa, Chế binh, Thận hình, Tài phú, Pháp độ, Dùng văn, Phân vũ, Quảng ngôn lộ, Cố phong thủ, Phủ biến, Khu viễn.

Minh Mệnh chính yếu là tư liệu có liên quan đến Quần đảo Hoàng Sa.

Tình báo?

 
Sau khi sự việc vừa nêu được lan truyền, nhiều cư dân mạng xã hội xôn xao cho rằng người phụ nữ sao lén lút sao chép tài liệu của Viện Hán Nôm như thế có thể là nhân viên tình báo, điệp viên của Trung Quốc. Mục đích đến thăm dò cũng như sao chép lại toàn bộ tài liệu lịch sử quan trọng của Việt Nam liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì cho rằng không có gì để khẳng định điều đó cả:
“Cái đấy chúng tôi không biết được và cũng không có gì để khẳng định cả, chỉ biết là cô này đến đọc sách và có vi phạm một số quy định tại thư viện là chụp hình trong thư viện, chúng tôi lập biên bản và không cho cô ấy đọc sách vậy thôi, chứ còn chuyện điệp viên hay tình báo thì chúng tôi không được biết và chúng tôi không có quyền phán xét điều đó.”
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đây không phải là lần đầu xảy ra tình trạng tương tự tại Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội. Trước đây, cũng có một thanh niên người Trung Quốc trẻ hơn đã dùng điện thoại để chụp lại một số tài liệu cổ và cũng bị phát hiện, tịch thu và xóa hết dữ liệu.
Trường hợp các tài liệu của Viện nghiên cứu Hán Nôm thỉnh thoảng vẫn hay được các học giả Trung Quốc ghé thăm và chụp trộm một số tài liệu cổ như vậy, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện khẳng định rằng về đạo đức của một nhà khoa học thì không cho phép làm như vậy.
“Thứ nhất nó vi phạm quy chế của thư viện, đó là hành động gọi là chụp trộm, chụp lén không được phép và đạo đức của một nhà khoa học thì không được phép làm như vậy. Cái thứ hai thì bất kỳ tài liệu gì hay như thế nào mà lấy về một các trái phép và không lành mạnh như vậy thì không một nước nào người ta ủng hộ chuyện đấy cả.”
Nhiều người Trung Quốc lâu nay bị các quốc gia khác phát hiện đến nước sở tại để thu thập tin tức bí mật cho chính quyền Bắc Kinh. Tờ Financial Times của Anh vào đầu tháng 10 vừa qua dẫn 4 nguồn thạo tin từ Nhà Trắng cho biết rằng chính quyền Mỹ từng có cân nhắc việc ngưng cấp thị thực cho sinh viên Trung Quốc sang học tại các đại học ở Mỹ vì quan ngại về hoạt động gián điệp.
Nguồn: RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment